Phóng sự dự thi:

“Cây thông đỏ” trên núi đá Hoàng Liên

Tuấn Ngọc |

Tôi gặp Giàng A Chính ở thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào (huyện Sa Pa) khi anh vừa đi cày ruộng về, áo quần xộc xệch, lấm lem bùn đất. Thú thật là ban đầu tôi không ấn tượng gì về cái vẻ ngoài trầm lặng, ít nói của anh chàng người Mông này với suy nghĩ: Giàng A Chính cũng bình thường, có gì đặc biệt đâu, chắc người ta cứ nói quá lên...
Làm trưởng thôn không nhận phụ cấp
Một ngày lạnh giá cuối năm 2013, ông Lý A Phử - Trưởng thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào - đột ngột qua đời vì lâm bệnh nặng. Chức trưởng thôn bỗng dưng bỏ trống. Xã thì cũng chưa biết lấy ai “chọn mặt gửi vàng” giữa thời điểm thôn đang phải nỗ lực xây dựng nông thôn mới, bộn bề công việc. Cái chức trưởng thôn nghe thì oai, vì quản lý cả trăm hộ dân, nhưng chẳng ai muốn nhận, bởi “việc nhà mình làm còn chẳng hết”. Nhưng rồi cũng có người nhận làm, lại làm mà không cần nhận một đồng phụ cấp nào. Người đó là Giàng A Chính - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hầu Thào.

Tôi về thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào vào một ngày đầu tháng 7. Trên tuyến đường dẫn vào thôn, từng tốp khách Tây vừa tản bộ ngắm cảnh, vừa trò chuyện rôm rả. Mấy cô thiếu nữ Mông xúng xính váy áo giới thiệu với du khách vẻ đẹp và bản sắc của quê hương. Từ ngày tuyến đường lên thôn Hầu Chư Ngài dài hơn 1km được đổ bêtông xong, lượng khách du lịch đến thôn đông hơn nhiều. 

Giàng A Chính bảo: “Ngày bà con đưa ông trưởng thôn lên núi, con đường mới đổ bêtông được vài chục mét. Không thể để tuyến đường dở dang như vậy được, mình đứng ra vận động bà con tiếp tục góp sức để hoàn thành tuyến đường. Ròng rã hơn một tháng, người già, người trẻ, thanh niên nam, nữ đều xắn tay áo, đóng góp hàng ngàn công lao động để tuyến đường nối dài thêm được như hôm nay”.

Đường làm xong, diện mạo Hầu Chư Ngài đã đổi thay nhiều. Nhưng Giàng A Chính vẫn chưa được ngủ ngon, bởi cuộc sống của bà con trong thôn còn khó khăn quá. Cả thôn có trên 120 hộ người Mông, nhưng có tới gần 70% số hộ nghèo. Bản Mông Hầu Chư Ngài nằm cheo leo trên sườn núi Hoàng Liên, đá nhiều hơn đất, nước cũng khan hiếm, một nửa số hộ không có hoặc có rất ít ruộng đất để canh tác. Số còn lại có ruộng, nhưng ở tận giáp thôn Sử Pán, cách nhà hơn 20 cây số, làm ra hạt thóc thật nhọc nhằn. 

Từ khi nhận chức trưởng thôn, Giàng A Chính vừa tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa gương mẫu thực hiện trước, đưa những giống lúa, ngô mới cho năng suất cao vào sản xuất. Năm 2013, Giàng A Chính cũng là người đầu tiên mạnh dạn đưa cây Atiso về trồng thử nghiệm trên núi đá Hầu Chư Ngài. Và hiện nay, trồng cây Atiso được coi là hướng phát triển kinh tế mới đầy triển vọng giúp bà con thôn Hầu Chư Ngài thoát nghèo bền vững.

Không để trẻ em bỏ học

Nhà Giàng A Chính ở cách điểm trường mầm non và trường tiểu học thôn Hầu Chư Ngài không xa. Hai điểm trường đã được xây dựng khang trang, nhưng vào mùa vụ, lớp học vắng teo, chỉ có cô giáo với vài học trò. Do nhận thức về việc học của con còn hạn chế, nhiều hộ dân vẫn bắt con phải nghỉ học ở nhà lao động. Thế là mỗi tuần một lần, Giàng A Chính lặn lội đến từng nhà nói “cái lý”, rằng: “Hạt ngô để trong bao không mọc mầm, không thành cây, thành bắp ngô được. Trẻ con không đi học đều, không giỏi viết cái chữ, không đọc được bài, sau này không làm “cáng bổ” (cán bộ) giỏi đâu”. 

Lâu dần, bà con rồi cũng nghe ra, nên tỉ lệ chuyên cần của học sinh trong thôn tăng lên rõ rệt. Học sinh đi học đều rồi, Giàng A Chính vui lắm. Nhưng những ngày mùa đông rét tê tái, nhìn cảnh các cháu nhà ở xa trường sáng nào cũng phải xách theo một túi cơm, để đến trưa ăn thì đã nguội tanh, có cháu bụng vẫn đói meo, môi tái đi vì lạnh, anh thương lũ trẻ. Giàng A Chính vận động bà con cùng đóng góp gạo cho mỗi cháu 3kg/tháng để thầy cô giáo nấu cơm trưa cho trẻ ăn tại trường. Có cơm canh nóng, cái bụng lũ trẻ ấm lên, học bài cũng nhanh thuộc hơn.

Lại nữa, thôn Hầu Chư Ngài có nhiều hộ nuôi gia súc, bà con vẫn có thói quen thả rông chứ không nhốt vào chuồng. Cả hai điểm trường tuy được xây mới nhưng lại không có tường rào bao quanh. Sân trường học ban ngày là sân chơi của lũ trẻ, nhưng tối nào cũng trở thành “giường ngủ” của lũ gia súc. Sáng ra thì thôi rồi. Phân trâu, phân ngựa, phân dê, phân lợn cứ gọi là ngập sân, tràn vào tận cửa lớp học. Mùi hôi thối xộc vào lớp làm cho cô trò không thể học nổi. 

Thế là sáng nào cả cô giáo và học sinh hai điểm trường cũng phải tập trung dọn hết phân gia súc ở sân trường rồi mới có thể vào lớp học bài. Cùng với tuyên truyền bà con làm chuồng nhốt gia súc, Giàng A Chính huy động hơn 100 hộ trong thôn đóng góp được trên 11 triệu đồng để mua lưới thép B40, cọc sắt và cùng nhau làm 2 ngày xong hàng rào bao quanh 2 điểm trường.

“Bác sĩ” của bản
Hôm tôi lên nhà Giàng A Chính chơi, dọc đường tình cờ gặp Giàng A Mềnh - người dân thôn Hầu Chư Ngài. Nhìn thấy Chính đi cùng người lạ, A Mềnh hỏi: “Bác sĩ bản mình dẫn cán bộ về thôn chơi à? Hôm nọ mấy đứa trẻ được ăn cái thuốc diệt con giun trong bụng, con giun chết hết, bụng không đau nữa, đứa nào cũng béo lên được mấy cân rồi. Mai kia mình cấy xong, làm bữa cơm liên hoan, phải về nhà mình uống rượu nhé... Thì ra Giàng A Chính còn là nhân viên y tế của thôn Hầu Chư Ngài từ năm 2007 đến nay. Bà con trong thôn gọi anh là “ bác sĩ của bản”.

Thôn Hầu Chư Ngài bao quanh là rừng vầu, rừng trúc ẩm ướt nên muỗi nhiều như ong. Do người dân không có thói quen ngủ trong màn, nên là “mồi ngon” cho bọn muỗi háu đói. Hậu quả là nhiều người sốt rét kinh niên. Phụ nữ khi mang thai thì vẫn làm quần quật tới ngày sinh mới thôi và hầu hết đều đẻ tại nhà. Mà nhà ai cũng đẻ nhiều, đẻ dày. Có nhà đàn con đứng xếp hàng điểm danh được cả... một đội bóng. 

Khi nhà có người ốm, bà con cũng chỉ biết mời thầy cúng về làm lễ linh đình để “đuổi con ma đi” rồi mời hàng xóm về nhà “ăn rượu”. “Ăn rượu” xong, mặt anh nào cũng đỏ như cổ gà chọi. Có anh cả ngày cậy miệng chẳng nói câu nào, vậy mà có nửa chai “thuốc nói”, miệng cứ “bắn liên thanh” như máy, chân nọ xọ chân kia, đi về ngủ quên ở ven đường, bỏ cả buổi đi cày. Chẳng biết “con ma” có đi không, nhưng người ốm vẫn cứ nằm trong chăn rên hừ hừ... 

“Nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi...” - giọng Giàng A Chính bỗng trở nên phấn chấn. “Thay đổi rõ nhất là bà con trong thôn đã biết ngủ màn để chống muỗi đốt và định kỳ đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Nhà nào có người ốm thì đều đưa xuống trạm y tế xã khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế và xin thuốc về uống. Các cặp vợ chồng đã biết sử dụng các biện pháp tránh thai nên tỉ lệ hộ sinh con thứ 3 đã giảm hẳn. Năm 2013 chỉ có 1 trường hợp. Năm nay thì chưa có trường hợp nào...”.

Lại nhắc đến câu chuyện về thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở Hầu Chư Ngài, có thể coi là một cuộc cách mạng ở đây. Trong đó, chuyện “bác sĩ” Giàng A Chính là người tiên phong động viên vợ là chị Tẩn Thị Mỷ đi đình sản vào năm 2008 tạo ra một sự thay đổi quan trọng về nhận thức của người dân. 

Giàng A Chính bảo: Từ xưa người Mông ở Hầu Thào chưa ai nghĩ tới chuyện này. Ai cũng sợ đi làm “kế hoạch” sức khỏe sẽ giảm sút, không đi làm nương, làm ruộng được nữa. Mình bàn với vợ phải gương mẫu “kế hoạch” trước thì bà con mới tin. Thấy vợ mình “làm” xong béo khỏe hơn, có người nghi ngờ còn đến tận nhà sờ chân, sờ tay xem “vợ A Chính “kế hoạch” xong có khỏe thật không”. Từ đó, nhiều chị em mạnh dạn “làm” theo. Các ông chồng cũng vui vẻ đồng tình cho vợ đi “kế hoạch”, chứ không khăng khăng phản đối như trước nữa.

Chuyện Giàng A Chính vừa làm Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã, vừa làm nhân viên y tế thôn bản, lại tự nguyện gánh vác công việc của thôn Hầu Chư Ngài mà không đòi hỏi một đồng tiền phụ cấp nào khiến tôi suy nghĩ mãi trên suốt đường về. Nói như Bí thư Đảng ủy xã Hầu Thào Giàng A Sở, thì “Giàng A Chính là “cây thông đỏ” trên núi đá tai mèo khắc nghiệt này, là chỗ dựa vững chãi của bản”. Còn tôi thì nghĩ giá như ở đâu cũng có những con người nhiệt tình, hết mình vì thôn bản như Giàng A Chính, cuộc đời sẽ đẹp biết bao...

Lời bình
Thực ra nhân vật trong phóng sự “cũng bình thường” như cách tác giả mào đầu: “Giàng A Chính cũng bình thường, có gì đặc biệt đâu, chắc người ta cứ nói quá lên”, nhưng viết được, viết hay và hấp dẫn về cái “bình thường” đó quả là khá tài tình.
Bạn đọc sẽ bị hút vào cái anh chàng Giàng A Chính làm trưởng thôn không “thèm” nhận phụ cấp, quyết giúp người dân thoát nghèo bằng những cách làm táo bạo, quyết không để trẻ em bỏ học, hay làm bác sĩ, làm “cán bộ đình sản” bất đắc dĩ cho cái bản người Mông quá nghèo và lạc hậu Hầu Chư Ngài nằm cheo leo trên sườn núi Hoàng Liên... thì rõ là phi thường chứ không còn bình thường nữa rồi. Cái cách tác giả dùng cụm từ “đá nhiều hơn đất” cũng đã thấy cái sự cheo leo của mảnh đất ở tít nơi cao nhất của Sapa vốn đã cao và xa vời vợi.
Trong phóng sự có một số chi tiết khá thú vị, như “cái lý” của người cán bộ bản, khi thuyết phục bà con đưa con em đến trường: “Hạt ngô để trong bao không mọc mầm, không thành cây, thành bắp ngô được. Trẻ con không đi học đều, không giỏi viết cái chữ, không đọc được bài, sau này không làm “cáng bổ” (cán bộ) giỏi đâu”. Những chi tiết nhỏ, những câu chữ được chọn lựa kỹ đã làm phóng sự “sáng” lên.
Xuân Quang

 

 

 
Tuấn Ngọc
TIN LIÊN QUAN

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.