Keng Đu – nơi một ngày thu nhập không quá 5 ngàn đồng

Cao Thùy Liên |

Xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An) ở độ cao 1.100m so với mực nước biển nên lên đó cảm giác như ...đi lên trời. Nơi xa xăm này, người dân khổ không kể sao cho hết khi thu nhập một ngày không quá 5 ngàn đồng. Họ phải sống trong cảnh không điện, không nước sạch cùng nhiều cái không khác…

Hộ nghèo chiếm 60%

Trưởng bản Huồi Phuôn I của xã Keng Đu, anh Moong Văn Thắng đón tôi sau một giấc ngủ dài, kết quả từ trận say bí tỉ. Anh Thắng học hết lớp 12 thì được bầu làm trưởng bản. Nhưng năm 15 tuổi, để có thêm người giúp bố mẹ làm việc nhà, anh Thắng lấy vợ. Bây giờ 30 tuổi, anh Thắng đã là bố của 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất đã học lớp 6, đứa nhỏ nhất được 3 tháng.

Anh Thắng cho biết: “Dân ở đây sống bằng nghề phát nương, làm rẫy, nay làm chỗ này mai làm chỗ kia. Làm riết rồi giờ rừng cũng trọc lóc, không có chỗ mô mà làm. Một năm chỉ làm 1 vụ thôi, lúc đủ ăn, lúc không. Khi hết vụ, mọi người kéo nhau lên núi lấy măng, có bán cũng được 5 nghìn đồng nhưng không ai bán vì 5 nghìn cũng có mua được chi mô. Ai nuôi trồng được cái chi thì ăn cái đó, không thì nhịn”.

Đường vào các bản Khe Linh, Tà Vén 

Ông Lô May Mằn, Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu chia sẻ: “Ở Keng Đu, hộ nghèo chiếm tới 60%. Trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên, cả xã chỉ có 24 ha ruộng. Năm nay nắng nóng, lúa chết hết rồi”.

Mới tháng 9 nhưng ở Keng Đu, buổi chiều trời đã lạnh như đầu đông ở miền xuôi. Ánh nắng chiều heo hắt rọi vào từng mái nhà sập xệ càng làm cho không gian trở nên hiu quạnh. Cái nghèo, cộng với cái buồn bắt đầu thấm đến ruột gan.

Bé Phương, 14 tuổi, cháu anh Thắng, bỏ học lên giúp cô chú làm việc nhà giục tôi đi tắm. Cô bé cầm 1 cái xô, 1 can nhựa kéo tôi đi. Xuống dưới bể nước công cộng, chờ mấy người giặt giũ xong, nó hứng nước, nhìn tôi rồi chỉ: “Tắm đi”. Tôi hỏi “Tắm ở đây à?”, nó gật đầu. Tôi cười: “Chị rửa mặt mũi tay chân thôi”.

Hai chị em lại dắt nhau đi về, không quên xách thêm nước. Cơm dọn ra, một đĩa bầu trắng luộc, 2 giỏ xôi nếp đơm sẵn đặt dưới chân. Không cần bát đũa, cứ thế ăn đến đâu bốc đến đó.

Chị Cụt Thị Bôi với đôi chân bị lật ngược cùng đứa con út ở nhà đợi chồng đi làm thuê kiếm tiền ăn trưa. 

Vừa vo vo miếng xôi nếp anh Thắng vừa nói: “Không trồng được tẻ thì ăn nếp thôi. Dân ở đây có mấy người có cơm tẻ mà ăn. Có người còn phải nhịn đói. Có ăn là may rồi”. 

Đêm đến, Keng Đu nhìn đâu cũng chỉ một màu đen tăm tối. Tiếng ếch nhái, tiếng dế như một bản nhạc buồn réo rắt giữa bản nghèo hoang hoải. Ngồi bó chân trên thềm gỗ lạnh, tôi dạy bọn trẻ nhà trưởng bản hát cho không khí đỡ vắng lặng. Những đứa trẻ thật thà, mắt long lanh vừa hát rồi cười quên trời đất, cảm giác như nhiều năm rồi có người dưới xuôi lên đây, chúng mới được vui như thế.

Cô bé Phương ban đầu còn lầm lì, giờ như thân quen, bỗng ngồi sát vào tôi rồi thì thầm khoe: “Em có bạn trai rồi, học dưới Mường Xén. 1 tháng gặp nhau 1 lần”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng hỏi lại: “Thế muốn lấy chồng chưa?”. Nó chẳng ngần ngại mà gật đầu, còn nói: “Muốn rồi, con gái trong bản tuổi này lấy chồng hết rồi”. Tôi bảo nó mấy năm nữa hẵng lấy, giờ còn nhỏ lắm. Nó hồn nhiên: “Muộn mất, không lấy chồng thì biết làm gì”.

Trưởng bản vì trận say rượu, bỗng lăn ra ốm, phải gọi người đến truyền nước. Phương giới thiệu: “Anh Hùng, bác sĩ đấy”, rồi chỉ vào anh thanh niên mới bước vào nhà. Tôi nghi ngờ ba chữ “bác sĩ đấy” khi thấy Hùng thao tác đến 7 lần nhưng vẫn không được bắt ven để truyền nước. Là chưa nói, khi hướng dẫn bệnh nhân bóp đầu bắp tay để lấy ven, Hùng lại nắn ở chỗ gần khủy tay… 

“Đói thì phải xin ăn”

So với Khe Linh, Tà Vén và Huồi Cáng thì Huồi Phuôn I vẫn chưa phải là bản khó khăn nhất. Tà Vén cách trung tâm xã 8km, Khe Linh cách 10 km, ước chừng đi qua 2 ngọn núi thì đến, Huồi Cáng thì vừa trải qua trận lụt, đường chưa thông, cũng nằm ngay cạnh Tà Vén. 
 Một góc bản Khe Linh xác xơ, tiêu điều giữa cái nắng như thiêu đốt. Ở đây, khoảng cách giữa nắng và mưa chỉ được tính bằng giây

Đường đến Tà Vén thật biết “dọa” người, dốc và trơn. Cơn mưa mấy hôm trước biến con đường thành lầy lội, xe đang chạy bỗng đổ nhào, tôi và người bạn đi cùng cũng được trải nghiệm cảm giác lăn trên núi vì xe trượt bánh. Trưởng bản Tà Vén, ông Moong Văn Tân (SN 1980) nói tiếng Kinh một cách khó nhọc: “Đói lắm. Làm hết rẫy rồi, hết vụ mùa nên ở nhà nhìn nhau thôi”.

Quả thật, những ngôi nhà sàn mọc kế tiếp, đối diện nhau, không có việc gì làm, trai gái ngồi ngoài hiên hướng những cặp mắt to đờ đẫn, nhìn nhau, nói vọng với nhau bằng tiếng Khơ Mú, rồi cười khành khạch. Khổ nhất là cặp vợ chồng Cụt Phò Bôi với hai đứa con. Chồng vừa câm, vừa điếc. Vợ thì bị tàn tật từ nhỏ, bàn chân bị lật ngược. Miếng ăn của cả gia đình phụ thuộc vào công việc bốc gỗ thuê của người chồng nhưng Bôi cũng không phải người lanh lẹn nên bữa đói bữa no. Vợ Bôi là Cụt Mè Bôi thật thà: “Có đủ ăn mô. Làm được ngày nào biết ngày đó. Bữa nào chồng đi làm được thì có ăn, không thì đi xin ăn hàng xóm”.

Nghe tôi hỏi chuyện, mấy người trong bản biết tiếng Kinh đến góp vui: “Vợ thằng Bôi đi rẫy với dân trong bản, lúc đi thì đi cùng nhau, lúc người ta đến nơi, làm xong về đến nhà rồi thì hắn mới đến. 7 giờ đi thì 11h đến rẫy. Làm xong rẫy thì 7h tối về đến nhà”. Cứ thế, việc làm rẫy của Mè Bôi cũng thất thường. Trời mà nắng, đường bằng, khô ráo thì đi làm. Trời mưa thì ở nhà.

Con gái út bị mất tích được 4 tháng của Sèo Phò Khăm. 

Bản Huồi Cáng có 32 hộ, 100% hộ nghèo, trận lụt mấy hôm trước khiến nhà cửa bị hư hỏng. Ông Lương Văn Ngam, Chủ tịch xã Keng Đu cho biết: “Mấy bữa trước mưa lớn làm bản này bị lụt, bây giờ đang huy động thanh niên trong bản ngăn lại khe để đảm bảo đi lại. Năm nào ở bản này cũng ngập, mưa lớn là ngập. Ruộng thì ít, nắng nóng mưa nhiều, giờ còn trơ gốc mạ vì lúa chưa kịp lớn đã chết hết rồi”. 

Bản Khe Linh nằm tách biệt, đường đi vào vô cùng hiểm trở, những con dốc dựng đứng đất đá lởm chởm, chỉ cần sơ sẩy là có thể ngã. Từ đây, chỉ cần đi bộ 10 phút là sang đất bạn Lào. Thời tiết đang se lạnh ở Huồi Phuôn, đến đây lại nắng nóng gay gắt, đó là lí do vì sao cứ vài ngày lại có bò, gà bị dịch chết. Già làng Khe Linh nói: “Từ đầu tháng 9 đến giờ cả bản chết 5 con trâu, con bò rồi. Có 30 hộ trong tổng 56 hộ nuôi bò. Hễ nuôi con gì cũng bị dịch mà không hiểu vì răng, vài ba ngày lại chết một con”.

Nằm cheo leo trên mỏm đất, ngôi nhà của ông Sèo Phò Khăm xơ xác giữa cái nắng đổ lửa. Ông có 3 đứa con, đứa đầu 24 tuổi, bị bệnh gan, người nhỏ thó lại ngờ nghệch. Đứa út 18 tuổi mất tích được 4 tháng vì có người đến tận nhà rủ đi làm công ty. Nhà Phò Khăm phải sống dựa vào trợ cấp của xã, 1 ngày được 70 nghìn đồng, quần áo nhiều khi không có mặc nhưng Khò Phăm  lại thích uống rượu. 
 Gia đình ông Sèo Phò Khăm vắng đi đứa con gái út nhưng hình như họ chưa hề cảm nhận được nỗi buồn

Ông ta nhìn tôi, chỉ vào miệng: “Thèm rượu lắm nhưng có ai mời thì uống chứ không có tiền mua đâu, ăn còn không có”. Tôi hỏi rồi nhờ người phiên dịch: “Con đi rồi có nhớ con không?”. Ông Khăm hồn nhiên: “Hắn mới đi có 4 tháng. Biết đâu sắp tới hắn về thì sao? Chưa nhớ đâu”. Căn nhà thông thốc gió, ngắm chừng chỉ cần 1 cơn giông là có thể sập tự dưng nhòe đi trong mắt.

Lại sắp qua ngày, vậy mà nắng vẫn gắt. Nhìn tấm lưng xiêu vẹo của ông Phó chủ tịch Keng Đu khi chiếc xe chở ông nhảy nhót trên con đường toàn đá lại thấy thương vô cùng. Ông đang ốm nhưng vẫn nhiệt tình dẫn tôi vào bản. Ở những đoạn đường dốc khó đi, mãi không nhìn thấy tôi, ông thấp thỏm đứng đợi.

Lúc chào ông để về xuôi, ông nói với tôi bằng giọng Kinh lơ lớ: “Bản nghèo lắm, lại xa xôi. O có về đây nữa không? Lâu lắm mới có người dưới xuôi lên đây, bản tôi ưng lắm”. Tôi nhìn ông, rồi nhìn vào lưng chừng núi, một cảm giác rất khó tả, chỉ biết như luồng điện sẹt ngang người. 

Không còn rừng nữa để làm...

Thiếu tá Nguyễn Huy Hà - Phụ trách an ninh Đồn biên phòng Keng Đu cho biết: “Khó khăn nhất ở đây là chưa có mô hình phát triển kinh tế nào để nâng cao đời sống người dân, phong tục tập quán và phương thức sinh hoạt còn nguyên sơ, lạc hậu. Đường xá đi lại mặc dù khó đi nhưng cũng thông rồi chứ mấy năm trước từ Keng Đu ra thị trấn hay đến các xã lân cận bất tiện vô cùng. Bà con làm nương rẫy kiểu du canh du cư, giờ còn rừng mô nữa mà làm. Làm việc theo thời vụ, hết vụ thì ở nhà. Đến rau ăn còn phải đi mua của bộ đội”.


 


Cao Thùy Liên
TIN LIÊN QUAN

Keng Đu – nơi một ngày thu nhập không quá 5 ngàn đồng

Cao Thùy Liên |

Xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An) ở độ cao 1.100m so với mực nước biển nên lên đó cảm giác như ...đi lên trời. Nơi xa xăm này, người dân khổ không kể sao cho hết khi thu nhập một ngày không quá 5 ngàn đồng. Họ phải sống trong cảnh không điện, không nước sạch cùng nhiều cái không khác…

“Truyền mồ côi” làm nên kỳ tích

Hữu Nhân |

Lê Thanh Truyền ở xã Phổ Ninh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thi đỗ Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh - một minh chứng cho nỗ lực phi thường của con người chiến thắng số phận nghiệt ngã. Chuyện về cậu bé 10 tuổi mót từng củ khoai để nuôi cha bệnh liệt giường và chăm em thơ khiến nhiều người thương cảm.

Vụ nổ tàu cá ở biển Vũng Tàu: Mỏ Ó không có cả đất để chôn người chết

Hoàng Tân |

9 nạn nhân xấu số của vụ nổ tàu cá BV 97799 TS ở ngoài khơi Vũng Tàu ngày 16.9 ở thôn Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) nghèo đến mức không có đất để chôn…

Cù lao Đất – nơi đau đẻ cũng phải… nín

Nhật Hồ |

Cù lao Đất, rẻo đất nằm thoi loi giữa sông Hàm Luông thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khó khăn đến mức phụ nữ đau đẻ cũng phải… nín để chờ con nước.

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Keng Đu – nơi một ngày thu nhập không quá 5 ngàn đồng

Cao Thùy Liên |

Xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An) ở độ cao 1.100m so với mực nước biển nên lên đó cảm giác như ...đi lên trời. Nơi xa xăm này, người dân khổ không kể sao cho hết khi thu nhập một ngày không quá 5 ngàn đồng. Họ phải sống trong cảnh không điện, không nước sạch cùng nhiều cái không khác…

“Truyền mồ côi” làm nên kỳ tích

Hữu Nhân |

Lê Thanh Truyền ở xã Phổ Ninh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thi đỗ Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh - một minh chứng cho nỗ lực phi thường của con người chiến thắng số phận nghiệt ngã. Chuyện về cậu bé 10 tuổi mót từng củ khoai để nuôi cha bệnh liệt giường và chăm em thơ khiến nhiều người thương cảm.

Vụ nổ tàu cá ở biển Vũng Tàu: Mỏ Ó không có cả đất để chôn người chết

Hoàng Tân |

9 nạn nhân xấu số của vụ nổ tàu cá BV 97799 TS ở ngoài khơi Vũng Tàu ngày 16.9 ở thôn Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) nghèo đến mức không có đất để chôn…

Cù lao Đất – nơi đau đẻ cũng phải… nín

Nhật Hồ |

Cù lao Đất, rẻo đất nằm thoi loi giữa sông Hàm Luông thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khó khăn đến mức phụ nữ đau đẻ cũng phải… nín để chờ con nước.