Những mùa xuân không “tết đoàn viên” của “xóm chạy thận” giữa lòng Hà Nội

Nguyễn Huệ |

Tết đến, xuân về tưởng là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi thì tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị giữa lòng Hà Nội, điều đó lại hoàn toàn trái ngược.
Mùa xuân không tết của xóm chạy thận

Dưới cái rét căm của một Hà Nội những ngày giáp tết, không khó để tìm đến “xóm chạy thận” Lê Thanh Nghị. Cách Bệnh viện Bạch Mai khoảng 300m, con ngõ 121 nhỏ bé với 128 bệnh nhân từ khắp mọi miền đổ về “chạy thận” đã trở thành một địa điểm mà những ai sống quanh đây đều biết đến. Họ - mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh - nhưng suy cho cùng thì sự sống cũng chỉ như thân phận bọt bèo của những nhành tầm gửi, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào bác sĩ, gia đình và nguồn tài chính để có thể duy trì đều đặn mỗi tuần trung bình 3 lần chạy thận nhân tạo.

Trong không gian của những dãy nhà trọ cấp 4 ẩm thấp, lụp xụp và tồi tàn, căn phòng rộng khoảng 9m2 chỉ đủ kê một chiếc giường đơn cũ kỹ và dăm ba cái ghế nhựa của chị Nguyễn Thị Oanh được coi là khá tươm tất. “Tôi vừa “chạy” hôm qua”, vừa ngồi xuống giường chị Oanh đã thân thiện mở lời, “vừa chạy xong thì còn khó nhọc hít thở, hôm nay đã “tươm” hơn rồi. Ở xóm thận này, một tuần 3-4 lần “chạy” chuyện là thường tình.”

Chị Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1966 tại thôn Kim Độ, xã Hiệp Cát, tỉnh Hải Dương trong một gia đình bần nông đông anh chị em thuộc diện bảo trợ của xã hội, tức là còn dưới cả hộ nghèo. Cách đây 11 năm, chồng chị - trụ cột kinh tế chính trong gia đình - đột ngột qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau còn chưa nguôi, khó khăn còn chưa dứt thì sau đó 4 năm, chị phát hiện ra mình mắc căn bệnh suy thận quái ác. Gia cảnh vốn nghèo khó nay lại càng khánh kiệt hơn vì cơn bạo bệnh. Hai đứa con của chị vì thế cũng chẳng được ăn học đến nơi đến chốn, chưa đủ tuổi đời đã phải bôn ba khắp nơi mưu sinh để nuôi mẹ.

“Tôi đã “chạy thận” 6 - 7 năm nay rồi. Đã có lúc tôi muốn chết nhưng anh chị em trong xóm động viên và tôi đã tìm được cho mình khát khao sống. Sống để nhìn đời, nhìn người, sống để nhìn con cái mình trưởng thành từng ngày từng tháng, âu cũng là khát khao chính đáng”. Và rồi để cảm thấy không hổ thẹn với cái “khát khao chính đáng” ấy, ngoài những ngày chạy thận, chị Oanh vẫn đi làm thêm. Đã từng có khoảng thời gian chị cũng học nhiều người trong xóm đi bán nước “chui” trong Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng sau nhiều lần bị bảo vệ bệnh viện đuổi, chị chẳng còn đủ sức “bán chui” nữa. Qua một vài bệnh nhân quen trong viện, chị nhận một công việc “vừa sức” hơn, đó là trông coi những bệnh nhân mắc bệnh thận mà gia đình không có thời gian thăm nom.

 Ông Nguyễn Văn Khai - người có thâm niên chạy thận lâu năm nhất nhì xóm

Éo le hơn chị Oanh, ông Nguyễn Văn Khai (SN 1950, tại Sơn La) đã có 21 năm “chạy” đua với bệnh suy thận, đồng nghĩa với đó là 21 năm xa nhà, xa vợ, xa con, “sống chung với lũ” nơi xứ người chật chội. Đã từ rất lâu rồi, ông xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Đều đặn cứ 72 giờ đồng hồ ông lại đến viện lọc máu một lần, thải ra những độc tố. Một tuần ba lần, suốt hơn 20 năm qua, tới giờ ông cũng không đếm xuể đã chạy thận biết bao nhiêu lần nữa. Mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nên việc điều trị hết sức tốn kém.

Dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ 95%, nhưng với bệnh nhân phải gắn bó cả đời với bệnh viện như ông thì mức 5% chi trả cũng là một con số quá lớn. Chi phí mỗi tháng ông phải chi thêm ngót nghét triệu bạc tiền cho các loại thuốc hỗ trợ như tăng hồng cầu, sắt, đạm… chưa kể tiền thuê nhà, ăn uống… Tất cả đều quá đắt đỏ khi cái thân già của ông giờ không còn đủ khả năng và sức lực làm ra bát cơm hạt gạo.

Những tưởng đó đã bất hạnh lớn nhất của cuộc đời người đàn ông này, nhưng bất hạnh lại nối tiếp bất hạnh khi cách đây không lâu, người vợ vẫn ngày đêm tần tảo lao động kiếm tiền “nuôi” ông chữa bệnh được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa. Ông nghẹn ngào nói: “Từ ngày xuống Hà Nội chạy thận, mỗi năm, cố lắm tôi mới về quê được 1 - 2 ngày. 21 năm nay bà ấy sống vì tôi, nuôi tôi, tôi chưa làm được gì cho bà ấy thì bà ấy lại vì bạo bệnh mà sắp rời xa tôi mãi mãi. Tết với tôi như thế này thì có cũng như không”.

Không giống với nỗi đau sắp mất người thân yêu của ông Khai, anh Mai Anh Tuấn (SN 1974, Ba Vì, Hà Nội) - trưởng “xóm chạy thận” - với 19 năm “sống chung với lũ” đã trải qua một quá khứ bi thương đầy nước mắt gắn liền với chữ “tết”. Bố anh bị đột quỵ phải nhập viện và được chẩn đoán suy thận cấp đúng vào đêm 30, điều đó đồng nghĩa với việc gia đình anh bấy giờ gồm bố anh, anh và 2 em trai - tất cả đều bị suy thận cấp.

Cầm bệnh án của bố trên tay, anh Tuấn còn chưa hết bàng hoàng thì mùng 6 Tết năm ấy, em trai út của anh sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật đã qua đời. Nỗi đau này chưa qua, nỗi đau khác đã tới, năm 2011, vì tuổi cao sức yếu, bố anh đã mãi mãi giã từ trần thế đi về cõi vĩnh hằng. Nhớ đến cái tết chua xót với sự ra đi của bố và “bản án tử hình sớm” cho đứa em trai út còn xanh tóc, nghĩ đến cảnh bây giờ chỉ còn lại anh và một cậu em trai khác cũng đang ngày đêm chạy thận, chạy cùng tử thần trong nỗi hoang mang lo sợ, anh Tuấn không kìm được nước mắt.

 

Anh Mai Anh Tuấn - trưởng “xóm chạy thận” 121 Lê Thanh Nghị. 

Hy vọng nhỏ nhoi đầu xuân

Tại con ngõ 121 Lê Thanh Nghị này, nếu như trước đó họ còn có thể nói dăm ba câu bông đùa, chuyện trò với nhau để vơi đi nghĩ suy về bệnh tật thì chỉ một tiếng “tết” được nhắc đến thôi cũng đủ làm cho bầu không khí trầm xuống, khiến những con người mang bản án “chung thân với bệnh viện” nơi đây im lặng, cúi đầu. Anh Tuấn tâm sự: “Cái dịp nghỉ lễ thiêng liêng của toàn dân tộc, rồi mùa xuân cả năm mới có một lần tưởng như ai cũng mong, nhưng với những bệnh nhân xóm thận chúng tôi, nói thật, ai cũng sợ.”

Nói “sợ” tết tưởng chừng như hoang đường nhưng suy cho cùng nỗi “sợ” ấy với những con người nơi đây cũng là điều dễ hiểu. Những bệnh nhân tại đây là đa phần từ tỉnh lẻ du nhập. Họ rời xa quê hương lên thủ đô, chọn nơi cách bệnh viện mấy bước chân mà “tầm gửi” để thuận tiện hơn cho mỗi lần chạy thận duy trì sự sống. Người thân của họ ở lại quê hương, lao động và gửi tiền lên làm phí cho họ chạy thận. Họ có sức khỏe. Tất nhiên. Nhưng không đủ. Cái gọi là “sức khỏe” ấy gần như chỉ có thể giúp họ làm một vài công việc nhẹ nhàng, không tốn sức. Tiền không có, sức khỏe lại càng không. Ngoảnh mặt qua dăm ba ngày tết thôi, trở về thì có khi ai đó trong xóm trọ cũng ra đi vĩnh viễn. Có thể lắm chứ, bởi với căn bệnh suy thận quái ác này, đâu ai nói trước được điều gì.

Cẩn thận đếm lại số gạo mà đoàn từ thiện tới biếu từ mấy ngày trước, anh Tuấn nói: “Đây là số gạo mà các hội từ thiện mang đến làm quà cho bệnh nhân trong xóm làm quà tết vừa qua. Tết với chúng tôi gần như là quây quần bên nhau trên Hà Nội này, bởi những bệnh nhân ở các tỉnh lân cận Hà Nội chỉ tranh thủ về quê ăn Tết một ngày, hôm sau lại lên để lọc máu. Còn đối với những bệnh nhân ở xa thì gần như chịu. Thôi thì anh em bốn bể là nhà, được ngồi đây đón tết với nhau trong sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, các “Mạnh Thường Quân” cũng là nỗi an ủi và may mắn lắm rồi”.

Có nhà mà chẳng thể về, có về cũng thì chẳng ở được bao lâu, đôi ba ngày một lần nhập viện mà tiền thì chẳng có nên ba chữ “Tết đoàn viên” đối với họ vốn chưa bao giờ là trọn vẹn. Xuân đã về, nhưng ở nơi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết này, dù chỉ là một chút thôi, xuân dường như nhạt nhẽo. Tiền để duy trì cái mạng chỉ để hít thở thôi cũng đã khó, mơ ước của họ trong đầu xuân chỉ là: “Mong có được công việc, kiếm chút tiền để duy trì sự sống trong những ngày tháng tới chứ chẳng muốn gì hơn”.

Nguyễn Huệ
TIN LIÊN QUAN

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.