Lâm Xuân, nơi “tử thần” lần lượt gõ cửa

Lâm Hưng Thơ |

Mới đến đầu thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), tôi đã nghe tiếng nhị, tiếng kèn ai oán nỉ non cất lên ở đám tang của ông Tạ Văn Hào (63 tuổi). Ông Hào mắc bệnh ung thư, bị bệnh viện trả về mấy hôm trước. Anh Tạ Văn Hiền, con trai ông Hào ánh mắt đờ đẫn, mệt nhọc nhìn quanh lo âu: "Ba em khỏe mạnh, mới phát hiện ra bệnh được có hai tháng, mà ngã khụy xuống rồi đi luôn". Tiếng kèn dứt, những người ở rạp đám ma ngồi bệt xuống chiếu, nhẩm tính mới vài năm trở lại đây, ở làng này đã có hơn 50 người bị "tử thần" nhòm ngó, phần lớn trong số đó đã... "xanh cỏ".

Dùng nước phèn và thuốc sâu

Ông Thân Hữu Toàn - Trưởng thôn Lâm Xuân mặt buồn thiu trước những bàn tán của bà con ở đám tang ông Hào. Ở thôn vừa xong 100 ngày mất ông Trần Văn N., chưa đến 50 ngày mất bác sĩ Trần Minh Ph. thì ông Hào cũng mất. Nguyên nhân khiến những người đàn ông đang khỏe mạnh bỗng nhiên gục xuống là tất cả cùng mắc một chứng bệnh - ung thư.  Chỉ vài năm lại đây, ở thôn Lâm Xuân, già trẻ có đến 53 người bị mắc bệnh ung thư. Nhưng nguyên nhân gì dẫn đến số người bị ung thư tăng đột biến thì vẫn chưa được làm rõ, người làng nói là do nguồn nước bị ô nhiễm... 

Lâm Xuân nằm ở vùng thấp trũng, đất pha cát từ đầu đến cuối thôn, nhưng được  thuận lợi là đường sá phần lớn được bêtông hóa. Thôn có diện tích rất rộng, 345 hộ với 1.743 nhân khẩu, nhưng dân cư thưa, nằm xen giữa các đám ruộng đang canh tác. 

Ở đây chưa có hệ thống nước sạch, nên người dân vẫn sử dụng nước giếng đào và giếng khoan. Gia đình bà Nguyễn Thị Thỉ (80 tuổi) nằm cạnh con đường bêtông của thôn, ngôi nhà lọt thỏm giữa hai mảnh ruộng ăm ắp nước. Trước hiên nhà bà Thỉ có một cái giếng đào, sâu chừng 3 mét, cạnh đó là một bể lọc nước thủ công. Bà Thỉ nói, nhà bà vẫn sử dụng nước này để sinh hoạt hằng ngày, từ nấu cơm, giặt giũ và nấu uống. 

"Nước múc ở giếng lên bị phèn nặng lắm. Phải lọc để loại bớt, mệ uống nước ni mấy chục năm rồi". Thứ nước đỏ au múc từ giếng lên, được con dâu của bà Thỉ đổ vào bể lọc. Nhưng bể lọc chỉ có ít cát, đá sỏi và than nên không thể loại bỏ hết phèn trong nước. Chiếc thau nhôm hứng nước ở bể lọc chảy ra có màu nhàn nhạt, không được trong trẻo cho lắm vẫn được người con dâu của bà Thỉ lấy rửa rau. 

Ông Mượn phát hiện bị bệnh ung thư não 6 tháng trước, điều trị được vài tháng thì bệnh viện trả về nhà. Ảnh: Hưng Thơ 

Cạnh nhà bà Thỉ, gia đình chị Trương Thị Huyền (31 tuổi) hiện đại hơn ở chỗ có giếng khoan sâu. Nhưng nhìn hai cái thau bằng nhôm bị ám sang màu đồng thì biết độ phèn của nước giếng nhiều đến đâu. Lo lắng cho sức khỏe, chị Huyền lại có con nhỏ, nên không dám liều lĩnh dùng nước này để ăn uống. 

Mỗi ngày, chị phải đi một quãng đường khá dài để chở từng bon (can) nước ở làng bên về dùng. Nước ở làng Lâm Xuân không chỉ phèn, mà còn pha lẫn cả thuốc trừ sâu và phân hóa học. Ông Toàn kể rằng, ở thôn cứ vào vụ mùa là bà con lại sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc diệt sâu và bón phân hóa học cho ruộng lúa. 

Nhưng ở Lâm Xuân, hầu như ruộng đều nằm sát vách nhà, giếng nước lại cạn nên không loại trừ trường hợp nguồn nước bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật. Để dẫn chứng, ông Toàn dẫn chúng tôi đi dọc các mương nước theo đường bêtông của thôn, không khó để tìm thấy các loại chai lọ thuốc bảo vệ thực vật nổi lềnh bềnh...

Bác sĩ chưa "xanh cỏ", hàng xóm đã hấp hối

Xóm Bàu Đông ở đội 4 của thôn Lâm Xuân chưa đến 10 hộ dân, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã có 6 người mắc bệnh ung thư. Trước năm 2014, ở xóm này có 2 đám ma người chết vì bệnh ung thư, đến năm 2015 cũng 2 cái đám tương tự và còn có 2 người đang từng ngày chống chọi với căn bệnh quái ác này. 

Chúng tôi đến Bàu Đông, vào nhà nào cũng nhận được cái lắc đầu ngán ngẩm, người dân lo lắng tai họa sẽ ập đến bất cứ lúc nào bởi bác sĩ còn bó tay, huống gì dân nghèo. Cách đây chưa đến 50 ngày, cái chết của bác sĩ Trần Minh Ph. (công tác ở một bệnh viện huyện của tỉnh Quảng Trị) khiến xóm Bàu Đông hốt hoảng. Bác sĩ Ph. là nạn nhân thứ 4 tử vong do căn bệnh ung thư ở xóm. Mặc dù nhà có điều kiện, khi phát hiện bệnh bác sĩ Ph. đã đi đây đó chữa trị, nhưng cũng không qua khỏi.

Bà Nguyễn Thị Khoai, hàng xóm của bác sĩ Ph. ngồi bên giường chăm sóc cho chồng là ông Nguyễn Chính Mượn, nói, chồng bà sẽ không gắng gượng được bao lâu nữa. Chỉ mới sáu tháng trước, ông Mượn vẫn khỏe mạnh, nhưng bỗng dưng đau ở đầu, gia đình đưa ông đi khám thì phát hiện bệnh ung thư não đã di căn. Nằm điều trị được một thời gian thì bệnh viện trả về nhà, từ hôm đó bà Khoai luôn túc trực bên chồng. 

 Nước bơm từ giếng lên bị nhiễm phèn nặng được lọc qua để sử dụng. Ảnh: Hưng Thơ

Hỏi ở đây ăn uống có gì khác thường không, bà Khoai nói ai cũng dùng nước giếng bị phèn. Bà Khoai còn kể rằng, ngày trước vùng này bị ảnh hưởng nặng của chiến tranh, thời gian gần đây mùi hôi ở khu công nghiệp ở Quán Ngang cũng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. 

"Thế làm ruộng có phun thuốc sâu và thuốc diệt cỏ không?", bà Khoai trả lời, "không chỉ có, mà còn thường xuyên". Cũng như những gia đình khác ở Lâm Xuân, ngay trước mặt nhà bà Khoai, cạnh bên giếng nước là những ô ruộng đầy nước. Đâu đó lại xuất hiện những vỏ chai thuốc, túi ni lon có dòng chữ "Không vứt bừa bãi bao bì đựng thuốc, nhớ chôn lấp"...

Bao giờ Lâm Xuân hết lâm nạn?

Ông Hoàng Tân Lương - Chủ tịch xã Gio Mai cho biết, dù cơ quan chức năng chưa tìm hiểu cụ thể về nguyên nhân gây bệnh ung thư ở thôn Lâm Xuân, nhưng cũng như người dân, ông Lương nói khả năng là do nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Lương dẫn chứng, như ở khu dân cư Mai Hà (thôn Mai Xá, cách thôn Lâm Xuân khoảng 2km) vào năm 2006 có số người mắc bệnh và tử vong do ung thư tăng đột biến. 

"Có gia đình cả vợ và chồng đều tử vong vì ung thư. Trong vòng 1 năm mà có đến 5, 6 trường hợp như vậy. Nhưng vào năm 2007, khi ở thôn này được cấp nước sạch, thì nay bệnh ung thư ở Mai Hà thuyên giảm hẳn, không rộ lên như trước". Nguyên nhân bị ung thư vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm còn được khẳng định ở chỗ, những thôn lân cạnh Lâm Xuân có nước sạch, thì bệnh này chỉ "lai rai" chứ không phổ biến.

Thấy cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, bà con cũng phản ánh nhiều, nên chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất các cấp thẩm quyền, xin dẫn nước về thôn "ung thư". "Chúng tôi chỉ xin một số đường ống dẫn nước chính, sau đó cộng đồng thôn xóm sẽ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách để tự bắt dẫn nước về khu dân cư. Nhưng năm nào cũng bảo thiếu vốn, chưa thực hiện được" - ông Lương cho biết thêm. 

Vào năm 2014, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Trị đã về điều tra, khảo sát, bà con hồ hởi chờ đợi, nhưng cuối cùng dự án nước sạch vẫn dậm chân tại chỗ vì chưa có kinh phí. Trong lúc đó, đời sống của người dân ở Lâm Xuân rất khó khăn, chẳng mấy ai có điều kiện sắm xe đi chở nước ở làng bên, hoặc bỏ tiền ra mua các loại nước đóng chai để sử dụng hằng ngày.

Ông Thân Hữu Toàn còn kể rằng, cách đây mấy tháng, có đại lý bảo hiểm về thôn tổ chức hội thảo. Nội dung của hội thảo là thuyết phục bà con mua bảo hiểm để sau này có nhiều quyền lợi. Nhưng khi hội thảo kết thúc, đơn vị bảo hiểm kia biết chuyện ở làng có hơn 50 người bị ung thư, mà khi phát hiện ra bệnh chỉ ít tháng sau là không qua khỏi, nên họ cũng lo sốt vó. "Đến bảo hiểm họ còn lo, huống hồ nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng ở làng, đi ra ngoài sao không bị dòm ngó" - ông Toàn buồn bã.

Chúng tôi đi khắp các đội ở thôn Lâm Xuân, câu hỏi ở đội này có bao nhiêu người bị bệnh ung thư, câu trả lời luôn là những con số và con số... Và trong ngôi nhà nào cũng vậy, sau câu trả lời luôn kèm theo mơ ước "các cấp cần quan tâm cho chúng tôi sớm có nước sạch, nếu không ở đây trở thành làng ung thư mất".

 

 

Lâm Hưng Thơ
TIN LIÊN QUAN

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.