Mùa này lũ lại không về

NHẬT HỒ |

TS Lương Quang Xê (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) chính thức thông báo một tin không vui: Mực nước đầu nguồn ĐBSCL đến thời điểm này thấp hơn năm 2015. Mà năm 2015 là năm mực nước thấp nhất. Vậy là, năm nay mùa nước không về, nhưng những thiệt hại của người dân vùng sông nước ĐBSCL lại về như... lũ.

Đầu nguồn thiếu nước, cuối nguồn run

Tuyến kênh Bảy Xã của thị xã Tân Châu, An Giang nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của ĐBSCL mùa này không có cảnh nước trắng đồng. Những cọng rơm, gốc rạ chìm sâu dưới nước, hay màu nước trắng xóa mênh mông như biển lùi vào quá khứ. Thay vào đó là những cánh đồng kiệt nước. Người dân sống bên bờ sông Bình Di, nơi tiếp giáp hai nước Việt Nam và Campuchia thêm một lần nữa ngóng đợi con nước trong tuyệt vọng. Dù biết trước rằng, khả năng mùa nước nổi không cao, nhưng họ không thể ngờ rằng nước lại không về hoàn toàn như thế này. Ông Trần Hồng Chung, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang cho biết, đây là năm thứ hai ông cùng hàng trăm hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi phải “ngồi chơi” vì thiếu nước.

Tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang - nơi đón nhận lượng nước và cá đầu tiên từ thượng nguồn sông Mê Kông qua sông Châu Đốc để hòa vào dòng sông Hậu, những năm trước vào mùa này, cả khúc sông Vĩnh Hội Đông tấp nập người ghe mưu sinh vùng lũ. Vậy mà năm nay vắng lặng đến ngỡ ngàng. Như không ngủ, người dân cứ “lao” vào lũ kiếm sống. Vậy mà năm nay, lũ vẫn chưa về.

Trong khi đó, tại các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, cho đến thời điểm này, “nghề theo con nước nổi” vẫn chưa có dịp hoạt động bởi mực nước lên không đáng kể. Sở NNPTNT tỉnh này cập nhật liên tục mực nước trên các sông đầu nguồn. Ông Trần Văn Rồi, hành nghề nuôi cá đồng, than vãn “nhìn con số cập nhật mực nước mà rầu. Nước nôi kiểu này thì làm sao nuôi cá, nuôi tôm gì cho được. Tôi đã bỏ ra trên 2 tỉ đồng để đào ao nuôi cá, nuôi tôm càng, nếu mùa nước không về coi như mất trắng”.

Mùa lũ không về với các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, kéo theo hệ lụy hàng trăm ngàn người dân đánh bắt cá tự nhiên không còn mưu sinh, kiếm sống. Dẫu sao thì mùa lũ là mùa “làm thêm” kiếm sống của họ, ít nhiều không ảnh hưởng đến nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, đối với các tỉnh cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu họ mới thật sự lo lắng bởi tác động rất lớn khi không có lũ về.

Bà Trần Thị Thêm, người dân sống tại Cồn Ấu, TP. Cần Thơ thẫn thờ: “Năm ngoái lũ không về, nước mặn tràn vào vườn nhà tôi cây mận, cây quýt chết hết”.

Hình ảnh người dân ĐBSCL thu hoạch sản vật mùa lũ ngày càng lùi xa.

Tại Cù Lao Dung, nơi cuối nguồn sông Hậu, người dân và cả chính quyền địa phương lo lắng khi mùa nước lũ không về, nước biển sẽ theo sông Hậu, sông Cổ Chiên lấn dần lên làm xáo trộn tình hình sản xuất của địa phương. Ông Võ Thanh Quang - Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, Sóc Trăng lo lắng “năm 2015 nước mặn tràn vào đất cù lao thiệt chỉ tính riêng người trồng mía thôi đã 40 tỉ đồng rồi. Nếu thượng nguồn không có mước đổ về đây sản xuất toàn huyện sẽ bị đảo lộn. Chúng tôi đang điều tra lại sản xuất để quy hoạch lại phù hợp với điều kiện ĐBSCL không còn lũ”.

Tại huyện Long Phú, Sóc Trăng người nuôi cá lồng bè dưới sông vừa thả giống vừa run bởi nước ngọt từ đầu nguồn sông Hậu không đổ về đồng nghĩa với việc nước biển xâm nhập đến tận thành phố Cần Thơ nên khúc sông này sẽ bị nhiễm mặn hết. Con cá lồng bè chắc chắn không sống nổi. Tại cồn số 3, cồn số 2, một doanh nghiệp đầu tư gần 100 tỉ đồng nuôi cá tra, cá ba sa, năm 2015 bị nước biển xâm nhập thiệt hại nghiêm trọng, nợ ngân hàng 14 tỉ đồng cho đến nay chưa trả được. Chủ doanh nghiệp này chua chát “mang nợ vì cá, chỉ có nuôi cá mới mong lấy lại vốn. Khả năng không đủ nguồn nước ngọt thế này thì con cá làm sao sống được”.

Những dòng sông không còn hiền hòa

Cuối tháng 8.2016, một nông dân ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đặt vó trên sông Cổ Chiên, cách biển khoảng 60km bất ngờ bắt được cá mập. Đây là hiện tượng được xem là rất lạ tại nhánh sông này, bởi từ trước đến nay cá mập chỉ sống ngoài biển, chưa từng nghe nói sống ở những nhánh sông Tiền, sông Hậu bao giờ. Phải chăng tình trạng xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông đã khiến cho loài cá nước mặn này có điều kiện đi sâu vào đất liền. Dẫu vậy, cũng không nguy hiểm bằng lượng phù sa không đổ về những nhánh sông, hai bên bờ bị sạt lở nghiêm trọng. Biến đổi dòng chảy khiến cho những quy luật thiên nhiên của dòng sông, cửa biển không còn. Hệ lụy của nó là những đợt sạt lở nghiêm trọng đối với những nhánh sông cuối nguồn Mê Kông.

Tiến sĩ Dương Văn Ni - Trường ĐH Cần Thơ cảnh báo, nếu trong tương lai ĐBSCL không có lũ thì nguy cơ sụt lún đồng bằng là rất lớn. TS Ni nhận định: ĐBSCL được hình thành là nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Trước đây, nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn thêm ra biển do lượng phù sa bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về bồi đắp. Nhưng mấy năm gần đây vì lũ ít lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng dữ tợn hơn. Bình quân mỗi năm, biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15m, có nơi đến 50m; hàng trăm hécta rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...

Đồng quan điểm này, TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ cảnh báo, hiện nay lòng sông sâu hơn một cách nhanh chóng so với trước đây.Theo TS Tuấn, có hai nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, là việc khai thác cát sỏi quá mức ngay chính tại vùng ĐBSCL, thứ hai, lượng cát sỏi bù vào ngày càng ít đi do các nước xây đập thủy điện. Ông Tuấn ví von sông Tiền, sông Hậu mỗi năm sâu hơn vì nước “đói” (do thiếu phù sa) nên nó phải ăn hai bên bờ và dưới đáy sông.

Không có phù sa bồi đắp đồng nghĩa với việc chi phí dành cho sản xuất nông nghiệp sẽ cao hơn, nông sản khó xuất khẩu hơn do nông dân sẽ phải sử dụng nhiều phân bón hóa học. Tại hội thảo tham vấn chuyên gia “xác định yếu tố, mức độ và nguyên nhân gây suy thoái chất lượng môi trường đất trồng lúa vùng ĐBSCL” do Viện Môi trường nông nghiệp tổ chức ngày 9.9 tại Cần Thơ, PGS-TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho biết, đất là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và năng suất cây trồng. Nhưng hiện nay, đất trồng lúa diễn biến rất phức tạp, diện tích trồng ngày càng tăng nhưng chất lượng đất lại bị suy thoái trầm trọng, đang ở mức đáng báo động. ĐBSCL hiện là vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa và xuất khẩu lúa gạo trong cả nước.

Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu làm nên thực trạng trên là do con người và những điều kiện bất lợi từ môi trường. Xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao cũng tác động mạnh và làm suy kém chất lượng đất. Cứ 10ha đất trồng trọt thì có đến 3ha đất bị ảnh hưởng từ nước thải, chất thải của các khu công nghiệp.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cũng khuyến cáo, trong trường hợp lũ không về thì dự báo tình hình hạn, mặn năm tới sẽ diễn ra gay gắt hơn vừa qua. Những người dân sống dựa vào khai thác nguồn thủy sản tự nhiên trong mùa lũ sẽ phải chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, để giúp những cư dân này chuyển nghề thì cần phải dựa vào nhu cầu xã hội để có chiến lược phù hợp.

ĐBSCL không lũ đã được các tỉnh đầu nguồn toan tính trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của mình. Nếu như Đồng Tháp, tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chiến lược là gạo, cá, hoa màu và vịt thì An Giang đang triển khai nhiều mô hình, giải pháp giúp người dân “sống chung với không có lũ”; khuyến khích người dân ở những vùng có điều kiện thuận lợi chủ động sản xuất những sản vật chỉ có được khi mùa nước lên - lũ về mới có như mô hình nuôi lươn trong bể đất, nuôi ếch, cá đồng trong bè tre nhỏ, nuôi trong vèo, nuôi chân ruộng…

Thực tế, nguồn nước mặt ở ĐBSCL hiện nay chủ yếu từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Tuy nhiên, nhưng toan tính của các nước cho bài toán năng lượng bằng cách chặn sông làm thủy điện, nguồn nước ở hạ lưu sông Mê Kông sẽ không còn dồi dào như trước. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Chánh Văn phòng Điều phối biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ cho rằng, để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thì phải tìm cách để chủ động được nguồn nước mặt bằng các phương pháp như xây dựng các hồ chứa, kênh thoát lũ đồng thời dự tích trữ nước để phục vụ cho sản xuất như kiểu tích nước từ sông Đà chảy về Hà Nội như ở Đồng bằng Bắc Bộ; thay đổi thói quen chờ nước mới sản xuất của bà con ĐBSCL lâu nay.

Cần chủ động trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô. Bên cạnh đó, Nhà nước cần cấm ngay việc khai thác và sử dụng nước ngầm tràn lan như hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu bơm nước trở lại lòng đất để phục hồi mực nước ngầm, chống sụt lún đất. Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới đó là phải thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để thích nghi với tình hình không có lũ.

(Đề xuất của các nhà khoa học tại hội thảo tổ chức ngày 9.9 tại Cần Thơ)

 

NHẬT HỒ
TIN LIÊN QUAN

Làng trồng rau... chạy lũ

Linh Phạm |

Dòng sông Trà thơ mộng chảy đến làng Sung Tích (nay là xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi) thì gặp 5 ngọn núi như năm ngón tay của đất níu dòng sông dừng lại một nhịp trước khi đổ về cửa biển. Ở nơi sông núi giao hòa ấy đã hình thành một làng quê trù mật - làng Sung Tích vang tiếng xưa nay với nghề trồng rau... chạy lũ.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Làng trồng rau... chạy lũ

Linh Phạm |

Dòng sông Trà thơ mộng chảy đến làng Sung Tích (nay là xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi) thì gặp 5 ngọn núi như năm ngón tay của đất níu dòng sông dừng lại một nhịp trước khi đổ về cửa biển. Ở nơi sông núi giao hòa ấy đã hình thành một làng quê trù mật - làng Sung Tích vang tiếng xưa nay với nghề trồng rau... chạy lũ.