RỐI LOẠN GIAO THÔNG DỊP TẾT - Kỳ cuối:

Điệp khúc tắc đường và bài toán khó giải

TRẦN VƯƠNG - LONG NGUYỄN |

Tắc đường và điệp khúc “Hà Nội không vội được đâu” có lẽ đã thành “chân lý” để mô tả về tình hình giao thông nội đô Hà Nội. Vào các giờ cao điểm trong ngày, nhiều ngả đường ở Hà Nội ùn ứ nghiêm trọng, hàng vạn người chôn chân tại chỗ, tiến thoái lưỡng nan. Vào những ngày giáp tết, tình hình giao thông lại càng trở nên phức tạp hơn, nhiều cung đường Hà Nội đều kẹt cứng từ sáng sớm tới tối muộn.
“Hà Nội không vội được đâu”

Theo ghi nhận thực tế của nhóm PV Báo Lao Động, đáng nói, thời gian gần đây tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ vốn là những nút thắt lại càng thắt hơn khi phải dành riêng 1/3 làn đường để ưu tiên cho xe buýt nhanh tuyến BX Yên Nghĩa - BX Kim Mã. Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh với vạch sơn liền kèm đinh phản quang chiếm 1/3 diện tích đường chung, do vậy để thoát được cảnh ùn tắc giờ cao điểm, nhiều phương tiện đã phải tràn vào tranh làn của xe buýt nhanh thậm chí lao cả lên vỉa hè. Trong giờ cao điểm, buýt nhanh cũng không thể nhanh nổi với tình trạng giao thông quá hỗn loạn hiện nay.

Cũng theo khảo sát, chỉ trên một đoạn khoảng 6km từ đầu đường Tố Hữu nối với đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến đã có khoảng 30 khu đô thị, tòa nhà cao tầng án ngữ ngay mặt đường. Trong đó, nhiều khu đô thị có quy mô từ 2 - 3 vạn dân như khu đô thị Trung Văn; khu đô thị La Khê - Văn Khê, khu đô thị Dương Nội. Nhiều cao ốc đã hoàn thiện và có khá đông dân cư đến sinh sống. Phần lớn các tòa nhà này đều theo mô hình trung tâm thương mại ở dưới và khu nhà ở trên cao. Các hướng cửa đều quay ra mặt đường. Hệ quả của việc này là trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài cả cây số vào những giờ cao điểm buổi sáng và chiều.

Vào giờ cao điểm hằng ngày, từng hàng xe ôtô, xe máy nối đuôi nhau xếp hàng nhích từng mét. Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi các phương tiện giao thông từ trong tòa nhà đổ ra đường, gặp ngay dòng phương tiện đang đông nghẹt xếp hàng trên đường nên đã tắc càng tắc.

Vào giờ cao điểm, các xe taxi còn bị cấm hoạt động trên tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương do đó các phương tiện này phải tìm đến những lối thoát khác cho lộ trình của mình. Tuyến đường song song bên cạnh đó là đường Nguyễn Trãi - Tây Sơn và Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh vốn đã đông đúc nay lại đón thêm một lượng lớn phương tiện nên cũng trong tình trạng đông nghẹt không kém. Có đôi lúc người ta phải thốt lên “người và xe ở đâu mà lắm thế, ngán ngẩm với giao thông ở Hà Nội lắm rồi”.

Còn tại trục đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy, thì một trong các nguyên nhân chính dẫn đến thảm trạng giao thông tại khu vực này là bởi ngổn ngang các công trình đang thi công như dự án đường sắt trên cao, xây các chung cư, cao ốc, công trình ngầm… Làn đường vốn đã nhỏ hẹp lại bị các công trình xây dựng án ngữ chiếm hơn ½ diện tích lòng đường. Chỉ cần 1-2 chiếc ôtô hay xe buýt là đã gần chiếm hết lòng đường. Bên cạnh đó khu vực này có hàng loạt các trường đại học như Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Đại học Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thương mại… vào các giờ cao điểm, một lượng lớn học sinh, sinh viên sử dụng các phương tiện cá nhân hòa vào dòng người đang lưu thông trên đường với mật độ vô cùng dày đặc dẫn đến tình trạng ùn ứ kéo dài. Không những thế, nhiều cửa hàng đua nhau giảm giá xả hàng tạo nên một lượng lớn người mua hàng, tập trung đông người cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tuyến đường trở nên kẹt cứng.

Một cảnh tắc đường thường thấy ở Hà Nội. . Ảnh: LONG VƯƠNG

70% nhà xe đã “ngoan ngoãn” chuyển bến

Cũng liên quan đến vấn đề giao thông nóng bỏng của Hà Nội những ngày đầu tháng 1, ngoài câu chuyện “người khóc, kẻ cười” mang tên buýt nhanh BRT, thì vụ điều chuyển luồng tuyến đình đám của Bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) cũng hao tổn rất nhiều giấy mực của báo giới. Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, những tuyến xe buýt miễn phí hỗ trợ luân chuyển người dân qua Bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai) đã dừng hoạt động. Hiện chỉ còn rải rác một số khách có nhu cầu đi xe phía nam không nắm được lộ trình thay đổi nên vẫn vào Bến Mỹ Đình. Số khách này sau đó được hướng dẫn bắt xe ra Bến xe Phía Nam thành phố.

“Tại tuyến đường vành đai 3 không còn hiện tượng xe khách chạy xuyên tâm đón, trả khách như một vài ngày trước. Sau 3 ngày điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến, về cơ bản, trật tự tại Bến xe Mỹ Đình dần được thiết lập”, ông Tuấn nói.

Còn tại Bến xe Nước Ngầm, lượng xe và khách đều tăng, nhưng không quá đông. Là chủ nhà xe đi tuyến Hà Nội - Vinh được điều chuyển từ Bến Mỹ Đình sang, anh Nguyễn Thành Nam cho biết, lượng khách sụt giảm đáng kể, lý do “một phần người ta ngại bắt nhiều chặng, phần vì mối khách quen giờ rơi rụng nhiều”. Anh Nam kiến nghị, trong giai đoạn này ban quản lý bến xe nên hỗ trợ để các nhà xe có thể dần bắt nhịp được với bến bãi mới.

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm - thông tin, đến ngày 5.1, 300/444 lốt xe trong diện điều chuyển từ các nơi đã về hoạt động tại đây. Trong số lốt xe chưa đăng ký hoạt động tại Bến Nước Ngầm, các tuyến đi Thanh Hóa chiếm đa số, sau đó là tuyến đi Ninh Bình. “Số lượng điều chuyển được 3/4 là khá thành công. Hiện việc sắp xếp vị trí đỗ chờ cho các lốt xe mới điều chuyển về Bến Nước Ngầm đã xong”, ông Lập thông tin.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện, với 30% nhà xe chưa chuyển sang bến mới, sở sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động. “Khi hết hạn điều chuyển luồng tuyến vào ngày 10.1, những doanh nghiệp, nhà xe cố tình không hợp tác, sở sẽ yêu cầu các bến từ chối phục vụ”, ông Viện nói.

Một bài toán khó giải

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa phát triển - Học viện Báo chí & Tuyên truyền), hiện nay, mặc dù Hà Nội đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp và rất quyết liệt, song tình trạng ùn tắc vốn từ lâu là một “vấn nạn” chưa thể giải quyết triệt để được. Tình trạng ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân. Một trong những vấn đề đó là do việc quy hoạch đô thị còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của đất nước. Có những khu nội đô có quá nhiều chung cư, cao ốc, khu công nghiệp và rất nhiều trường đại học, cao đẳng với dân số lên tới hàng triệu người và phương tiện cá nhân khiến cho nhiều đô thị đang trở nên ngộp thở. Tại một số địa điểm hệ thống đèn tín hiệu giao thông còn chưa được sắp xếp hợp lý cũng gây nên những khó khăn cho người tham gia giao thông.

Từ góc độ xã hội học, một nguyên nhân khiến cho tình trạng giao thông đô thị hỗn loạn là do ý thức và tri thức của người tham gia giao thông. Về ý thức, rất nhiều người thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, họ sẵn sàng vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ để làm lợi cho mình. Rất nhiều người và phương tiện đều xem đường giao thông là “sân nhà” của mình, thế nên có bất cứ chỗ trống nào là xe máy, ôtô len lỏi lấp đầy, thậm chí lao cả lên vỉa hè, đường ngược chiều.

“Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng không thể quản lý hết được, hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhiều người vi phạm mà không bị nhắc nhở nên lần sau họ lại không chấp hành. Có những người vi phạm một lần rồi dẫn đến nhiều lần tác động tâm lý rất xấu đến nhiều người khác học theo. Người này vi phạm được rồi người khác nhìn thấy cũng vi phạm dẫn đến hiệu ứng nhờn luật”-TS Hồng nói.

Nói về giải pháp tránh ùn tắc giao thông, TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng đây là một bài toán rất khó. Để giải được bài toán này cần sự đồng bộ và quyết tâm của toàn hệ thống. Về tầm nhìn quy hoạch đô thị cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng hơn, các giải pháp về điều hành Luật Giao thông, xử lý người vi phạm cần phải làm nghiêm khắc. Mặt khác, cần phải xây dựng thói quen văn hóa cho người tham gia giao thông. Đưa Luật Giao thông vào trong hệ thống trường học các cấp bậc khác nhau. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống giao thông đa tầng cùng với việc tiến tới hướng cho người dân sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân nhưng vẫn thuận tiện cho công việc.

Treo giải 300.000USD cho ý tưởng chống ùn tắc ở Hà Nội

Ngày 12.1, Sở GTVT Hà Nội công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tổng giải thưởng cuộc thi lên đến 300.000 USD. Theo kế hoạch, các ý tưởng tập trung vào các vấn đề liên quan như: Định hướng xây dựng không gian ngầm; Đề án giao thông thông minh; Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội. Giải thưởng cho ý tưởng giành giải nhất là 200.000USD; giải nhì 100.000USD; kinh phí hỗ trợ cho mỗi phương án tham dự có giá trị tương đương là 25.000USD. Thời gian dự kiến bắt đầu dự thi từ ngày 16 - 18.1.2016. Dự kiến từ ngày 23 - 25.1.2017 xem xét công bố và thông báo đến các đơn vị tư vấn tham gia làm phương án dự thi, lựa chọn từ 3 - 5 đơn vị có đủ điều kiện và có đề xuất hợp lý để dự thi. Thời gian thực hiện bài thi là 12 tuần bắt đầu từ 2.2.2017 đến 27.4.2017.                                                     CAO NGUYÊN

TRẦN VƯƠNG - LONG NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Phí tăng cao, lưu thông không êm thuận

Phước Bình-Trần Hóa |

QL 1A - đoạn từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa đến 200km, có đến 3 trạm thu phí BOT. Mức thu đều đã vừa nâng cao gấp 2,5 lần khi một số đoạn tuyến vừa sửa chữa, mở rộng. Thế nhưng, mùa mưa chưa qua hết, thực trạng đường hư hỏng đã trở lại như xưa. Nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện các hố, hục, ổ voi... một cách đột ngột trên toàn tuyến, đe dọa an toàn giao thông, tính mạng người đi đường.

Tê liệt tàu xe, chậm trễ những chuyến bay

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN |

Dịp cận tết, TP.Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình trạng kẹt xe kinh khủng nhất. Do nhu cầu đi lại của người dân tiếp tục tăng cao nên tình hình ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng, nhất là các điểm nóng quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe, nhà ga và các cửa ngõ ra vào TP.Hồ Chí Minh. Trong khi đó, đến thời điểm này gần như thành phố vẫn rơi vào bế tắc trong việc giải quyết vấn nạn kẹt xe.

Rối loạn giao thông dịp tết

XUÂN NHÀN - PHƯỚC TÍN |

Quá tải lưu thông đường bộ luôn là vấn đề nóng bỏng dịp cuối năm. Đặc biệt, khi việc vận tải hàng hóa và hành khách tăng đột biến dịp tết. Trong khi 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM đang lún sâu vào vấn nạn kẹt xe, quá tải ở sân bay, bế tắc về giải pháp… thì các cung đường Bắc-Nam, đặc biệt đoạn qua miền Trung lại đồng loạt xuống cấp nặng. Đáng nói là những cung đường này vừa mới được đầu tư kinh phí lớn để nâng cấp, mở rộng, hàng loạt các trạm thu phí dựng lên, tăng mức thu 2,5 - 3 lần. Nhưng giao thông thì không êm thuận, tiềm ẩn tai nạn, nhất là với lưu lượng xe vận tải và hành khách gia tăng.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Phí tăng cao, lưu thông không êm thuận

Phước Bình-Trần Hóa |

QL 1A - đoạn từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa đến 200km, có đến 3 trạm thu phí BOT. Mức thu đều đã vừa nâng cao gấp 2,5 lần khi một số đoạn tuyến vừa sửa chữa, mở rộng. Thế nhưng, mùa mưa chưa qua hết, thực trạng đường hư hỏng đã trở lại như xưa. Nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện các hố, hục, ổ voi... một cách đột ngột trên toàn tuyến, đe dọa an toàn giao thông, tính mạng người đi đường.

Tê liệt tàu xe, chậm trễ những chuyến bay

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN |

Dịp cận tết, TP.Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình trạng kẹt xe kinh khủng nhất. Do nhu cầu đi lại của người dân tiếp tục tăng cao nên tình hình ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng, nhất là các điểm nóng quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe, nhà ga và các cửa ngõ ra vào TP.Hồ Chí Minh. Trong khi đó, đến thời điểm này gần như thành phố vẫn rơi vào bế tắc trong việc giải quyết vấn nạn kẹt xe.

Rối loạn giao thông dịp tết

XUÂN NHÀN - PHƯỚC TÍN |

Quá tải lưu thông đường bộ luôn là vấn đề nóng bỏng dịp cuối năm. Đặc biệt, khi việc vận tải hàng hóa và hành khách tăng đột biến dịp tết. Trong khi 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM đang lún sâu vào vấn nạn kẹt xe, quá tải ở sân bay, bế tắc về giải pháp… thì các cung đường Bắc-Nam, đặc biệt đoạn qua miền Trung lại đồng loạt xuống cấp nặng. Đáng nói là những cung đường này vừa mới được đầu tư kinh phí lớn để nâng cấp, mở rộng, hàng loạt các trạm thu phí dựng lên, tăng mức thu 2,5 - 3 lần. Nhưng giao thông thì không êm thuận, tiềm ẩn tai nạn, nhất là với lưu lượng xe vận tải và hành khách gia tăng.