“Những Yết Kiêu Rừng Sác” không bị lãng quên

THÙY ÂN |

Ngày đầu tiên của năm mới, đọc hết hai cuốn “Một thời Rừng Sác”, tôi quyết định đi Cần Giờ, tìm gặp xem đặc công Rừng Sác là ai…

Hai “Yết Kiêu Rừng Sác”

Trưa mùng 2 Tết Ất Mùi (20.2), ông Út Kia (nguyên Chính trị viên trưởng C2, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác) bất ngờ khi biết có nhà báo tới chơi. Ông Út Kia cười khi nghe chúng tôi nói: “Tới xã Long Hòa (Cần Giờ) thăm cựu binh đặc công Rừng Sác cũng phải cố theo lối… đặc công - bí mật, bất ngờ”. Ông Út Kia tính: “Từ lúc nhập ngũ, năm 1963 mới là lính tác chiến hàm binh nhì, tới hết chiến tranh (30.4.1975), tôi tham gia hơn trăm trận đánh. Sông Ông Kèo là nơi C2 (có hơn 80 người, hầu hết là từ miền Bắc) đóng quân, nhiệm vụ chính là đánh tàu vận tải của Mỹ. 

Đặc công bộ tôi học là CK1, CK2 là đặc công nước (đều thuộc Trung đoàn 10, Trung đoàn được tuyên dương AH LLVTND ngày 23.9.1973). Là chính trị viên, nhưng tôi mê tác chiến. Học mới hết lớp 5, nhưng những gì liên quan tới vũ khí, học nhanh lắm. Khẩu hiệu của chúng tôi thời chiến là “Rừng Sác là nhà, sông Lòng Tàu là trận địa, bến bãi, kho tàng là nơi quyết chiến điểm của Trung đoàn 10”. 48 năm đã qua, tôi vẫn còn nhớ tới trận càn Junction City năm 1967 là một trận ác chiến nhất, lúc đó tôi ở Đại đội 4, bên pháo cối. Sau trận này, phải nói là chúng ta thắng lợi, nhưng tổn thất không nhỏ. Một tháng sau trận này, chúng tôi không có gạo ăn, không được tiếp tế. Chúng tôi bám trụ Rừng Sác được là nhờ người dân. Công lao của người dân vùng Rừng Sác rất lớn, chúng tôi không bao giờ quên”.

Ông tiếp: “Lính đặc công thì cũng là người… bình thường thôi, đâu phải “hồn ma bóng quế” gì. Nhưng đặc công là phải có tài quan sát, trinh sát mục tiêu phải có tài nghệ. Ở môi trường này, hóa trang đánh sao cho phù hợp, ngoài chuyện được dạy, thì tự mỗi người phải sáng tạo. Thời nào cũng vậy. Tôi coi tivi, thấy lính đặc công bây giờ tinh nhuệ hơn thời chúng tôi rất nhiều, được huấn luyện thiệt khoa học…”

Qua chiều mùng 5 tết, chúng tôi lên Biên Hòa (Đồng Nai) tới thăm ông Bảy Ước - đại tá Lê Bá Ước - Anh hùng LLVTND, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 10, Chính ủy Sư đoàn 2, đặc công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Bảy Ước cười khà khà: “Ừa, tới chơi, hỏi chuyện đi, không tôi già quá rồi, là tôi… chết đó”. Ông Bảy Ước được mệnh danh là “pho sử sống”, “linh hồn” của đặc công Rừng Sác. Cái đầu của ông Bảy Ước từng được Nha cảnh sát Đô thành Sài Gòn “ra giá treo thưởng” 100.000 đồng - khoảng 3 kg vàng thời điểm 1966 - 1967. Nói đến công lao của người dân với đặc công Rừng Sác, người lính già nghẹn ngào: “Một lon gạo, một nhúm muối dân vượt bao khó khăn, hiểm nguy mang tới nuôi chúng tôi, chúng tôi không bao giờ quên ơn. 10 năm trời, ở một vùng chiến khu như Rừng Sác, nếu không có dân đùm bọc, chúng tôi khó chiến thắng kẻ thù. Bài học dựa vào dân để sống luôn còn giá trị”.

Nghe chúng tôi hỏi tới những sáng kiến trong những cách đánh đặc biệt của đặc công Rừng Sác, điều lâu nay ít được nói tới, ông Bảy Ước hào hứng: “Trung đoàn 10 có cả đặc công bộ lẫn nước, chúng tôi sáng tạo thêm một cách đánh có thể gọi là “pháo đặc công” - huấn luyện đặc công dùng pháo đánh trong điều kiện không có trận địa - dùng DKB, pháo phản lực theo ống được gỡ ra từ dàn pháo Cachiusa BM-21 do Liên Xô sản xuất và viện trợ. Kỹ thuật “mới” chúng tôi sáng tạo đơn sơ nhưng rất hiệu quả, có lẽ người Nga cũng không tưởng tượng ra được là lấy hai cây đước gác chéo như đôi đũa, đặt quả đạn lên. 25 quả pháo, tốn 50 cây đước. Thường chúng tôi đánh trước 5 giờ sáng vì lúc đó còn giờ thiết quân luật, không gây thiệt hại cho dân”.

Ông Bảy Ước nhớ lại: “Thuốc nổ đánh tàu nhiều khi phải tải từ Campuchia về, rất khó khăn, vất vả. Vì thế, chúng tôi cũng có nhiều sáng kiến dùng thuốc nổ. Chúng tôi vẫn đùa với nhau, tụi Mỹ hiện đại, nhưng cũng dở ẹt. Bom B52 nó ném xuống, dứt khoát cũng có 5 - 10% bom lép, Rừng Sác vì là rừng ngập mặn, bùn lầy, bom nóng, xuống sình gặp lạnh phản ứng, trồi lên trên mặt sình, dễ bị “phát hiện”. Tìm được bom lép, chúng tôi cưa bom như cắt quả dưa, một trái bom nặng 750kg cho được khoảng 1 tạ thuốc nổ đủ để đánh một chiếc tàu 10.000 tấn. Nhưng cũng có khi, cưa một quả bom mất cả tháng trời, mà lệnh từ cấp trên là một tuần phải đánh chìm hai tàu ở Nhà Bè để phối hợp các mũi tấn công. Chúng tôi nghĩ ra cách tổ 3 chiến sĩ đưa trái bom gắn kíp hẹn giờ là là sát mặt nước, theo sông Lòng Tàu, cứ thế, đi suốt 15km, cài đặt đúng “tim” tàu, đánh trúng mục tiêu”.

Đại tá Lê Bá Ước. 

 

 Cựu binh đặc công Rừng sác Nguyễn Thành Út. Ảnh: Â.T

Đủ sức bảo vệ tổ quốc

Đoàn 10 đặc công nước - Đặc công Rừng Sác - thành lập 15.4.1966. Binh chủng Đặc công thành lập 19.3.1967. Đặc công được phiên chữ ra từ hai từ là “công tác”, “đặc biệt”. Binh chủng nào cũng có những nét tuyệt vời riêng, nhưng đặc công có nét đặc biệt, cũng như bên tình báo, thường khi phải hoạt động một mình. Một mình chòi chọi trong một trận đánh, thăm thẳm trong đêm sâu vượt sông, chưa nói tới những khi gặp phải cá sấu, áp sát vào tàu, luồn lách, gắn mìn, thuốc nổ… Lính đặc công làm theo lời Bác dạy “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Lịch sử ghi: “Đặc công Rừng Sác đánh gần 600 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận lớn như đột nhập kho bom Thành Tuy hạ, tập kích kho xăng Nhà Bè, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 địch, đánh chìm, làm cháy, đánh đắm, bắn cháy 514 tàu thuyền các loại của đối phương, bắn rơi 29 trực thăng…”. 

Nhưng đổi lại, trong gần 800 chiến sĩ đặc công Đoàn 10 hy sinh, có hơn 500 người vĩnh viễn nằm dưới lòng sông. Một cái giá không nhỏ. Ông Bảy Ước trầm ngâm: “Chiến tranh qua rồi. Nhiều thứ cũng rõ rồi. Trong 860 cán bộ, lính đặc công đoàn 10 hy sinh phần nhiều đến từ 30 tỉnh thành cả nước. Trong một cuộc gặp với 25 vị giáo sư Mỹ đã về hưu tại trường Đại học KHXHNV TPHCM, có giáo sư người Mỹ cũng đặt cho tôi câu hỏi “Ông nghĩ gì khi thấy những người lính của mình lao vào bom đạn và chết?”. 

Tôi trả lời, nói thật với các bạn, trong đơn vị đặc công của chúng tôi có hai dạng thanh niên, một dạng từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào, một dạng từ miền Nam, từ các ấp chiến lược xé rào đi ra, tham gia đánh trận. Những cậu lính từ miền Bắc hành quân vào Nam khi máy bay Mỹ tàn phá miền Bắc tới không còn trường học, cầu cống, trạm y tế nguyên vẹn… Họ suy nghĩ, chỉ còn con đường lao vào đánh kẻ thù để địch chịu không nổi, phải rút lui mới mong cứu gia đình. Lính miền Nam thì nghĩ, muốn cha mẹ mình thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ, ngụy, thám báo, ác ôn, phải đánh cho Mỹ thua, để mong giải phóng cho gia đình. Như vậy, lính của chúng tôi chiến đấu có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, lao vào cái chết không phải chấp nhận làm con thiêu thân. Lao vào cái chết để tìm lẽ sống cho mình, gia đình mình”.

Trả lời câu hỏi “Những kinh nghiệm đánh trận của đặc công Rừng Sác có thể “chiết” ra được chút gì để sử dụng trong công cuộc bảo vệ đất nước chúng ta hôm nay?”, ông Bảy Ước nói: “Tháng 5.2014, khi Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển nước ta, lại còn lu loa Việt Nam dùng lực lượng người nhái đánh tàu của họ, thì chúng ta đàng hoàng, tự tin tuyên bố chúng ta mới có dùng tàu kiểm ngư đẩy đuổi tàu của họ. Rồi Trung Quốc lại tuyên bố họ đã nghiên cứu thành công người nhái có thể lặn sâu 50 mét để chống lại sự tấn công của người nhái Việt Nam. Điều này thể hiện, Trung Quốc để ý rất nhiều và ngán ngại lực lượng thủy binh của chúng ta. Đặc công Việt Nam hôm nay được huấn luyện tốt, được trang bị kỹ thuật hiện đại, cộng thêm những kinh nghiệm đánh trận các thời kỳ, tôi tin rằng có thể đủ sức bảo vệ tổ quốc, và khi cần, có thể chiến thắng”.

Và dự án mới

Khu vực Rừng Sác của huyện Cần Giờ - nơi dân gian vẫn gọi là Đảo Khỉ (rộng 2.100 ha) - đã được xếp hạng: Di tích quốc gia Căn cứ Rừng Sác. Sau dịp lễ 30.4 tới đây, dự án “Quy hoạch, tái hiện, tôn tạo di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ) TPHCM” rộng 1.945ha do Bộ Tư lệnh TPHCM làm chủ đầu tư với sự tư vấn của ĐH Kiến trúc TPHCM sẽ bắt đầu được triển khai. Và đại tá Lê Bá Ước, tất nhiên, được mời làm cố vấn cho dự án. Cần Giờ cũng là Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam. 

Và như vậy, việc quy hoạch, tái hiện lại khu di tích Rừng Sác phải làm sao cho hoàn toàn phù hợp quan điểm bảo tồn, phát triển của UNESCO với vai trò là một phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu giáo dục, đào tạo, giám sát các hệ sinh thái đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia, quốc tế, cũng là nơi quá khứ của một cuộc chiến bi hùng không thể bị lãng quên.

 
THÙY ÂN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.