“Mùa hè xanh”

Linh Phạm |

Giữa cái nắng hè đổ lửa miền Trung, những cô cậu học trò đến từ nước Mỹ xa xôi mồ hôi nhễ nhại chuyền tay từng viên gạch đến các bác thợ xây Việt Nam. Dưới gốc dừa, điệu nhạc đường phố R&B đậm chất Mỹ vang lên hòa vào nắng gió vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), công việc nặng nhọc, nhưng ai nấy cũng tươi cười...
“Tôi yêu Việt Nam”
Hello... hello... xin chào... xin chào”, những thợ hồ nghiệp dư nở nụ cười thân thiện chào tôi bằng hai thứ tiếng. Một cậu trai nom trẻ nhất bọn nhanh nhẩu bắt chuyện: “Anh có phải là nhà báo không? Tôi thấy anh mang theo máy ảnh”. Sau cái gật đầu xác nhận của tôi, cậu thiếu niên cởi mở hơn: “Em tên là Nick, em đến từ nước Mỹ, bang Massachusetts, năm nay em 15 tuổi, đây là lần đầu tiên đến Việt Nam”. Maya Higgins - trưởng nhóm - bước tới gần trêu: “Ồ, Nick định trốn việc đấy à” khiến cả nhóm cười ồ lên. Công việc của nhóm tiếp tục và Maya tiếp chuyện tôi bên gốc dừa.
Maya cho biết cô đến từ National Geographic Student Expeditions, diễn đàn này kết nối các bạn học sinh từ các bang thành các đội quân chu du khắp năm châu. “Chúng tôi chụp ảnh, quay phim và khám phá thế giới” - Maya nói đầy hứng khởi. “Tôi là giáo viên hướng dẫn của các bạn, đây là lần thứ 3 tôi đến Việt Nam, và kia là 15 bạn chọn Việt Nam là điểm đến cho mùa hè này”.

Đến đây thì các em nhỏ Việt Nam đen nhẻm đã quấn quýt bên Maya. Vừa xoa đầu những đứa trẻ, Maya nói: “Bạn thấy đấy, những đứa trẻ rất dễ thương, vui nhất là khi chúng tôi đạp xe trong các ngõ hẻm thì bọn nhỏ chạy ùa theo sau, nói hello hello và cười không ngớt”. Cô bạn Huỳnh Kim Hằng - thông dịch viên của đoàn - phụ họa: “Thấy các bạn làm phụ hồ giúp xây nhà, các cô hàng xóm thương lắm, bữa nào cũng chia sẻ thức ăn làm các bạn rất vui”. 

Mia vui vẻ chuyền gạch cho một anh thợ xây, dù mồ hôi nhễ nhại. 

Maya bảo: “Những bạn trẻ Mỹ được sinh trưởng ở một đất nước phồn thịnh, những chuyến đi do National Geographic Student Expeditions tổ chức sẽ giúp các bạn trải nghiệm cuộc sống ở phần còn lại của thế giới, nuôi dưỡng thiện tâm bằng cách giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình”.

Nhưng Việt Nam là một điểm đến đặc biệt, “chúng tôi đến đây một phần vì cuộc chiến tranh Việt Nam mà người Mỹ từng can dự, một số bạn ở đây có ông nội là cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam. Nhưng thật tình mà nói thì những gì các bạn trẻ này biết về Việt Nam khá ít ỏi, bạn biết đấy, chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm rồi mà” - Maya nói.

Cậu trai 15 tuổi Nick McIntyre kể về ông nội 70 tuổi của mình, những gì Nick biết về Việt Nam qua lời ông nội chỉ gói gọn trong 2 từ “hot” và “Viet cong”. “Khi em sinh ra, ông nội thường trở lại Việt Nam để giúp đỡ người nghèo” - Nick chia sẻ. Và khi ông nội Nick đã già, cháu trai của người cựu binh đã thay ông thăm lại chiến trường xưa, “cả nhà khuyến khích em đến Việt Nam để hiểu thêm về cuộc sống ở nơi đây, thật tuyệt khi được tham gia chuyến đi này”.

Cậu bạn Jackson sau khi nghỉ tay uống một ngụm nước đã đến trò chuyện cùng chúng tôi, Jackson ra hiệu “number one” bằng tay và nói: “We love Việt Nam”. Nick và Maya đồng thanh nói theo: “We love Việt Nam”, “Chúng tôi yêu Việt Nam”.

Jackson chú tâm học cách xây nhà.  

 

Những ngôi nhà Việt - Mỹ

Trong lúc nhóm bạn này đang giúp xây nhà cho người nghèo xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) thì một nhóm 23 bạn khác cũng đang thực hiện “sứ mệnh” tương tự tại xã Phổ Châu. Theo lời giới thiệu của cô bạn thông dịch viên, tôi tìm gặp Eilleen Vo - người phụ trách chung của 2 nhóm trong buổi chiều khi công việc của ngày vừa xong. 

Eilleen Vo vận một chiếc quần short và áo thun, mặt mũi lấm tấm mồ hôi sau một ngày làm việc vất vả nhưng vẫn cười tươi. Cô giới thiệu: “Đây là các bạn đến Việt Nam theo chương trình của Putney Student Travel. Putney đã đưa các bạn học sinh Mỹ đến Việt Nam làm tình nguyện gần 10 năm. Năm nay Putney phối hợp với những người bạn National Geographic Student Expeditions để chương trình quy mô hơn”.

Eilleen khoe trong 6 năm liên tiếp làm thủ lĩnh của nhóm, Putney và National Geographic Student Expeditions đã góp xây 22 căn nhà cho người nghèo ở Quảng Ngãi từ tiền tiết kiệm của các thành viên. Mỗi năm họ chọn một địa điểm khác nhau và liên hệ với chính quyền địa phương để tìm đến địa chỉ cần giúp đỡ. Sau mỗi chuyến đi, hình ảnh được chia sẻ trên các website và mạng xã hội để mời gọi mọi người đến Việt Nam. Còn trang web của Putney thì giới thiệu về “gói” đi Việt Nam rất mộc mạc: “Đến Việt Nam, các bạn sẽ được thử sức được làm thợ nề và xây nhà cho người nghèo”.

Anh Đặng Minh Thảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi - qua nhiều năm làm cầu nối cho Putney Student Travel vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc những mùa hè xanh đặc biệt: “Mỗi năm lại có một đoàn mới với những gương mặt mới, sau một tháng tất cả lại trở nên thân quen, rồi lúc chia tay kẻ ở người về thì ai nấy cũng sụt sùi. Các bạn đến đây chia sẻ khó khăn với người nghèo, khi cho đi-nhận lại như vậy thì màu tóc, màu da, hay khoảng cách nửa vòng trái đất không còn là khác biệt nữa”. 

Còn cô Trần Thị Sỹ ở xã Phổ Thạnh - chủ nhân ngôi nhà đang được nhóm của Maya góp sức - tâm sự: “Cô bị bệnh tim, nên có bao nhiêu tiền là mua thuốc với chữa bệnh hết, chú đi biển cũng đủ để gia đình sống lay lắt qua ngày, hẹn mãi mà chưa sửa được nên cái nhà cứ lụp xụp miết”. Và rồi cô chợt hào hứng: “Vậy là cô sắp có nhà mới rồi, mà nhà do mấy đứa cháu Mỹ này làm thợ hồ luôn đó nghen, vui quá chừng luôn”.

Lần nào cũng vậy, Khu chứng tích Sơn Mỹ luôn là nơi các bạn chọn đến thăm để viếng hương hồn các nạn nhân của vụ thảm sát Mỹ Lai. “Các bạn đã được học lịch sử theo góc nhìn của người Mỹ, nhưng người Mỹ khuyến khích tư duy phản biện, đến đây các bạn sẽ biết đến cuộc chiến từ một góc nhìn khác” - Eileen nói. Quá khứ vẫn còn đó và những ngôi nhà sẽ tiếp tục được xây lên như một biểu tượng của hòa giải và hàn gắn. Eileen hứa hẹn sẽ trở lại vào năm sau với những người bạn mới.

 

Bữa trưa cô Trần Thị Sỹ chiêu đãi các bạn học trò Mỹ. 
Để nhớ Việt Nam
Hôm đó chúng tôi ăn trưa cùng nhau và ẩm thực là chủ đề rôm rả nhất. Cô giáo Maya Higgins đưa mắt nhìn quanh, “trưa nay không có món thịt hầm dừa khô, món đó rất tuyệt” - Maya ra vẻ tiếc nuối. “ Ở đây hải sản rất tươi, nhiều món rất lạ miệng, hôm qua chúng tôi đã học làm bánh xèo”, Maya nói rồi nheo mắt diễn tả cảnh khói tỏa lên cay sè, “thật tuyệt khi ăn một cái bánh xèo do mình tự đúc”. Cô Trần Thị Sỹ chẳng ăn được chút nào mà cứ luôn miệng dặn: “Ăn cho no đi nghe mấy con”, rồi quay sang tôi: “Chắc qua Mỹ tụi nó nhớ bánh xèo lắm, hôm qua đứa nào cũng khen ngon, mà qua Mỹ lấy bánh xèo đâu mà ăn”.

Sau khi hiểu ý cô Sỹ, cô bạn hơi béo Stephanie Hahn-Silva vụng về dùng đũa gắp thức ăn vừa nói: “Cháu sẽ nhớ bánh xèo, nhưng cháu sẽ nhớ cô hơn”. “Hy vọng em sẽ có dịp trở lại đây để ăn bánh xèo và thăm cô Sỹ” - Maya trả lời khi tôi hỏi liệu em có thăm lại Việt Nam. Maya nói theo cách của một cô giáo: “Ẩm thực là một phần của văn hóa, đến đây các em biết đến một nền văn hóa khác. Nhưng các em sẽ không quên những gương mặt đã gặp, những ngôi nhà mà các em đã góp sức xây nên. Sau trải nghiệm này, tôi nghĩ các em sẽ sống tốt và có trách nhiệm với cộng đồng hơn”. 

Cô bạn Eloise Gordon thành thật: “Ở đây mọi thứ rất tuyệt vời, dù nghèo nhưng mọi người đều lạc quan và cố gắng. Điều duy nhất đáng ngại là giao thông, em không dám đi đường lớn, nên chỉ đi vòng trong làng, nhưng bù lại em được đùa giỡn với các em nhỏ trên đường rất vui”.

Tôi viết những dòng này khi các bạn đã rời Quảng Ngãi để về quê hương Mỹ, cách nửa vòng trái đất. Hằng kể lại buổi chia tay mà tôi đã vô tình thất hứa, hôm đó cô Sỹ đã rơi nước mắt ôm các bạn vào lòng, dù cô luôn tươi cười khi các bạn ở đây. Tôi chợt nhớ Mia Loseff - cô bé đã viết tên tôi vào nhật ký và chép lại chuyện ngày hôm đó. “Em không viết để trở thành tiểu thuyết gia, em viết nhật ký để khi mở ra, em sẽ nhớ Việt Nam trong một khắc nào đó” - Mia nói và nhìn tôi trìu mến...
Linh Phạm
TIN LIÊN QUAN

Tổng LĐLĐ Việt Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

TRUNG DU |

Sáng ngày 18.1, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương kính viếng, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại TP Hải Phòng và tại quê nhà đồng chí ở tỉnh Thái Bình.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".

Lái buôn quất cảnh: Tết năm nay không có bánh chưng

Thiều Trang |

Thẫn thờ nhìn bầu trời Hà Nội mang sắc xám, anh Trần Duy Toàn - lái buôn quất cảnh thở dài: "Năm nay gia đình tôi không có bánh chưng".

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm với hệ thống bảo vệ tàu tự động

Phương Ngân |

TPHCM - Ngày 18.1, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và chạy thử nghiệm 1 đoạn trên cao với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe trên địa bàn Hà Nội

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội thông báo lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nghỉ Tết muộn để phục vụ người dân.

Mai vàng cổ 100 năm giá tiền tỉ đổ bộ chợ hoa Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhiều cây mai vàng cổ được các nhà vườn bày bán tập trung tại khu vực lối đi chính khiến nhiều người phải trầm trồ. Đó là những cây mai vàng cổ cao 4-5 mét, đứng sừng sững giữa chợ hoa. Người bán cây cho biết có những cây có tuổi đời chừng 100 năm, giá bán có cây lên tới 4 tỉ đồng.