Phóng sự dự thi:

Khám bệnh miễn phí trong khi chờ… nhận lương hưu

Kim Ngân |

Hằng tháng khi đi nhận lương hưu, thấy mọi người đều phải chờ đợi đến lượt mình rất lâu và mệt nhọc. Người đàn ông thanh mảnh, tóc bạc trắng như cước, gương mặt hiền từ, phúc hậu ấy thấy thương mọi người và giá có thể làm việc gì có ích trong khoảng thời gian đó. Rồi ông nghĩ ra và làm theo cách, đúng chuyên môn của một cựu nhân viên y tế thôn bản là chăm sóc và tư vấn sức khỏe miễn phí cho từng người. Ông là Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Kim Chi, 83 tuổi, sống tại tổ 13, phường Quang Trung, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Bình dị việc đời thường
Từ năm 2005 đến nay, đều đặn vào ngày lĩnh lương hưu hằng tháng, ông Chi đến địa điểm phát lương từ rất sớm nhưng không phải để được lĩnh lương trước. Mỗi lần đi ông mang theo máy đo huyết áp, chọn cho mình một bàn để ngồi. Tất cả mọi người có nhu cầu đều được ông đo huyết áp, tư vấn sức khỏe miễn phí và ông luôn là người lĩnh lương sau cùng. Ở khu phố của ông, mọi người được chia làm 2 điểm để nhận lương hưu. Ông chỉ có thể giúp kiểm tra sức khỏe cho mọi người ở địa điểm ông nhận lương, nên ông đã vận động bà Dương Thị Duyên (y sĩ đông y) nhận lương ở tổ bên để cùng làm công việc giống mình. Ông còn giúp kiểm tra sức khỏe trong những buổi họp chi bộ, họp tổ dân phố.
Trước đó từ năm 2009, ông Chi đã thành lập một chốt sơ cấp cứu tại nhà mình với lý do, con đường Lương Ngọc Quyến chạy qua cửa nhà ông vừa gần bến xe khách, gần Trường THPT chuyên Thái Nguyên và cũng là con phố tấp nập các dịch vụ kinh doanh buôn bán, nên lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn, va quệt giao thông là việc rất dễ xảy ra. Những người bị va quệt nhẹ ở khu vực này tìm đến đều được ông sơ cứu và cho thuốc miễn phí. Ông dành một căn phòng nhỏ làm phòng khám, chữa bệnh miễn phí cho mọi người. “Nghĩ mình cũng có chút chuyên môn nên muốn dùng nó để giúp đỡ mọi người” - ông chỉ trả lời đơn giản thế nếu có ai đó thắc mắc về việc làm của mình.
Tôi đến nhà thăm ông, quan sát suốt mấy tiếng buổi sáng, ông luôn tay không nghỉ, hết khám, tiêm cho bệnh nhân, lại cho quà bánh dỗ dành con trẻ đang ốm quấy. Chị Nguyễn Thị Thái ở xóm Bầu (xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) - một “bệnh nhân” ở phòng khám nhà ông Chi - cho biết: "Tôi bị đau lưng đã nhiều năm, chúng tôi ở nông thôn, kinh tế khó khăn không có điều kiện để chạy chữa nhiều, may có người mách tìm đến cụ đây. Được cụ điều trị cho, tôi thấy đỡ hẳn, đã đi làm được không như trước có khi ngồi không còn khó. Đáng quý lắm, mỗi ngày điều trị cho tôi ngoài tiền thuốc tiêm 15 nghìn đồng ra, cụ không lấy của tôi một đồng tiền công nào cả. Cháu dâu tôi cũng đã từng được cụ trị khỏi bệnh này. Trên đời còn những người như cụ thật phúc đức quá!".
Từ một chuyên gia y tế Việt Nam…
Ông Chi sinh ra và lớn lên ở thôn Trung Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Là người có tuổi thơ khốn khó, mất bố khi ông mới lên 5 tuổi, rồi mất mẹ khi 11 tuổi. Thuộc lớp thiếu niên Cách mạng Tháng Tám sôi sục lòng yêu nước, học xong cấp 1, ông được đứng trong hàng ngũ thiếu niên tiền phong cứu quốc ở quê nhà. Toàn quốc kháng chiến nổ ra, giặc Pháp tràn về đóng chiếm quê hương, ông tản cư lên vùng trung du huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phú cũ). Tại đây, ngày 1.5.1947, ông tình nguyện nhập ngũ khi chưa tròn 17 tuổi (ông sinh ngày 20.8.1930). Với tư chất lanh lợi, tháo vát, ông được đơn vị cử làm liên lạc và cứu trưởng. Năm 1950, ông Nguyễn Kim Chi được đơn vị cử đi học lớp quân y, cuối năm đó ông tham gia chiến dịch Biên giới.
Chiến dịch kết thúc, ông được chỉ định làm cán bộ quân y ở lại chăm sóc sức khỏe cho tù binh. Sau Hiệp định Geneva, ta trao trả hết tù binh (trước tháng 10.1954), ông về Hà Nội tiếp tục công tác và học tập ở các đơn vị thuộc Cục Địch vận. Tiếp đó, ông được phân công là y tá trưởng Báo Quân đội Nhân dân và khối Văn nghệ Quân đội. Năm 1982, ông đã được Bộ Y tế chỉ định làm Trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Angola (Châu Phi). Đến năm 1985 ông lại được Bộ Y tế cử sang Phnom Penh (Campuchia) làm Viện trưởng Bệnh viện Chuyên gia của Việt Nam tại đây. Năm 1989 ông về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên (nay là Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên) cho đến khi về hưu. Suốt những năm tháng đó, dù ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được mọi người quý mến.
Tôi thắc mắc, cơ duyên nào từ một chuyên gia y tế của Việt Nam ông lại trở thành nhân viên y tế thôn bản? Ông bảo: "Tròn 60 tuổi tôi nghỉ hưu, lúc đó trạm y tế phường tìm người đảm trách công việc của nhân viên y tế thôn bản, tôi nghĩ mình còn sức khỏe, thế là tôi làm”. Tôi lại hỏi: Đã từng là một chuyên gia công tác nhiều năm tại nước ngoài, từng là bác sĩ phụ trách một phòng khám quan trọng ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, ông nghĩ sao về công việc y tế thôn bản "nhỏ bé” như bây giờ? Ông cười bảo: Tôi nghĩ làm việc ở đâu, vị trí nào không quan trọng, quan trọng là tôi được đem kiến thức và tâm huyết của mình để phục vụ mọi người. Đảng, Nhà nước đã đào tạo cho tôi có nghề nghiệp, giờ về còn có thể phục vụ bà con mà không làm gì thì vừa lãng phí kiến thức và như thế cũng không xứng đáng là người lính cụ Hồ”.
Với suy nghĩ ấy, nhiều năm qua, bất kể ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, chiếc xe đạp Thống Nhất là bạn, hễ nhà nào có người ốm đau tìm đến là ông lại sẵn sàng có mặt, tận tâm chăm sóc như người trong gia đình. Ông kể, có lần có anh công an (đến giờ ông vẫn chưa biết tên) đến tìm ông rụt rè bảo: "Bố con đang bị ốm rất nặng, con muốn nhờ ông đến khám giúp". Chẳng kịp hỏi xem anh ta là ai, ông vội vào trong lấy chiếc áo mưa và túi đựng đồ trèo lên xe máy. Chuyến đi đó ông lên tận Bắc Cạn, đi qua huyện Chợ Mới chừng mấy cây số. Sau khi khám bệnh, dặn dò người nhà cho bệnh nhân uống thuốc theo đơn ông đã kê rồi lại quay về Thái Nguyên. Gia đình anh công an nọ muốn gửi ông chút tiền để bày tỏ lòng biết ơn, ông một mực từ chối với lý do ông đi khám bệnh không phải để lấy tiền.
Ông là vậy, chưa bao giờ nề hà bất cứ chuyện gì... Không chỉ dùng y đức giúp đỡ người bệnh, ông còn luôn gương mẫu, tích cực trong các phong trào của địa phương. Năm 2001, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc Ưu tú"...
Đám cưới trong nhà tang lễ

Chỉ cho tôi xem những tấm ảnh ông chụp cùng những người bạn nước ngoài trong những năm tháng ông còn công tác. Đến tấm ảnh ông về gặp mặt các đồng đội nhân kỷ niệm ngày thành lập Báo Quân đội Nhân dân, ông nói: “Tại đây tôi không chỉ có kỷ niệm trong công tác mà còn có một kỷ niệm đặc biệt sâu sắc về đời tư nữa”. 

Rồi ông tủm tỉm: “Lúc làm nhiệm vụ chăm sóc tù binh ở Cao Bằng, tôi quen được một cô gái thùy mị, nết na tên là Bế Thị Kim Oanh ở huyện Phục Hòa. Hai chúng tôi tâm đầu ý hợp, đến khi tôi về Hà Nội công tác, năm 1957, Báo Quân đội Nhân dân đã tổ chức đám cưới cho tôi với bà ấy tại... Nhà tang lễ Hà Nội, số 125 Phùng Hưng, rất vui vẻ với vài bài hát và bánh kẹo”. Rồi ông bảo: “Con người ta sống với nhau cốt ở cái tình, chứ không cứ phải chọn ngày nọ, điểm kia sang trọng để tổ chức đám cưới mới là hạnh phúc đâu phải không cháu?”. 

Quả đúng như vậy, ông, bà đã có một đám cưới tại nhà tang lễ, nhưng mấy mươi năm nay những người con trai, con gái, con dâu, con rể của ông bà đều thành đạt với những học hàm, học vị cao được nhiều người kính trọng, các cháu lớn của ông, bà đều đang học tại các trường đại học. Gia đình ông được UBND thành phố Thái Nguyên vinh danh là gia đình tiêu biểu trong nhiều năm.

Còn rất nhiều việc làm nghĩa tình của ông với đồng chí, đồng nghiệp mà trong khuôn khổ bài này tôi không thể khắc họa hết được. Chỉ biết rằng sau khi được gặp và chứng kiến tấm lòng nhân hậu của Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Kim Chi, tôi có cảm giác cuộc sống hóa ra lành lẽ và đẹp đẽ hơn tôi nghĩ...
Lời bình:
Lại thêm một nhân vật "Vác tù và hàng tổng". Nhưng đây là bác sĩ quân y, một anh lính Cụ Hồ từng vào sinh ra tử, kinh bang tế thế trước khi trở về nhà, tình nguyện làm một nhân viên y tế thôn bản. Môtíp chuyện không mới, chỉ có nhân vật mới và lòng tốt thì không bao giờ cũ. Kim Ngân kể mộc mạc, câu chữ đôi chỗ hơi vụng về, nhưng đọc vẫn dễ chịu. Dễ chịu vì cái gì? Có lẽ bởi nhân vật của phóng sự mà nói như tác giả: "Chỉ biết sau khi được gặp ông, tôi có cảm giác cuộc sống hóa ra lành lẽ và đẹp đẽ hơn tôi nghĩ...".
Nhà báo Ngô Mai Phong
 

Kim Ngân
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài ở Hà Nội sau 20 năm ì ạch

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

Sáng nay (17.1), Hà Nội chính thức thông xe dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sau 3 năm thi công.