Chàng trai Nùng tình si với trái tim khổng lồ bằng đất đá

PHÓNG SỰ CỦA ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Những cái tên người, tên bản hơi trúc trắc và khó nhớ. Đường núi lại chất ngất toàn đá hộc ở cái bản Nùng loằng ngoằng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, cách Hà Nội gần 500km. Bù lại, thiên nhiên tươi đẹp và thánh thiện như đến từ thuở hồng hoang, những ngọn thác như làn tóc trắng xõa từ lửng trời buông xuống các thảm rừng, các bãi đá với những viên tròn to như gian nhà... Không gian nhiệm màu đó đã sinh ra những sơn nữ, trai bản lãng mạn ngoài sức tưởng tượng. Tình yêu của họ mộc mạc, thuần khiết giữa mênh mang núi rừng với chất ngất mây cao đùm túm ngang trời.

Tôi muốn kể về anh Sín Văn Tinh ở bản Díu, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang), người đã dành nhiều ngày tháng ròng, bỏ nhiều tiền của, khênh phá đá lớn, đào thửa ruộng bậc thang đẹp mê mải của gia tộc, rồi “chế tác” một cái ao hình trái tim rộng 1.500m2 để dành tặng cho vợ mình là chị Sùng Thị Vẻ ở bản Pồ Cố.

Thay trời đẽo núi

Một trái tim ra đời từ đá núi, đập thổn thức giữa di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang ở lưng trời dãy Tây Côn Lĩnh. Giữa các tên người, tên đất gập ghềnh khó nhớ đến nỗi tôi phải xem lại sổ tay mấy lần mới viết ra được kia, có một điều trong trẻo vút lên rành rẽ thánh thiện mà thế gian này ai cũng dễ hiểu. Ấy là tình yêu và sức mạnh thần kỳ của nó.

Sín Văn Tinh năm nay 45 tuổi, vợ anh cũng ngần ấy, đều lớn lên ở bản Nùng này và đều chưa từng rời Thèn Phàng, chưa từng nghe kể, đọc sách báo hay xem tivi về huyền thoại tình yêu. Anh Tinh học hết lớp 7, chị vợ chả đi học cũng không nói sõi tiếng Việt. Tuy nhiên, trời rất công bằng và ông vẫn ban cho họ đầy đủ các lý lẽ và diễm tình để tự mình đẽo gọt nên kỷ lục tầm cỡ thế giới về tình yêu. Ruộng - ao hình trái tim. Chị Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần - gọi cho anh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Phàng - nói rằng có nhà báo Hà Nội vào thăm xã. Cán bộ bảo, đường xa gập ghềnh nghìn gian nguy, nhà báo đến là quý rồi, tôi sẽ nhờ anh Tinh ra tận đầu đường đá hộc để đón, rồi dẫn xuống thẳng để thăm thửa ruộng - mảnh ao hình trái tim luôn. Chứ từ đó vào ủy ban có khi mất cả tiếng bò xe ôtô gầm cao, mà mưa núi về thì hết đường ra luôn. Tôi bảo, làm thế nào biết ông Tày, ông Nùng, ông Mông nào đứng ven đường là ông Tinh, cán bộ ơi? Lãnh đạo xã bảo, yên tâm, nắng nỏ thế này, cứ thấy cặp nam nữ nào xúng xính váy áo vùng cao, lại che ô cho nhau ngồi trên đỉnh núi ngắm ruộng bậc thang thì đích thị là Sính Văn Tinh và Sùng Thị Vẻ. Họ lãng mạn lắm. Ở tuổi ấy, ở bản này, chả có ai “con ong quấn quýt” như họ đâu.

Chúng tôi đi qua những thác nước trắng toát chảy qua điệp trùng rừng xanh, tỏa xuống như áng tóc trữ tình của dãy Tây Côn Lĩnh. Thiên nhiên Thèn Phàng đã gieo vào lòng khách phố thị cái cảm giác tủi thân vì mình bị rời xa sự trong lành và vẻ thánh thiện kia lâu quá rồi. Chợt thấy một cặp đôi ngồi nhẩn nha rì rầm thủ thỉ nhìn xuống thung lũng vàng mê mải. Ruộng bậc thang đang mùa lúa chín. Vài nơi, gốc rạ đã nằm như bức thảm Ba Tư, tô điểm một màu vương giả cho danh thắng ruộng bậc thang. Khu triền núi và dọc thung lũng mà cặp đôi Sín Văn Tinh, Sùng Thị Vẻ đang ngồi thì lúa đang chín rộ dần. Ruộng bậc thang như bắc lối từng bậc một dẫn lên đỉnh núi ủ mây. Cuối, ở đáy của thung lũng, là một miền nước rộng, hình trái tim. Nó giống trái tim hơn cả trái tim. Nó như đang đập thổn thức, khiến bất cứ ai đến đó cũng phải giật mình, rồi ồ lên sung sướng: Sao “trời đất” lại đẻ ra cái trái tim mơ mộng đến thế, ở nơi này!

Không, đó là tác phẩm kỳ công và kỳ vĩ của gã trai Tày tình si Sín Văn Tinh, chứ không phải là trời sinh ra thế. Vừa đưa chúng tôi xắn quần, lội các triền dốc đầy đá hộc để xuống thăm khoảnh ruộng - ao hình trái tim nhà mình, anh Tinh vừa kể: “Tôi phải đẽo, khênh, phá đá, bới bùn đi đổ suốt hơn 4 tháng, gần 5 tháng ròng. Có khi thuê đến 15-20 người để làm công. Tôi quyết tâm biến khu ruộng đầy đá lớn đó thành một cái ao nuôi cá. Không máy móc, xe cải tiến nào xuống được thung lũng sâu hun hút này, cho nên hoàn toàn phải làm bằng cơ bắp con người. Thót rốn để xúc đất, toạc máu tay để dùng búa và xà beng cạy, phá đá. Tôi làm suốt gần 5 tháng trời, có lúc thuê người tốn vài triệu đồng mỗi ngày. Cả bản bảo tôi tính sai lầm rồi, không đào đá hộc của Tây Côn Lĩnh này được đâu!”. Gần 1.500m2 ruộng bậc thang nhiều đá như các gộc sắn gộc khoai chồm hổm trong bát cơm độn, còn đất chỉ là vài hạt cơm gạo hẩm.

Lập “kỳ tích” từ sự mách bảo của yêu thương

Nhà có 6 anh em, hai người anh trai làm ăn khá tốt, riêng Tinh bỏ học nửa chừng vì bố chết quá sớm, gia cảnh cực kỳ gieo neo. Trước khi mẹ về Trời, mẹ chia ruộng cho 3 anh em và dặn: “Tổ tiên khai phá được miếng ruộng này. Bố mẹ đã cày cuốc cả một đời ở đây. Người Nùng mình có câu, đất trăm người ở, ruộng trăm người cày. Đời người hữu hạn nhưng đất trời còn mãi. Dầu vậy, dù giàu có hay thoát ly khỏi cày cấy, các con cũng không thể nào bán thửa ruộng kia đi. Nó luôn đi bên các con và sẽ cứu các con khỏi mọi tai họa đấy!”. Bấy giờ chưa hiểu và đến giờ vẫn chưa hiểu hết lời mẹ dặn, nhưng Sín Văn Tinh nhớ lắm. Nhớ đến mẹ là nhớ tới lời dặn đó. Tinh tin rằng mẹ đã biến thành ruộng nương, ao cá đem mùa vàng và no ấm đến cho gia tộc, cho bản làng. Mẹ qua đời đã lâu, nỗi đau mất mẹ vẫn chưa bao giờ vơi đi, Tinh lấy vợ trong cảnh nghèo khó, đồ sính lễ chỉ là ít bạc vụn tủi hổ, anh cặm cụi cày cuốc như một cách để mẹ vui lòng khi bà đã về ở bên kia dãy núi cao như bầu trời. Tinh chợt nghĩ, mình nên dựng nhà, ở trên chính khoảnh ruộng này để cày cấy cho tiện. Nó cũng là ký ức thiêng liêng về mẹ. Mồ hôi mẹ đã thấm trên đất này, cả một đời tử tế.

Đầu tiên, anh muốn dựng nhà trong thung lũng, biến ruộng bậc thang nhiều đá hộc thành cái ao nuôi cá. Trên núi, cá hiếm lắm, cá biển cá sông mang lên đây rất đắt đỏ và nhiều khi thiu thối hoặc bị nhuộm tẩm hóa chất. Nghĩ ra một cách làm kinh tế, Tinh hào hứng hẳn lên. Anh vừa đào ao, vừa dọn đất dựng nhà. Ao càng đào càng chưa ra hình hài, bởi vỡ tí đá, bới tí đất, cả tháng nhìn lại ruộng vẫn hoàn là cái ruộng. Tinh bán lúa, bán bò, đi đóng gạch bán lấy tiền thuê thợ cùng đào ao. Ao ra hình hài, đúng lúc ấy, cắm thử cái cọc dựng nhà thì mất lút luôn cọc xuống bùn đất. Hóa ra nơi này nền đất yếu không làm nhà được, hoặc nếu làm thì rất tốn tiền làm cọc nhồi, kè đất đá xung quanh. Kiếm đâu ra tiền? Tạm gác ý định xây nhà, anh Tinh chỉ chú tâm vào đào ao. Mồ hôi đổ xuống, có cảm giác như nó làm nước ao đầy lên mỗi ngày, nhưng đá hộc thì vẫn không tài nào khênh đi được. Song, Tinh vẫn đau đáu tin rằng, có ngày anh sẽ dựng được ngôi nhà mơ ước giữa cái ao ăm ắp nước trên đỉnh núi cao, khiến cả dãy Tây Côn Lĩnh này phải ngạc nhiên cho mà xem.

Có bữa chị Vẻ nấu cả một nồi cơm rất to để đãi các ông thợ. Tiền bạc đội nón ra đi suốt gần 5 tháng thuê gần hai chục nhân công, vợ chồng bảo nhau, rồi đây lũ cá ở cái ao khổng lồ trong thung lũng kia sẽ đền đáp công ơn ta. Nước tràn vào ruộng sâu, cái ao lóng lánh nước ra đời, Sín Văn Tinh thở phào buông xà beng và cuốc xẻng, leo dần lên đỉnh núi, theo đường đất đá trở về bản Díu. Dừng trước ngôi nhà chỏm chòe ven dốc núi, anh Tinh sững sờ. Trời ơi, ruộng nhà mình sao giống hình trái tim thế. Nhìn chị vợ lụi cụi xách nông cụ đang thở dốc leo núi, khăn áo Nùng xanh xanh thăm thắm, vợ lại nhìn mình mắt như biết cười, cái răng bịt bạc lấp lóa thơ ngộ. Bất giác, thấy thương vợ, cô gái ấy duyên dáng nổi tiếng trong bản, nhận lời làm vợ Tinh, mà sao thiệt thòi quá. Ăn với chồng nửa bữa, ở với chồng chỉ nửa đêm, còn lại là cặm cụi từ trên dốc núi xuống đến thung sâu. Cặp má rám đi, những chiếc vòng và xà tích bạc cũng xỉn đi theo thời gian. Vợ Tinh, khi gặp người lạ là lảng đi, lúc nào cũng chỉ biết nói tiếng Nùng lí nhí với chồng thôi. Vậy mà hai đứa con đã lớn quá (nay một cháu học Đại học Luật tại Hà Nội, một cháu học Đại học Nông Lâm ở Thái Nguyên).

Chợt ý nghĩ lóe lên, Tinh rơm rớm nước mắt nhìn vợ. Ta sẽ đẽo thửa ao này thành hình trái tim, góc kia chưa cong đẹp, góc này hơi gấp khúc, trái tim này hơi tròn béo quá, nó phải cong vút gợi cảm hơn. Thế là gần cả ngày đi đẽo gọt bờ đất, bới đá, chiều về, leo lên đỉnh núi, anh Tinh lại ngắm trái tim đất đá khổng lồ của mình để lên kế hoạch nắn chỉnh cho ngày mai. Tình cờ, ở vách nhà có dán một tờ họa báo cũ có vẽ hình trái tim, Tinh cứ theo đó mà đẽo gọt thửa ruộng mỗi ngày.

Vẻ đẹp của các thửa ruộng với hình thù thú vị cùng thác nước xung quanh khu vực ruộng ao nhà anh Sín Văn Tinh. 
Du khách thường du lịch ngắm cảnh toàn bộ khu vực, rồi coi ao hình trái tim của anh Sín Văn Tinh là điểm nhấn đáng nhớ.   

 

Chân dung vợ anh Sín Văn Tinh và các trang sức bằng bạc là đồ hôn lễ do anh Tinh tặng hồi còn nghèo khó.
 Vợ chồng anh Sín Văn Tinh đi trên đường bản. 

Chưa dám trao con tim dưới thung lũng kia cho vợ

Dần dà “con tim” hình thành, nó đẹp như một giấc mơ. Bà con ra xem, ai đó đi “phượt” qua, ngỡ ngàng chụp ảnh đưa lên mạng nữa, thế là liên tục có người vượt núi non hiểm trở vào Thèn Phàng để thăm nhà anh Tinh, ngắm ruộng bậc thang nay biến thành ao hình trái tim bay giữa mênh mông lúa vàng lúa xanh, bay dưới gầm trời sặc sỡ của dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ và đầy huyền thoại. “Nổi tiếng” vậy, nhưng anh Tinh vẫn im lặng làm việc, và chưa bao giờ nói lời trao “con tim yêu thương” kia cho vợ. Vì sao vậy? Cả nước đã “nhận” vẻ đẹp của trái tim khổng lồ với đất đá, lúa vàng và nước nguồn trong trẻo thông qua cái ao độc nhất vô nhị của anh, sao anh lại chưa trao nó cho vợ? Định trao cho bà nào, em nào khác phải không? “Không! Tôi chưa từng yêu ai ngoài vợ tôi, cả trước và sau khi cưới cô ấy. Cô ấy cũng người Nùng ta, cũng ở núi cao bản Díu, cũng chỉ kém tôi chưa tròn một tuổi. Sinh ra có nhau, lớn lên và chắc rồi chết đi cũng nằm gần nhau bên bìa núi. Tôi không có ai. Trái tim này sẽ trao đúng cho bà chủ hộ đứng chung sổ sách giấy tờ với tôi. Tuy nhiên, giờ nó chưa hoàn thiện, nó còn xấu lắm, tôi muốn vài năm nữa, trồng thêm cây, dựng thêm nhà sàn, nắn thêm bờ kè. Lúc đẹp hoàn hảo rồi thì mình mới trao”. Hỏi: “Các con anh có biết cái ao ruộng tình yêu này không?”. Trả lời: “Chắc chúng nó không biết đâu, biết lại cười bố lãng mạn quá. Bản này, xã này, không ai tin là tôi đủ sức, đủ tiền đào được cái ao lớn như thế này. Nó không chỉ lớn mà còn hình trái tim nữa. Đời tôi chưa bao giờ làm được cái gì đẹp như nó…”.

Sự lãng mạn của Sín Văn Tinh khiến chúng tôi bất ngờ hơn, khi mà bây giờ, ngày ngày anh vẫn cặm cụi đào từng dãy hố trồng mít, trồng hoa sữa thành hàng hình trái tim xung quanh bờ ao. Hàng vạn con cá đang lớn. Các đặc sản hoa trái nước Việt ta, như: Táo Thiện Phiến, cam Vinh, bưởi Đoan Hùng, nhãn lồng Hưng Yên đều được Tinh công phu “di lý” lên đỉnh trời này, để trồng thành hàng, thành lối, thành hình trái tim ven bờ ao. Sao anh trồng lắm mít thế, đào hố sâu và cắm cọc nhọn như lô cốt thế? Mít nó vững chãi, chứ gió ở thung lũng này khủng khiếp lắm, cây gì rễ nông và trồng không sâu gốc là gió Tây Côn Lĩnh đánh đổ ngay. Cắm cọc để ngăn trâu bò nữa. Trâu bò đi vào bờ ao, làm sạt một mảng đất đá, là đứng trên đỉnh núi kia, người ngắm sẽ thấy trái tim của chúng tôi méo mó ngay. “Sắp tới, tôi già đi, tôi sẽ làm một ngôi nhà sàn bằng gỗ, cột bêtông giả gỗ cắm ở giữa cái ao, giữa trái tim kia kìa. Tôi và vợ tôi sẽ sống ở đó, lúc ấy tôi sẽ nói trái tim rất to và rất đẹp kia là tình yêu tôi tặng vợ. Ngày xưa nghèo tôi chỉ có bạc vụn. Giờ tôi đã là nông dân sản xuất giỏi, một điển hình tiên tiến ở địa phương, thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Tôi có 3.000 con cá, mỗi con nặng 3 lạng trở lên ở dưới ao này, chúng đang lớn từng ngày. Tôi xây chợ cho xã thuê, làm xưởng sản xuất gạch với 20 nhân công, tôi làm chủ cung cấp gạo đặc sản vùng cao cho nhiều khu vực, tôi cũng vẫn cày cấy, chăm ao cá vườn cây như người khác. Tôi chuẩn bị mua thêm một cái xe ôtô tải để mở rộng kinh doanh. Tôi sẽ có thêm tiền đầu tư vào công trình “trái tim” của mình. Và, giữa lau lách của bờ ao, chúng tôi sẽ xây nhà giữa mênh mông mặt nước để vui tuổi già với nhau.

Ngậm ngùi, nghẹn ngào, Sín Văn Tinh vừa cắm ít cọc nhọn ngăn trâu bò quanh gốc mít ở bờ ao, vừa run rẩy: “Ruộng ao hình trái tim này, cũng là nơi luôn nhắc tôi nhớ đến bà mẹ quá cố và lời dặn của bà. Bố tôi mất năm tôi mới 3 tuổi, mẹ tần tảo nuôi 6 anh em khôn lớn. Xây nhà giữa ao xong, tôi sẽ mở bốn xung quanh là dịch vụ cho khách du lịch ngắm ruộng bậc thang ở thung lũng này và hàng trăm thung lũng khác xung quanh. Đi ngắm tam giác mạch ở Thèn Phàng, Hoàng Su Phì, rồi Xín Mần, ai cũng phải ghé qua thăm chúng tôi. Tôi sẽ có bạn ở khắp Việt Nam và thế giới. Vợ tôi không sõi tiếng Kinh, nhưng khi tôi trình bày ý tưởng, cô ấy thích lắm, cô ấy nói ý tưởng bằng tiếng Nùng, nó cũng hay như nói bằng tiếng Kinh vậy mà!”.

Anh Tinh nói, chị Sùng Thị Vẻ người bản Pồ Cố đứng trong nắng thung lũng cứ thế nhẩn nha cười. Những chiếc răng bịt bạc sáng lấp lóa, bộ váy áo người Nùng như e thẹn đung đưa ngoảnh ra phía thung lũng vàng rợp lúa nương. Điều huyền thoại nhất ở tình yêu này, có lẽ chính là sự giản dị, hồn nhiên như cây cỏ. Mọi sự nhiệm màu cũng từ đó mà ra.


 

PHÓNG SỰ CỦA ĐỖ DOÃN HOÀNG
TIN LIÊN QUAN

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Hà Nội bình yên, đẹp mơ màng trong sáng mùng 1 Tết

NHÓM PV |

Thời tiết Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão (tức 22.1) lạnh giá khiến người dân xuất hành du Xuân muộn hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Nhóm PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế cần có những cách thức quảng bá thương hiệu quốc gia, ngược lại thương hiệu quốc gia sẽ góp phần định vị nông sản của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trà My |

Năm 2023 đến với nhiều cơ hội và thách thức mới. Với đà tăng trưởng của năm 2022, kinh tế Việt Nam được cộng đồng các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.

Interactive: Sự tích bánh chưng bánh giầy ngày Tết vào đời Vua Hùng nào?

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình quây quần đón Tết, cùng nấu các món ăn ngon. Có rất nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh giầy, dưa hành... vô cùng hấp dẫn. Tham gia trả lời các câu hỏi dưới đây của báo Lao Động để thử thách hiểu biết của bạn về các món ăn ngày Tết.

Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Dự báo thời tiết 22.1: Mùng 1 Tết Bắc Bộ mưa vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 22.1.2023, miền Bắc sáng sương mù có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt với nhiệt độ cao nhất khoảng 20 - 24 độ C. Đêm trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 15-19 độ C.

Để đất nước hùng cường, giàu mạnh

Hoàng Lâm |

Một mùa Xuân mới lại đến với nhiều dự định, khát khao và hy vọng mới.