Chị Ký ở Paris và nụ cười của Phật

hoàng văn minh |

Ở Paris (Pháp) có một phụ nữ Việt Nam từng vinh dự đón nhận Huân chương Quốc công hạng ba do Chính phủ Pháp trao tặng nhằm ghi nhận những đóng góp của bà trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi giữa hai nước trong lĩnh vực y khoa. Bà tên là Thérèse Nguyễn Văn Ký nhưng cộng đồng người Việt ở đây lại trìu mến gọi là “chị Ký”. Và ngay cả người Pháp, họ cũng trìu mến tương tự khi ngợi khen bà “có nụ cười của Phật”.

Huân chương Quốc công hạng ba là danh dự lớn thứ ba sau Huân chương Bắc đẩu bội tinh và Huân chương Giải phóng của Chính phủ Pháp. Chị Ký là người Việt duy nhất đến thời điểm này hoạt động trong lĩnh vực Y khoa vinh dự nhận Huân chương này. Đặc biệt hơn là ở trong nước, chị Ký đã được trao tặng Huy chương Kháng chiến Hạng Nhất của Nhà nước Việt Nam, cùng nhiều bằng khen và kỷ niệm chương của các bộ, ngành và các địa phương.

Cầu nối y khoa Việt – Pháp

Chuyện bắt đầu từ năm 1976, chị Ký lúc này đã là một bác sĩ có danh tiếng tại Pháp đã cùng các cộng sự người Việt thành lập Hội Y Học Việt Nam tại Pháp (AMVF). Và đến năm 1977, lần đầu tiên, AMVF tổ chức đoàn bác sĩ về nước nghiên cứu tình hình sau chiến tranh để tìm cách làm điều gì đó giúp đỡ người dân. “Lúc đó cũng có rất nhiều Hội đoàn được thành lập và tự tìm cách giúp Việt Nam, nhưng vì gặp phải nhiều khó khăn trong các vấn đề như thủ tục, liên lạc và tổ chức... nên đã đến tìm chúng tôi nhờ giúp đỡ” – chị Ký nhớ lại. Bắt đầu là những giúp đỡ nhỏ như: Xin visa, tìm đối tác trong nước, liên lạc, giới thiệu, tổ chức các chuyến tham quan, các hội thảo trong nước. “Nhưng tôi luôn nghĩ rằng đây là những việc rất nhỏ và mình phải cần làm điều gì đó lớn hơn cho Việt Nam và phải có đối tác trong nước thì mới đi xa được”, chị Ký nói.

Chị Ký trong một lần hỗ trợ thiết bị y tế cho một trạm xá ở TPHCM. Ảnh: TL
Chị Ký trong một lần hỗ trợ thiết bị y tế cho một trạm xá ở TPHCM. Ảnh: TL

Và rồi cơ hội để làm điều lớn hơn cũng đến khi “năm 1985, tôi được về nước dự lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng và gặp lại bác sĩ Dương Quang Trung – đàn anh của tôi, trước học trường Y Bordeaux (Pháp), lúc đó giữ chức Phó Giám đốc Sở Y Tế TPHCM. Năm 1987, sau khi đổi mới, bác sĩ Trung lên Giám đốc sở. Tôi gợi ý với anh là chúng tôi muốn mời anh sang Pháp gặp lại bạn bè, nối liên lạc... Tôi nói rằng nếu anh chỉ ngồi đó chờ đến hợp tác chính thức giữa hai chính quyền thì chắc còn phải chờ lâu. Và bác sĩ Trung đã sang Pháp sau khi được sự đồng ý của cấp trên. Chuyên đi đầu tiên của bác sĩ Trung rất thành công và cửa hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực Y khoa được mở rộng từ đó” – chị Ký kể.

Trong nước, lúc này chính quyền các cấp cũng hiểu được tình hình nên tạo mọi điều kiện chị Ký và cộng sự hoạt động dễ dàng. Và từ đó AMVF chính thức trở thành cầu nối Pháp - Việt. Bắt đầu là sự biết đến và vào cuộc của Bộ Y tế Pháp và các trường Đại học Y ở Paris, Bordeaux, Lyon...; các giáo sư đầu ngành, nhiều bệnh viện có tên tuổi, các cơ sở sản xuất thuốc và dụng cụ tế từ thông thường đến siêu âm, nha khoa, X quang, tia xạ... để thực hiện các chương trình: Thành lập viện tim TP HCM, trùng tu Bệnh viện Nhi Đồng Nai... Đặc biệt gần như năm nào chị Ký cũng bỏ tiền túi để mua vé máy bay về nước làm từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo ở khắp các vùng sâu, vùng xa trong cả nước.

Không chỉ giúp đỡ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện, AMVF và chị Ký còn có nhiều nỗ lực trong việc tập hợp các bác sĩ Việt Nam tại Pháp để giúp đỡ các đồng nghiệp từ trong nước sang tu nghiệp và ngược lại, hỗ trợ các giáo sư và thực tập sinh Pháp sang công tác và thực tập tại Việt Nam. “Ban đầu chúng tôi tham gia vào việc giải quyết một số trường hợp bệnh tật phức tạp từ trong nước gởi sang” – chị Ký nói: “Tiếp đến là thiết lập và đón tiếp, giúp đỡ các thực tập sinh trong giai đoạn đầu tiên còn bỡ ngỡ ở xứ người. Thêm nữa là vận động các đoàn thể, tổ chức nhân đạo hay các chuyên gia, những người giảng dạy và nghiên cứu về Y học của Pháp và Âu châu tham gia đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác khoa học kỹ thuât đối với nghành Y trong nước”.

Tôi luôn là người Việt Nam

Giáo sư André Gouazé, Tổng giám đốc, Chủ tịch đồng thời là người sáng lập Hiệp hội quốc tế các Viện trưởng và các trường đại học y khoa có sử dụng tiếng Pháp (CIDMEF), cũng là thầy dạy trước đây của chị Ký đã nhận xét: “Trong đầu chị Ký luôn có những kế hoạch hành động chứ không bao giờ có kế hoạch tiến thủ. Chị ấy chẳng bao giờ màng tới địa vị hay quyền chức. Ngoài nhiệt huyết, chị còn có nụ cười. Nụ cười chân thành. Nụ cười của Phật”.

Chị Ký tên thật là Thérèse Phan. Nhưng người ta hay gọi là Thérèse Nguyễn Văn Ký vì gọi theo chồng chị - bác sĩ Nguyễn Văn Ký. Chị Ký sinh ra và lớn lên trong một gia đình “con nhà” ở miền Nam, có cha là bác sĩ được Pháp đào tạo. “Gia đình tôi sống theo kiểu Âu nhưng cha mẹ tôi không quên dạy chúng tôi về nữ công gia chánh và đức hạnh kiểu Nho giáo. Từ nhỏ tôi và các em luôn được dạy phải biết thương người, biết người trên kẻ dưới, không hiếp đáp ai và lễ phép với tất cả mọi người dù họ giàu hay nghèo hơn mình” – chị Ký nhớ lại. Đến năm 1949, lúc chị Ký tròn 19 tuổi, do tình hình trong nước thời điểm đó rất căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến việc học nên chị được gia đình cho sang Pháp học Y khoa với mong ước “10 năm sau, khi tốt nghiệp đại học Y khoa sẽ trở về với gia đình để nối nghiệp ba tôi”. Nhưng tình hình chính trị trong nước thời điểm đó không cho phép chị Ký trở về. Khi có thể về được thì “tôi đã lấy chồng và có 3 con đang tuổi đi học, nên quyết định ở lại làm việc tại Pháp cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu và phải ở luôn bên này cho đến giờ” – chị kể. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây và Uống nước nhớ nguồn là 2 câu mà tôi đã dùng đến trong bài phát biểu lúc tôi nhận Huân chương Quốc công. Tôi là người Việt Nam, đất nước tôi là nước Việt Nam. Tuy sống bên nầy trên 65 năm, nhưng tôi vẫn thấy mình là người Viêt Nam và chưa bao giờ xem nước Pháp là đất nước của tôi. Lúc nào tôi cũng có cảm giác ăn nhờ ở tạm, mặc dù tôi rất cảm ơn nước Pháp và người Pháp đã quý mến, chấp nhận...”.

Trong hơn 50 năm qua, không chỉ với AMVF và lĩnh vực y khoa, chị Ký luôn là thành viên tích cực của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) trong các hoạt động hướng về nước nhà, ở nhiều cương vị khác nhau, trong đó có cương vị là chủ tịch hội. Nhưng chị vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù năm nay đã 88 tuổi! “Hiện giờ vì tuổi cao nên tôi chỉ cố vấn và giúp đỡ những việc hợp với khả năng và tuổi tác như tham gia chương trình nước sạch cho nông thôn, chương trình giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc màu da cam...” – chị Ký nói.

Thắc mắc rằng, động cơ hay chính xác hơn là điều gì đã khiến, đã thôi thúc chị phải vất vả như vậy, trong khi đến tuổi này, chị có quyền chọn một cuộc sống và cách giúp đỡ khác, an nhàn hơn? Chị trầm tư: “Động cơ, là tôi luôn nghĩ mình may mắn hơn nhiều người khác là được đi học ở nước ngoài từ rất sớm. Và những năm tháng đó, trong lúc tôi được sống thoải mái về vật chất, được yên tĩnh để học hành thì trong nước, có biết bao nhiêu người cùng trang lứa đã hy sinh, thậm chí có người còn chưa hưởng được chút thanh xuân nào. Vậy nên tôi thấy việc tôi làm cũng là lẽ thường, chẳng có gì to tát. Anh vừa nhắc đến sống an nhàn. Làm sao tôi có thể sống an nhàn được trong khi đồng bào mình trong nước nhiều người còn nhiều vất vả và thiếu thốn mọi bề? Tôi sẽ còn làm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng...”.

hoàng văn minh
TIN LIÊN QUAN

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Tập đoàn Dabaco đã bị tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính

Trần Tuấn |

Bắc Ninh - Đưa công trình là tòa nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm vào sử dụng khi chưa nghiệm thu, Tập đoàn Dabaco đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Lo ngại về chất lượng nhiều gói thầu dịch vụ công ích tại Cao Bằng

Tân Văn |

Liên tiếp từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Nga Hải đã trở thành nhà thầu trúng nhiều dự án xây lắp, dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, chất lượng của các dự án này lại đang là dấu hỏi.

Nơi cứ đến Tết Đoan Ngọ, người dân đổ xô đi tắm biển giữa trưa

Thanh Trà |

Ngày Tết Đoan Ngọ (tức 5.5 Âm lịch), hàng nghìn người dân TP Quy Nhơn (Bình Định) và các vùng lân cận đổ xô đi tắm biển vào chính Ngọ.

Chưa phát hiện được dấu chân, phân hổ để lại trong rừng tại Quảng Bình

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Sau khi nhận được thông tin từ người dân về việc phát hiện một cá thể hổ, lực lượng kiểm lâm đã đến kiểm tra nhưng chưa phát hiện dấu chân, phân hổ để lại.

Kiểm soát, tăng cường bảo mật để ngăn chặn vi phạm bản quyền EURO 2024

MINH PHONG |

Đơn vị nắm bản quyền truyền hình vòng chung kết EURO 2024 sẽ phối hợp với Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) để áp dụng các biện pháp pháp lý, kỹ thuật nhằm kiểm soát và tăng cường bảo mật bảo vệ nội dung, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền.

Tuyển Việt Nam với cơ hội rèn luyện trong thời tiết khắc nghiệt

TAM NGUYÊN |

Tập luyện, hồi phục, thi đấu trong điều kiện thời tiết 40 độ cũng là một điều kiện tốt để các tuyển thủ Đội tuyển Việt Nam học cách rèn luyện và trưởng thành.

Biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trong hang động vịnh Hạ Long: Tại sao không?

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Các bãi tắm, hang động trên vịnh Hạ Long không đơn giản chỉ là nhưng điểm tham quan, mà có thể là nơi tuyệt vời để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Những hoạt động này trước đây cũng đã được tổ chức trên các bãi biển, trong hang động giữa vịnh Hạ Long và được du khách đặc biệt ưa thích.