Phóng sự dự thi:

Người tìm 2.008 hài cốt liệt sĩ

Kỳ Quan |

Ở Long An, tôi đã nghe kể nhiều về anh. Nào là khi đội K73 Long An (đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam - QTNVN - hy sinh tại chiến trường Campuchia) được thành lập vào năm 2001, anh đã tình nguyện tham gia và xin được làm công việc này cho đến ngày về hưu. Anh thuộc lòng địa hình vùng biên giới giữa hai nước, nói tiếng Campuchia “như gió”. Một số người còn thêu dệt màu sắc huyền bí - anh đào đâu là có hài cốt liệt sĩ ở đó! Sự hấp dẫn ở anh (và công việc anh đang làm) đã thôi thúc tôi làm chuyến “xuất ngoại”, để tận mắt chứng kiến những điều đã nghe.
Hài cốt thứ 2.004, 2.005…

Chiếc xe 12 chỗ của Sở LĐTBXH tỉnh Long An chở tôi qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, vào tỉnh Svay Rieng - Campuchia. Con đường đất đỏ sình lầy, đầy ổ gà như là sự xác nhận đầu tiên về nỗi vất vả của các anh. Xe đưa chúng tôi đến thẳng hiện trường (huyện Pơ Vach, tỉnh Svay Rieng), nơi đội K73 đang có cuộc khai quật. Giữa đồng trống, trên mặt ruộng khô, hàng chục hố đã và đang được các anh đào tung.

 Đại tá Nguyễn Văn Hoàng - Đội trưởng đội K73 - cùng khoảng 20 đồng đội trong đồng phục màu xanh, người cuốc, người xẻng... Dừng tay tiếp chúng tôi, anh Hoàng giải thích: “Có 2 chiến sĩ quân tình nguyện hy sinh năm 1970, được đồng đội chôn ở khu vực này. Vừa qua, các cựu chiến binh đã sang tận đây xác định địa điểm, nhiệm vụ của chúng tôi là đào tìm cho được hài cốt”. Hàng chục hố đã được đào, nhưng chưa thấy dấu hiệu gì. Trời nắng, không một bóng cây, từng nhát cuốc bổ vào đất cứng nghe chan chát, các anh ai cũng mồ hôi nhễ nhại...

Bỗng một tiếng “bạch”, nhát cuốc không kêu “boong” rồi bật trở ra bởi đất cứng, mà chạm vào nylon. Các anh dừng tay, mặt mày rạng rỡ. Đó là tín hiệu cho thấy đã đào trúng hố chôn liệt sĩ. Anh Hoàng cho biết, đã hơn 2.000 lần đào tìm được hài cốt các anh, lần nào anh cũng rưng rưng, không cầm được nước mắt. Mấy nén nhang được đốt lên. Các anh cẩn trọng, nhẹ nhàng nhấc lên từng bộ hài cốt liệt sĩ, sắp xếp ngay ngắn, rồi đánh số, gói lại cẩn thận... Anh ghi vào sổ, hài cốt thứ 2.004, 2.005!

Đại tá Hoàng cho biết, đây là trường hợp khai quật khá thuận lợi, vì địa bàn hẹp, đào đến lần thứ 3 đã có kết quả. Anh kể, vừa qua có trường hợp khai quật đến lần thứ 10 vẫn không kết quả, do địa bàn quá rộng (hơn 4ha). Các anh vẫn kiên trì đào đến lần thứ 11, tìm được hài cốt 3 liệt sĩ. Một trường hợp khác, dù đã xác định được khu vực và danh tính liệt sĩ (do đồng đội cung cấp), nhưng nhiều lần đào không kết quả. 

Người mẹ của liệt sĩ từ huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) bất chấp tuổi cao sức yếu, nhờ người đưa sang tận nước bạn, nơi con mình hy sinh. Bà đã đến nơi đội K73 Long An đang làm nhiệm vụ. Sau nhiều ngày đào tìm không có kết quả, một buổi trưa bên hố khai quật, mẹ nghẹn ngào nói: “Cửu ơi! Theo mẹ về đi, con ơi!...”. Tiếng kêu xé ruột của bà đã làm các chiến sĩ bỏ cả giờ nghỉ trưa để đào tìm. Không biết có phải tiếng kêu của mẹ đã động đến cõi vô hình nào đó hay không, mà sau đó những người đào tìm đã đưa lên từ huyệt mộ một lọ thuỷ tinh nhỏ bên trong có tên Nguyễn Văn Cửu - Bến Cầu - Tây Ninh...

Đưa liệt sĩ vào nghĩa trang. 
Có đáng gì so với sự hy sinh của các anh

Trên đường về “hậu cứ”, tôi đi chung xe với đại tá Hoàng. Anh luôn né tránh nói về mình, mà say sưa kể về chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hầu hết liệt sĩ hy sinh trên chiến trường nước bạn đều phải chôn cất vội vàng, tạm bợ. Các anh ra đi không có “da ngựa bọc thây”, mà được bọc trong tấm nylon theo các anh suốt cuộc trường chinh. Một số ít hài cốt liệt sĩ có chôn theo lọ Pénicilline kèm mẩu giấy nhỏ, nhờ đó mà có khoảng 10% số hài cốt liệt sĩ có tên tuổi, địa chỉ. 

Các anh tìm kiếm hài cốt dựa vào 2 nguồn tin: Từ các đồng đội cũ của liệt sĩ và từ người dân nước bạn. Sau mấy chục năm, dấu tích cũ không còn, các cựu chiến binh có nhiệt tình mấy cũng ít khi giúp tìm được hài cốt đồng đội. Chính tình cảm, lòng biết ơn của người dân tại chỗ đã giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ: Khoảng 90% số trường hợp tìm được hài cốt là nhờ nhân dân nước bạn cung cấp thông tin, hướng dẫn, chỉ đường. Cảnh vật thay đổi hoàn toàn, nhưng vị trí những nơi chôn cất liệt sĩ thì còn in rõ trong tâm trí người dân.

Chiếc xe dừng lại tại nơi đồn trú của một đơn vị quân sự địa phương. Đại tá Hoàng giải thích: “Chúng tôi không có chỗ ở ổn định. Đến địa bàn nào là chúng tôi ở nhờ bạn. Còn khi đi làm việc tại thực địa, chúng tôi thường ở nhờ các chùa”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên chuyện “ở nhờ nhà chùa”, anh Hoàng giải thích: “Từ trung tâm huyện đến nơi khai quật nhiều khi xa ba bốn chục cây số, đi về rất vất vả. Vì vậy, chúng tôi chọn cách ở nhờ nhà chùa gần nơi khai quật cho tiện”. 

Trong suốt 13 năm làm nhiệm vụ, anh đã ngủ nhờ hàng trăm ngôi chùa. “Nhà chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở địa phương, khi ở nhờ nhà chùa, chúng tôi có nguồn thông tin tốt về mộ liệt sĩ bị thất lạc trên địa bàn”. Ở nhờ nhà chùa, đội tổ chức khám, phát thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng, như là cách các anh trả ơn.

Anh đưa tôi vào thăm nơi “tạm trú” của đội - hội trường của đơn vị quân sự địa phương. Hội trường mái thấp lợp tôn, sàn ximăng, bốn bề vách trống... Toàn đội K73 mấy chục người tập trung đồ đạc vào một góc hội trường. Chỗ ngủ nghỉ của đại tá đội trưởng là khoảnh sàn được lót ván. Anh em trong đội nằm xung quanh hoặc giăng võng nằm quanh hội trường. Phía sau hội trường là nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh..., tất cả đều “dã chiến”. 

Thấy tôi chạnh lòng, anh Hoàng cười: “Ăn ở thế này là sang lắm rồi, có điện, có nước. Khi về sống ở phum sóc, chúng tôi phải xài đèn dầu, ăn uống nước ao...”. Lân la hỏi chuyện các chiến sĩ, tôi biết các anh đều thuộc diện “nghĩa vụ quân sự”, sau 2 năm là về nhà. Chỉ có đại tá Hoàng là “suốt mùa thu”, hết năm này qua năm khác...

Đón các anh về
Suốt một mùa khô tìm kiếm, khi ngày 27.7 sắp đến, các anh đưa hài cốt các liệt sĩ về với quê hương. Trong buổi lễ đón hài cốt liệt sĩ được tổ chức ở cửa khẩu Bình Hiệp vừa qua, tôi lại thấy đại tá Hoàng tất bật như mọi khi. Một buổi lễ cầu siêu trang trọng được địa phương Svay Rieng tổ chức. Khoảng 100 sư sãi, người dân trong vùng đến tiễn đưa những chiến sĩ đã vì sự yên bình cho hai nước mà ngã xuống.

Đại tá Hoàng quen biết hầu hết những người dân đến dự lễ cầu siêu. Chỉ một người phụ nữ trong trang phục truyền thống Khmer, đôi mắt đỏ hoe, anh Hoàng cho biết, bà tên Kim Sari, ngụ xã Chanh Tia, huyện Kông Pông Rồ. Bà có chồng và con trai chết dưới chế độ diệt chủng Pol Pot. 

Bà và con gái nhỏ được QTNVN giải cứu từ trong trại lao động khổ sai. Bà đã nhiều lần cung cấp thông tin, giúp đỡ các chiến sĩ trong đội K73 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Kia là cụ Khiêu Nhem, ngụ xã Xoài Chếch, huyện Rùm Duol. Nhà của cụ từng là trận địa phòng ngự của QTNVN. Năm 1970, trong một trận đánh, nhiều chiến sĩ hy sinh. Suốt mấy chục năm cụ Nhem đã chăm sóc, thờ cúng các phần mộ liệt sĩ. 

Khi đội K73 đến làm nhiệm vụ, cụ đã giúp tìm 6 bộ hài cốt. Bằng tiếng Khmer trôi chảy, đại tá Hoàng hỏi hai vợ chồng đang dắt đứa con nhỏ: “Cháu thiệt khoẻ rồi phải không?”. Đó là vợ chồng bà Tra Dach (xã Thơ Mây, huyện Kông Pông Rồ). Cách đây mấy năm, khi đội K73 đến tìm mộ liệt sĩ tại xã, đã tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trong vùng. Đứa con nhỏ của bà Dach lúc đó đang bị bệnh nặng, không có tiền đưa đi bệnh viện, các thầy cúng đều đã bó tay... Được các chiến sĩ khám bệnh, cấp thuốc, đứa bé khỏe dần rồi hết bệnh, nay đã có thể theo cha mẹ đến dự lễ cầu siêu.

24 hài cốt liệt sĩ (tất cả đều vô danh) được trang trọng đưa về an táng tại nghĩa trang vùng biên Vĩnh Hưng. Trong lúc mọi người làm lễ, đại tá Hoàng âm thầm chuẩn bị từng việc nhỏ nhất để đưa các anh vào lòng đất mẹ. Anh đi hết dãy mộ này đến dãy mộ khác, dừng lại khá lâu trước ngôi mộ tập thể 120 liệt sĩ hy sinh bên nước bạn, được các anh tìm kiếm, đưa về cách đây 10 năm. 

Tính đến 27.7 năm nay, anh đã tìm kiếm tổng cộng 2.008 hài cốt liệt sĩ đưa về nước. Đi giữa hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ vô danh mà anh đã tìm kiếm đưa về suốt 13 năm qua, trông đại tá Hoàng thanh thản lạ, như thể đang đi trong vườn nhà, bên những người thân!

Lời bình:

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh được phản ánh khá nhiều trên các báo, nhưng viết về những người tìm kiếm đồng đội mình nằm lại trên đất Campuchia thì rất hiếm hoi. Phóng viên Kỳ Quan, trong một lần hiếm hoi như thế, đã theo chân đại tá Hoàng đi tìm hài cốt đồng đội tại tỉnh Svay Riêng, Campuchia.

Có lẽ sự cảm động khi đọc bài phóng sự này là ở chỗ, các liệt sĩ đã bị quên lãng quá lâu ở “đất bên ngoài tổ quốc” suốt 45 năm qua, chứ không phải là cảnh “vỡ òa” sau nhiều ngày ròng rã khai quật. Đại tá Hoàng đã gắn bó với công việc này suốt 13 năm qua, từng nâng trên tay mình bộ hài cốt thứ 2.008 của đồng đội, nhưng chân dung ông lại không được tác giả chăm chút để người đọc hiểu thêm về một sự “hy sinh” khác của người đang sống. Tiếc thay!

TRẦN ĐĂNG

 

 
Kỳ Quan
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.