Phía sau việc cháu bé bị hành hạ nhẫn tâm trong ngôi chùa ở Hưng Yên

Nhóm P.V |

Câu chuyện ấy có vẻ như chỉ gây ồn ã, bất bình trong dư luận chốc lát, rồi lắng hẳn vào quên lãng. Chẳng ai còn nhớ cháu bé tên gì, bị hành hạ dã man ở chùa nào, vị nữ tu gây ra chuyện sốc đó tên là gì. Cuộc sống là thế, thời gian như… vặt lông một con vịt, đôi khi nó làm người ta vô cảm, trơ lỳ.

Nhưng! Vẫn còn đó cái ám ảnh về việc vị ni sư nhận trẻ em nghèo khổ về nuôi, nhận xong, đưa ít tiền cho mẹ nó khiến chị ta buồn khóc “em có bán con mình đâu”, rồi về dạy dỗ chẳng ra làm sao, cháu hư, cháu bị nhốt, bị tra tấn, hành hạ, bị bỏ đói, bị đánh toé máu khắp cơ thể, bằng những trò tàn độc nhất. Cháu bị nhốt trong nhà kho, 3 ngày chỉ cho ăn một bát cơm với muối trắng. Nếu lương dân không phá cửa, cắt khóa giải cứu mang cháu đi viện, thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

“Vỡ ổ con chuồn chuồn” với những chuyện khó tin

Chúng tôi muốn kể câu chuyện: Cháu bé Vũ Thị P, nghi là bị sư trụ trì chùa Thiên Tâm (thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tên là Thích Diệu Tịnh đánh, nhốt thương tâm. Mọi chuyện có vẻ rõ như ban ngày rồi, khi mà vừa qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định kỷ luật đối với sư cô Thích Diệu Tịnh do thiếu trách nhiệm trong điều hành Phật sự, gây ảnh hưởng đến uy tín của giáo hội. 

Theo đó, sư trụ trì Thích Diệu Tịnh phải thành tâm sám hối, tự viết bản kiểm điểm về những lỗi lầm, thiếu sót của mình. Đồng thời, Ban Trị sự GHPG tỉnh Hưng Yên cũng quyết định yêu cầu Ban Trị sự GHPG huyện Yên Mỹ và sư cô Thích Diệu Tịnh liên hệ với cơ quan chức năng, làm thủ tục trao trả cháu Vũ Thị P về gia đình hoặc nhờ các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện nuôi dưỡng. Ngoài ra, trong vòng 10 năm (2016 - 2026), sư trụ trì không được độ đệ tử xuất gia và không được nuôi trẻ em tại chùa.

Chuyện kỷ luật đã rõ, nhưng đã ai làm rõ việc cháu bé thật ra bị “tra tấn” thế nào chưa, ai là người nhẫn tâm nhất ở đây, bà con đã và đang nghĩ gì về cảnh cháu bị đối xử tàn ác suốt bao năm qua? Về xã Giai Phạm, suốt cả một buổi chiều ngồi với cháu bé Vũ Thị P, chúng tôi rất ngạc nhiên là tại sao cháu mới 10 tuổi đầu, 5 năm ở nơi cửa Phật, mà cháu lại gan lì cóc tía, bướng bỉnh khó bảo đến mức không thể tin nổi như thế? Họ có dạy dỗ cháu không? Hay họ hành hạ cháu đến tổn thương ngơ ngẩn ra rồi? Cháu không nói gì, bảo không nghe, gọi không thưa, khách vào không chào.  
 

Cứ nằm và ngồi ngẫu hứng khiến nhiều người tin rằng cháu bị choáng váng sau những ngón đòn, sự “trừng trị” độc địa của những người liên quan đến ngôi chùa kể trên. Sau chúng tôi biết, công an địa phương về lấy lời khai của cháu rất kỹ, đưa cháu đi bệnh viện giám định sức khỏe sau các trận đòn rất cẩn thận. Và dần dà mới lộ ra, cháu đã không được dạy dỗ tử tế. 

Các bà vãi nói với chúng tôi rằng cháu ăn trộm tiền ở ban thờ Phật, tiền triệu của nhà chùa rồi ghi sổ cho vay lãi (?). Nghe cứ vô lý đùng đùng, nhưng cháu thì thú nhận mình có ăn trộm 6 nghìn đồng để mua quà bánh ăn vặt. Nhà chùa “khênh” cháu đi khắp nơi, chăm sóc qua loa, cẩu thả, cháu vô tội như tờ giấy trắng, giờ cháu hư, ai là người đáng oán trách nhất? Sư trụ trì nuôi dưỡng cháu bé kiểu gì để đến nông nỗi đó?

Xin hãy lắng nghe những con người tử tế này nói. Ông Nguyễn Hữu Chuyên và vợ ông là bà Phạm Thị Phức đã cùng bà con giải cứu rồi đưa cháu về nhà mình nuôi dưỡng. Họ dang tay cứu cháu, mà không cần biết cháu con cái nhà ai, trong khi vị sư trụ trì nhận cháu về nuôi để tích đức, thì lại đối xử với cháu bằng cái cách mà cả xã hội đang lên án. 

Một cán bộ Chi hội Phụ nữ thôn Lạc Cầu kể về hình thức “tra tấn” cháu bé, như sau: “Khi cháu ở chùa, bữa đến, nhà sư toàn ăn cơm trước, không bao giờ cho nó ăn cùng. Ăn xong mới bắt đầu cho nó ăn cái còn thừa. Ăn xong nó cất dọn, rửa bát đũa, hôm đó lúc dọn còn thừa một tí thức ăn, nó nghĩ là không còn ai ăn nữa nên nó đổ xuống cống. Chỉ vì lý do như thế, mà người ta bắt nó chui vào cống nhặt hết thức ăn ra. Khi nó ở chỗ cống chịu phạt thì hai người đi đường trông thấy”. Chúng tôi đến gặp từng người đã chứng kiến cháu P bị hành hạ trong suốt thời gian dài để phỏng vấn. Một người nói: “Khi họ ẩy nó vào cống, hai bà hàng xóm qua thấy thế thì kéo nó ra. 

Kéo ra rồi họ lại phạt tiếp. Đầu cống nước nhà chùa lại đúng là cuối cống nhà Q, họ vô tình mở cửa ra và trông thấy”. Ông Chuyên kể tiếp: “Họ còn bắt nó ra cống nước thoát sàn của nhà bên trên chảy xuống (cống nước đi qua cái sân sát tường hè của chùa). Bắt ngồi ở đó để cho nước cống chảy vào đầu nó. Ngồi hàng tiếng đồng hồ, rồi nhà bên cạnh người ta thấy thế người ta vào xin cho cháu mà nhất định họ không tha. Khi cháu vi phạm điều gì, họ cứ lấy cán chổi quét sân họ đánh, chổi cán cây, chỉ to hơn ngón tay cái thôi thì nó quật cho đau lắm, chảy máu ra. Nhốt con bé nhiều lần ở đấy lắm rồi. Con bé kể, con nhớ một lần là bị dìm xuống cái ao. Túm cổ áo dìm xuống lại nhấc lên, nó uống nước no. Tôi cố lắm mà không thể nào hình dung được một nhà sư lại có thể đối xử với con trẻ như thế”. 
  Cháu P khi mới được người dân “giải cứu”.

“Thầy dìm cháu xuống ao, đánh cháu ngất ở ngoài đường”

Ông Chuyên và bà Phức cũng nhấn mạnh, khi công an đến lấy lời khai, ông là người trực tiếp ngồi đó, với tư cách giống như là người nuôi dưỡng giám hộ cho cháu, cháu P khai để các đồng chí công an viết, “tội ác” dài hết mấy tờ giấy phê đúp. Ông Chuyên ám ảnh nhất là cái trận cháu P bị đánh, “cháu chạy ra đường rồi túm nó kéo mấy chục mét. Kéo lê nó ở đường cái mà người ta đang làm ấy, đường đầy sỏi. Mặt mũi xước hết, máu chảy rớm ra đầy cả người. Vết sẹo dài ở bên chân, bên đùi vẫn còn, rồi sẹo trắng rất nhiều. Có lần đánh nó ngất, chú Bốn ở cạnh chùa bế vào, sư cũng mặc kệ”.

Gần đây, khi chúng tôi tìm gặp được chị Vũ Thị Oanh, mẹ đẻ cháu P (đang sống ở Hải Phòng), rồi PV Lao Động trực tiếp can thiệp với hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hải Phòng để xin cho cháu P chuyển từ Hưng Yên xuống đó học, thì mẹ cháu P quá cảm kích. Chị động viên cô bé gan lì cóc tía hãy viết ra đúng những gì con trải qua trong ngôi chùa với vị sư kỳ lạ kia. Một tuần sau, bé P bắt đầu viết từng trang, từng trang giấy học trò. Trang vở nào cũng dăn deo, xé nham nhở, có khi chỉ là miếng giấy nhỏ, chữ nghĩa thì sai chính tả “lờ”, “nờ” lung tung. Nhưng, những gì cháu viết, có sự đảm bảo cam kết “đúng thế” của người nuôi cháu và của mẹ đẻ cháu.

  Những vết sẹo trên người cháu P do bị nhà chùa đánh đập.

Theo đó, cháu bị hành hạ đúng như những gì bà con đã kể, có thể lược trích lại một chút từ tài liệu khó có thể thuyết phục hơn này. Xin trích từng chữ của cháu P viết (xem ảnh chụp bản chữ): 

“Thầy đánh cháu rất nhiều. Một hôm cháu đổ thức ăn xuống cống bị thầy phát hiện, thầy bắt cháu phải chui vào cống để dọn sạch, rồi bắt cháu chui vào cống rãnh nước thải của nhà bà Rô. Một hôm thầy bắt cháu lau dọn nhà cửa xong còn bẩn thì thầy đánh cháu bằng cán chổi và lấy chân đạp lên đầu chảy máu.

Một hôm cháu đi vắng, thầy cháu dốt (nhốt) cháu vào phòng rồi bảo bà Hoàn mang cơm cho cháu và (Bà) bảo: Mày ăn hai bữa, rồi bà cho một chai nước. Trước khi đi thầy đánh cháu một trận, thầy kéo lê cháu đập đầu xuống đất chảy máu, thầy đạp cháu 4 đến 5 lần rồi dốt (nhốt) cháu vào phòng.

Một lần thầy đi có việc về thì thầy đánh cháu chạy ra đường rồi thầy đánh cháu ngất ra đường, có chú Bốn bế cháu vào để tắm rửa rồi xin cháu về nuôi nhưng thầy không đồng ý.

Năm ngoái, cháu ở chùa bị thầy đánh cháu rất nhiều. Một hôm đói quá cháu lấy 6 nghìn để mua bánh mì để ăn. Trong hôm đó thầy phát hiện rồi thầy lấy cán chổi đánh vào đầu cháu, rồi lấy chân đạp, làm cháu bị chảy máu. Mấy hôm cháu phải thức đêm để bóp đầu, bóp tay chân. Có hôm cháu bị thầy dìm xuống nước ao”.

Nỗi căm phẫn của bà mẹ trao con cho nhà chùa “nuôi để tích đức”

Trở lại với gia cảnh của cháu P trước khi được “gửi” vào cửa Phật và gặp tai họa ở đó. Chị Vũ Thị Oanh, năm nay 38 tuổi (thường trú tại Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Mẹ Oanh chết sớm, khi chị em Oanh còn bú mớm thì “một bà thím” đến giúp bố Oanh trong cảnh gà trống nuôi con. Lửa gần rơm lại thêm cái tính lăng nhăng của cả hai phía, bố Oanh có con với chính người chị em dâu của người vợ vừa nằm xuống kia. Ít lâu sau ông lại tiếp tục lấy vợ. Cả thảy các mối tình và các bà vợ, ông có 8 người con. 
  Ngôi nhà nhốt cháu P, cả cửa chính lẫn cửa sổ đều bị khóa hoặc chèn gỗ để không ai có thể mở được 

Sống trong cảnh “con anh con tôi con hai chúng mình”, dì ghẻ ghét bỏ, Oanh sớm bị vu cho tội ăn cắp và bị đuổi ra khỏi nhà, trong cảnh không được đi học bao giờ, dĩ nhiên là không biết chữ. Lang thang bến tàu bến xe, làm thuê làm mướn, Oanh phải lòng một anh chàng “có số má” ở bến xe Hà Đông (Hà Nội). 

Anh ta đã có vợ, cứ bỏ mặc Oanh với cái thai. Đẻ con xong, không công ăn việc làm, tìm xuống Hải Phòng sống tại phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền; phải lòng một anh đạp xích lô tên là Thiệp, cũng là dân anh chị, Oanh bơ vơ đi xin việc mà chẳng ai nhận. Khi cháu P được 5 tuổi, qua một người bà con, vị sư trụ trì chùa Thiên Tâm ở Hưng Yên đã đặt vấn đề xin cháu P về chùa nuôi để “tích đức”. Oanh đồng ý, nhà chùa đưa cho Oanh một ít tiền, cô nhận nhưng ngẫm tủi thân và cũng hơi chờn chợn: Mình có bán con ruột của mình đâu nhỉ.

Sau đó, cháu P được đặt tên “kiểu nhà chùa” là Hạnh Nguyện. Thời gian P về chùa sống, lúc ở Hà Nam, lúc sang Hưng Yên theo chân “mẹ mới” là một vị sư; Oanh nhiều lần liên lạc hỏi thăm con, nhưng nhà chùa luôn nói dối là cháu đi học, đi chơi, đi tham quan, cháu chăm ngoan học giỏi, cứ yên tâm. Đùng một cái, qua báo chí truyền hình, Oanh biết con mình bị đối xử tàn ác, bị hành hạ dã man.  
  Khi người dân phá cửa “giải cứu”, họ thấy cháu P ngồi dưới gầm bàn.

Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi, Vũ Thị Oanh khóc nức nở: “Tôi mù chữ. Chồng đạp xích lô, tôi đi làm công nhân, lương bèo bọt, nuôi hai con nhỏ, mỗi tháng mất veo 6 triệu đồng thuê một căn phòng nhỏ trong xóm liều đất cảng. Thiếu thốn mọi bề nên tôi phải gửi cháu vào cửa Phật, để hy vọng tương lai của cháu không mờ mịt như mẹ. Vậy mà, bây giờ nhìn thấy cháu P, đầu toe toét, nhiều vết sẹo dài tới cả chục xăngtimét. Sao không đánh vào chỗ nào, cứ nhè đầu cháu mà nện, nay chi chít sẹo, khiến da đầu trồi lên trắng toát, tóc không mọc được thế này? Các trò tra tấn cháu, khi cháu kể lại, khi bà con tường thuật lại, tôi nghe mà thấy như trời long đất sụp đổ, đêm nào tôi cũng mất ngủ”. 

Trong đơn tố cáo gần đây gửi cơ quan công an và Trung ương GHPGVN, chị Oanh viết, đại ý: Tôi cùng đường nên phải đem con gửi nơi cửa Phật, những mong cháu được hưởng sự từ bi bác ái của sư trụ trì, người vẫn ngày đêm niệm Phật, ai ngờ chính vị sư đó lại hành hạ đánh đập con tôi một cách đau xót nhất.

Vụ việc sẽ đi về đâu, sao có thể để vài khuyết điểm được nêu ra, một lời nhận lỗi là hòa cả làng. Đây là sự bạo hành vi phạm luật pháp, vi phạm quyền trẻ em, đáng lên án hơn là nó lại xảy ra ở trong một ngôi chùa có tiếng, nằm cách thủ đô có đôi ba chục cây số. Những vết thương khủng khiếp, những ám ảnh tổn thương suốt đời với bé gái 10 tuổi kia vẫn còn đó. Đầu xanh có tội tình gì? Khi các phóng viên chúng tôi vào chùa, thì các vãi lần nào cũng báo là sư đi vắng. Nhiều người chặn đường chửi chúng tôi tàn tệ.  
Chữ viết tay của cháu P gửi báo Lao Động 

Cán bộ cơ sở xác nhận, có dấu hiệu, “ai đó” đứng ra vận động, thậm chí bỏ tiền ra để mua chuộc những kẻ “bừa phứa” kia gây sức ép, đơn thư, kiến nghị tìm cách “bảo vệ” đối tượng vi phạm. Đặc biệt, chúng tôi cầm trong tay lá đơn kêu cứu của ông Diệp, một trí thức địa phương, bị nhiều người kết bè kết cánh kéo đến tận nhà chửi bới đe dọa. Chỉ vì ông này dám đem tờ báo có bài viết về tội ác của những kẻ hành hạ cháu P ra đọc cho một số bà con không có “mạng”, không tỏ mặt chữ nghe. 

Khi mà câu chuyện đã hai năm rõ mười, vị sư gây ra điều tai quái đã phải nhận lỗi rồi, thì cớ sao có những kẻ đến tận nhà quăng mồm chửi bới gia đình ông Chuyên, bà Phức (những người đã cưu mang cháu bé) một cách coi thường pháp luật như thế được? Sao họ lại chửi cả chúng tôi, trong khi chúng tôi là những nhà báo đi làm việc một cách quang minh chính đại, công tâm nhất? 

Đề nghị các cấp chính quyền cần nghiêm khắc xử lý, chấm dứt tình trạng “rách giời rơi xuống” kể trên, đồng thời sớm trả lời gia đình chị Oanh, trả lời công luận về các kết quả giám định, điều tra, xử lý các vi phạm tày trời đó. Chúng tôi, những người viết bài này, cũng đều theo đạo Phật, có pháp danh và hằng đêm ngồi thiền. Chúng tôi hiểu, sự nghiêm khắc, trọng đạo, trọng luật pháp kể trên, đó cũng là cách tốt nhất, để mỗi chúng ta bày tỏ niềm yêu kính đức Phật và đạo Phật nói chung.
  Đơn kiện của mẹ cháu P gửi cơ quan bảo vệ pháp luật và các tổ chức tôn giáo.
“Các chú nhà báo, đã xin nhà chùa chưa mà chụp ảnh giấy mời, đề nghị xóa hết…”

Có lẽ độc giả sẽ phần nào hiểu hơn về chân dung vị sư bị “điều tiếng” mà bài viết này đang đề cập, sau khi xem các đoạn trích “căng thẳng” trong việc nhà báo, phóng viên về chùa xin được tìm hiểu vụ việc cháu P bị hành hạ, bị nhốt trong nhà kho với nhiều thương tích (trong băng có lời của sư thầy Thích Diệu Tịnh và những người “quản lý” ở chùa):

Giọng “người ở chùa” rất căng thẳng: “Ai báo với các chú là chiều nay Ban trị sự (GHPG tỉnh Hưng Yên) về (chùa Thiên Tâm) đây làm việc (xung quanh chuyện cháu bé bị hành hạ, bị nhốt, bị bỏ đói đang gây ầm ỹ dư luận và báo chí) đấy? Nhà chùa không nhận được giấy báo của thầy Quang (lãnh đạo GHPG tỉnh Hưng Yên), nếu có thì thầy sẽ về đây làm việc với các chú, còn nhà chùa không phải là người để... Hôm nay nhà chùa rất là mệt, hẹn dịp khác để tiếp các chú (nhà báo). (…) 

Trong bài báo các chú đưa lên có sự hành hung của nhà chùa (với cháu P); đưa ra bài toán xuất trình; bỏ đói chúng nó (cháu P), không cho chúng được đi học, đồ ăn bỏ đi... ta sẽ bàn sau. Ngày hôm nay các cô sẽ không trả lời bất kỳ vấn đề gì về các bé (nhà chùa nuôi dưỡng, như cháu P). Còn hôm nay các cô sẽ không trả lời, có các cụ, người dân ở đây làm chứng, ký vào văn bản: Nếu mà hôm nay các chú (nhà báo, phóng viên) nào đưa lên một sự việc rằng là nhà chùa trả lời như thế (thì…) nhé.

…Các chú (nhà báo) đã xin nhà chùa chưa mà các chú chụp ảnh? Cái này nhà chùa đề nghị các chú tháo ngay xuống (xóa bỏ ảnh), với toàn bộ cái giấy mời này, các chú chưa được phép chụp ảnh, chưa được phép của tôi. Nhà chùa đề nghị các chú xóa ngay hết toàn bộ (ảnh chụp cái) giấy mời trong máy ảnh. Nếu hôm nay ai đưa lên toàn bộ giấy mời này, nó liên quan đến lĩnh vực công an đang điều tra(!). Các chú không xóa đi nhà chùa sẽ có khía cạnh khác cho các chú. Bởi vì các chú không xin phép nhà chùa các chú lại đi chụp cái giấy mời để mang tính chất gì. Nếu các chú về điều tra sự việc thì cái giấy mời này không liên quan đến sự việc của cháu bé P.

Tin bài liên quan

 


Nhóm P.V
TIN LIÊN QUAN

Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang bị tố đánh người

Nhóm phóng viên |

Thượng tọa Thích Thiện Văn, là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang, hiện đang trụ trì tại chùa Hồng Phúc (cũng là trụ sở của Ban Trị sự GHPG Bắc Giang) bị tố đánh đập, hành hạ người khác...

Sư trụ trì ''ngày nào cũng say'' lắp camera giám sát trong chùa

|

Nhà sư Thích Minh Thịnh - sư trụ trì Chùa Nhạn Tháp, sau bảy tám năm “mượn cảnh di tích quốc gia đi tu”, đã gây nên nhiều tổn thất to lớn cho không gian cổ kính, trang nghiêm, thanh tịnh của di tích theo một lối kiến trúc không giống ai khiến cho người dân trong vùng rất bức xúc.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang bị tố đánh người

Nhóm phóng viên |

Thượng tọa Thích Thiện Văn, là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang, hiện đang trụ trì tại chùa Hồng Phúc (cũng là trụ sở của Ban Trị sự GHPG Bắc Giang) bị tố đánh đập, hành hạ người khác...

Sư trụ trì ''ngày nào cũng say'' lắp camera giám sát trong chùa

|

Nhà sư Thích Minh Thịnh - sư trụ trì Chùa Nhạn Tháp, sau bảy tám năm “mượn cảnh di tích quốc gia đi tu”, đã gây nên nhiều tổn thất to lớn cho không gian cổ kính, trang nghiêm, thanh tịnh của di tích theo một lối kiến trúc không giống ai khiến cho người dân trong vùng rất bức xúc.