“Đột nhập đường dây buôn lậu vùng biên”: Hàng giả về Việt Nam theo đường nào?

LONG NGUYỄN |

Từ Quảng Châu, khi những chuyến xe khách chở người phăm phăm tiến về cửa khẩu thì cũng là lúc những bao hàng lớn theo xe tải rục rịch được tập kết về “tổng kho” Lũng Vài. Chúng cứ nằm đó, chờ thời được cánh cửu vạn cõng sang bên kia biên giới để sớm hội ngộ với chủ nhân của chúng, những người đã cự tuyệt nghĩa vụ khai báo và đóng thuế cho Nhà nước.

“Mất một đền mười”

Đến ngày thứ 5 của cuộc hành trình, khi nhu cầu mua sắm của cả nhóm cơ bản đã hoàn tất, anh Hoàng Nam gọi người đến phòng để đóng gói toàn bộ đồ đã mua được. Gần 500 triệu đồng tiền hàng được 2 người Trung Quốc lèn chặt và đóng thành từng bao tải lớn có trọng lượng từ 100 - 120kg. Giá đóng gói khoảng 70 tệ (250.000 đồng) mỗi bao.

Do sử dụng luôn dịch vụ vận chuyển trọn gói của công ty Đ (có văn phòng tại phố Hàng Muối - Hà Nội và cũng là chủ quản khách sạn chúng tôi đang ở) nên mọi công đoạn diễn ra nhẹ nhàng và nhanh gọn. Anh Nam ghi tên và số điện thoại lên từng bao hàng trước khi để những người Trung Quốc dùng xe đẩy về kho. Cầm tờ biên nhận trên tay với mức phí vận chuyển tương đương 23.000 đồng/kg từ Quảng Châu về Hà Nội, anh thở phào: “Vậy là xong. Giờ ta có thể về. Muộn nhất 3 ngày sau có hàng”.

Trên đường về nước, trong khi tôi chỉ mang theo một nhúm đồ thì anh Nam cùng 2 người bạn mỗi người xách thêm 2 vali chất đầy quần áo. Những thứ đồ “hàng hiệu” có giá chỉ bằng 1/5 hàng chính hãng mua được ở chợ Bạch Mã và Quây Hoa Cảng, anh đã cẩn thận bóc sạch nhãn mác (cũng là loại nhãn mác được nhái rất tinh vi) và cất sâu phía dưới. Dường như đã quá nhẵn mặt với những người bạn trong nhóm chúng tôi, các cán bộ hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) chỉ lướt qua rất nhanh rồi cho tất cả qua cửa. Những vali quần áo ú hụ cũng không thấy bị yêu cầu kiểm tra hoặc kê khai.

“Quần áo Trung Quốc đều do những xưởng sản xuất lớn ở Quảng Châu, Thẩm Quyên hay Đông Quảng may. Mỗi xưởng có thể cho ra lò 1 vạn sản phẩm trong vòng 15 ngày. Riêng với những sản phẩm do chính khách hàng tự tay mang tới, cứ cộng thêm 3 ngày để “nhái” theo. Nếu là quần bò, một công nhân có thể may được 50 cái/ngày. Mỗi xưởng ít nhất 200 công nhân nên khách đặt bao nhiêu cũng có. Còn riêng tem mác thì lại có những xưởng sản xuất riêng, tem mác nào cũng có thể làm giả được, độ hoàn mỹ đến 99%” - anh Nam nói.

Những công đoạn tách biệt

Theo tìm hiểu được biết, hàng hóa từ Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu thông qua những điểm nóng ở ngay tại thị trấn Đồng Đăng, cửa khẩu Tân Thanh hoặc Cốc Nam. Việc vận chuyển hàng lậu được chia làm 4 công đoạn tách biệt: Hàng từ nội địa Trung Quốc sẽ được đưa đến tập kết ở Lũng Vài (Bằng Tường) - một thung lũng tách biệt nằm sát giới Việt - Trung. Sau khi được tuồn vào Việt Nam bằng các đường mòn biên giới, hàng loạt những căn nhà chạy lụp xụp dọc theo sườn núi sẽ được chọn làm điểm tập kết tạm thời. Từ đây cánh “cửu bay” sẽ túa ra như ong vỡ tổ chở hàng đi tập kết tại các kho hàng lớn xung quanh thị trấn Đồng Đăng. Sau đó hàng sẽ theo những xe cóc (loại xe ô tô tải nhỏ mui kín) về thành phố Lạng Sơn. Rồi từ thành phố Lạng Sơn mới được phân phối khắp nơi.

Quãng đường đất từ Việt Nam sang đến Lũng Vài (Trung Quốc) chỉ độ 500m thoai thoải dốc, sát bên cánh gà cửa khẩu Cốc Nam và ngoằn nghèo chạy men theo một đường cống cạn. Trời mưa phùn khiến con đường đất trơn trượt như mỡ, đã thế với hàng chục cửu vạn sầm sập cõng hàng qua lại càng khiến bùn đất như chẹt cứng giữa những bước chân đi. Liên tiếp những biển cảnh báo về việc cấm xuất nhập cảnh trái phép khiến tôi hơi ớn ngại.

Sau khoảng 20 phút dò dẫm, chúng tôi cũng có mặt ở đỉnh dốc, nơi có một hàng dây thép gai cao quá đầu người cắt ngang đồi, bị thủng một lỗ lớn chỗ giáp với miệng cống. Đó là chính lằn ranh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hai người cửa vạn tôi nhìn thấy lúc trước đã là những chấm nhỏ ở phía bên kia quả đồi, đang lững chững bước xuống bậc đá nhớp nhúa để len mình vào ô cửa nhỏ. Từ điểm cao này, trọn cảnh giao thương tấp nập giữa Lũng Vài và Cốc Nam đều có thể quan sát được dễ dàng bằng mắt thường. Phía bên kia cột mốc Việt - Trung, hàng hóa được tập kết la liệt và đang được đám cửu vạn mang dần sang Việt Nam, đeo lủng lẳng bên hông ai cũng có một miếng đệm hình vuông dùng để lót lên vai khi vận chuyễn những bọc hàng có khối lượng lớn. Một số bao hàng quá sức mang vác, thậm chí còn thì được thả lăn từ đỉnh đồi xống.

Cái khó của cơ quan chức năng

Mang toàn bộ những gì mắt thấy tai nghe trong suốt hành trình dài tìm hiểu về “thực trạng hàng Trung Quốc tuồn lậu qua biên giới Lạng Sơn” để làm việc với cơ quan chức năng, tôi được nghe những “cái khó” của tổ hợp Biên phòng - Hải quan nơi đây. Là đơn vị trực tiếp quản lý về con người, đại diện trạm biên phòng Cốc Nam (Đồn biên phòng Tân Thanh) thừa nhận mặc dù có giảm so với nhiều năm trước, nhưng vẫn còn tình trạng người dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc để đưa hàng lậu về nước.

Trung tá Phạm Vũ Huynh - trạm trưởng, cho biết: “Tôi mới về đây nhận nhiệm vụ, còn vấn đề thì tồn tại từ rất lâu rồi. Những cửu vạn ấy phần lớn là người bản xứ, trong đó nhiều bà con dân tộc nhận thức chưa cao và cả người già nữa, nên bị đám buôn lậu lợi dụng để chuyển hàng về nước. Do đó không phải cứ muốn là xử lý ngay được”. Trạm phó Đỗ Quang Huy bổ sung bằng cách đưa dẫn chứng, rằng nhiều người dân địa phương từ xưa vẫn quen thói đi lại giữa 2 nước như chỗ không người. Tuyên truyền giải thích thế nào cũng không chịu hiểu. Bắt phạt thì các cụ còn dọa lao đầu từ trên đỉnh đồi xuống nên đành chịu, phải tìm cách tuyên truyền, thuyết phục từ từ. “Lực lượng chức năng mỏng trong khi đám buôn lậu thì quá đông đúc. Kẽ nào cũng có thể bị lợi dụng để mang hàng vào nước được. Như bây giờ là đã giảm đáng kể rồi” - vị trạm phó cho biết thêm.

Còn ông Ngụy Văn Cầu - Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan Cốc Nam - thì lại nêu những cái khó của đơn vị quản lý về mặt hàng hóa xuất - nhập qua cửa khẩu. Ông nói: “Chính sách cư dân biên giới, cứ ai có chứng minh thư khu vực này thì mỗi người 1 ngày được mang 2 triệu tiền hàng về nước mà không phải đóng thuế. Do đó, một bộ phận cư dân đang là người vác hàng thuê về nội địa cho các chủ hàng lậu một cách công khai.

Với chính sách nêu trên, cư dân biên giới đủ mọi lứa tuổi đã bị giới buôn lậu lợi dụng và biến họ trở thành “cửu vạn” khuân vác hàng lậu với giá rẻ, “tiếp tay” cho buôn lậu hoành hành”. Chúng tôi đang xin được lắp một loạt camera giám sát ở những điểm nóng để kiểm soát được tốt hơn tình trạng này. Hy vọng sắp tới sẽ không còn cảnh người dân rồng rắn cõng hàng qua biên giới nữa”.

 

 

LONG NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".