Lục bình… lênh đênh nghị trường

HỮU DANH |

Lục bình là thứ sinh vật sống trôi nổi trên sông, dập dềnh theo con nước. Tưởng như vô hại, nhưng ở Long An, lục bình là vấn nạn, phải đưa vào nhiều cuộc họp, đưa lên nghị trường để bàn cách tiêu diệt.

Cây lục bình, theo từ điển mở Wikipedia, xuất xứ từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam hơn 100 năm trước nên có tên bèo tây. Cũng có tên gọi là bèo Nhật Bản vì có người cho rằng mang từ Nhật về. Còn lục bình là đọc trại từ lộc bình do cuống lá phình to giống như lọ lộc bình.
Nhiệt liệt chống lục bình
Ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là Long An, loại cây "xuất xứ từ bên tây" này là loài nguy hại, vì cản trở giao thông đường thủy, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Lục bình y như con ốc Pháp (tên gọi của ốc bươu vàng, cũng là sinh vật ngoại lai) đang tàn phá ruộng lúa nhưng không thể diệt được.

Trong báo cáo của Đoàn Thư ký HĐND tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ 10, các đại biểu HĐND đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thống nhất trong việc xử lý cây lục bình; tìm giải pháp tái sử dụng lục bình làm phân bón, đan giỏ, xuất khẩu làm nguyên liệu phân vi sinh, chất đốt... Đại loại, kiểu gì thì kiểu, miễn lục bình biến mất. 

Tại kỳ họp này, trước chất vấn của cử tri, ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết, vấn đề diệt lục bình đã từng được đưa ra họp bàn suốt 5 năm nay. “Năm 2009, UBND tỉnh đã giao Sở KHCN phối hợp với các ngành khác tìm giải pháp diệt lục bình, nhưng cho đến nay, không có giải pháp nào tốt. Chúng tôi vẫn tiếp tục giao Sở KHCN tìm cách” - ông Nguyên nói.

Trước đó, trong một hội nghị cấp bộ về bảo vệ môi trường diễn ra tại Long An, ông Nguyễn Thanh Nguyên cũng từng hỏi các nhà khoa học, vì sao năm nay nước mặn xâm nhập vào Long An không nhiều và sớm như những năm trước. Xâm nhập mặn, đương nhiên có ảnh hưởng tới cây lúa. Nhưng thiếu mặn, lục bình càng có cơ hội phát triển, lại thiệt hại nặng hơn.
Ở Long An, những băngrôn với khẩu hiệu"... nhiệt liệt hưởng ứng ngày ra quân vớt lục bình trên sông" giăng ngoài đường không hiếm. Nhân dân vớt lục bình, đoàn thể vớt lục bình, thanh niên các cơ quan kéo nhau đi vớt lục bình. Các sở ngành, cá nhân với đủ các công trình khoa học, đủ các phương án, giải pháp chống lục bình. Nhưng 5 năm đã trôi qua, lục bình càng lúc càng dày đặc hơn trước.
Nghe từ cử tri đến đại biểu HĐND, đến cả đại biểu Quốc hội rồi lãnh đạo từ sở ngành đến tỉnh khổ sở vì lục bình, ắt hẳn ai không biết sẽ lấy làm lạ hết sức. Nói đến lục bình, người dân thành thị có thể nhớ cái màu tím đẹp lạ lùng đi vào thơ ca của hoa lục bình, nhớ đến món rau xanh giòn giòn, chát chát không lẫn vào đâu được của nõn lục bình, hoa lục bình mà không phải nhà hàng nào cũng có. Nhưng với nhiều nông dân miền Tây, lục bình là loại sinh vật mà họ muốn nó biến mất ngay lập tức.
Người khổ, cá cũng ngộp

Để mục sở thị, chúng tôi quyết làm một chuyến đi Đồng Tháp Mười để xem loại cây ngoại lai này hại đến mức nào. Có mặt tại sông Vàm Cỏ Tây, đoạn đi qua thị xã Kiến Tường, chúng tôi choáng ngợp trước cảnh lục bình phủ xanh rợp mặt sông. Đứng trên cầu Cá Rô quan sát, cả một đoạn kênh dài hút mắt, đâu đâu cũng thấy lục bình. 

Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến ông Tám Thành ở xã Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa) toát mồ hôi điều khiển chiếc vỏ lãi (thuyền máy) vùng vẫy trong mớ bùng nhùng một màu xanh. Cái máy xe hơi gắn trên vỏ lãi nổ hết ga, mặc cho khói đen xịt vào người, ông Thành hết giở đuôi máy thảy bên này quăng bên kia, phía trước mũi vỏ lãi, con trai ông cầm cây sào tre tả xung hữu đột để lục bình dạt ra hai bên, nhưng chiếc vỏ lãi cũng chỉ nhích từng chút một. 

Bỗng nghe "cốp" một cái, ông Thành nhăn mặt hô "thôi rồi". Ông giở cái đuôi tôm lên, chân vịt có ba cánh gãy còn hai. “Không thể nhớ được bao nhiêu lần chân vịt bị gãy cánh do nghẹt lục bình. Nhà tôi chân vịt gãy gần đầy một thúng” - ông Thành ngao ngán nói.

Anh Phan Văn Hải - người dân xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng - than thở: “Hiện trên địa bàn xã, các tuyến kênh như kênh Cả Cát, kênh Phụ Nữ chiều dài hàng chục kilômét đều bị lục bình vây kín. Mọi người góp tiền để mua thuốc phun xịt nhưng đâu lại vào đấy, chỉ được vài ngày thì lục bình nơi khác trôi dạt đến rồi sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều. Tốn tiền tốn công chẳng giải quyết được gì, người dân đành ngó lơ luôn, giờ các đoạn kênh này ngập tràn lục bình”. 

Ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Tân Thành (huyện Mộc Hóa) phàn nàn: “Con sông Vàm Cỏ Tây giờ bị tê liệt bởi lục bình. Lục bình cản trở phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp, nhất là vào mùa thu hoạch, thương lái càng có cơ hội ép giá lúa của nông dân”. 

Theo lý giải của ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An - câu chuyện "ép giá" của thương lái là có thật và không phải không có cơ sở: “Trước đây, lúa thu hoạch xong là thương lái đưa thẳng ghe tới ruộng chở về. Bây giờ lục bình dày đặc, phải "tăng bo" có khi hai, ba lượt mới ra tới đường lớn, chi phí quá cao nên họ ép giá xuống, thành ra nông dân thiệt thòi”.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, lục bình còn sinh sôi nhiều đến mức... chết cá. Đầu tháng 4.2013, đoạn kênh ở xã Tuyên Bình đến các đoạn kênh thuộc địa phận xã Thái Bình Trung, xã Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng) xuất hiện tình trạng cá bị ngộp thở hàng loạt, có người mỗi ngày vớt được cả trăm ký cá mè vinh, cá trắng... 

Trước hiện tượng lạ này, người dân nghi ngờ nguồn nước bị nhiễm độc tố, nên báo cho ngành chức năng và Chi cục Thủy sản đến lấy mẫu nước kiểm tra. Kết quả, cá nổi là do lục bình bao phủ quá dày đã dẫn đến hàm lượng ôxi hòa tan trong nước quá thấp, ngoài ra khi lục bình chết đã làm khí NH3 cao hơn nhiều so với bình thường.

Giải pháp là… bó tay!
Theo ông Trần Tấn Tài - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hưng - năm nào huyện cũng chỉ đạo các địa phương, các ngành tăng cường tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức trong việc hạn chế phát tán lục bình, rồi triển khai các giải pháp trục vớt, phun thuốc diệt lục bình... nhưng xem ra vẫn chưa phát huy hiệu quả. Một mặt là do lục bình phát triển quá nhanh, mặt khác là do chưa có sự kết hợp đồng bộ giữa các địa phương toàn vùng. Ngoài ra, cũng có những nơi bảo vệ lục bình để phục vụ đan lát, nên diệt nơi này thì nơi khác lại trôi tới.

Theo Sở KHCN tỉnh Long An, trên mặt nước sông, kênh rạch một số địa phương, lục bình xâm hại đến 30-40%. Sở đang triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và tiến bộ kỹ thuật để xử lý lục bình trên địa bàn tỉnh”. Vấn đề mà dự án cần giải quyết là tìm ra một công nghệ có tính phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, từ thu gom (cắt, vớt), xử lý sơ bộ (như đùn ép, vận chuyển), đến xử lý lục bình theo hướng tái sử dụng nguồn sinh khối thiên nhiên làm phân hữu cơ, làm biogas, làm nấm, làm giấy, làm thức ăn gia súc. 

Dự án trước mắt sẽ được ứng dụng tại hai huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và đã được Hội đồng khoa học thông qua vào cuối tháng 3.2014. Phó Giám đốc Sở KHCN Lê Quốc Dũng cho biết: “Để thực hiện dự án này, dự kiến tháng 9.2014, từ nguồn kinh phí của tỉnh, sở sẽ mua 2 máy vớt lục bình với kinh phí hơn 4 tỉ đồng và triển khai các mô hình ứng dụng làm phân hữu cơ, làm nấm... 

Tuy nhiên, một máy mỗi năm chỉ vớt được một diện tích khá khiêm tốn khoảng 200ha, trong khi đó lục bình lại phát triển cực nhanh, chỉ hai tháng sau đã nảy nở như ban đầu. Do vậy, chúng tôi đang xem xét sẽ kiến nghị tỉnh mua thêm máy vớt lục bình để đáp ứng với nhu cầu thực tế. Dù vậy, để hạn chế cao nhất việc sinh sôi, phát triển rầm rộ của cây lục bình thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các địa phương, ban ngành và người dân”.

Về giải pháp diệt lục bình, ông Đặng Văn Xướng - Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - nói: “Cử tri nói nhiều lắm, năm này qua năm khác. Nhiều giải pháp đã đưa ra, nhưng không cái nào giải quyết triệt để được”.
Trong câu chuyện diệt lục bình ở Long An suốt 5 năm nay, các giải pháp đưa ra cũng giống như hình ảnh ông Tám Thành và con trai ông loay hoay giữa mớ lục bình, không thấy đường thoát.
HỮU DANH
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".