Phóng sự dự thi:

“Ông tiên” không phép màu

Lục Tùng |

Như ông tiên trong chuyện cổ tích, suốt 10 năm qua, ông đã giúp hàng trăm ngàn người nghèo hồi sinh từ cõi chết. Chỉ có điều, ông không có phép màu, mà khởi đầu công việc với hai bàn tay trắng và mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào. Ông là Anh hùng Lao động Trần Lam - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang - mà bà con vẫn gần gũi gọi là ông, bác, chú Bảy Lam.
Hồi sinh từ cõi chết

“Chú Bảy Lam đã sinh tôi lần thứ hai” - đã 9 năm trôi qua, nhưng bà Trương Thị Mai (56 tuổi, ở Kinh 9, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) vẫn nhớ như in cảm giác của người được hồi sinh từ vô vọng. Năm 2004, thấy trong người hay mệt, nhưng nhà nghèo chỉ đủ tiền mua thuốc uống “cắt” cơn. Mãi đến khi bệnh trở nặng, bà phải bán con chó 200.000đ mới có tiền lên Rạch Giá khám... 

Chưa kịp mừng vì may mắn còn vừa đủ tiền mua vé xe về nhà, sau khi trả hết các chi phí xét nghiệm, bà đã rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi bác sĩ thông báo bà bị ung thư tử cung. Đó là “án tử” đối với gia đình nghèo ăn cơm “bữa đực, bữa cái”. Trong những giờ phút tối tăm và tưởng chừng như vô vọng ấy, bà đã tìm thấy ánh sáng hy vọng... Được sự giúp đỡ của ông Bảy Lam, năm 2005, bà Mai được đưa lên TPHCM điều trị miễn phí và có cuộc sống khoẻ mạnh...

“Có chết tôi cũng không quên được ơn sâu, nghĩa nặng của bác Bảy” - anh Trịnh Quốc Hưng ngụ số 66/1 Huỳnh Tịnh Của, phường Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá) mở đầu cuộc trò chuyện với tôi. Bị chứng động kinh từ nhỏ, không làm được việc nặng, đã vậy năm 22 tuổi, Hưng lại bị xe chở hàng đâm gãy chân. Vết thương nhiễm trùng, hoại tử phải cắt bỏ. 

Bất hạnh càng dồn dập hơn khi sau đó, bệnh tai biến làm tê liệt vĩnh viễn một cánh tay. Tình thương của cha mẹ, anh chị trong gia đình đã giúp anh gượng dậy, nhưng không đủ giúp anh mua sắm phương tiện đi đứng để tự mưu sinh. Cảm giác sống thừa, ăn bám cứ chì chiết, rồi có lúc tưởng chừng như quật ngã anh thêm một lần nữa. 

Rồi như có phép màu, đúng lúc ấy ông Bảy Lam xuất hiện và anh đã có chiếc xe lắc như mong đợi. “Từ ngày được tặng chiếc xe lắc, như được hồi sinh với đôi chân mới, tôi đi bán vé số dạo, mỗi ngày kiếm 70.000-100.000 đồng, đủ nuôi mình và phụ giúp một phần cho gia đình, cuộc sống có ích hơn” - anh Hưng chia sẻ.

Theo chị Kiều Diễm - Trưởng phòng truyền thông của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang vừa kể chỉ là 2 trong số trên 380.000 lượt bệnh nhân nghèo mà 10 năm qua ông Bảy giúp mắt sáng, tim khoẻ... Và còn có nhiều, rất nhiều ví dụ khác ở không chỉ khắp ĐBSCL, mà còn cả nhiều địa phương trên Vương quốc Campuchia...
Người ăn mày... “vĩ đại”

“Hồi mới khởi sự, chỉ có 2 bàn tay trắng, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phải gặng chắt từng đồng, xin từng thiết bị” - người đàn ông 73 tuổi tên Bảy Lam, giọng run run đưa tôi ngược về thời gian cách đây 10 năm. Chuyện bắt đầu vào cuối năm 2003, được giao nhiệm vụ vận động thành lập hội trong tình trạng không trụ sở, phải nhờ ở Hội Chữ thập Đỏ, không một đồng kinh phí... 

Không bột, nhưng ông vẫn gột nên hồ. Tận dụng mối quan hệ cá nhân, ông “năn nỉ” nghệ sĩ Lê Trinh và Hương Lan ở TPHCM về Kiên Giang tổ chức diễn văn nghệ gây quỹ. Diễn xong, các nghệ sĩ chỉ xin nồi cháo khuya cho ấm bụng, dành toàn bộ 20 triệu đồng tiền bán vé ủng hộ hội. 

Có được tiền, ông càng lo hơn. “Làm gì và làm thế nào để phát huy đồng vốn hiệu quả, bền vững?”. Ông Bảy Lam nhớ lại: “Đang lúc bối rối, chợt nhớ đến nghệ sĩ Kim Cương, người bạn có nhiều kinh nghiệm làm từ thiện, tôi điện thoại và được Kim Cương “kết nối” với ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM. 

 

 Ông Bảy Lam thăm hỏi bệnh nhân thứ 1.000 trong chương trình hỗ trợ bệnh nhân mù Campuchia phẫu thuật thay thuỷ tinh thể.

Bị thuyết phục bởi cái tâm của “lính mới” Trần Lam, sau buổi làm việc ngắn gọn, ông Nghiệp không chỉ trút hết kinh nghiệm tích luỹ trong 10 năm, mà còn chia sẻ nhiều thiết bị trị giá 3 tỉ đồng. Trong buổi bàn giao, ông khéo léo mời lãnh đạo tỉnh Kiên Giang dự để rồi xin được suất hỗ trợ 2 tỉ đồng. Nhờ đó mà ngày 6.4.2004, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang thành lập và đã có trong tay tiền tỉ.

Và có lẽ không quá lời khi gọi ông là “người ăn mày... vĩ đại”. Không chỉ khéo léo kéo được nhiều đại gia, tổ chức từ thiện như: Tập đoàn Nam Cường, đoàn bác sĩ Nhân Ái, Hoa Sen, nhóm bác sĩ Thiện Nguyện TPHCM; các chức sắc tôn giáo như: Đại đức Thích Minh Phú, Thích Minh Nhẫn; ông còn cần mẫn đón nhận từng đồng lẻ của bà bán xôi, người bán vé số. Nhưng điều khiến ông trở nên vĩ đại là sau khi kiếm tiền xong, ông không lao vào việc như cách làm truyền thống, mà thận trọng cân nhắc, suy tính thận trọng để chọn cách làm vừa thiết thực cho bệnh nhân nghèo, vừa nuôi dưỡng hoạt động bền lâu của hội. 

“Qua nhiều lần bàn bạc, hội chọn chương trình đem lại ánh sáng cho người nghèo mù làm khâu đột phá”. Ông tự tin: “Vào thời điểm đó, Kiên Giang có trên 12.000 người mù do bị đục thuỷ tinh thể. Phẫu thuật, không chỉ giúp một người bước ra ánh sáng, mà còn giảm tải cho nhiều người xung quanh, xã hội sẽ ủng hộ”. 

Đúng như ông nghĩ, sau 10 năm, hội đã vận động được trên 500 tỉ đồng hỗ trợ 5 chương trình người nghèo: “Đem lại ánh sáng cho người nghèo mù”, “Mổ tim bẩm sinh cho trẻ em”, “Điều trị bệnh phụ nữ”, “Cấp xe lăn cho người khuyết tật”, “Khám - chữa bệnh cho người nghèo” cùng một số hỗ trợ nhân đạo cho vùng sâu như cất nhà, cấp học bổng, làm đường nông thôn, xây trường học...

Anh hùng “chân đất”

Ít người biết rằng, trước khi dấn thân vào sự nghiệp đi ngược về xuôi hỗ trợ bệnh nhân nghèo, ông mang trên mình chứng bệnh hiểm nghèo. Năm 1995, giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến, ông đột ngột xin rời ghế Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ở tuổi ngũ tuần vì căn bệnh viêm gan C cấp.

 Vì sao một người đang đối mặt với cái chết lại có đủ sức lực và tâm trí để cứu người nghèo khỏi bệnh? Không trực tiếp trả lời câu hỏi, ông nhẹ nhàng đưa tay chỉ vào con mắt trái mờ đục rồi bảo: “Bị mù từ lúc 5 tuổi do không có tiền điều trị. Hồi đó ba tôi là tá điền ở miệt Hai Ngàn, nay thuộc tỉnh Hậu Giang. Không cầm lòng trước bệnh “trái giống” của con, ba vác mấy bao lúa trong nhà xuống xuồng chở đi bán lấy tiền trị bệnh, nhưng giữa đường cặp-rằn (tay chân của địa chủ thời đó) gặp, bắt tịch thu. Không tiền điều trị, bệnh đã lấy đi ánh sáng mắt trái”.

Sớm cảm nhận được nỗi đau của người nghèo mắc bệnh, cộng với “những điều nghe thấy mà đau đớn lòng” trong những năm tháng đi nhiều nơi để trị căn bệnh hiểm nghèo đã thôi thúc ông dấn thân... vào sự nghiệp hỗ trợ bệnh nhân nghèo với tầm nhìn chiến lược khi thiết lập nên những mối quan hệ lâu dài, bền vững. Điển hình là trường hợp Tập đoàn Nam Cường (Hà Nội). Đồng cảm với việc làm, tin tưởng tấm lòng của ông, Chủ tịch HĐQT Trần Văn Cường đã hỗ trợ hội trên 10 tỉ đồng. Sau đó, ông Cường qua đời vì bệnh hiểm nghèo, vợ ông là bà Lê Thị Thuý Ngà lên thay và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với hội. 

“Công khai, minh bạch, tâm huyết, hết lòng vì công việc là những phẩm chất mà anh Bảy Lam đã từng thuyết phục vợ, chồng tôi đặt niềm tin để làm từ thiện. Vì vậy tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng anh và hội hỗ trợ người nghèo trong thời gian tới” - bà Thuý Ngà chia sẻ với tôi trong lần về Kiên Giang mới đây. Còn GS Vũ Khiêu, tuy tuổi cao, sức yếu cũng trang trọng hạ bút gởi câu đối tôn vinh tài đức của ông: “Lòng từ thiện trùm lên đại chúng/ Chí anh hùng rực sáng từ tâm”.

“Tả xung hữu đột” chuyện trước mắt, rồi cần mẫn thiết lập chiến lược tài trợ cho hoạt động trong tương lai, nhưng từ ngày thành lập đến nay, anh Bảy chủ động xin không nhận lương để tiết kiệm chi tiêu cho hội” - chị Kiều Diễm bật mí. Thậm chí ông cũng không sắp xếp cho mình phòng làm việc riêng. Khi tận dụng mọi bộ bàn ghế tại văn phòng, khi thì ngồi tạm tại phòng khách làm việc để... tiết kiệm. 

Và ngay ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) cũng không quá nhiều người biết được năm 2008, ông được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Không trống, không kèn, ngày đón nhận danh hiệu cao quý này, ông chỉ mời vài người thân đến chia vui gọn nhẹ để sau đó tiếp tục xách cặp đi vận động tiền của, thuốc men, thiết bị y tế... Ngay cả khi đứng trên “đỉnh cao danh vọng”, ông Trần Lam vẫn giữ được cái tâm hướng về người bệnh nghèo như vậy đấy...

Lời bình:
Đọc xong phóng sự, tôi muốn gọi nhân vật Trần Lam là hiệp sĩ hơn là một anh hùng. Có lẽ dù được phong tặng “Anh hùng lao động”, nhưng danh hiệu không là mục đích sống của ông. Tấm lòng yêu thương tha nhân sâu sắc của ông không hợp với ánh đèn sân khấu hào nhoáng, mà là những nơi khốn khổ của cuộc đời. 10 năm ròng rã, ông đã cúi xuống với những thân phận đau đớn nghiệt ngã để kéo họ gượng dậy, đã có mặt kịp thời để giúp nhiều bệnh nhân bước qua khỏi lằn ranh sinh tử. Và hình như, ông không có ý định dừng lại bước chân hành hiệp của mình, dù tuổi đã cao.
Lê Thanh Phong
 

Lục Tùng
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".