Hành trình nghèo bền vững ở Húc

LÂM HƯNG THƠ |

Ngồi làm việc với chúng tôi ở trụ sở ủy ban xã Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), vị chủ tịch xã người Vân Kiều cứ thở dài thườn thượt, nhắc lui nhắc tới cán bộ kế toán “cứ nói thật, đừng dấu giếm”. Chúng tôi đặt câu hỏi, ngoài việc không chi trả tiền hoạt động cho dân quân tự vệ, bớt xén tiền hỗ trợ dê của người nghèo, ỉm tiền hỗ trợ trồng lúa, thì còn sai phạm nào nữa không, số tiền là bao nhiêu? Nữ cán bộ kế toán của ủy ban xã cúi mặt, còn quá nhiều sai phạm mà nếu không giở sổ, thì cô không nhớ được. “Số tiền thâm hụt, cỡ 200 triệu” - cô kế toán cất giọng lí nhí. Vị chủ tịch xã lại nhắc nhở “nói thật chưa”, kế toán ậm ừ “khoảng 300 triệu”...
Xà xẻo của nông dân, “ỉm” của dân quân

Xã Húc ở huyện miền núi Hướng Hóa có 3.478 hộ, chủ yếu là người Vân Kiều. Xã có hơn 400 hộ nghèo, đời sống của người dân phụ thuộc vào nương rẫy nên rất khó khăn. Vì vậy, xã Húc được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều dự án để giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, thực tế đã và đang diễn ra ở địa phương này là cán bộ xã đã bớt xén, cố tình không chi trả các khoản trợ cấp của Nhà nước cho các đối tượng hộ nghèo... Vào năm 2014, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất - Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai tại xã Húc. Địa phương này có 100 hộ được hỗ trợ dê cái (trị giá 3 triệu đồng/hộ) để chăn nuôi. Mục đích của dự án là tạo “cần câu cơm” cho người dân, vì vậy yêu cầu của dự án là phải hỗ trợ dê để người dân phát triển chăn nuôi, giảm nghèo bền vững.

Anh Hồ Văn Bôn, trưởng thôn Húc Ván (xã Húc) cho biết, chính anh là người đã lên danh sách 10 hộ nghèo ở thôn được hưởng lợi từ dự án. “Tôi họp thôn, xét những hộ nghèo nhất được nhận dê rồi đưa lên xã. Sau đó, nghe nói xã gọi người dân lên ủy ban để phát tiền, chứ không cấp dê như yêu cầu của dự án”. Theo danh sách những hộ nghèo được nhận dê mà anh Bôn đã lập, chúng tôi đến nhà anh Hồ Văn Rang ở thôn Húc Ván. Phải vịn vào cột nhà, chúng tôi mới mạnh dạn bước từng bậc lên chiếc thang tre ọp ẹp của gia đình anh Rang. Hỏi, dê của Nhà nước cấp bây giờ đâu, anh Rang bảo: “Ăn hết từ lâu rồi”.

Anh Rang kể, dịp đó cũng gần Tết Nguyên đán, xã gọi lên ủy ban để nhận dê cái về nuôi. “Nhưng cán bộ ở ủy ban xã bảo sẽ cấp cho mỗi hộ 2,5 triệu đồng, về tự mua dê mà nuôi. Có người ý kiến nói 3 triệu chứ, xã bảo giữ lại 500 ngàn đồng để làm giấy”. Nhận 2,5 triệu đồng, anh Rang đi tìm nơi bán dê. Nhưng số tiền này không đủ, nên anh quyết định để tiêu pha trong gia đình. Nhìn quanh, căn nhà của anh Rang chẳng có thứ gì giá trị ngoài bao lúa giống vụ rồi còn cất lại. Khung cửa sổ lâu ngày bị mối mọt gãy nát, phải lấy tấm vải che tạm. “Đợt đi nhận tiền về, gần tết nên tôi không xoay đâu ra để đủ 3 triệu đồng mua dê. Chừ tiếc, nếu mà mua được chừ phải thành 3 con rồi. Nhưng thiệt là không có tiền, làm lúa cũng không có tiền mua phân bón, nói mô cho xa” - anh Rang nói.

Thế trồng lúa nước không được hỗ trợ gì à? Câu hỏi của chúng tôi khiến anh Rang phát cáu. “Nhà mô trồng lúa ở đây cũng bức xúc. Nghe Nhà nước có hỗ trợ, nhưng từ mấy năm nay không ai được nhận. Hỏi thì xã cứ lơ lơ rứa”. Trưởng thôn Hồ Văn Bôn cũng bức xúc không kém, nói rằng Nhà nước có hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo chủ trương của Chính phủ, nhưng từ năm 2012 đến nay không ai được nhận.

Lân la tìm đến nhà của cán bộ khác ở Húc Ván để xác minh lại những thông tin trên, gặp anh Hồ Xuân Bình - thôn đội trưởng của Húc Ván, chỉ mới trình bày chuyện hỗ trợ lúa, anh Bình đã cắt ngang: “Tiền chế độ huấn luyện của dân quân tự vệ, xã còn ỉm của chúng tôi, huống hồ là tiền hỗ trợ lúa, dê của nông dân”. Ông Bình kể, trong năm 2015 ở thôn Húc Ván có 4 người ra thị trấn tham gia huấn luyện dân quân tự vệ. Huấn luyện gần 1 tuần, mỗi người được hỗ trợ hơn 90 nghìn đồng/ngày, nhưng gần 1 năm rồi xã không chịu chi trả. “Tôi thì không sao, nhưng người dân nói đợt tới gọi đi huấn luyện dân quân không đi nữa. Vì cán bộ hứa hão” - ông Bình lắc đầu.

Bao nhiêu khoản kế toán “đang giữ”?

Ủy ban xã Húc ngày đầu tuần vắng hoe vì có đám tang của người nhà cán bộ xã. Ông Hồ Văn Đục - chủ tịch xã Húc cùng chị Trần Thị Bích Liên - nhân viên kế toán xã, vội vã trở vào trụ sở khi chúng tôi gọi điện xin gặp trao đổi công việc. Không bất ngờ trước những câu hỏi mà chúng tôi đề cập, ông Đục liên tục thở dài, mặt buồn rười rượi, còn kế toán Liên thì nói câu trước lộ câu sau, không đâu vào đâu. Quá nhiều sai phạm liên quan đến tiền bạc, nên kế toán Liên nói không nhớ rõ, phải đi xem lại sổ mới trả lời được.
Chủ tịch xã Húc (trái) và kế toán xã xác nhận đã không chi trả tiền hỗ trợ cho người nghèo, tiền chế độ cho dân quân tự vệ từ năm 2012 đến nay với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Hưng Thơ 
Về tiền chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, ở xã có 588 hộ nằm trong diện được hỗ trợ. “Chúng tôi chưa chi trả cho bà con tiền hỗ trợ này từ năm 2012 đến 2015. Trong đó, năm 2012, 2013 số tiền chi trả mỗi năm hơn 10 triệu đồng; năm 2014, 2015 mỗi năm hơn 22,5 triệu đồng” - kế toán Liên nói. Tiếp tục về khoản chi liên quan đến việc huấn luyện dân quân tự vệ, trong năm 2014 xã chưa chi trả khoảng 20 triệu đồng, năm 2015 chưa chi trả khoảng 40 triệu đồng.

Riêng về dự án hỗ trợ dê để giảm nghèo bền vững, kế toán Liên giải thích rằng khi thực hiện, xã đã hợp đồng với Cty Tân Thành (Cam Lộ) mua 100 con dê với giá 3 triệu đồng/con. Nhưng khi cấp được 50 con (đợt 1) thì Cty có người ốm, nên gửi lại 140 triệu đồng (Cty giữ lại 10 triệu để làm giấy tờ, đóng thuế) nhờ xã mua dê để cấp cho bà con. Tuy nhiên, xã Húc lại không mua dê mà quyết định cấp tiền mặt, và kế toán Liên chỉ cấp mỗi hộ 2,5 triệu đồng. “Tôi giữ lại 15 triệu để dự phòng, hiện tôi đang giữ tiền chứ không nộp vào thủ quỹ” - kế toán Liên nói.

Ngoài những sai phạm mà chúng tôi đề cập, ông Đục và kế toán Liên còn “tiết lộ” thêm về khoản chi hỗ trợ cho 8 chi bộ Đảng tại địa phương. Trước đó, mỗi chi bộ được huyện Hướng Hóa phân bổ cho 2 triệu đồng hỗ trợ quá trình diễn ra Đại hội Đảng, nhưng xã tự ý giữ lại, và... tiêu hết. Ông Đục nói, toàn bộ các khoản tiền trên huyện đã chuyển về cho xã, nhưng do kế toán Liên đề xuất không hợp lý, trình độ của ông Đục có hạn, nên bây giờ thâm hụt ngân sách rất nhiều. “Xã có nhiều hoạt động, nên đôi lúc phải vận dụng này nọ. Nhiều cái tình thế biết là không đúng, nhưng không chi không được” - ông Đục mập mờ. Kế toán Liên thì sỗ sàng rằng “xã phải tiếp khách tiếp khứa. Thanh tra, kiểm tra, tỉnh, huyện gì vào cũng phải tiếp khách, nên mới thâm hụt ngân sách như vậy”. Ông Đục và kế toán Liên thừa nhận, các khoản giữ lại, chi tiêu này do hai người tự ý bàn với nhau, không thông qua những cán bộ khác trong xã.

Nói đến chuyện giải quyết các khoản thâm hụt, và chi trả các khoản ủy ban đã xà xẻo, “ỉm” của người dân, ông Đục thở dài, nói rằng sẽ thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm để trả dần, còn những khoản kế toán Liên “đang giữ” thì phải hoàn trả lại. “Vào tháng 6.2015, thanh tra huyện có vào làm việc, có phát hiện một số sai phạm và đã kết luận. Mới đây, Ban thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa cũng có vào, yêu cầu xã phải giải quyết dứt điểm” - ông Đục thẫn thờ.

Chúng tôi không thắc mắc về tổng số tiền đang thâm hụt, số tiền đã chi vào cái “vận dụng, “tình thế” như thế nào. Mà đặt câu hỏi với vị chủ tịch xã và kế toán, rằng hậu quả của việc bớt xén, ỉm tiền chế độ của dân quân tự vệ, tiền hỗ trợ “cần câu cơm” để thoát nghèo của Nhà nước cho dân nghèo, hậu quả sẽ như thế nào? Cả hai đều không trả lời đúng vấn đề, mà chỉ biện hộ này nọ...

Chúng tôi tiếp tục đến các thôn bản ở xã Húc để nắm rõ hơn vấn đề, nghe chúng tôi đề cập đến chuyện cán bộ xã không chịu chi trả tiền hỗ trợ, ai cũng buồn rười rượi. Buồn một phần vì đám tang của một thanh niên trong xã vừa mất, buồn nhiều phần vì cán bộ xã vẫn chưa nhìn thấy khao khát đàn dê, nắm phân bón của hộ nghèo Hồ Văn Rang; và cả trăm hộ dân đang mòn mỏi đợi chính sách của Nhà nước để mong được thoát nghèo bền vững. Vì vậy, nếu ngay bây giờ, các cấp chính quyền không vào cuộc, không quyết liệt để làm rõ trách nhiệm từng cá nhân để khắc phục, thì xã Húc vẫn tiếp tục nghèo bền vững mãi thôi.

 

 

LÂM HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.