Hành hương về quê vải tổ

Hà Linh Quân |

Chiếc xe đỗ dưới chân cầu Phú Lương. Đội quân hàng rong lập tức xông lên chiếm tất cả các cửa sổ. Không gian bỗng nhiên ấm sực mùi vải và như có tiếng chim tu hú kêu! “Vải Thuý Lâm đây! Không ăn vải tổ tiếc đổ máu mắt đây!”.

Cô tiểu thư diện ngất trời ngồi trong xe làm tôi chợt tiếc ngẩn ngơ tuổi trẻ của mình, sợ hỏng mất đôi mắt đẹp, chìa tay mua vải. Tôi đang ước được như quả vải kia để cô cắn ngập trong miệng, thì bỗng cô nhổ phì phì, phun ra những lời khủng khiếp: “Đ. ra cái gì!”. Người đàn ông ngồi cạnh tôi bật cười: “Chúng nói láo đấy! Vải thiều Thúy Lâm ăn nó ngọt lên đến tận đỉnh đầu!”.

Một cây vải một cây vàng

Hồi cuối thế kỷ 19, cụ Hoàng Văn Cơm, một phú hào làng Thuý Lâm, nhân ngày nông nhàn ra Hải Phòng chơi xem hội “Vanh xăng cát tó” (14.7). Cụ thấy mấy người khách thường ăn thứ quả lạ rồi ném hột vào bếp lửa. Tò mò, cụ tìm cách nhặt 3 hột, đem về quê trồng, mọc được 2 cây vải nhỏ. Trận lụt năm 1945 làm thối chết một. Cây còn sống trở thành cây vải tổ của giống vải Tàu (tên gọi trước năm 1960) hay vải thiều ở Việt Nam bây giờ.

Người Thúy Lâm đã chiết cành, nhân giống vải tổ ra khắp làng trên xóm dưới. Thuý Lâm vào lúc “cực thịnh” có khoảng 5.000 cây vải. Cây vải làng Lâm cao đến 10m. Vòm lá xum xuê như một chiếc ô khổng lồ, che trùm mát rượi, khiến cho cỏ dưới gốc không sống nổi. 

Cành vải loè xoè, trĩu chịt quả nặng chấm sát mặt đất. Quả vải chín đẫy to phình hơn quả bóng bàn, bóc không ướt tay, nhưng đầy mọng thứ nước thơm, ngọt lịm. Hột nhỏ như hạt đậu xanh. Sách xưa viết về quả vải Thúy Lâm thế này: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như giáng tuyết, như thủy tinh. Vị ngọt đậm ăn vào thơm như thứ rượu tiên trên đời!”.
 Cây vải tổ.

Tiếng lành đồn xa. Quả vải thiều được những khách sành ăn mến mộ. Lạ lùng, cứ ra khỏi làng Thúy Lâm là cây vải cho quả kém! Cho nên gọi vải Thanh Hà, song thực chất chỉ có vải Thúy Lâm mới quý. Các bà, các cô Hà Nội đi chợ Đồng Xuân, bắt người bán vải cho xem căn cước, biết đích thị người Thúy Lâm mới mua. 

Những năm 30 của thế kỷ trước, khách buôn đã tìm đường về quê vải. Đơn vị mua bán là cây. Đơn vị đo lường là “mớ” (10.000 quả). Cho đến những năm 80, cả nước chỉ độc Thanh Hà có vải thương mại. Hơn 70 năm, người làng vải ngồi ở nhà rung đùi, chờ thiên hạ dẫn nhau về mua vải. Xe con, xe to, xe ngoại giao đoàn, xe hàng không, xe du lịch... vào ra inh ỏi. Có năm mùa vải, nhiều ông giám đốc không tranh nổi một cái vé máy bay vào Nam với các bà buôn vải thiều.

Ngày xưa, cuộc đời cây vải không được “đi tàu bay” như đến thời mở cửa. Đã thế, quả vải lại bị “cấm vận”- Nhà nước thu mua toàn bộ để đóng hộp “Nước vải đường”. Các trạm gác dân quân xã cho phép mỗi người ra khỏi cổng làng được mang tự do 50 quả vải ăn đường! Trận lụt khủng khiếp năm 1971 cả làng chết nửa vườn vải. Cây vải tổ cũng ngoắc ngoải. Có nhà ngồi ôm gốc cây vải khóc. 

Tuy nhiên, Thuý Lâm vẫn đầy những người lặng lẽ, hối hả biến ruộng thành vườn. Ông Khần có trăm gốc vải. Ông Trần không kém! Ai cũng nghĩ rằng Thuý Lâm phải là làng vải, chứ không thể là làng lúa, làng cam. Bởi ai cũng biết giá trị quả vải! Hồi Mỹ ném bom miền bắc, dân thành phố chỉ dám ước một chiếc xe đạp “Phượng hoàng” Trung Quốc, thì anh Hóa người Thúy Lâm nhờ vải đã đi xe đạp Peugeot của Pháp, đeo đài bán dẫn Orionton, trông oai kinh khủng! 

Anh lại có cái “kèn hát” (máy quay đĩa) quay tay, kim to như cái đinh guốc 2 phân. Mỗi khi làng có đám cưới, mời được anh bê ”kèn hát” đến nhà, vặn nghe các bài như “Diệt phát xít”, nếu có cải lương nữa thì hãnh diện vô cùng! Anh đi đến đâu thì trẻ con, người lớn, bu đến đấy, sờ mó, tròn mắt thán phục!

Có điều vải đỏng đảnh lắm! Năm mất, năm được. Có mùa hoa sai trắng cây, đã tính đến chuyện năm nay mua cái đồng hồ treo tường đánh nhạc. Bỗng sắp thanh minh, sương sa, mưa muối làm “cháy” hết cả. Sâu đo, nhậy trắng, bọ xít xúm xít vào cắn nhánh hoa. Thế là hỏng ăn. Năm 1987 là như vậy! Song mấy cây vải của nhà ông Nguyễn Văn Bềnh vẫn chín 2, 3 mớ quả. Người ta thì thào với nhau. Ông Bềnh dễ dãi, bí mật không cần che giấu: Ông phun thuốc sulfat đồng trộn với vôi bột vào hoa, tạo thành lớp nhầy chống được sương muối. Cả làng làm theo và mấy năm liền Thuý Lâm được mùa vải thiều.

Người các làng xã xung quanh bị mất mùa vải “sạch sẽ” nhìn Thuý Lâm bằng cặp mắt sững sờ: “Chẳng lẽ có trời riêng cho các ông?”. Quả có thế thật! Vào quãng tháng 2 tháng 3 âm lịch, cả làng Thuý Lâm ngập trời độc thuốc chống sương như một cái nồi khổng lồ bốc hơi. 

Tiền đổ vào thuốc không phải là ít: Xuýt xoát chỉ vàng cho một mẫu vườn. Mùa đông miền Bắc rét mướt là thế, mà dân quê vải cởi trần, tay cầm vòi bơm, ngửa mặt lên trời, người ướt đẫm dung dịch thuốc... độc hại, nếu nhỡ dính vào, sâu si sẽ chết cả lũ. Dân Thúy Lâm đâu có ngờ không phải chỉ sâu, mà bây giờ có nhiều người quê vải đang chết mòn vì ung thư!

Có những mùa vải người Thúy Lâm hái ra vàng! Năm 1992, Thuý Lâm có chừng 2.500 mớ vải, tức gần 5.000 tấn quả. Những “đại gia” như ông Bao, ông Vương có 35 mớ. Ông Đỗ Văn Khoa có cây vải ra 4 mớ. Giá 100 quả tại gốc là 20.000đ. Nghĩa là 1 cây vải được 1 cây rưỡi vàng. Làng Thúy Lâm sống phong lưu. 

Tiền bạc rủng rỉnh trên các cây vải. Người dân quanh năm chẳng phải làm gì, ngồi dưới gốc cây chờ quả vải chín. Có kẻ bỏ cả thành phố về quê để sống với vải. Thế nên, con gái vừa lớn nứt mắt là đi lấy chồng, con trai chẳng cần đỗ đạt học hành, nhưng các món chơi đều giỏi. Buổi chiều, mỗi xóm một đội bóng chuyền thi đấu tưng bừng. Buổi tối, người quê vải mời thầy nhạc trên huyện về thôn, tiếng đàn hát bay khắp làng. Một du khách về Thúy Lâm thốt lên: “Nơi này nhiều nghệ sỹ thật!”.

Nói vậy chứ người làng vải cũng rất thực tế. Tôi không hy vọng biết được ai là người đầu tiên đã nghĩ ra trò sấy vải khô. Ở đây chắc chắn không có Columbus (người đầu tiên đã tìm ra châu Mỹ). Đúng thôi! Một ngày mưa rào tháng 6 dai dẳng nào đó làm vải chín thối giữa nhà, đã khiến những người nông dân xót của nghĩ ra cách cho vải vào chảo rang và bây giờ là lò sấy. 

Hết sức đơn giản! Một cái dàn thưa bằng tre, trên để vải tươi cả cành nguyên quả, dưới để vài cái bếp than. Mỗi mẻ sấy thường 5 ngày. Quả vải khô màu nâu xỉn, vỏ giòn, lắc nghe lục cục. Cùi vải tóp lại thẫm hơn hột vải, dẻo quánh, không còn hương vị đặc biệt và ngọt ghê họng (tôi chắc quả vải mà người đàn ông khen là ngọt lên đến tận đỉnh đầu là quả vải khô!). 

Thế rồi một năm 90 , ở chợ Lạng Sơn, có người Trung Quốc mua 1 tạ quả vải khô bằng 1 cây vàng, khiến dân Thuý Lâm sung sướng ù tai. Làng vải say sưa ngất ngư trong niềm lạc quan giá vải khô còn cao nữa . Thế là cả làng biến thành một lò sấy vải khổng lồ. Vườn vải Thuý Lâm xưa đủ cho khắp thiên hạ, nay chẳng đủ cho chính mình. Người ta sục sạo sang khắp làng trên xóm dưới, lên tận Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh mua vơ vét vải tứ xứ về quê vải tổ. Ôtô kìn kìn “chở củi về rừng”. Chuyện chưa từng có trong lịch sử vải Thúy Lâm.

Có năm, khách thập phương đến Thuý Lâm ngoạn cảnh, chỉ được ăn một bụng vải rồi về. Bởi lẽ quả vải đã đắt thì chớ, dân làng vải lại làm cao không bán. Họ đưa tuốt cả vải tươi lên giàn sấy thành vải khô! Ông Hoàng Xuân Phảnh, nhà “Trăm triệu phú” của dân làng vải, kể chuyện: Mùa năm 92, ông có 110 mớ vải tươi, tức 20 tấn. Sấy “4 tươi được 1 khô”. Bán ngay tại nhà, ông sẽ bỏ túi, không! 

Chẳng túi nào đựng vừa số tiền đó, bỏ hòm 150 triệu đồng! Dân buôn Thuý Lâm tuyên bố: “Buôn gì cũng không lại được vải khô!”. Có thế thì người làng vải mới mạnh dạn “nướng” tivi, xe máy vào lò sấy vải khô chứ! (Hy vọng sẽ ra lò những tivi và xe máy đời mới hơn). Tôi hỏi anh Hương, người gốc làng vải: “Dân Thuý Lâm không sợ những biến động giá cả đột ngột ở thị trường biên giới à?”.

- Có! Nhưng chỉ chết anh ít vốn! Còn quả vải khô càng để càng... khô. Lỗ thế nào được!

Ở đời mấy ai hiểu được chữ “ngờ”!

Chặt vải trồng… rau!

Tôi về Thúy Lâm giữa mùa vải chín (2014). Con đường trải nhựa chạy giữa chằng chịt bóng cây, bóng nhà xiên xẹo, nhưng vắng bóng người bóng xe. Trên những cánh đồng đầu làng, một bầu không khí tĩnh lặng như tấm lưới mỏng giăng mắc giữa các cây vải bỏ hoang. Mới hơn 10 giờ mà nắng đã khiến thằn lằn cũng đổ mồ hôi. 

Ngay cổng chợ Lại, đàn ông, đàn bà đứng ngồi ngổn ngang, nhẫn nhịn chờ được cân vải bán cho thương lái vào nam. Hết rồi cái cảnh ngồi rung đùi dưới gốc cây nhà mình, chờ thiên hạ mang tiền đến cống nộp! Gã đi thu mua chân đá vào những sọt vải, miệng liến thoắng trừ người này, bớt người kia: “Không bán thì thôi mang về!”. Mang về đâu đây? Đã nhiều năm rồi, bên kia biên giới không đến quê vải, vải khô họ cũng chẳng mua. 

Bây giờ họ ăn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang. Quả vải Lục Ngạn dẫu không ngọt bằng, thơm bằng, nhưng trái to hơn và nhiều thì như quân Nguyên! Điều quan trọng nhất là nó lại tiện đường sang Trung Quốc. Người quê vải không ngờ rằng Lục Ngạn đánh dấu chấm hết cho danh tiếng vải Thanh Hà! Bởi vì ngày xưa, ở Thúy Lâm có ông Sạn, ông Khần… là những nông dân năng động, có máu làm giàu và… rất chủ quan! 

Họ chiết hàng vạn cành vải đi khắp miền bắc rao bán, rồi lại đem hết kinh nghiệm trồng vải của tổ tiên ra truyền bá, vì cứ ngây thơ nghĩ rằng: Chẳng ở đâu có chất đất cho cây vải ra quả ngọt như ở quê vải . Thế rồi, cây vải đã đặt được chân lên vùng đồi trọc Lục Ngạn, Bắc Giang. 

Cả một rừng vải gốc gác Thanh Hà trẻ trung, khỏe mạnh mọc lên trên đất Lục Ngạn đã đánh bạt những vườn vải già cỗi của Thúy Lâm trên thương trường. Người quê vải chỉ còn điều an ủi trong miếu thờ cây vải tổ. Đó là một tấm trướng thêu dòng chữ: “Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm, ông tổ vải thiều ” .

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn văn Thắng - trưởng chi họ Nguyễn ở làng Thúy Lâm. Đường vắng tanh mà con tôi vẫn đi rón rén như một chú mèo gặp mưa. Đơn giản vì nó không nỡ giẫm chân lên những quả vải chín đỏ rụng la liệt trên lối đi. Vải rẻ, do cung đã vượt xa cầu, có lúc giá rơi đến 3.000đ/kg - chỉ bằng một cốc chè chén vỉa hè, khiến cho nhiều người quê vải bỏ cả cây không bẻ quả. 

Anh Thắng thốt lên: “Xót lắm chú ơi!”. Có lần, Thắng nằm mơ thấy cây vải âm thầm khóc ngoài cửa sổ. Và rồi người Thúy Lâm bắt đầu đi… chặt vải, những cây vải bố mẹ, ông bà họ đã trồng xum xuê, hoành tráng, không hề có sự già nua, xấu xí của những thân cây mục rỗng. Họ chặt vải để lấy đất trồng… rau màu ăn hằng ngày! Ngược với ngày xưa họ chặt tất cả để trồng cây vải! 

Ông Chuẩn, 77 tuổi, phải bỏ nhà đi chỗ khác, không dám nhìn các con ông cầm dao chặt vải trong vườn.
Mặt trời đã lặn. Bầu trời xám xịt như một cái bụng béo mỡ, muốn vỡ để trút nước xuống. Anh Hương ngồi cầm đàn hát “không đâu bằng quê hương tôi, vải thiều quanh năm xanh biếc…”. Và tôi nghe thấy tiếng những quả vải rơi rụng lộp độp lên lớp lá mục, như những giọt mưa buồn bã, tìm đường đến các tầng đất sâu thẳm, nơi có những rễ cây vải vừa bị chặt đứt khỏi thân. 

Mưa lặng lẽ khóc trên mặt cô gái mặc áo dài màu xanh tím cầm chùm vải đỏ được vẽ trên tấm panô với một dòng chữ: “Thanh Hà quê hương vải thiều kính chào quý khách”. Một con quạ đen đỗ trên thành cầu cất tiếng kêu như một lời than thở: Hết rồi, vải thiều Thúy Lâm, Thanh Hà. Còn tôi, ngồi ôm chùm vải chín đỏ như những mặt trời bé nhỏ, ngọt lên đến tận đỉnh đầu, cảm tạ đất trời, tổ tiên đã ban tặng cho quê hương một giống cây quý và thầm hy vọng một lối ra cho quả vải Thúy Lâm, Thanh Hà.


Hà Linh Quân
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.