Gạc Ma - khắc khoải một nỗi đau (kỳ cuối): Những ngôi mộ gió vẫn chờ

Lâm Hưng Thơ – Trần Tuấn – Hoàng Hoan |

Như lớp lớp hùng binh Hoàng Sa từ thời nhà Nguyễn, khi thân xác của các chiến sĩ hải quân Việt Nam nằm lại trên biển sau trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, người thân trên đất liền cũng lập cho họ những ngôi mộ gió… Và những ngôi mộ gió ấy vẫn đang ngày đêm mỏi mòn chờ hài cốt các anh trở về.

Phẫn uất 

Là mẹ của liệt sĩ Đào Kim Cương hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, bà Hà Thị Liên (83 tuổi, trú xóm 1, xã Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) không giấu nổi uất nghẹn khi nghe tin về hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. "Tui coi tivi, rồi nghe con cháu kể Trung Quốc vừa đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở Hoàng Sa, vừa mở rộng đảo Gạc Ma ở Trường Sa mà uất lắm. Con trai tui đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Giờ Trung Quốc mở rộng đảo, biết làm sao đây?". 

Ông Đào Công Cán - anh trai của liệt sĩ Đào Kim Cương - cho biết, năm trước gia đình có nhận được thông báo Nhà nước đã xây phần mộ cho em trai mình ở Khánh Hòa, nhưng đó chỉ là ngôi mộ tưởng niệm chứ không có hài cốt. Gia đình ông chưa lúc nào nguôi hy vọng chính quyền sẽ tìm được hài cốt con em mình và mang về an táng ở đất liền. 

Hôm gặp chúng tôi, ông Cán nói trong nước mắt: "Bao năm nay chúng tôi vẫn nóng lòng và tha thiết mong chính quyền nỗ lực tìm kiếm nhanh hơn. Nếu bây giờ mà không mang được hài cốt chú ấy và đồng đội của chú ấy về, tôi nghĩ sau này việc tìm kiếm sẽ khó khăn, nếu không muốn nói là vô vọng một khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng Gạc Ma".

Cùng tâm trạng như ông Cán, một cựu binh Gạc Ma là Phạm Xuân Trường (trú xã Sơn Long, Hương Sơn, Hà Tĩnh), buồn bã nói: "Chắc chắn việc Trung Quốc mở rộng đảo Gạc Ma sẽ gây khó khăn cho chúng ta trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, trục vớt xác tàu HQ 604. Bởi vậy, chúng tôi - những người may mắn sống sót - mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong tìm kiếm các đồng đội đã hy sinh trong trận Gạc Ma". 

 Bà Nguyễn Thị Hằng (mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông) nghẹn đắng khi cầm những lá thư do liệt sĩ Đông viết. Ảnh: Hưng Thơ

Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo - người trực tiếp tham gia chiến đấu trên tàu HQ 604 - căm phẫn nói rằng, âm mưu bá quyền Biển Đông của Trung Quốc ngày càng công khai trắng trợn. "Thông tin chúng mở rộng xây dựng trên đảo Gạc Ma khiến tôi mấy hôm nay mất ngủ và những hình ảnh kinh hoàng của trận hải chiến năm xưa lại chập chờn hiện về. Máu trong người tôi sôi sục nhưng không biết phải làm sao...” - ông Thảo nói. 

Mặc dù đã già cả, nhưng vợ chồng ông Lê Bá Nghị và bà Nguyễn Thị Nhị vẫn hy vọng ngày nào đó được ra Trường Sa một lần. Ra đó không chỉ để được gần con hơn, mà ông bà sẽ thả xuống biển cho Giang cái bánh chưng hương vị quê nhà. Cái bánh chưng đã lỡ hẹn với Giang trên đường hành quân ngày giáp tết cách đây hơn một phần tư thế kỷ.

 “Bố mẹ già rồi, chẳng biết sống được mấy hơi nữa. Chỉ ước mong duy nhất một điều là sớm tìm và đưa được hài cốt của Giang trở về, dẫu là một nắm xương tàn thôi cũng an ủi được phần nào. Đêm nằm ngủ mà cứ nghĩ về con ở dưới biển sâu lạnh lẽo, lòng mẹ đau như đứt từng khúc” - mẹ Nhị tâm sự. 

Ông Vũ Văn Bình - em trai của liệt sĩ Vũ Văn Thắng ở xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - cũng có nguyện vọng tương tự: “Nếu không tìm được hài cốt của anh ấy, nguyện vọng cuối cùng của gia đình chúng tôi là mong có một dịp được ra Trường Sa, nơi anh ấy đã ngã xuống để thắp một nén nhang” - ông Bình ngậm ngùi.

Cần một cái kết có hậu 

Cùng quê Quảng Trị với anh Trần Thiên Phụng mà chúng tôi đã kể trong kỳ trước, chuyến đi Trường Sa định mệnh năm 1988 còn có các anh Hoàng Ánh Đông và Tống Sĩ Bái. Cả ba người là bạn cùng lớn lên từ nhỏ, cùng lên một chuyến tàu làm nhiệm vụ, nhưng chỉ mỗi mình anh Phụng là người trở về. Như mang tội với những người ở lại, anh Phụng dành nhiều thời gian đến thăm gia đình hai liệt sĩ, phần để hương khói, phần động viên mọi người. Vì lẽ đó, người thân của liệt sĩ Đông, liệt sĩ Bái xem anh như con cái trong nhà.

Để yên lòng cho chính mình và người thân, anh Phụng cùng gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (mẹ của liệt sĩ Đông) lập cho anh Đông một ngôi mộ gió trong khu nghĩa địa của dòng họ. Cứ đến ngày 14.3 hằng năm, gia đình bà Hằng làm lễ giỗ anh Đông theo đúng phong tục. Là nói thế thôi, chứ làm sao mà người mẹ có thể yên lòng được trước một ngôi mộ gió, còn trên bàn thờ chỉ mỗi bức ảnh và một chai nước biển được lấy từ vùng biển Trường Sa?".

 Cụ Liên tha thiết mong chờ Đảng, Nhà nước tiếp tục nỗ lực tìm hài cốt con trai mình - liệt sĩ Đào Kim Cương. Ảnh: Trần Tuấn

Tất cả những người mẹ, người anh, người đồng chí... liên quan đến trận hải chiến Gạc Ma năm xưa mà chúng tôi gặp, ngoài những nỗi đau mất mát, hình như ai cũng có một ám ảnh tội lỗi khi phần xương máu của con, anh, bạn... mình vẫn nằm lại, đâu đó dưới lòng vùng biển tổ quốc đang bị Trung Quốc xâm chiếm. 

Nỗi ám ảnh đó càng lớn hơn khi những ngày gần đây, liên tục có thông tin Trung Quốc đang mở rộng xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma, nơi hài cốt của con em họ vẫn còn nằm lại từ sau trận hải chiến bi hùng năm 1988. Cần có một kết thúc có hậu cho những chai nước biển ở vùng biển Trường Sa đặt trên bàn thờ, cho những ngôi mộ gió đang chờ nắm hài cốt mãi vẫn chưa về...

Trung Quốc cản trở việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Gạc Ma

Theo tin từ Bộ Tư lệnh Hải quân, dù đã xác định được vị trí tàu HQ 604 bị chìm ở vị trí cách đảo Gạc Ma 1 hải lý về phía tây, cách đảo Cô Lin 3,72 hải lý về phía nam, nhưng việc tìm kiếm và cất bốc số hài cốt liệt sĩ còn nằm lại trong tàu gặp rất nhiều khó khăn, do phía Trung Quốc đã cho tàu hộ vệ tên lửa ra xua đuổi. Trong năm 2008, Bộ Tư lệnh Hải quân đã báo cáo và đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trình Nhà nước qua đường ngoại giao, thông báo cho Trung Quốc biết việc làm nhân đạo của Việt Nam tại vùng biển Trường Sa để Quân chủng Hải quân tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh được thuận lợi.

Ngày 8.7.2009, Bộ Ngoại giao đã có báo cáo do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn ký, gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988. Theo đó, Bộ Ngoại giao đã có công hàm và nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiến hành công việc tìm kiếm, thu gom hài cốt của 56 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988. 

Tại cuộc họp Tư vấn lãnh sự Việt – Trung lần thứ 8 tại Thành Đô (24.4.2009), ta nhấn mạnh lãnh đạo cấp cao và dư luận ta, đặc biệt là thân nhân các gia đình liệt sĩ rất quan tâm và khẳng định đây là việc làm nhân đạo, phù hợp quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, phong tục tập quán của nhân dân hai nước và đề nghị phía Trung Quốc sớm có ý kiến về đề nghị của ta.

Sau đó, ngày 11.6.2009, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trực tiếp trao công hàm của Bộ Ngoại giao cho Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để ta tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ tại Trường Sa trong tháng 6 – 7.2009. Ngày 26.6.2009, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã có công hàm chính thức trả lời: “Phía Trung Quốc đã nghiên cứu nghiêm túc đề nghị của Việt Nam về việc tìm kiếm và thu gom hài cốt của những người hữu quan tại vùng biển Nam Sa của Trung Quốc, với tình hình hiện nay, phía Trung Quốc khó để đáp ứng đề xuất của Việt Nam”.

Từ tình hình trên, Bộ Ngoại giao kiến nghị, vì đây là vấn đề nhân đạo nên ta cần tiếp tục kiên trì giao thiệp với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, vì vấn đề này cũng rất nhạy cảm trong quan hệ hai nước nên ta sẽ chọn thời điểm thích hợp để thúc đẩy vấn đề này.

 

Lâm Hưng Thơ – Trần Tuấn – Hoàng Hoan
TIN LIÊN QUAN

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.