Làng trồng rau... chạy lũ

Linh Phạm |

Dòng sông Trà thơ mộng chảy đến làng Sung Tích (nay là xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi) thì gặp 5 ngọn núi như năm ngón tay của đất níu dòng sông dừng lại một nhịp trước khi đổ về cửa biển. Ở nơi sông núi giao hòa ấy đã hình thành một làng quê trù mật - làng Sung Tích vang tiếng xưa nay với nghề trồng rau... chạy lũ.

Núi đứng đó lừng lững như chàng trai, còn dòng sông thì như cô gái sớm nắng chiều mưa, hiền hòa đấy rồi lại trở mình trái nết. Khi những cơn mưa đầu đông báo hiệu một mùa sông Trà hung hãn cũng là lúc người làng Sung Tích rủ nhau lên núi trồng rau. Để rồi, khi nước nguồn đổ về gây ngập úng những cánh đồng, “đội quân” rau trên núi lại tỏa xuống các khu chợ, các ngả đường để “cứu hộ” chất xanh trong bữa ăn những ngày lũ lụt.

Người trèo lên gác, rau “leo” lên đồi

Làng Sung Tích nằm bên tả ngạn sông Trà, dòng sông mang phù sa về ăm ắp, nhờ có thổ nhưỡng tốt, phù hợp với hoa màu mà từ lâu ngôi làng đã được biết đến như vựa rau nhất nhì Quảng Ngãi. Câu ca dao xưa như gọi mời khách phương xa: Ai về Sung Tích thì về/Trước sông sau chợ giếng kề một bên. “Xưa chợ Sung Tích đông lắm, con à, chẳng có gì cao sang, chỉ là mớ rau, quả cà làm đặc sản, vậy mà người mua kẻ bán tấp nập. Đến khi ngoài kia có đường lớn, người ta giải tán chợ rồi ra chợ Sa họp cho tiện đường” - giọng cụ bà Nguyễn Thị Đại, 81 tuổi - người vừa ngâm nga câu ca dao - phảng phất chút tiếc nuối về cái thuở vàng son ấy. Nhưng cái danh “đệ nhất thủ phủ rau” thì vẫn lưu truyền đến tận bây giờ.

người dân làng Sung Tích trồng rau từ ngoài ruộng vào đến trong nhà. Khác những cánh đồng chỉ có màu xanh của lúa, đồng làng Sung Tích nhiều sắc màu với ngồng vàng hoa cải, đỏ thẫm tía tô, xanh thẫm màu hành, xanh non xà lách, xanh mỡn mồng tơi... Trong nhịp sống bận rộn bây giờ, hẳn nhiều người ước mơ một khu vườn có rau xanh để tận hưởng sự thanh bình lúc muốn bứt ra khỏi đời thường ngột ngạt, thì những khu vườn ở làng Sung Tích hẳn khiến nhiều người trầm trồ ao ước. Người làng tận dụng mọi ngóc ngách để trồng rau, bên giếng nước, trước bậc tam cấp, bên lề đường, trong ảng cây kiểng… khiến những khu vườn cũng nhiều màu sắc như trong tranh vẽ.

Cụ Diệp Đức Thang, 90 tuổi (ở thôn An Đạo) được người dân xem là bậc cao niên thông thái nhất làng, thều thào kể rằng, từ thuở cha sinh mẹ đẻ cụ đã thấy cả làng trồng rau, cũng không rõ là từ khi nào nghề trồng rau gắn với làng như vậy, nhưng chuyện đưa rau lên đồi thì mới có khoảng những năm 70 của thế kỷ trước. Cụ Thang nhớ lại: “Ngày xưa nhà nông chỉ sống nhờ lúa và rau, đến mùa lụt là đồng ngập hết, nông dân bóp bụng qua mùa nước lớn. Cuộc sống mỗi ngày một tốn kém, xưa sinh con để nối nghiệp ruộng vườn, giờ sinh con muốn cho đi học. Than trời mãi chẳng giải quyết được gì, sự bức bối ấy thôi thúc chúng tôi phải nghĩ ra sinh kế mới”.

Lúc này, 5 ngọn núi của làng chỉ toàn cây dại rậm rịt, xen giữa rừng cây là vài đám bắp được gieo trồng lẻ tẻ để kiếm trái bắp luộc ăn cho đỡ buồn miệng, còn lá thì nhường cho bò. Nhìn ngọn núi hoang sơ, một số người nảy ý định đưa rau lên núi để có việc trong mùa đông. Nghĩ là làm, họ tập hợp thành một nhóm rồi lên núi vỡ đất, gieo hạt. Ý tưởng “đột phá” vào thời điểm ấy cho “quả ngọt” bất ngờ, thế là người nọ dắt díu người kia, phong trào trồng rau trên núi tập hợp người làng như đội quân du kích, cứ theo lệ đến 28.8 âm lịch hằng năm là cả làng lại rủ nhau leo núi “tập kết”. Tháng 9 trồng hành, tháng 10 rau cải, mồng tơi, xà lách, cuối cùng là gieo hạt bắp để cho quả vào tháng chạp. Qua mấy tháng mưa, không khí rộn ràng trên núi lại trở về với sự tĩnh mịch vốn có của nó để chờ mùa mưa mới. Năm nọ nối năm kia, những ngọn núi vốn chỉ gắn với rừng cây, giờ đã thành ngọn núi ân phúc, như năm bầu sữa nuôi sống hàng nghìn cư dân nơi đây. Cứ nước dâng cao thì người trèo lên gác, còn rau thì đưa lên đồi, nhờ vậy mà làng duy trì được nguồn rau ổn định cung cấp cho các vùng khác trong suốt những mùa đông.

Trọn đời với rau

Bữa tôi đến Sung Tích trời đang áp thấp gió mùa, từ dưới chân núi đã nghe tiếng cười nói, tiếng người gọi nhau ý ới, đánh thức cả núi đồi còn bảng lảng sương sớm. Những đám rau trải dài ngút ngát từ cánh đồng đến triền núi, nơi mọi người đang làm lại đất để gieo lứa rau mới. Nghỉ tay khi vừa xong luống đất trồng hành, ông Trương Được châm thuốc lá, nhả khói lên trời mông lung: “Chừng này năm ngoái tui thu 7 triệu tiền hành rồi, năm nay trồng lần này là lần 3, 2 lần trước trời cũng mưa mấy hột rồi nắng lại, ổng mà mưa giả đò lần nữa thì đi đời mấy triệu bạc giống”. Ông cười hiền, nhắc lại điều chưa bao giờ cũ: “Nhà nông lúc nào cũng phụ thuộc ông trời”. Câu nói ấy như làm đầy cuộc trò chuyện, ông lại xắn tay áo lên nhịp nhàng cuốc, hòa vào cái tất bật đầu mùa. Từ cái ngõ nhỏ vào rừng, cha con ông Huỳnh Thi, kẻ trước người sau, vã mồ hôi đẩy cái xe phân bò bự chảng kẹt bánh xe vào hốc. Ông Thi bảo trồng rau trên núi so với dưới đồng thì cực nhất là ở chỗ đẩy phân, nếu đám nào quá cao, xe thồ không lên nổi thì phải gồng gánh oằn cả vai.

Vất vả là vậy, nhưng khi mùa mưa đến muộn ai cũng nao nao nhớ núi, ngọn núi gắn với đời người, cũng như trồng rau đã thành sinh kế của đời họ. Bà Nguyễn Thị Nam năm nay đã gần 70 tuổi mà vẫn một mình gieo mồng tơi trên núi, bà bảo, từ ngày về nhà chồng bà chỉ biết trồng rau chứ không có nghề nào khác, sinh ba đứa con trai, đứa nào cũng có công việc khác nên chỉ còn mình bà trên núi này. Chị Nguyễn Thị Nông, 54 tuổi, cũng nói như bà, rằng từ thời con gái đến giờ đã gắn đời mình với rau, bà Nam chỉ trồng cho khuây khỏa tuổi già, chị cùng chồng phải “thua đủ” với nghề để nuôi hai con đi học. Bởi trọn đời với rau và buồn vui của người cứ gửi vào rau hết. Ông Huỳnh Thi cho biết, thời điểm rau được giá, có ngày một sào rau của ông thu về chừng 500.000 - 700.000 đồng. Nhưng cười đó rồi khóc đó, mới mùa lũ năm ngoái rau còn đắt như tôm tươi, vậy mà sau tết rau lại thừa mứa, ế ẩm. “Rau rớt giá từ 10.000 - 15.000 xuống còn 500 - 1.000 đồng/kg, giận và xót, bà con rấm rứt đổ rau cho bò ăn” - ông Thi kể. Người có thâm niên trồng rau ở thôn An Đạo - ông Nguyễn Minh, 66 tuổi - nhẩm tính: “Ngày trước trồng rau chỉ tốn công vì chúng tôi giữ giống cho mùa sau, bây giờ làm vậy năng suất không cạnh tranh được, chúng tôi phải mua giống mới. Ví dụ 1kg mồng tơi giống giá 160.000 đồng, một sào gieo 4kg, cộng với phân lạc nữa là hơn 1 triệu. Bán không được giá là mất cả vốn”. Ông Minh cà rỡn: “Bởi vậy nên trên núi toàn đám già bọn tui với nhau, để đám trẻ nó học hành, làm việc, cày chữ vẫn sướng hơn cày đồng”.

Rau đi khắp nẻo

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long - cho biết, diện tích trồng rau toàn xã là 100ha, trong đó đất thổ sơn chiếm đáng kể, nhiều người vừa có đất đồng, vừa có đất núi nên có thể trồng rau quanh năm. Từ đây, rau theo chân các thương lái đi khắp các huyện, thành phố của Quảng Ngãi, tận vùng cao heo hút như Sơn Hà, Trà Bồng, vượt biển ra đảo Lý Sơn, theo xe tải ra Quảng Nam, Đà Nẵng... Mỗi năm, vựa rau Sung Tích cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 tấn. Còn nhớ năm ngoái, khi nước lụt chia cắt quốc lộ đoạn miền Trung - Tây Nguyên, rau Đà Lạt không thể về thì Sung Tích là vựa rau chính chống “thiếu chất xơ” trong mùa lũ. Dù vậy, ông Tuấn cũng lo lắng: Bây giờ Sung Tích không còn “độc quyền” trồng rau trên núi nữa, mà hiện nay mô hình đã được nhân rộng ở nhiều nơi như Tư Nghĩa, Bình Sơn…

Hỏi dân làng Sung Tích mất “độc quyền” rồi có buồn không? Có người nói đùa: “Độc quyền sao nổi, chưa kể nơi khác đến học hỏi mô hình, mà con gái làng mình đi lấy chồng chỗ nào là trồng rau chỗ đó. Muốn độc quyền thì phải bắt lấy trai làng hết”. Khi mô hình sản xuất hay được nhân rộng thì nhà nông lại bị ám ảnh bởi điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhà nông vẫn cứ bấp bênh, bỗng thấy câu nói “cày trên đồng chữ vẫn sướng hơn cày đồng ruộng” sao mà thấm thía vậy.

Linh Phạm
TIN LIÊN QUAN

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Những sự kiện thể thao trong nước và quốc tế nổi bật trong năm 2023

TAM NGUYÊN |

Thể thao Việt Nam và thế giới sẽ tiếp tục có một năm sôi động với nhiều sự kiện đáng chú ý…