“Chị ong nâu” trên núi Tống Thượng

TUẤN NGỌC |

Chị có cái tên nghe “là lạ” - Sùng Phà Sủi - người dân tộc Phù Lá ở huyện Bắc Hà. Ở vùng cao Lào Cai, phụ nữ làm cán bộ ít lắm, lại là cán bộ nhiều thành tích và chuyện lạ như chị thì càng hiếm...

Đưa lúa lai, ngô lai lên núi

Tống Thượng là thôn đặc biệt nhất trong các thôn, bản vùng cao của xã Nậm Đét (Bắc Hà). Đây là thôn duy nhất của xã có người dân tộc Phù Lá sinh sống, lại nằm chót vót trên đỉnh núi, cách trung tâm xã 12km đường đất. Cách đây 30 năm, chị Sùng Phà Sủi từ xã Nậm Mòn về Tống Thượng làm dâu, cũng là người duy nhất trong thôn biết chữ. Chị nhớ: “Mình về làm dâu Tống Thượng được 1 năm thì được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Mình đã làm Trưởng thôn bao giờ đâu, lại phải chăm lo việc nhà chồng nên lo lắm”. Ngày đó, thôn mới có 39 hộ, trong đó có 5 hộ người Mông, còn lại là dân tộc Phù Lá. Số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tống Thượng nằm trên núi cao, quanh năm sương mù, từ lâu, bà con đã quen trồng giống lúa, ngô địa phương, năng suất rất thấp. “Năm 1989, mình vận động bà con chuyển sang cấy giống lúa lai, nhưng ai cũng bảo giống lúa ở đây trồng còn chẳng mẩy hạt, cấy lúa lai mất công, rồi chỉ để cho trâu ăn thôi. Mình lại nghĩ, nhiều nơi cấy được, sao ở đây lại không được (?) và quyết tâm làm”.

Trưởng thôn Sùng Phà Sủi cùng chồng chuyển toàn bộ diện tích ruộng nhà mình sang cấy giống lúa mới. Ông trời cũng không phụ công chị, lúa mới mỗi ngày thêm xanh tốt, rồi trổ đòng, uốn câu. Mảnh ruộng vụ trước chỉ được vẻn vẹn 1 bao thóc thì năm đó được những 3 bao đầy. Nhà chị Sủi thu hoạch được gần 100 bao thóc trước sự hoài nghi lẫn ngỡ ngàng của bà con trong thôn. Năm thứ hai, năm thứ ba liên tiếp bội thu, Trưởng thôn Sùng Phà Sủi không những đủ thóc ăn quanh năm, mà còn có thóc bán, có tiền dựng nhà mới và là nhà lợp mái ngói đầu tiên của thôn. Đến lúc này, bà con mới bảo nhau đến nhà chị hỏi xin giống lúa mới về cấy. Chị Sủi nhiệt tình chỉ cho bà con cách ủ thóc giống, gieo mạ, chăm sóc lúa lai, rồi lại vận động họ chuyển từ trồng ngô địa phương sang ngô hàng hóa cho năng suất cao. Từ đó đến nay, nhờ ngô, lúa được mùa, đời sống người dân trong thôn đã thay đổi nhiều. Tống Thượng hiện giờ có 74 hộ, trong đó có 11 hộ giàu, 23 hộ khá, nhiều hộ thu nhập bình quân mỗi năm từ 80 - 100 triệu đồng. Từ năm 2013 đến nay, Tống Thượng đã có hơn 20 hộ thoát nghèo. Cả thôn hiện nay chỉ còn 30 hộ nghèo...

Hơn 20 năm không nhận phụ cấp

Chuyện một nữ trưởng thôn 20 năm nỗ lực giúp nhân dân thôn Tống Thượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo làm tôi từ ngạc nhiên đến khâm phục. Nhưng bất ngờ hơn, tôi được biết cùng thời gian làm Trưởng thôn, chị Sủi còn kiêm chức Công an viên thôn Tống Thượng. Chị bảo “ngày ấy đàn ông trong thôn đã ít, lại chẳng ai biết viết một cái biên bản cả. Mình nhận làm Trưởng thôn rồi, đằng nào cũng vất vả, nên nhận kiêm thêm chức Công an viên”. Rồi chị kể lại một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời làm công an viên. Đó là một đêm cuối thu rét tê tái, chị Sủi cùng chồng, con đang say ngủ, bỗng tá hỏa vì một tiếng nổ inh tai và ngôi nhà rung chuyển như muốn đổ sập xuống. Thì ra tên trộm gà hồi chiều bị chị và bà con trong thôn vây bắt được, sau khi bị giải lên xã đã tẩu thoát, rồi quay về thôn ốp mìn vào nhà chị Sủi để trả thù. May thay, bức tường nhà chị chỉ bị thủng mảng nhỏ, không ai bị thương. Sáng hôm sau, chị Sủi cùng bà con truy lùng tên trộm và bắt được hắn ở thị trấn Bắc Hà, giao cho Công an huyện xử lý. Tưởng rằng tên trộm sẽ hận chị Sủi lắm, vậy mà sau khi ra tù, hắn lại xách gà, xách rượu đến nhà chị nói lời xin lỗi và hứa sẽ sống tốt. Chị Sủi không để bụng chuyện cũ, sẵn lòng bỏ qua. Chị cũng không quên những lần nửa đêm phải đội mưa gió, sương mù đến nhà dân giải quyết vụ hàng xóm đánh chửi nhau, vợ chồng mâu thuẫn, anh em say rượu gây mất đoàn kết. Nhờ cách xử lý kiên quyết, hợp tình, hợp lý của chị Sủi, nên các vụ việc trong thôn đều được giải quyết ổn thỏa, tình hình an ninh, trật tự thôn dần ổn định. Và tôi không tin được khi nghe chị nói: “Mình làm vì trách nhiệm với bà con thôi, chứ chừng ấy năm làm cán bộ thôn, mình có nhận đồng tiền phụ cấp nào đâu!”.

Khi không làm Trưởng thôn Tống Thượng nữa, suốt 8 năm tiếp theo chị Sùng Phà Sủi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Đét. Điều chị tâm đắc nhất là giúp cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có suy nghĩ tiến bộ hơn, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Ngày trước, đám cưới của đồng bào Phù Lá rất rườm rà vì nhiều lễ nghi. Để đón được cô dâu về, nhà trai phải 8 lần đến nhà gái làm lý, lần nào cũng phải có rượu, có thịt. Lần nào nhiều, lên tới 80 lít rượu, 80kg gạo, 80kg thịt, 30kg đậu hạt, 15 bộ quần áo, 1 bộ vòng bạc trị giá 15 triệu và 2,4 triệu đồng tiền mặt. Nhiều gia đình nghèo không lấy được vợ cho con trai. Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau đám cưới nợ nần chồng chất, nghèo đói quanh năm… Kiên trì tuyên truyền, chị Sủi đã vận động được bà con dân tộc Phù Lá và các dân tộc khác bỏ tục thách cưới cao, tổ chức đám cưới giữ được bản sắc nhưng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm. Ngoài ra, tâm lý “trọng nam khinh nữ” cũng dần lùi xa. Các gia đình không sinh con thứ 3 và dù khó khăn cũng cố gắng cho con đến trường học chữ.

Tổ trưởng Tổ Tuyên vận gương mẫu

Từ 2012 đến nay, chị Sùng Phà Sủi giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Tống Thượng. Chị cũng là thành viên Ban Tuyên vận xây dựng nông thôn mới xã Nậm Đét, được giao phụ trách 2 thôn Cốc Đào, Tống Thượng và là Tổ trưởng Tổ Tuyên vận thôn Tống Thượng. Chị tâm sự ngày trước công việc nhiều nhưng có chồng chia sẻ, động viên, nên cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng năm 2009, chồng qua đời, chị vừa phải chăm sóc các con, vừa phải tham gia công tác xã hội, nên việc gì cũng đến tay. Xã Nậm Đét đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều vấn đề đặt ra. Đối với thôn Tống Thượng, Cốc Đào lại còn khó khăn hơn bội phần vì trình độ dân trí của bà con còn hạn chế.

Giải thích thế nào để nhân dân hiểu, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới không hề dễ. Vậy mà 2 năm qua, chị Sùng Phà Sủi đã vận động mỗi hộ dân thôn Tống Thượng ủng hộ 2 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa thôn, và mỗi hộ đồng tình đóng góp hơn 3,5 triệu đồng để đổ bêtông đoạn đường trục thôn dài 2,5km. Chị vận động được 61/74 hộ dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh và 100% hộ dân làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà. Hỏi bí quyết, chị bảo: Cùng với tuyên truyền thường xuyên, liên tục, là Bí thư Chi bộ thôn, mình phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên. Chi bộ Tống Thượng có 7 đảng viên, mỗi người phụ trách từ 10 - 12 hộ dân, có trách nhiệm lên kế hoạch cụ thể theo tuần, theo tháng, rồi hằng ngày phải đến từng nhà tuyên truyền, đôn đốc bà con làm nhà tiêu hợp vệ sinh và di chuyển chuồng trại không đảm bảo ra cách xa nhà để tránh ô nhiễm môi trường...Vậy bây giờ khó khăn nhất là gì? Chị Sủi trầm ngâm: Tuyến đường từ trung tâm xã lên thôn Tống Thượng vẫn còn gần 8km đường đất cần được bêtông hóa để nhân dân đi lại đỡ khổ. Thôn Tống Thượng cũng chưa có điện lưới quốc gia, bà con mong muốn sớm có điện dùng, thoát khỏi cảnh đèn dầu. Làm thế nào để bà con thoát khỏi đói nghèo vẫn là câu chuyện dài. Công việc vất vả thế, có khi nào chị thấy nản lòng không? “Cái số mình cứ như con ong ý mà, vất vả vì bà con quen rồi. Con ong làm mật đến bao giờ mỏi cánh không bay được nữa mới thôi. Mình còn sức khỏe thì còn cố gắng được!”.

 

 

TUẤN NGỌC
TIN LIÊN QUAN

Công đoàn tiếp tục nỗ lực vì đoàn viên, người lao động

Thu Trà (thực hiện) |

Năm 2022, các cấp Công đoàn đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả, mang lại niềm tin cho đoàn viên, người lao động. Năm 2023, chủ đề hoạt động của tổ chức Công đoàn là “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”.  Đây cũng là năm vừa tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII, tổ chức thành công Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, vừa phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước thềm Xuân Quý Mão năm 2023, Báo Lao Động phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nhân vật người đàn ông trong câu chuyện chúng tôi kể dưới đây là trường hợp hiếm hoi đã tìm lại được mối tình đầu của mình, tìm lại được niềm hạnh phúc ở tuổi già. Để tìm lại được hạnh phúc đã mất đó, ông đã buộc phải đánh đổi và từ bỏ mọi thứ, thậm chí buộc phải giả điên...

Cô gái Nga yêu Việt Nam từ những điều bình dị

HUYỀN PHẠM |

Lần đầu ghé thăm Việt Nam, Sonya Firsova đơn giản nghĩ đó là một kỳ nghỉ kéo dài vài tháng vào cuối năm 2017 – như mọi quốc gia cô từng ghé thăm. Hành trình khám phá Châu Á năm ấy của Sonya tiếp tục, cô rong ruổi từ Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc tới Ấn Độ... cùng em gái Viola. Cho đến một ngày, chợt nhận ra Việt Nam chính là nơi họ muốn quay trở lại nhất, hai chị em quyết định gắn bó với đất nước này.

Vương quốc Anh giảm sức hút với giới siêu giàu

Thanh Hà |

Các nhà đầu tư và doanh nhân giàu có đang chuyển đến EU, Trung Đông và Châu Á, theo một công ty tư vấn ở London, Anh.

Gương mặt vàng tại các kỳ thi Olympic quốc tế

Trang Hà |

Năm 2022, với 38 lượt thí sinh tham gia các kỳ thi Olympic và khoa học kỹ thuật quốc tế, học sinh Việt Nam xuất sắc nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Cánh chim bay trên quê hương Ronaldo

Minh Toàn |

Liệu một cô gái bé nhỏ từ Việt Nam có thể làm được chuyện gì ở một đất nước sản sinh ra những siêu sao bóng đá nổi tiếng thế giới như C.Ronaldo?

Cứu hộ thành công cụ bà 80 tuổi rơi xuống vực sâu ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Ngày 22.1, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã có báo cáo về việc cứu hộ thành công cụ bà N.T.H (SN 1943, TP.Buôn Ma Thuột) sau khi rơi xuống vực sâu.

Cửa khẩu Việt - Trung tấp nập xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày đầu năm

Văn Đức |

Lào Cai - Ngay trong sáng mùng 1 Tết, cửa khẩu Kim Thành II đã tấp nập hàng hóa xuất, nhập khẩu.