Cuộc thi phóng sự Báo Lao Động năm 2014:

Cú hích ấn tượng

Vĩnh Quyền |

Lao Động vừa kết thúc cuộc thi phóng sự với phân khúc đề tài phù hợp tinh thần hướng đến đại lễ kỷ niệm 85 năm ngày xuất bản số đầu tiên của bản báo: Viết về những nhân vật được vinh danh anh hùng lao động và những nhân vật điển hình lần đầu được nhà báo phát hiện, tất cả đang tỏa sáng khí chất “anh hùng”, từ đời thường lặng lẽ góc núi đến Biển Đông cửa ngõ tổ quốc. Cuộc thi là cú hích góp phần nâng cao chất lượng chuyên mục đã trở thành thương hiệu “phóng sự Lao Động”.
Một thể tài khó
Tổng Biên tập Trần Duy Phương trưởng thành từ vai phóng viên, từng viết phóng sự, đã lưu ý khi cuộc thi khởi động, rằng với đề tài “anh hùng”, “điển hình” nhà báo cứ như đi trên đường biên mong manh giữa một phóng sự nhân vật với mẩu “người tốt việc tốt”, thậm chí một phiên bản báo cáo thành tích.

Qua 6 tháng tuyển đăng sơ khảo 35/62 phóng sự dự thi cho thấy, lưu ý đó không thừa. Cái khó thường đặt lên vai những tác giả chọn cho mình nhân vật có danh phận, đã được xưng tụng trong các sự kiện vinh danh “anh hùng lao động”, “gương mặt tiêu biểu”, đã xuất hiện với tần số cao trên các phương tiện truyền thông. Lướt qua danh tính các nhân vật quen thuộc này, nhiều bạn đọc đã vội nghĩ “biết rồi, nói mãi”. 

Oan thay, bởi trong số đó có nhân vật “nói mãi” chưa vơi chuyện hay, lại có nhân vật đã lột xác gần như thành con người mới trong cách sống cũng như đóng góp cho đời. Nhưng sẽ không oan với nhà phóng sự nếu rút tiêu đề, viết lời chapeau cũ-và-nhạt về các nhân vật quen-nhưng-lạ này, nghĩa là khi anh ta hay chị ta không đủ tài nghệ vồ tóm lấy bạn đọc, rủ rê ở lại với mình bằng cách nêu được điều mới lạ, kích nổ tính tò mò ngay từ tiêu đề và những dòng mở đầu thiên phóng sự.

Càng thử thách người viết phóng sự “anh-hùng-ca” khi hầu hết bạn đọc mỗi sáng cầm tờ báo lên, thì việc đầu tiên là tìm đọc thời-sự-nóng, tiếp đến mảng-tối-xã-hội, rồi mới để mắt sang những vỉa thông tin khác, “người tốt việc tốt” thường là sau rốt. Nhưng đã có tình huống thú vị dành cho cuộc thi phóng sự “người tốt” của Lao Động: “Thành “vồ” - thuyền trưởng trên đầu sóng” (Thanh Hải) và “Thuyền trưởng 9X trên biển Hoàng Sa” (Linh Phạm) là hai phóng sự dự thi được bạn đọc mặc nhiên “xếp” vào dòng thời-sự-nóng, đọc ngay. Lòng dân mình là vậy. Qua đó nhà phóng sự có thể nhận ra: Viết phóng sự “anh hùng” ngay nơi “đầu sóng”, ngay thời điểm nóng sẽ được bạn đọc ưu tiên đọc trước. 

Nhưng dẫu gắn với thời-sự-nóng, một phóng sự 1.800 chữ sẽ không giá trị hơn một bản tin 180 chữ cùng câu chuyện nếu thiếu nghệ thuật phóng sự. Một trong những thành công của cuộc thi phóng sự của Báo Lao Động lần này là đã chuyển đến bạn đọc một tập hợp phóng sự xứng đáng là tác phẩm báo chí, ngay cả với thể tài khó nhằn nhất: Viết về anh hùng đương thời.

Người tốt quanh ta
Không cần nhiều lắm đâu, chỉ 35 phóng sự thôi, như 35 giọt sương phản chiếu mặt đất bầu trời, đủ khiến bạn đọc phục hồi niềm tin đã có lúc hao huyết về cái tốt đẹp trên đời, để nhận ra quanh ta còn đó bao người như vừa bước ra từ cổ tích.
Như một người đàn bà nghèo, một cây đước trong rừng đước, một cột mốc biên giới, một đồn biên phòng trên một đường biên hoang liêu cuối Việt trong “Cột mốc sống” cuối trời tây nam của Lâm Điền. Phóng sự này như một phim tư liệu có thiên hướng nghệ thuật tối giản dù chạm đến đề tài lớn lao: Tấm lòng người dân với sự nghiệp bảo vệ biên cương tổ quốc. Như một bà cụ miền Tây Nam Bộ không biết bơi suốt đời chèo đò đưa bọn trẻ trong làng qua sông tìm con chữ trong “Những chuyến đò cho “mầm xanh”” của Trần Lưu.
Cổ tích như cô gái trong “Hướng Dương - tình yêu ban sớm” của Nguyễn Trung Hiếu, người không chỉ vượt qua bất hạnh sau tai nạn mất cả hai chân, mà đã “tự đứng lên và bước đi theo cách của mình”. Với Thư viện sách nói của giám đốc Hướng Dương, 18 năm qua, hàng nghìn trẻ em khiếm thị đã có thể bước vào giảng đường đại học, giành được học bổng du học. Hay người đàn ông bại liệt ở đất Bình Định, nhân vật của Minh Tâm trong “Đại bàng kiêu hãnh”, đã “vỗ cánh” trên chiếc xe gắn máy ba bánh có số lùi như ôtô do chính ông “độ”, trở thành thỏi nam châm hút nhiều người khuyết tật khác ra khỏi “cái mai rùa cố hữu”.
Có những nhân vật khác người như một kỹ sư ở Sóc Trăng trong “Ông Cua nặng nợ ruộng đồng” của Nhật Hồ, người làm ra giống lúa đặc biệt ST5, vận động bà con trồng rồi thu mua, bao tiêu xuất khẩu, giúp nhiều gia đình nông dân khá giả. Hoặc anh nông dân biết nghĩ, biết liều đã “đẻ” ra nghề mới - thuần dưỡng vịt trời - mang lại ấm no cho cả một vùng cao Nghệ An trong “Vịt trời đã “bay” về nhà” của Phạm Việt Thắng. Hay từ một Giàng A Chính ở thung lũng Mường Hoa, nhân vật của Tuấn Ngọc trong “Cây thông đỏ” trên núi đá Hoàng Liên, làm trưởng thôn không cần nhận một đồng phụ cấp, tới một “ông quan” trong “Gặp ông “mê”... cải cách” của Đăng Khoa, người từng là Trưởng công an TP.Huế, giờ chánh án, ở vị trí nào cũng hết lòng cải cách thủ tục “cho dân nhờ”.
Một bác sĩ sống làm việc liên tục 28 năm trên đảo xa, nhân vật của Khương Quỳnh trong “Bác Lĩnh” của dân đảo, được “toàn dân” ba lần viết đơn “cầu xin khẩn thiết” ở lại với họ. Cái hay của nhân vật “anh hùng” này là ông không giấu nhà báo mình đã luôn nơm nớp có ngày nhảy xuống tàu chạy vào đất liền vì quá nhớ nhà. Vàng A Sàng trong “A Sàng - anh hùng xuyên qua núi” của Đỗ Doãn Hoàng cũng là bác sĩ. Riêng “chuyện mộc” về một anh chàng người Mông học tiếng phổ thông như bị tra tấn lại đã mổ tới 11 nghìn ca mát tay trong 4 năm với thiết bị y khoa lạc hậu ở huyện vùng cao Mù Căng Chải đã đủ gây ấn tượng mạnh. Đã thế, nghệ thuật phóng sự nhà nghề của Đỗ Doãn Hoàng còn khắc họa sinh động chân dung ly kỳ của nhân vật này với nhiều chi tiết đắt giá trên một nền ngôn từ biểu cảm.
Tiếc và đành xin lỗi không thể nêu hết những nhân vật làm cho đời đáng yêu hơn mà các tác giả dày công giới thiệu.
Nghệ thuật phóng sự
Chưa thể trông đợi dấu hiệu cách tân nghệ thuật phóng sự ở cuộc thi này, bởi chỉ diễn ra trên một quy mô giới hạn về đề tài cũng như thời gian. Dẫu vậy, đã xuất hiện những điểm sáng trong bút pháp. Trong khi khá nhiều phóng sự dự thi đầy ứ “sự vụ” nhưng mỏng đời riêng nhân vật, thậm chí không ghi nhận được nét dáng ngoại hình hay cá tính (bệnh chung của phóng sự hiện nay), thì trích đoạn sau đây từ “Trưởng thôn “không biết khinh người nghèo”” của Tuấn Ngọc, vốn chưa đặc sắc, vẫn là “của hiếm”: Cả buổi đi theo trưởng thôn Thào Seo Phổng, bây giờ tôi mới có thời gian để ý kỹ con người này. Anh không cao lớn, vạm vỡ như tôi hình dung khi chưa gặp, nhưng tác phong nhanh nhẹn và tháo vát trong mọi việc.(...) Trưởng thôn Phổng hay nói, đã nói là nói to, nói thẳng, hết lý mới thôi. Tôi thích nghe tiếng cười của Thào Seo Phổng, tiếng cười vô tư, phóng khoáng như mưa rừng, gió núi nơi đây.
Di chuyển là một đòi hỏi dành cho nghệ thuật phóng sự, đó cũng là thành công của cuộc thi này, khi nhiều tác giả đã xông xáo ngược xuôi đến tận các vùng miền xa xôi của đất nước để “săn” nhân vật “độc”. Như Thanh Hải 7 ngày đêm bám tàu CSB-4033 của thuyền trưởng Lê Trung Thành, quần nhau liên tục với lũ tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan trái phép Hải Dương-981 trong vùng biển Hoàng Sa để có một “phóng sự chiến trường” Thành "vồ" - Thuyền trưởng trên đầu sóng, để có một cận-cảnh-sinh-tử: Thành không chỉ dùng khẩu lệnh quân đội kiểu mật ngữ, mà còn dùng cả nickname, từ lóng với những thuyền trưởng - nguyên là bạn học thời ở Học viện Hải quân Nha Trang. "Ba ba, mười ba. Mập sát trái Vồ..."; "Bắt đầu vũ điệu Phương Đông. Cho nó hút shi-sa nhé" (...) Khẩu lệnh kiểu này thì chẳng thám báo nào giải mã nổi. Chúng tôi quần nhau với tàu to Trung Quốc cứ như trò Tom và Jerry. Và rồi thuyền trưởng "Mập" của 2013 đã cho thằng hải cảnh 3411 Trung Quốc "ăn" một quả khói mịt mùng, khiến nó chếnh choáng như... hút shi-sa.
Nối vòng tay nghề
Cuộc thi hay ở chỗ tạo được kết nối giữa các thế hệ viết phóng sự của bản báo trong gần ¼ thế kỷ. Nếu trước đây, chỉ có nhà báo lão thành Nguyễn Đức Chính viết bình luận phóng sự cho anh em, thì nay trong cuộc thi đã xuất hiện những cây bút Vĩnh Quyền, Huỳnh Dũng Nhân, Ngô Mai Phong, Trần Đăng, Lâm Chí Công, Lê Thanh Phong, Trịnh Xuân Quang và Hoàng Văn Minh. Bên cạnh phóng sự dự thi của những cây bút quen thuộc trên Lao Động là lứa cầm bút trẻ yêu nghề viết phóng sự như Linh Phạm, Lê Tuyết, Khương Quỳnh, Lâm Hưng Thơ... Đặc biệt xuất hiện những tác giả ngoài báo có “triển vọng phóng sự” như Tuấn Ngọc, Minh Tâm...
Vậy là cuộc thi làm được cú hích khá ấn tượng, về lâu dài Báo Lao Động còn phải đầu tư dưới nhiều hình thức để tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên mục từ lâu đã trở thành thương hiệu bản báo, phục vụ bạn đọc tốt nhất.
 

Vĩnh Quyền
TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.