Hút chết ở Hòn Mum

Xuân Nhàn |

Con rựa sắc lẻm nếu thực sự bổ xuống, không biết giờ này mình đã tới chỗ ông bà ông vải hay chưa? Trên đường trở về từ vùng rừng giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Gia Lai, đầu óc tôi cứ lẩn quẩn, miên man mỗi câu hỏi ấy. Thật đáng sợ cái cảm giác bị bức bách, bị uy hiếp, bị đẩy tới bờ sinh tử giữa đám đông cuồng loạn.
Cuốc, thuổng, rựa, dao và những bàn chông lởm chởm

“Mày chụp cái gì? Tao đập nát máy bây giờ!”, tiếng gầm chưa dứt, một thân hình cao lêu đêu đã từ phía sau nhào tới, tay lăm lăm chiếc rựa sáng choang. Giờ thì anh ta đã chần rần, lừng lững trước tôi, mặt đối mặt. Liếc sắc diện đằng đằng sát khí, cặp mắt vằn những tia máu đỏ lòm, tôi tưởng hồn vía đã ở hết trên mây. 

Cánh tay người đàn ông không quen biết bỗng nhấc lên cao, giáng xuống, cách đoạn cổ đang co rút của tôi chừng vài phân thì dừng, lưỡi thép lạnh toát cứa qua cứa lại. Tiếng quát sấm sét bắn sang: “Có tin tao chém bay đầu mày không? Mày ngon hả?”. 

Tôi... không ngon nên lập cập bước thụt lùi, cố che chắn chiếc máy ảnh trên đôi tay lẩy bẩy. Xung quanh, cả dàn hợp âm đặc quánh tiếng gầm gừ, gào thét, chửi bới tục tĩu bủa vây. Hơn hai chục cán bộ, công nhân Cty TNHH lâm nghiệp Sông Kôn lặng lẽ tản ra.

Bầu không khí hỗn loạn ập đến nhanh không thể tưởng. Chỉ 15 phút trước, khi chiếc U-oát của Cty Sông Kôn tắt máy tại Hòn Mum, bên sườn phía tây nam chỉ thấy ẩn hiện chiếc áo xanh lom khom đào, trỉa. “Áo xanh” ngẩng lên, ngó nghiêng nhóm người mới đến rồi tất tả theo lối tắt chạy một mạch ra đường lớn. 

Chẳng biết anh ta báo động bằng cách nào mà chớp nhoáng từ hướng An Điền 1, An Điền 2 (xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai), từ những quả đồi lân cận, dòng người trang bị cuốc xẻng, rìu rựa túa ra như ong vỡ tổ. Đám đông dễ chừng đến 80 - 90 người, từng đợt tràn lên Hòn Mum, mang theo không khí cuộc chạm trán một mất, một còn. 

Những tiếng hú dài âm u, hun hút. Tiếng kim khí chan chát chạm nhau. Tiếng cuốc phầm phập bổ xuống đất đồi sau mưa mềm như bột. Những mầm cây non vừa được Đội Quản lý bảo vệ rừng số I, Cty Sông Kôn trồng xuống bị nhổ phăng, la liệt. Tiếng đàn bà cay nghiệt, tiếng đàn ông cộc cằn. Nhốn nháo, ô hợp, căng thẳng, mất kiểm soát, cơ hồ không ai còn bình tĩnh để có thể lắng nghe ai.

 Kẻ phá.

Tình huống tôi vô tình trở thành nhân chứng chỉ là mảnh nhỏ cao trào trong chuỗi sự kiện sôi sục trên lâm phần Sông Kôn những ngày này. Võ Hồng Nguyên - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng - thông báo nhanh mấy vụ nóng hổi: Sáng 19.7, hộ bà Nguyễn Thị Liễu cùng 60 “chiến hữu” đổ ra cản trở hoạt động trồng rừng tại lô e, khoảnh 3a, tiểu khu 226. Chiều cùng ngày, hộ ông Nguyễn Hiền (thôn An Điền Bắc 2) cùng 50 người khác tràn ngập lô c, khoảnh 3a, tiểu khu 226; họ thẳng tay nhổ bỏ cây trồng, hủy hoại dụng cụ lao động của công nhân. 

Vụ việc kéo dài sang sáng 20.7 và bị đẩy lên thành cuộc va chạm “nghẹt thở”, khi Nguyễn Văn Hiếu (con ông Nguyễn Văn Trung) loạn đả gây chấn thương nhân viên bảo vệ rừng Nước Poon - Soi Gà Nguyễn Thái Thạch, còn Nguyễn Văn Hạnh - con trai ông Hiền - thì kề rựa lên cổ uy hiếp Phó phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Nguyễn Văn Quang. Đội trưởng đội I Lê Văn Tám nhận dạng, Hạnh chính là kẻ vừa mới khiến tôi trải qua một phen hú hồn, hú vía!

Để tiếp cận Hòn Mum, chúng tôi phải trung chuyển, thay xe, tăng cường thêm nhân sự “hộ tống” ngay từ ngã tư Cây Me, cách hiện trường hơn 10km. Con đường len lỏi qua điệp trùng đồi núi bị đốt cháy nham nhở, trọc trụi, được cảnh báo là con đường cạm bẫy. Thi thoảng, gặp vũng nước, đoạn ngầm hay đống bùi nhùi khả nghi, Lê Văn Tám lại nhảy xuống, đưa tay lần mò, sờ soạng hồi lâu. 

Chuyến vào bình yên vô sự, nhưng lúc trở ra, chính Tám đã nhảy nhỏm kêu trời vì đạp trúng đinh dọc hành trình “trinh sát”. Những hàng đinh cũ kỹ đóng tua tủa trên ván, trên vỏ cây khuất lấp rải khắp các nẻo đường rừng làm tôi giật mình lạnh cả sống lưng. Anh Tám không hiểu rồi có hề hấn gì không, chứ bình thường, phát hiện cho hết những “trận địa” chết người lởm chởm giữa mênh mông rừng núi cũng đủ nổ đom đóm mắt. Trong nhà kho của tổ công nhân giữ rừng, tôi đếm có cả thảy 13 bàn chông như vậy!

Thập kỷ nảy lửa vùng giáp ranh
Buổi sáng ở Hòn Mum, rốt cuộc tôi cũng có mẩu đối thoại phập phồng với người của “đội quân chiếm đất”. Người đàn ông chừng 50 tuổi không tiết lộ tên, may sao, không quá hùng hổ như tôi tiên liệu. Ông kể nhà đông người mà chỉ 500m2 ruộng, cuộc sống thiếu trước hụt sau: “Nắng hạn dặt dẹo, trồng cây gì chết cây đó. Không dựa vào rừng, dân Cửu An còn biết làm gì? Đất này, chúng tôi khai phá, canh tác từ năm 1985...”.
Chủ tịch UBND xã Cửu An Phạm Đình Phùng cải chính: “Đổ thừa thiếu đất để biện hộ hành vi lấn chiếm đất rừng dưới Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh, Bình Định) là không đúng. Thiếu sao được khi mỗi hộ, ngoài 2 - 3 sào ruộng 2 vụ, còn có vườn, rẫy, nhiều hộ vượt hạn điền (2ha) rất xa. Ông Nguyễn Cảnh Lang ở An Điền Bắc 2, chiếm hơn 9ha của Sông Kôn, ai bảo do thiếu đất?”. Ông Phùng xác nhận, dân Cửu An sai rành rành khi rồng rắn bao chiếm đất đai Vĩnh Thạnh. Nghe tôi phản ánh màn trình diễn bạo lực lúc sáng, ông chủ tịch thở dài: “Chuyện kéo dài hàng chục năm rồi. Vĩnh Thạnh - An Khê nhiều lần ngồi lại với nhau. Chúng tôi dưới xã thẩm quyền có hạn, chủ yếu chỉ bằng biện pháp tuyên truyền”.

Địa giới hành chính Bình Định - Gia Lai đoạn qua Vĩnh Thạnh - An Khê cơ bản không khúc mắc gì lớn để nảy sinh tranh cãi. 7 cột mốc đặc trưng thiết lập theo biên bản tháng 10.2002 hiện được hai bên nhất trí tu bổ, nâng cấp, bên cạnh việc trồng thêm 34 mốc phụ khác. Tháng 12.2001, với Quyết định 4483/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bình Định giao 777,34ha tại các tiểu khu 210b, 217, 226 thuộc xã Vĩnh Thuận cho Cty Sông Kôn quản lý. Trên thực tế, Sông Kôn chỉ ăn ngon ngủ yên trên diện tích 177,29ha. Hơn 600ha còn lại bị 298 hộ dân thuộc các xã Tú An, Xuân An, Cửu An của An Khê xâm canh, lấn chiếm. 

 

 Những bẫy đinh gieo rắc hiểm nguy.

Nhằm thu hồi phần đất được giao, Sông Kôn bỏ ra hơn 384 triệu đồng hỗ trợ khai hoang, đền bù hoa màu cho dân. Tuy vậy, gai góc còn chờ phía trước. Người dân sau khi gật gù đồng ý đã quay ra trở giọng bất hợp tác. Có người ỷ ôi thu hồi đất không công bằng. Có người dè bỉu tiền đền bù quá thấp. Dân Cửu An nhìn qua An Thạch, Xuân An, so bì: “Họ chiếm được, sao mình không “nhào vô kiếm chút cháo?”. 

Suốt hơn 10 năm, hai bên cứ diễn đi diễn lại điệp khúc nhùng nhằng, cù cưa, “trời không chịu đất, đất chẳng chịu trời” ấy. Đến mùa vụ, cứ bên này trồng xuống, bên kia lại nhổ lên. “Chúng tôi bị họ theo sát gót. Ra rừng, vừa nhấc nhát cuốc lên là họ thò chân xuống hố” - Trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ rừng Sông Kôn Võ Hồng Nguyên kể lại. 

Giám đốc Cty Sông Kôn - ông Võ Văn Cường - tức tối: “Chúng tôi mất đứt gần 1,2 tỉ đồng rồi. Cả doanh nghiệp hiện như ngồi trên lửa. Đụng độ không chỉ ở Hòn Mum, mà còn lan ra cả Soi Gà, Nước Poon. Hàng trăm hécta đất rừng bị chiếm dụng; cây trồng bị chặt phá, bị “khủng bố trắng” bằng thuốc khai hoang. Tổn thất rồi sẽ còn cao hơn nữa. 60 cán bộ, nhân viên của tôi làm sao lay chuyển nổi đám đông bất chấp luật pháp, lý lẽ, nhất là khi muốn lên rừng, phải mượn đường đi của họ”. Như để dẫn chứng, ông Cường nhắc lại vụ Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Nước Poon bị đốt trụi, nhân viên bị lăng nhục, uy hiếp, tấn công hồi tháng 5.2013.

Tôi mang những câu chuyện bất an, cả mới lẫn cũ, đặt lên bàn hai đồng trưởng đoàn công tác liên huyện Lê Văn Đẩu (Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh) và Nguyễn Hùng Vỹ (Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê). Cả hai đều khẳng định hiệu quả phối hợp công tác đang tốt dần lên, đặc biệt từ cuối năm 2013 đến nay. 

Vậy tại sao “cuộc chiến” núi rừng Vĩnh Thuận chẳng những không thuyên giảm, mà ngược lại cứ dai dẳng kéo dài và hiện đang bùng phát với dấu hiệu hết sức cực đoan? Ông Đẩu thừa nhận: “Cần tính tới biện pháp mạnh, từ hình sự tới hành chính, kể cả khả năng thúc đẩy chủ rừng khởi kiện. Vĩnh Thạnh đang rà soát, đánh giá lại tình hình. Tôi hy vọng từ nay đến cuối năm, sẽ có phương án trình UBND tỉnh”. 

Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ, qua điện thoại trưa 24.7, có vẻ muốn... hoãn binh: “Chuyện hơi dài dòng, phức tạp, không thể nói vài câu là xong. Xin hẹn phóng viên dịp khác”. Ông Vỹ thông tin Công an An Khê đã được yêu cầu xác minh chuỗi phản ứng manh động từ 19.7 đến nay, song không quên lưu ý “trách nhiệm chính thuộc về Bình Định, vì vụ việc xảy ra trên địa bàn Bình Định”(!?).

Xuân Nhàn
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.