Liên quan trận hải chiến Gạc Ma: Vẹn nghĩa với đồng đội

NGUYỄN PHƯỚC TÍN |

Với cựu binh Nguyễn Văn Dũng (SN 1966, phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang, Khánh Hòa), giờ đây không gì hơn, đó là đã tròn tình, vẹn nghĩa với đồng đội, đặc biệt là với “người thế mạng” - liệt sĩ Phan Tấn Dư. Nhưng anh chưa thể ngơi nghỉ, khi ước nguyện xây cột mốc Trường Sa ngay tại điểm hẹn Thiên Phước vẫn còn đó…

Lo cho mẹ anh Dư từ miếng ăn, giấc ngủ

Giờ đây, chuyện về liệt sĩ Dư, “người thế mạng” cho cựu binh Dũng trước giờ ra quần đảo Trường Sa tham gia trận hải chiến Gạc Ma không còn lạ với đồng đội nữa. Liệt sĩ Dư hẳn đang an giấc ngàn thu cùng sóng nước biển Đông và hồn nhẹ lâng cùng cánh hải âu lướt sóng. Một tư thế an nhiên của người lính Gạc Ma anh hùng.

Anh Dũng mới đi thăm mẹ nuôi Lê Thị Niệm (SN 1928, ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) về. Anh Dư hy sinh thì mẹ Niệm có anh Dũng. Mẹ nuôi hay mẹ đẻ, khác nhau chỉ ở tên gọi, cốt ở tấm lòng.

5 năm hay 10 năm, anh Dũng lặn lội đi tìm thân nhân liệt sĩ Dư cũng chỉ là chuyện thời gian, nhưng 1 ngày nữa không tìm ra là 1 đêm nữa không ngủ được. Anh Dũng tìm mẹ Niệm bằng đôi chân đẫm bùn ngày mưa, tìm bằng cả cách đưa card visit cho khách nữa. Và rồi, duyên tiền định chợt đến, ngay lúc bước chân anh đã mỏi.

Trong lần đến Lữ quán Thiên Phước (núi Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, Nha Trang), 1 vị khách sau khi cầm tấm card visit của anh Dũng ở mặt sau ghi dòng chữ cần tìm “anh Phan Tấn Dư - con ông Phan Đình Đố” - đã cho biết địa chỉ chính xác nhất về quê nhà liệt sĩ Dư - trong số vô vàn địa chỉ anh Dũng lần tìm bấy lâu.

Chẳng quản mưa gió bão bùng, anh Dũng vội vã, hồi hộp phóng xe đến xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. “Vừa mới vào nhà, tôi chưa kịp nói gì, mẹ Dư đã ôm chặt lấy tôi khóc nức nở: “Dư đây à con! Con đi đâu giờ này mới về”. Một chặp lâu sau đó, mẹ mới buông tay, chịu nghe tôi giải thích, rồi mẹ nhận tôi làm con. Nhận nhau rồi, 2 mẹ con lại ôm nhau khóc, hạnh phúc quá mà, không gì diễn tả được” - cựu binh Dũng nhớ lại giây phút xúc động.

Lính đảo ngày ấy, nếu không cùng đơn vị mà làm công tác phối hợp thì chỉ lướt qua nhau, chỉ biết tên, chẳng kịp biết quê quán mỗi người. Cuộc “giao duyên” giữa anh Dũng và liệt sĩ Dư cũng thế. Vì anh Dũng khàn giọng, nói không thành tiếng mà anh Dư thay thế anh ra Gạc Ma.

“Lúc nghe đài phát lễ truy điệu, tôi lặng người khi nghe tên Phan Tấn Dư, con ông Phan Đình Đố… Đó là tia thông tin duy nhất. Và cứ thế, tôi đi tìm anh Dư” - anh Dũng kể.

Tuần nào anh Dũng cũng ra thăm mẹ Niệm. Có hôm, ra đến nơi, nhọc quá, anh ngồi phệt trước hiên nhà. “Chắc là đói rồi đây” - mẹ Niệm “quở”, rồi vào bếp nấu nướng, xúc chén cơm bưng ra, nói như lệnh: “Ngồi đấy, mẹ đút cơm cho ăn”.

Mẹ thổi từng muỗng cơm cho nguội hẳn, rồi đút cho anh Dũng lót dạ. “Tôi bảo, mẹ để con tự ăn, bà gàn tay nói không, để mẹ đút cho. Mẹ thích đút cơm cho tôi cũng là điều dễ hiểu. Bao năm rồi, mẹ không được đút cơm cho anh Dư, giọt máu của mình”.

Một ngày 1 hũ yến - tiêu chuẩn anh Dũng dành cho mẹ Niệm. Nhưng người già thường hay để giành. Nhiều khi ra thăm mẹ, thấy vẫn còn những hũ yến, anh nhắc mẹ để vậy hết hạn, uống nguy hiểm lắm, thế là mẹ lấy hũ yến, vừa uống vừa cười. Anh Dũng kể.

Không để mẹ Niệm phải vệ sinh ngoài trời, anh Dũng tặng mẹ 8 triệu đồng làm nhà vệ sinh, nhà tắm. Xây dựng một hồi, kinh phí đội lên 20 triệu đồng, anh cũng không ngần ngại: “Bao nhiêu cũng xây, miễn sao có chỗ cho mẹ sinh hoạt là được”.

Mọi thứ cho căn nhà mẹ Niệm tạm ổn, điều anh Dũng lo ngại bây giờ là nước uống. Mới rồi, anh Dũng thuê người hì hục khoan đục mấy ngày cũng không tìm được giọt nước. “Giờ phải chờ mưa, nước thấm đất qua giếng, rồi dự trữ xài nhiều ngày. Tôi đang nghĩ phải có cách nào đấy, tội mẹ...”

Cột mốc Trường Sa ở điểm hẹn Thiên Phước

Người bận rộn thường khó 1 cuộc hẹn. Gặp anh Dũng khó là vậy. 3 giờ chiều, ở Lữ quán Thiên Phước, anh Dũng mới cùng vợ dùng cơm… trưa. “Khách khứa nhiều quá, cả ngày chưa bỏ bụng thứ gì, giờ mới ngớt tay…” - anh cười hiền bên bát cơm nguội.

Với nhiều cựu binh Gạc Ma và con em thương binh, liệt sĩ, Lữ quán Thiên Phước là nơi gặp gỡ quen thuộc, để cùng ôn lại một thời hào hùng vào dịp 27.7, 14.3… Nơi này còn tạo công ăn, việc làm cho con em thương binh, liệt sĩ với mức lương mơ ước. Mỗi khi họp mặt cựu chiến binh, kỷ niệm ngày 14.3, hay lâu lâu cùng đồng đội đi chơi đâu đó, anh Dũng đều ngỏ ý với mọi người: “Tôi ưu tiên tất cả con em của các anh em vào quán tôi làm.

Anh bảo, mình sẵn sàng tạo cơ hội cho các em làm việc nhưng phải có điều kiện vì kinh doanh không khác gì “sân bóng”. “Tôi luôn nhắc các em rằng, khách hàng trả lương cho các em chứ không phải tôi. Vì thế, mình phục vụ không đảm bảo thì chỉ có cách phá sản. Ở đây, tôi quản lý theo kiểu tự nguyện. Tôi không can thiệp vào việc làm, tập thể các cháu, các em tự phân chia làm với nhau. Tôi chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng là con người biết phấn đấu, vượt qua gian nan, thách thức” - anh Dũng tâm sự. Nhiều em sau một thời gian làm việc, cảm thấy không đáp ứng được công việc, tự tìm cho mình việc mới, anh cũng không ép ở lại.

“Các bạn ấy, nếu không làm ở Lữ quán Thiên Phước nữa mà đi ra ngoài làm thì tôi tin là phát triển, bởi ở đây, các bạn đã được trui rèn nhiều thứ, không chỉ công việc mà cả nhân cách sống, và lòng nhân hậu” - anh Dũng tin tưởng.

Nhớ đồng đội, nhớ Trường Sa, anh Dũng thiết kế 1 con tàu tre với đầy đủ tiện ích, gợi nhớ đời sống của người lính đảo. Phía sau con tàu là hồ nuôi cá, tượng trưng của công tác hậu cần. Giữa là giàn thiên lý, rau rừng, hoa hòe, biểu tượng của tăng gia sản xuất. Đầu tàu là nơi đồng đội về tụ họp, hiểu là nơi bàn việc, làm nhiệm vụ của người lính đảo.

Bão số 12 năm rồi đổ bộ vào Khánh Hòa, hàng quán, tàu tre… bị cuốn phăng, thiệt hại tiền tỉ. Nhưng tàu tre phải phục hồi trở lại, giàn thiên lý phải xanh trở lại. Ý chí của anh là vậy. Mặc cho thiệt hại, anh Dũng tự nhủ “mình còn hơn họ là còn đồng vốn cố định” nên vẫn cứ làm.

Anh Dũng không nhớ nổi đã làm bao nhiêu chuyến từ thiện, nơi anh “cho đi” nhiều nhất không ai khác là thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ. “Tôi cảm thấy mình may mắn, nên tôi phải trải lòng với đời, với các mẹ, các thân nhân đồng đội mình. Đơn giản chỉ có vậy” - anh chia sẻ.

Từ ngõ vào quán hay từ tàu tre nhìn lên, vườn rau sạch xanh mướt phục vụ khách như mô hình tăng gia sản xuất ở Trường Sa vậy. Vãn khách, anh Dũng lại bước thấp, bước cao lên vườn rau, nhìn màu xanh mà ngẫm về cuộc sống người lính ở Trường Sa. Kề vườn rau, 1 khoảnh đất rộng chừng 10m2 đã chừa trống. Nếu không có gì thay đổi thì năm nay, anh sẽ xây dựng cột mốc Trường Sa ở đó. “Tôi đã tham khảo ý kiến đồng đội rồi. Ai cũng ủng hộ” - anh Dũng nói.

Bên vườn rau xanh này, thêm 1 cột mốc nữa thì có khác gì 1 Trường Sa xanh trên đất liền. “Ý định ấp ủ đã lâu, nhưng vì vết thương thời chiến hành hạ nên tôi không có điều kiện làm. Khi cột mốc được xây dựng, xung quanh là nhà biểu trưng về không gian sống và làm việc của người lính. Tôi muốn lịch sử Gạc Ma nói riêng, và quần đảo Trường Sa nói chung được nhiều người biết” - anh Dũng nói.

“Cứ kề ngày 14.3, tôi lại nhớ đến Lê Công Được (quê Thanh Hóa, con trai liệt sĩ Gạc Ma Lê Công Đệ) như thể có sự sắp đặt, dẫn dắt nào đó trong suy nghĩ. Cuộc sống của Được khiến tôi trăn trở kể từ khi gặp anh ở Khu tượng niệm chiến sĩ Gạc Ma (bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vào năm ngoái.

Ở quê không biết làm gì để sống, gia đình Được phải tha phương vào TPHCM lập nghiệp. Tôi hỏi Được, “phụ xe 5 triệu đồng/tháng ở đất Sài Gòn, rồi 2 đứa con thơ nữa, làm sao sống?”. “Tết vừa rồi em không có tiền về quê là anh biết rồi” - Được không ngại nói ra khó khăn của mình.

Vài ngày trước lễ khánh thành giai đoạn I, Khu tưởng niệm Gạc Ma vào ngày 15.7.2017, tôi hỏi thăm: “Được về chứ? Khu tưởng niệm nay hình thành đẹp lắm”. “Em cũng hi vọng sẽ về được” - Được đáp. Đến ngày khánh thành, tôi nhìn quanh không thấy bóng dáng Được đâu, tự hiểu, anh đang gặp khó khăn của riêng mình.

Trong lần trò chuyện gần nhất, Được khoe: “Ngày 12.3 này, em về quê làm đám giỗ cho bố”. Làm nghề phụ xe, Được phải rất vất vả, mới tích góp đủ tiền về quê tổ chức đám giỗ cho cha mình. Mà đâu chỉ Được, vẫn còn đó những hoàn cảnh khó khăn của thân nhân các chiến sĩ Gạc Ma...”.

NGUYỄN PHƯỚC TÍN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.