Cứu nạn “tay ngang” trong bão số 12

XUÂN NHÀN |

Có một kỳ tích được viết nên trong thảm nạn chìm tàu dưới lòng biển Quy Nhơn. Đó là cuộc giải cứu quả cảm, sóng gió 34 thuyền viên giữa bão tố, phong ba do đội tàu Cửu Long đảm nhận. Nạn nhân được kéo ra từ những con tàu chìm hay vớt lên từ mặt nước lồng lộn gió cấp 9, cấp 10. Cửu Long chỉ là đơn vị vận tải, hoàn toàn không có chức năng cứu nạn.

Giải bài toán khó dưới chân sóng cao 8m

1 tuần sau bão, tôi gọi Doãn Văn Đoài, mới hay, anh chàng thủy thủ tàu Hà Trung 98 vừa rời Quy Nhơn về quê ngoài Hải Hậu, Nam Định.

“Anh Tình phải không? Đúng anh Tình rồi”, đầu bên kia rổn rảng, át cả nỗ lực cải chính bên tôi. Lê Trung Tình, cái tên rất liên quan, xin được nhắc ngay sau đây. Giờ là câu chuyện ám ảnh Đoài cùng 8 đồng nghiệp Hà Trung: “Chúng tôi chở 2.890 tấn gạo từ An Giang đi Hải Phòng, tới Quy Nhơn gặp bão nên tấp vô. Căng hết ra, cũng chỉ gắng gượng di chuyển được ở tốc độ 2 hải lý/giờ. Tình trạng nguy hiểm, chập chờn giữa sự sống và cái chết kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ rạng sáng 4.11. Tàu ngập tới miệng be dưới, chìm dần. Nước tràn vô hầm sau, ban đầu còn chậm, sau ồ ạt, xối xả. Hai chiếc phao bè thả xuống liền bị giật đứt, xổ tung. Đến lượt phao tròn được huy động. Lệnh từ thuyền trưởng Vũ Văn Thượng là phải liên kết lại, phao này bấu víu phao kia; rời ra chỉ còn nước chết. Chúng tôi trôi nổi, ngụp lặn hàng giờ trong sóng vùi, gió dập. Có lúc dạt gần tàu Việt Phúc, phao, dây bên trên ném xuống nhưng không ai đón được cơ may. Đã tưởng là... đi luôn”.

Đoài nói, anh chưa kịp dự tính gì cho một tương lai hãy đang mịt mùng thăm thẳm: “Tàu mất, có trục vớt lên cũng chỉ là đống sắt. Anh em tứ tán. Về nhà, bạn bè, gia đình khuyên can, gàn quải. Quanh năm đầu sóng ngọn gió, nhận 8 triệu đồng/tháng, chẳng nhiều nhặn gì cho cam. Mà đâu có kịp, có đều. Lương tháng 9 chưa nhận kia mà. Gia cảnh cũng bấn, vợ làm nông, ba con ăn học. Chẳng bõ để rồi thí thân”.

Thời điểm 9 thầy trò tàu Hà Trung 98 lâm nguy thì ở cạnh Hải đoàn Biên phòng 48, dưới chân tượng Đức Thánh Trần, tàu Cửu Long 09 của thuyền trưởng Lê Trung Tình còn đang ngập ngừng, phân vân, chưa dứt khoát nên lùi hay tiến. Anh Tình được tăng cường thêm thuyền trưởng Cửu Long 08 Hồ Văn Thừa để phối hợp chỉ huy.

Bữa tới văn phòng Cty TNHH vận tải biển Cửu Long, tôi nghe mấy cô kế toán, văn thư gọi Tình là “người hùng cứu nạn”. “Người hùng” xẹt tới, xẹt lui, tranh thủ ít phút nán lại tiếp chuyện thì chủ yếu ngồi im re hoặc cười trừ chống đỡ những chòng ghẹo thân thiết. “Bình thường, Cửu Long 09 có 5 người. Hôm ấy, ngoài anh Thừa, tôi còn có thêm 2 thuyền viên khác, tất cả 8 người. 6 giờ ngày 4.11 nhận lệnh, chúng tôi lập tức lên đường. Tới mũi tượng Trần Hưng Đạo, gặp gió đổi chiều, sóng quay đầu đánh ngang, dựng thành cột cao 6-8m, trùm kín cả con tàu 3.000 mã lực. Kiểu này, vỡ kính chắn sóng là xong đời, tàu mất, người cũng chẳng còn. Tôi bàn với Thừa, cho tàu lùi vô, xin ý kiến”. Phó Giám đốc Cty Cửu Long, ông Nguyễn Cảnh Toàn, cắt ngang: “Theo Luật Hàng hải, anh Tình có quyền từ chối mạo hiểm. Chúng tôi động viên anh em: Cứu người là cần thiết. Cuộc gọi cuối cùng tôi nhận được là: Sếp yên tâm, chúng tôi cố gắng”.

Cửu Long 09 quay ra, đặt cơ hội sống sót của chính mình vào bàn tay lèo lái dạn dày nơi người thuyền trưởng 30 năm đi biển. Lê Trung Tình tay cầm điện thoại, tay nắm vô lăng, gồng mình điều khiển tàu qua “cửa tử”. Tàu đi giữa tiếng kêu thét tuyệt vọng, hỗn loạn, điên cuồng trên làn sóng vô tuyến. Vượt được mũi tượng Trần Hưng Đạo, ê kíp anh Tình đối diện một “bài toán” khác, hiểm hóc không kém sau chặng hải trình bầm giập hơn 1 hải lý tiếp cận nhóm thuyền viên rã rời, lóp ngóp của tàu Hà Trung: “Chúng tôi phải xử trí, trong tích tắc, tình huống tắt hay mở máy. Tắt, tàu sẽ mất thăng bằng, lật ngay còn nếu duy trì hoạt động của động cơ, chân vịt sẽ cuốn nạn nhân vô gầm tàu, đồng nghĩa với sứ mệnh nhân đạo bất thành, nỗ lực của một tập thể, một guồng máy trở nên vô nghĩa”.

“Anh giải “bài toán khó” ra sao?”. “Cửu Long 09 có 2 máy, 2 chân vịt, 2 cánh quạt hỗ trợ. Tôi cho tắt máy trái, phía tàu Hà Trung, điều khiển tàu tiếp cận nạn nhân bằng máy phải. Phải tính toán, căn chỉnh chi li, chống lại sức công phá, va đập từ sóng gió. Tới cự ly thích hợp, người trên tàu cứu nạn thả dây, ném phao ra”. Theo thủy thủ Doãn Văn Đoài, mãi đến khi được vớt lên, anh và đồng nghiệp mới chắc chắc được thần chết buông tha: “Chúng tôi được thăm khám sức khỏe. Chấn thương tinh thần là chính. Cả nhóm tá túc trong một nhà nghỉ ở đường Trần Bình Trọng, Quy Nhơn dăm hôm hầu nghe ngóng tin tức và phục hồi tâm lý rồi tạm tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi”.

Hành trình cứu nạn của đội tàu Cửu Long kéo dài đến cuối ngày 4.11. Nhóm anh Tình chỉ kịp bàn giao người, tiếp nhận vội vàng túm bánh mỳ, mấy gói mỳ tôm rồi quày quả trở ra. Họ “vớt” tiếp 4 người của Việt Phúc 05 và Sơn Long 08. Cửu Long 09 là con tàu đầu tiên và cũng là cánh chim đầu đàn trong “chiến dịch” cứu nạn ở Vịnh Quy Nhơn trong bão số 12. Nó truyền cảm hứng, giúp củng cố tinh thần cho những tàu ra sau như Cửu Long 08 (thuyền trưởng Võ Mai Hùng lấp chỗ trống Hồ Văn Thừa để lại), Cửu Long 16. “Chúng tôi huy động tất cả “vốn liếng” trong tay. 3 tàu bên ngoài, 3 tàu phía trong ứng trực chờ lệnh. Đến 18 giờ cùng ngày, trước sau, chúng tôi cứu được 34 nạn nhân” - ông Nguyễn Cảnh Toàn đưa con số.

Thuyền trưởng Lê Trung Tình. Ảnh: X.N
Thuyền trưởng Lê Trung Tình. Ảnh: X.N

Quyết định khó khăn của ông chủ tịch Bình Định

Phó Giám đốc Toàn cũng có câu chuyện của mình. Là người nắm trọng trách cao nhất của đơn vị hiện diện tại Quy Nhơn khi thiên tai ập đến, ông được giao tùy nghi điều hành nhiệm vụ cứu người. “Yêu cầu từ Cục Hàng hải, từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bình Định liên tục dội về. Cửu Long hành nghề vận tải, có chức năng cứu hộ nhưng là lai dắt thiết bị nổi, hoạt động trong điều kiện thời tiết bình thường, nước êm. Lần đầu tiên nhận lãnh cứu nạn đột xuất, chúng tôi thiếu hụt từ đầu đến chân: Thiết bị y tế, vỏ thép chịu lực, trang phục - kính bảo hộ, phao cứu sinh... Giờ nói thì dông dài nhưng lúc đó, mọi thứ ào tới rất nhanh, cần những chỉ lệnh tức thời, chính xác. Tôi có 30 phút để tàu Cửu Long 09 xuất phát”.

Trao đổi với PV Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thừa nhận, đưa đội tàu Cửu Long ra khơi cứu người là quyết định mạo hiểm, khó khăn nhất mà ông không thể san sẻ cho ai: “Sự cố chìm tàu ở vịnh Quy Nhơn là một “bất ngờ” lớn đối với công tác chỉ đạo ứng phó bão số 12. Hơn 50 tàu hàng vào tránh trú ngoài khu vực phao số 0 nhưng Cục Hàng hải Việt Nam không thông báo. Cảng vụ Quy Nhơn cũng không. Cho đến khi tín hiệu cầu cứu ngoài biển khẩn thiết phát ra thì tình hình đã gấp gáp lắm rồi. Gọi Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đề nghị chi viện thì họ quá xa, phản ứng không kịp. Quanh đi, quẩn lại, chỉ có đội tàu Cửu Long là khả dĩ. Không có lựa chọn khác để so đo, cân nhắc. Thú thật là tôi đã trải qua thời khắc căng thẳng vô cùng, chỉ biết căn dặn anh em là hết sức cẩn thận, đừng ra quá xa và nhớ giữ liên lạc thường xuyên. Buổi chiều, tàu cứu nạn vào bờ, chẳng những bảo toàn nguyên vẹn tính mạng, tài sản mà còn hoàn thành vẻ vang mục tiêu cứu người, cái gánh nặng ngàn cân trong tôi mới được nhấc xuống”. Ông Dũng thông báo đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương lập hồ sơ khen thưởng: “Họ xứng đáng được vinh danh, nhưng với thẩm quyền địa phương, tặng bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh đã là... hết cỡ rồi”.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn Bùi Văn Vương cũng cho hay đã lập danh sách, đề xuất lên Cục Hàng hải Việt Nam khen thưởng đội tàu Cửu Long. “Cả Quy Nhơn này, ngoài họ ra, còn chỗ nào khác để... chỉ đâu? Họ cũng không hoàn toàn đơn độc. Trên tàu Cửu Long 09, có một sĩ quan Cảng vụ do tôi cử đi, thực thi nhiệm vụ phối hợp” - ông Vương như muốn phân trần.

Ngoài 3 con tàu không chuyên nhưng can trường, nghĩa khí của Cty TNHH vận tải Cửu Long, các đơn vị biên phòng cũng đặc biệt hiệu quả trong công tác cứu nạn trên biển Quy Nhơn. Đại tá Lương Ngọc Chinh - Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Định cho biết, có 43 thuyền viên được cứu sống, trong đó 15 người mang quốc tịch Trung Quốc, Myanmar; 38 người (36 thuyền viên, 2 ngư dân) được đưa cấp cứu tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Đa khoa Bình Định, Bệnh viện Quân y 13. Ở hội nghị sơ kết công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão số 12 do Biên phòng Bình Định tổ chức hôm 10.11, ông Hồ Quốc Dũng gọi đó là “nghĩa cử cao đẹp”.

XUÂN NHÀN
TIN LIÊN QUAN

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Những sự kiện thể thao trong nước và quốc tế nổi bật trong năm 2023

TAM NGUYÊN |

Thể thao Việt Nam và thế giới sẽ tiếp tục có một năm sôi động với nhiều sự kiện đáng chú ý…