Những phần đời bị đánh cắp

Nguyễn Thị Thùy Trang |

Năm đứa trẻ bị giam lỏng để phục vụ tại quán phở Lý Quốc Sư trên đường Trần Não được công an quận 2, TP.HCM giải cứu giữa tháng 2.2016. Không lương, không liên lạc với người thân, bị bóc lột thể xác, tinh thần với những trận đòn roi là cuộc sống kéo dài hơn 1 năm qua của các em nhỏ ở đây. Những đứa trẻ ấy chỉ vừa tròn 15, 16 tuổi đời...

“Có người biết cũng không dám báo”

5 đứa trẻ, lớn nhất 16 tuổi, ở lâu nhất 13 tháng, bị giam lỏng ở một quán ăn bao người tới lui, nhưng phải đến khi một em trong số đó bỏ trốn về nhà, trình báo với công an thì sự việc mới được phát giác. “Hàng xóm xung quanh đều biết chuyện đó ạ, nhưng không ai dám nói, họ sợ bị mấy người trong quán đánh. Có nhờ họ báo họ cũng chẳng dám đâu!”. An, một lao động nhí ở đây kể.

Nửa tháng sau vụ việc, 2 trong số các trường hợp đã về với gia đình. 3 em khác được gửi đến Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM để đợi liên lạc với người thân. Vừa nghe cô quản lý khu nhà ở gọi ra sân gặp tôi, em Bình (quê Nghệ An) và Hải (quê Bình Hải) lễ phép vòng tay chào. Riêng An (quê Tây Ninh) lại thoáng vẻ lặng im, chỉ gật đầu nhẹ.

Lớn nhất trong số các bạn bè nhưng An lại có dáng người nhỏ thó hơn cái tuổi 16, chỉ có nét mặt và đôi mắt của em thì đã không còn nhiều sự vô tư, hồn nhiên. Cha mẹ ly hôn, An sống những ngày tháng nay ở với mẹ, mai ở với cha. Người cha đi làm được bao nhiêu đều đổ tiền vào rượu. “Em nói cha kiếm tiền xây nhà mà ông làm được đồng nào là uống hết đồng ấy. Em buồn và chán nên bỏ đi”.

Cậu trai 14 tuổi bắt xe lên TPHCM, lang thang ở khắp các nơi để xin ăn, có tiền lại bắt xe đi các tỉnh lân cận. Cho đến chuyến đi cuối cùng cách đây hơn 1 năm khi em quyết định về nhà thì gặp phải biến cố. “Vừa về đến bến xe Miền Đông thì trong túi hết tiền, một ông xe ôm đã đến bảo sẽ tìm việc giúp em. Nghĩ sẽ ở lại vài tháng làm có tiền xe về quê nên em đồng ý”, An kể. Người đàn ông kia đã đưa An vào quán phở với đám bảo kê, giang hồ. Chính em cũng chẳng ngờ từ đây em phải lưu lại nơi đất khách này thêm hơn 1 năm với những ngày tháng bị giam lỏng, đòn roi.

“Làm được vài ngày em xin nghỉ, họ nói không tính lương được. Em nói không cần lương vì muốn về nhà. Họ nói làm hết 1 năm mới được về. Từ đó em bị giam lỏng, lúc nào cũng bị theo dõi. Gần tết rồi em xin về vì sắp đủ năm, họ cũng không cho. Từ hồi làm ở đó em chưa nhận được đồng lương nào”.

13 tháng ở nơi ấy, với bản tính có phần gan góc của mình, không ít lần An tìm cách bỏ trốn, rồi bị bắt lại, bị đánh bằng dây điện, dây nịt. “Không được ra khỏi quán bao giờ nên em không biết đường, chạy nhầm vào hẻm cụt. Lần khác khi vừa chạy ra được một đoạn thì có người thấy, hô lên rồi bị lôi vào đánh”.

Có phần “nhẹ” hơn An, hai bạn còn lại của em bị giam lỏng ở đó 3 tháng. Cậu bé Bình người Nghệ An, 15 tuổi nhưng nhỏ bé như học sinh tiểu học, đôi mắt em vẫn còn trong trẻo dù là nhắc về những tháng ngày đầy ám ảnh kia. Hỏi em sao lại bị đưa vào đó, Hải ngồi cạnh vội nhao nhao lên: “Là nó tự chui vào đó ạ”.

“Hôm đó em đi xin nước uống ở một quán cơm, ông chủ quán hỏi em có cần việc làm không, em gật đầu đồng ý và được dắt đến quán phở đó. Em vào ngay sau Hải 1 ngày, rồi cũng bị như vậy đến giờ”. Vừa giải thích, cậu bé cười hiền, trong lời nói không có sự trách móc như An, em bỏ nhà đi vì tờ phiếu điểm kém và trận đòn của cha. Chắc vì tự thấy đó là lỗi của mình nên em chẳng dám than trách ai. Em kể: “Ở quán có căn phòng để thịt bò đầy chuột, mỗi lần em làm sai hay bỏ trốn là bị lôi xuống đó. Họ đánh bằng dây điện, đau rát. Xong lại bắt lau sạch mặt rồi lên làm tiếp, đứa nào mặt mếu thì bị lôi vào đánh tiếp đến sợ thì thôi”.

Không thể liên lạc với người nhà, không được đi ra ngoài, đến những người hàng xóm xung quanh dù biết chuyện cũng không dám trình báo. “Có lần cả đám rủ nhau đi trốn, những người hàng xóm thấy còn hô lên để ông chủ ra bắt lại nữa đó ạ”, Bình kể, vẫn cái giọng hồn nhiên. Những điều khiến người lớn như tôi nghe thật sửng sốt thì với em, nó như câu chuyện mỗi ngày trong suốt 3 tháng ở quán phở kia, nơi giam giữ một phần đời của các em!

Khao khát bóng người thân, mái nhà

“Em muốn về nhà”, đó là câu nói tôi chẳng thể nhớ hết là bao nhiêu lượt An bật ra, nhắc đi nhắc lại hễ mỗi lần có cơ hội, khi tôi hỏi, khi những bạn em được hỏi. “Em có hỏi thầy cô xem đã liên lạc được với gia đình chưa?”. “Lên thì vô đây chứ đi đâu ạ. Lên thì sẽ gặp thôi”, vừa nói, mắt An hướng ra phía cổng trung tâm. Hải với Bình chen lời “Nó muốn về nhưng người nhà nó không nhận đó ạ. Hôm trước ở đồn công an họ có gọi cho cha nó rồi nhưng mà ông ấy không nhận”. Giữa tiếng cười vô tư của 2 người bạn còn quá hồn nhiên, thằng bé An im lặng, cúi gằm mặt xuống.

“Mấy lần trốn được, em đã bắt xe về rồi”, giọng An trở nên khô khốc. Một đứa trẻ bản tính gan góc khi bị tổn thương bởi điều thiêng liêng nhất lúc này - gia đình. Nó không vùng lên để biện minh cho mình mà dùng câu nói kia để khiến tôi chẳng thể hỏi thêm hay viện thêm bất kì lý do gì để ngăn cái mong muốn được về nhà của nó. 

Quay sang hỏi Bình cũng với câu có muốn về nhà chăng, cậu bé hồn nhiên ban nãy cũng trở nên rụt rè hơn, “Hôm mới vào đây bố em có đến thăm, em cũng nói muốn về nhà nhưng cả tuần nay chưa thấy tin tức gì”. Hải như chỉ chờ đến đó cũng tiếp lời, “Em cũng muốn về. Dì em ở TPHCM, cũng có lên thăm em nhưng từ bữa đó thì không thấy nữa”. Bỏ dở câu nói, Hải ngoái nhìn ra cánh cổng. Cái bỏ lửng giữa chừng ấy của em cũng tựa như sự chờ đợi của cả ba đứa trẻ. Chờ đợi mỗi lần cánh cửa trung tâm mở ra, chúng lại ngoái nhìn, rồi từng ấy lần quay vào.

Thầy Nguyễn Chính Quyền, Trưởng phòng quản lý học viên của Trung tâm cho hay: “Cha em An có vấn đề về sức khỏe nên dù có muốn đưa em về cũng không thể được. Chúng tôi đang tìm cách khác để liên lạc với mẹ của em. Mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh khó nói. Gia đình hai em kia cũng muốn đón con cháu về nhưng chắc họ còn khó khăn nên cũng phải chờ”.

 

Tại TT Giáo dục Dạy nghê thiếu niên TPHCM, các em được theo học văn hóa, học nghề. Ảnh: Thùy Trang 

Thi thoảng trong cuộc trò chuyện của tôi và các em, thầy Quyền lại bước đến trêu đùa mấy đứa. Các em ngoan ngoãn gọi thầy với cái tên “bố Quyền”. Người bố ấy khi nghe tôi nói rằng có khi nào việc gửi các em về không phải là phương án tốt nhất chăng đã gạt ngay đi. “Mỗi một đứa trẻ hồi gia, bước ra khỏi cổng trung tâm là niềm hạnh phúc của những người thầy cô ở đây. Hãy khoan nói đến việc liệu các em có cuộc sống tốt hơn ở đây không nhưng gia đình vẫn là cơ sở cho một đứa trẻ phát triển. 100 nhà mới có 1 trường hợp như chúng ta thấy ở đây mà thôi. Mãi mãi, gia đình vẫn là nơi tốt nhất cho trẻ”.

Nói là vậy nhưng có lẽ với những vướng mắc thực tại, tôi hiểu rằng điều thầy Quyền đang làm sẽ chẳng dễ dàng gì. Nhưng có lẽ việc tìm mọi cách, dù là phải mất hàng tháng hàng năm trời đi nữa để đưa một đứa trẻ về với gia đình vẫn dễ hơn là từ chối những đề nghị tha thiết kia.

“Ở đây tốt đấy chứ ?”. “Không tốt bằng nhà em”. Cậu bé An sau 2 năm xa nhà, lăn lộn các nơi với những vết thương cả trên người, cả trong lòng đã thốt ra câu nói ấy. Dù là khi em đang ở giữa những người dành cho em mọi điều tốt nhất vẫn không khiến các em cảm thấy mình được an toàn. Dù có bình yên chơi đùa, xếp hàng đi ăn cơm với lũ bạn thì trong lòng ba đứa trẻ vẫn mong ngóng bóng hình của người thân, của mái nhà– nơi sẽ cho chúng sự an toàn tuyệt đối.

Tôi lướt nhìn trên khắp con đường TPHCM, có hàng nghìn quán xá tấp nập. Tôi tự hỏi, có bao nhiêu đứa trẻ làm công trong những nơi ấy đang bị giam lỏng, bị đe dọa, bị đánh đập… bị tước đi phần đời chẳng thể nào quay trở lại được!

Tên nhân vật trong bài đã được sửa đổi.

 

 

Nguyễn Thị Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.