Đi tìm “cha đẻ” mô hình đê bao Đồng bằng sông Cửu Long

Lục Tùng |

Một lần ngồi quán lề đường Sài Gòn, biết tôi ở An Giang, nhà báo Mai Bá Kiếm gợi chuyện: Công nhận anh Bảy Nhị có tầm nhìn xa. Ngay từ năm 1976 đã khởi xướng mô hình đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp kết hợp giao thông nông thôn”. Thông tin có phần... lạ. Bởi lâu nay, sách vở đều tổng kết: Mô hình đê bao ngăn lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện lần đầu vào năm 1978 tại huyện Chợ Mới, An Giang.
Bẻ nạng chống trời
Anh Bảy Nhị hay gọn hơn: Anh Bảy, là tên thân mật mà cánh làm báo dùng để gọi ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - người được biết đến như tác giả của nhiều ý tưởng độc đáo, táo bạo... từng đưa An Giang trở thành địa phương đứng đầu cả nước về lúa gạo trên cả 3 mặt: Năng suất, diện tích, sản lượng. Còn chuyện đê bao năm 1976 của ông thì có lẽ không nhiều người biết, bởi ngay cả sách “Địa chí An Giang” được biên soạn trong thời ông đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh cũng không thấy nhắc tới.
Sáng cuối tuần, tôi tìm đến nhà riêng của ông nằm trong ngõ vắng giữa lòng TP.Long Xuyên náo nhiệt. Dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng nhà ông luôn đông khách, và là “địa chỉ đỏ” để giới báo chí tìm đến nhờ tư vấn, ghi nhận ý kiến... Nghe tôi trình bày, sau một hồi trầm ngâm như vừa có cuộc chiến đấu nội tâm, ông nhẹ nhàng: “Nói để hiểu, không phải để tranh danh, giành lợi gì hết nhe”. Cẩn trọng lựa từng câu chữ sao cho khỏi phật lòng người có liên quan, ông chầm chậm “tua” lại những thước phim cách đây hơn 40 năm: “Lúc đó tôi là Phó ban Tuyên huấn, được Huyện ủy Phú Tân (An Giang) phân công phụ trách 3 xã: Tân Hòa, Phú Hưng và Phú Mỹ (nay là thị trấn). Người dân gọi đây là 3 xã vùng “O” vì có con lộ đất bao quanh cánh đồng rộng trên 1.200ha. Khi khảo sát thực địa, nghe người dân nói phải bỏ trống đất trong vụ hè-thu vì sợ lũ nhấn chìm, rồi chuyện đi lại khó khăn khi lũ về.... Xót của, thương dân, tôi mới tìm cách...”.
Sau nhiều trăn trở, bất giác ông nhớ đến hình ảnh người dân tỉnh Cần Đan (Campuchia) đắp đập bảo vệ thành công vùng trồng bắp ven sông Hậu mà ông tận mắt chứng kiến trong những năm kháng chiến. Thế là ý tưởng mới ra đời... “Tôi đề xuất với Bí thư Huyện ủy lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Ba (Bảy Tạo) cho đắp đất tại 7 miệng mương nối ra sông Tiền, sông Vàm Nao, vừa ngăn lũ tháng 8, bảo vệ lúa hè-thu, vừa tạo lối đi trong mùa ngập lũ ngay năm 1976” - ông Bảy bồi hồi nhắc kỷ niệm xưa. Là người năng động, Bí thư dễ dàng chấp thuận chủ trương, còn ông Bảy thì vấp phải muôn vàn khó khăn khi triển khai.
Do chưa có mô hình trước đó, nên nội bộ thì “lời ra, tiếng vào”, còn người dân thì phản đối ra mặt. “Cán bộ, đảng viên chưa thông thì mình quán triệt. Khó nhất là bà con nông dân” - ông Bảy bồi hồi - “Nhiều người trực tiếp gặp tôi nói: Lũ về, nước từ bên dưới trồi lên, rồi mưa từ trên xuống, còn mình chỉ ngăn nước trên sông, trên đồng... bộ tính bẻ nạng chống trời hả? Làm được lúa, tôi kê lưng ra cho nấu”. Thấy khó thuyết phục được bằng lời, ông Bảy dùng chiêu “giương đông kích tây”. “Tôi nói với bà con: Ai thấy không chắc ăn thì cho chánh quyền mượn đất giao cho người nghèo làm. Còn nước, nếu ngập như cô bác nói, tôi sẽ uống hết!” - ông Bảy hóm hỉnh - “Xuất thân là nông dân, tui biết đất là máu thịt của bà con, họ sẵn sàng sống chết với nó, không bao giờ họ chịu xa... nên nói vậy để bà con nhảy vô làm”. Kết quả là sau đó ai cũng sản xuất, không ai bỏ đất. Lịch sử “bờ bao - giao thông nông thôn” vùng ĐBSCL ra đời như thế đấy.
Công nghệ “tay chân”
“Hồi đó, không có máy móc hỗ trợ, chỉ làm thủ công thôi, nhưng nhờ có kế hoạch rõ ràng, cụ thể nên tiến độ thi công cũng nhanh và chất lượng đảm bảo” - giọng ông Bảy Nhị tươi hẳn lên - “Tôi chỉ đạo mỗi nhà phải chuẩn bị 1 khối đất khô. Mỗi cục đất vuông có cạnh 2 tấc để dễ khuân vác”. Thậm chí ngay đến việc cố định đất cũng được thực hiện bằng cách mà ngày nay gọi là công nghệ “cuốc xẻng”. Mấy ngày trước thời điểm chính thức ngăn dòng đắp đê, ông Bảy cho Ban Nông nghiệp, Xã đội, Đoàn Thanh niên... đến nhà dân xin tre, cây tạp về, sau đó dùng mê bồ “tấn” hai mặt trong - ngoài để giữ đất ở giữa làm đập.
Do địa bàn xã Tân Hòa có đến 5 trong số 7 điểm cần be bờ nên cần vận động người dân nhiều hơn. Tuy nhiên, nhờ lãnh đạo xã quyết tâm và quyết liệt nên Tân Hòa lại về đích sớm nhất. Những lãnh đạo và nông dân xã Tân Hòa đồng hành với ông ngày ấy, như ông Nguyễn Văn Dùng (Chủ tịch UBND xã), ông Nguyễn Văn Suối (Ủy viên thư ký UBND xã) ông Sáu Thế (Trưởng ban Nông nghiệp xã)... đã lần lượt đi xa, nhưng câu chuyện đắp đập của ông thì còn đọng trong lòng người dân Tân Hòa. “Không chỉ lấy đất đúng kích thước quy định, nhiều bà còn cẩn thận chứa đất dưới sàn nhà, hoặc dùng nylon che mưa...”, tuy lúc đó ông Nguyễn Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Hòa) chỉ mới khoảng 17-18 tuổi, còn đi học, nhưng do quá ấn tượng với cách làm của ông Bảy và cũng thường xuyên được nghe người cha là Chủ tịch UBND xã Tân Hòa bàn bạc, thảo luận với nhiều chú, bác lãnh đạo trong xã về giải pháp thực hiện nên nhớ đến từng chi tiết nhỏ - “Lúc đó bà con gieo sạ bằng 3 giống lúa: Thần Nông 8, Thần Nông 20 và Thần Nông 22...”.
Lũ tháng 8 năm 1976 không quá cao, người dân vùng “O” vừa có đường đi, lại khô ráo, vừa được lúa. Thế là những người từng phản đối hoặc chưa hài lòng bắt đầu thay đổi thái độ. Sau đó, mô hình đắp đê, đắp đập chống lũ tháng 8 kết hợp giao thông nông thôn ở vùng “O” nhanh chóng được nhân ra toàn huyện, toàn tỉnh rồi toàn vùng ĐBSCL sau này.
Thế là từ sáng kiến giúp người dân Phú Tân, ông Bảy Nhị không chỉ đóng góp kinh nghiệm chống lũ, tạo nền cho “di sản” văn hóa mùa nước nổi ra đời sau này, mà còn khai phóng cho bài toán nan giải về phát triển giao thông nông thôn bằng “chiếc chìa khóa vạn năng”: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bởi dù tôn cao thêm, hay huy động sức dân làm mới những bờ kênh ngăn lũ, kiểm soát lũ tại mỗi tiểu vùng sản xuất cũng chính là hình thành những ô bàn cờ đường giao thông nông thôn. Nói cách khác, làm đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng chính là làm đường giao thông nông thôn, và ngược lại, làm đường giao thông nông thôn cũng chính là làm đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Con lộ đất năm xưa, giờ đã trở thành con đường tráng nhựa, con đường ấm no, phát triển.

 

Giờ đây, cùng với hàng loạt các tác động: Biến đổi khí hậu toàn cầu - nước biển dâng, đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, rồi thị trường lương thực - nông sản chao đảo do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế... đã làm xuất hiện nhiều ý kiến phê phán sản xuất 2 vụ, 3 vụ lúa trong năm, lên án bờ bao..., nhưng ông Bảy Nhị vẫn tự hào với mô hình tiên phong của mình. “Bờ bao, đê bao không có tội. Thử hình dung xem, nếu không làm đê bao ngăn lũ, sẽ không có đường để nông dân đi buôn và con em nông dân đi học - hai việc hệ trọng cho cỗ máy phát triển nông thôn tăng tốc bền vững. Mà đường cũng là bờ bao, đê bao. Còn quy hoạch đê bao, tổ chức sản xuất như thế nào, mấy vụ, trồng cây gì là câu chuyện khác cần nhiều người đóng góp, xây dựng” - ông Bảy nhấn mạnh - “Nếu được làm lại, tôi cũng làm vậy, thậm chí còn làm nhanh hơn và tôi cũng rất sẵn sàng tranh luận đến cùng với bất cứ ai muốn phản biện...”.
Còn tôi, trở lại Tân Hòa với cảm xúc thật đong đầy. Đánh xe bon bon trên con lộ nhựa phẳng phiu mà cách đây 40 năm những cô dì, cậu mợ đã đổ mồ hôi và cả nước mắt để đắp từng cục đất, tôi như no mắt trước hình ảnh san sát những dãy nhà tường, nhà ngói mọc lên từ lợi nhuận của đồng đất vùng “O” chủ động kiểm soát lũ với hệ thống cống, bửng hoàn chỉnh... Và tôi hiểu đó không chỉ là con đường trị thủy của con cháu “Sơn Tinh” thời hiện đại, mà còn là con đường no ấm của đất nước!
Lục Tùng
TIN LIÊN QUAN

Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 ở ĐBSCL: Niềm vui chưa trọn

TRẦN LƯU |

Giá lúa ở ĐBSCL đang nhích lên từng ngày, nhưng nông dân (ND) vẫn không được hưởng trọn niềm vui do thời tiết bất thường khiến năng suất giảm, dịch bệnh tăng…

Những góc quán cafe ngắm pháo hoa lý tưởng ở TPHCM

Quỳnh Nga |

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TPHCM dự kiến bắn pháo hoa ở 6 điểm. Đừng bỏ qua những địa điểm ngắm pháo hoa ở TPHCM cực “chill” dưới đây.

Bộ Tài chính nói gì về gói lãi suất 2% chậm giải ngân

Trà My |

Việc giải ngân gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kì vọng. Bộ Tài chính nói gì về đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội?

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Dường như mối tình đầu luôn là mối tình đẹp nhất, để lại nhiều dư vị ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Nhưng mối tình đầu cũng luôn buồn nhất và nhiều chia ly nhất. Chắc hẳn, đó sẽ là mối tình không bao giờ quên được vì nó chính là những rung động đầu tiên đối với mỗi người. Và sẽ chẳng có ai tin rằng, có những người chia tay mối tình đầu sau vài chục năm xa cách, lại có thể quay trở về chung sống với nhau thật hạnh phúc.

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Tân huấn luyện viên tuyển Việt Nam và sứ mệnh kế thừa di sản của ông Park

AN NGUYÊN |

Sau khi chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo, VFF sẽ tiến hành công bố tân thuyền trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Áp lực và sứ mệnh đặt lên vai người kế nhiệm ông Park rất lớn, vừa đảm bảo duy trì thành công, vừa hướng đến một hoài bão lớn đó là giấc mơ World Cup.

Người trẻ mang mùa xuân đến với người vô gia cư

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Đêm muộn cuối năm, trong cái lạnh tê tái của mùa đông khi đa số mọi người đang trở về quê ăn tết, sum vầy với gia đình thì các đoàn thiện nguyện cũng bắt đầu hành trình mang tết đến cho những cụ ông cụ bà vô gia cư.

Cảnh màn trời chiếu đất của tiểu thương vượt hàng trăm km lên TPHCM bán hoa

Chân Phúc |

Mang cây kiểng, hoa các loại từ mọi miền đất nước vào TPHCM để bán trong dịp Tết, khi màn đêm xuống, khách không còn, những tiểu thương phải nghỉ tạm trên những chiếc võng, lều dựng tạm, mong chờ sớm ngày bán hết hoa Tết để về quê sum họp cùng gia đình.

Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 ở ĐBSCL: Niềm vui chưa trọn

TRẦN LƯU |

Giá lúa ở ĐBSCL đang nhích lên từng ngày, nhưng nông dân (ND) vẫn không được hưởng trọn niềm vui do thời tiết bất thường khiến năng suất giảm, dịch bệnh tăng…