Cái cũ bị xoá và sự điền thế chưa hữu hiệu

Hoàng Văn Minh |

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hữu Thông là “một trạng thái tinh thần của Huế”. Tuy nhiên không giống với nhiều “trạng thái” khác, ông rất chịu khó để ý những chuyện “ngoài Huế” và luôn có những kiến giải bất ngờ. Như hôm càphê với ông bên bờ sông Hương, gặp lúc “báo sáng” đăng chuyện giết người chặt khúc, buột miệng hỏi “răng càng lúc, người ta càng hành xử với nhau tàn ác một cách hoang dã rứa hè?”. Là hỏi vu vơ vậy thôi, nhưng khi ông trả lời thì lại thành chuyện...

Ông bảo con người ta sống và hành xử ngày càng ác, chơi vơi trong những tâm trạng khác nhau: co mình lại bàng quan với tất cả, hoặc dựa vào những điểm tựa siêu nhiên, không ai đủ thực chứng để phán xét. Ông gọi đó là hiện tượng lạc lối hay đánh mất niềm tin bởi nhiều lý do. Từ nhiều thế kỷ qua, người Việt và xã hội Việt, sống trong sự kiềm toả với nhiều điều hay lẫn không hay của luân lý Nho giáo và trật tự làng xã. 

Mỗi suy nghĩ hay hành động của từng cá nhân, nếu không tính đến sự phán xét của những bộ luật phong kiến (Luật Hồng Đức, Hoàng Việt luật lệ…) rất khắt khe, họ còn bị khống chế và ngăn ngừa, phán xử của quan niệm tam cương ngũ thường, của gia phong, gia pháp, gia quy; của tộc quy, hương ước, quy định làng xã… Vì thế, những hành xử theo hướng bản năng đã không có môi trường dung dưỡng.

Hiện nay, chỉ trong một thời gian không dài, người ta đã mạnh tay đập phá và phủ nhận gần như toàn bộ hệ thống luân lý, đạo đức (với cả điều hay lẫn lỗi thời) vốn đã trở thành nề nếp trong xã hội Việt, để thay vào đó những điều được cho là chuẩn mực vượt trội. Nhưng, bi kịch của hiện tượng này là ra sức lên án và xoá đi “cái cũ”, mà không thay vào đó một hệ thống kỷ cương khác, hay nói đúng hơn là không có khả năng làm một cuộc điền thế hữu hiệu. 

Chính những khoảng trống để lại sau khi san bằng mọi thứ bị quy kết là lỗi thời ấy, đã tạo đất cho bản năng con người bùng phát và tung hoành. Mà bản năng bao giờ cũng gần với loài thú hơn là người, cho nên tính hoang dã và vô tâm là điều không tránh khỏi. Khi cơ thể xã hội bị nhiễm độc bởi bản năng hoang dã, lại thiếu biện pháp chăm sóc hiệu quả, thì sức đề kháng với những thứ văn hoá không phù hợp hoặc chưa phù hợp sẽ rất yếu. Hiện tượng tha hoá, lệch chuẩn đang như một bệnh dịch lây nhiễm nhanh chóng trong xã hội chúng ta ngày nay.

Và có cảm giác như dần dà, người ta coi việc đồng loại của mình sống, hành xử độc ác như vậy cũng là chuyện bình thường, vì sao người ta dễ vô cảm như vậy, thưa ông?

Thật ra, chúng ta cũng phải nói đến xu hướng chung của xã hội loài người hiện nay là chủ nghĩa cá nhân cực đoan đang ngày càng thắng thế, chính vì vậy, chúng đè bẹp dần tính cộng đồng với thuộc tính của nó là sự quan tâm chia sẻ. Xu hướng này phát triển ở những xã hội có đời sống vật chất sung mãn, nhưng cũng lan toả nhanh chóng đến những quốc gia đang phát triển qua phương tiện truyền thông hiện đại như hiện nay, mà chính chúng ta đang là nạn nhân. 

Ở những xã hội mà cái ác và sự bất công thắng thế bởi những thế lực đen tối, thì cái tốt bị cô lập và chúng dễ bị dồn vào những góc tối. Người ta từ chỗ sợ bị liên luỵ khi cái tốt không được bênh vực, hay đồng tình, ủng hộ, tương trợ… sẽ dẫn đến thái độ của người tốt ngày càng trở nên bàng quan trước những vấn đề có thể liên luỵ đến mình một cách cô thế. Đó chính là mầm mống dẫn đến sự vô cảm trước cái ác và bất công. Chúng như lũ ma với nanh vuốt sắc nhọn có thể sờ vào bất cứ ai, khi người thi hành pháp luật vẫn không đủ sự trong sáng và tận tuỵ để thể hiện công lý.

“Cái cũ” như ông vừa nói, được hiểu là những giá trị thời phong kiến và Nho giáo, trong thực tế tuy vẫn tồn tại, vẫn phát huy giá trị nhưng từ năm 1960 đã không còn là nền tảng tư tưởng-văn hoá-giáo dục ở miền Nam. Nhưng còn “cái cũ” gần gũi hơn, tác động còn mạnh mẽ hơn là sắc thái văn hoá-giáo dục ở miền Nam trong 20 năm với triết lý giáo dục nhân bản-dân tộc- khai phóng thì sao?

Thật ra, “cái cũ” mà tôi muốn nói ở đây, không chỉ là những nguyên tắc đạo đức hành xử của con người đối với xã hội, và, chúng ta chỉ tìm thấy được nó trong thời phong kiến. Nền giáo dục mà các thế hệ đương thời nhận được, sau khi thể chế phong kiến VN với những nguyên tắc Nho học đã bị xoá sổ, để thay vào đó bằng nền giáo dục của chính quyền thuộc địa, thì các giá trị đạo đức xã hội trên căn bản vẫn không bị tấn công hay phủ nhận. Tất nhiên, ở đây chúng ta không bàn đến mục tiêu mà chính quyền thực dân muốn đạt được trong chủ trương giáo dục của họ.

Tôi cho rằng, sự khác biệt về những gì liên quan đến chiến lược đào tạo con người chỉ thực sự xảy ra khi đất nước bị chia cắt. Lịch sử đã đưa đẩy đất nước chúng ta đến một sự phân cách đau lòng suốt 20 năm. Dù muốn dù không, VN đã từng hiện diện trong bối cảnh và thời điểm này hai quốc gia với hai thể chế chính trị khác nhau và từ đó cũng tồn tại hai nền giáo dục không giống nhau. Sự khác biệt này thực ra không chỉ hình thành từ năm 1954, mà đã được khởi phát ngay trong “vùng tự do” trong thời kỳ chống Pháp, sau đó được tiếp nối ở miền Bắc, khi đất nước chia cắt.

Một lần nữa, tôi không bàn đến cái hay dở, đúng sai, xấu tốt về mục tiêu cũng như phương pháp giáo dục của hai miền Nam Bắc trong thời kỳ này. Tuy nhiên, sự khác biệt là có, cũng như chúng đã bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử và quan niệm không giống nhau về những nguyên tắc cơ bản trong chiến lược giáo dục từ hai miền. Trong bài viết của Vương Trí Nhàn: “Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc”, tác giả cho rằng, “cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là lối phát triển giáo dục trong chiến tranh” (Tạp chí Nghiên cứu Phát triển số 7-8 [114-115] 2014, Thừa Thiên Huế, tr. 259), điều ấy đã hàm chứa nhiều nét đặc thù trong quá trình thực hiện toàn bộ quy trình đào tạo đi kèm. Và trong lúc đó, tôn chỉ của giáo dục miền Nam được Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà (1967) xác định những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục của họ là nhân bản-dân tộc- khai phóng. Hai nền giáo dục ấy song song tồn tại theo cách của mình trong suốt thời kỳ đất nước chia cắt.

Vậy “một hệ thống kỷ cương khác, hay nói đúng hơn là không có khả năng làm một cuộc điền thế hữu hiệu đã tạo đất cho bản năng con người bùng phát” như ông nói, nguyên nhân đến từ nền giáo dục của chúng ta hiện nay?

Đúng vậy! Năm 1975 đất nước thống nhất, VN từ đó chỉ có một nền giáo dục quốc gia chung cho cả Bắc Nam. Thời điểm này chính là lúc mà “cái mới” chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này, chính thức được thay thế “cái cũ” trên toàn cõi VN. Tất nhiên, xây dựng một nền giáo dục mới trên sự hoang tàn của một đất nước kiệt quệ vì chiến tranh, không thể không chịu những hệ luỵ gắn liền với những khó khăn thách thức về phương tiện, nguồn nhân lực, tài chính, và nhất là những thói quen, tập quán… hình thành trong hoàn cảnh binh lửa này.

40 năm từ ngày đất nước thống nhất và căn bản đã được sống trong hoà bình để tái thiết và xây dựng, nhiều thế hệ đã nhận được nền giáo dục mới. Thời gian ấy quá đủ để hình thành một lớp người làm nòng cốt cho xã hội hiện đại, nhằm tạo nên những bước chuyển có tính toàn cục cho diện mạo và hình mẫu đạo đức, văn hoá, của một quốc gia. Thế nhưng, thực tế xã hội VN hiện nay, ai cũng thừa nhận là các giá trị đạo đức băng hoại đến tận đáy, những nét đẹp văn hoá của dân tộc bị bào mòn, con người đối xử với nhau ngày càng tàn bạo và vô cảm, tệ nạn ngày càng gia tăng, tham nhũng, lợi ích nhóm càng lộ rõ bất chấp kỷ cương phép nước. Tất cả những điều ấy chúng ta không thể không nghĩ đến thủ phạm vô hình, từ những gì mà nền giáo dục hiện nay đã góp phần mang lại.

Theo ông thì có cách nào để cứu vãn?

Rõ ràng, khi chúng ta thay đổi một cách vội vàng những chuẩn mực đạo đức, luân lý, mà trật tự xã hội làng xã nông nghiệp thời phong kiến để lại, nhưng không có chỗ dành cho vị trí trung chuyển từ xã hội cũ ấy lên một cơ chế nhà nước pháp trị đúng nghĩa, thì thật khó lòng toại nguyện trong việc lập lại một kỷ cương mới, nhanh chóng và hiệu quả. Việc cứu vãn tình hình hiện nay không thể từ không đến có, từ mất đến được, từ xấu đến tốt… khi chúng ta không dám đối diện, hay không chịu thừa nhận tình trạng bế tắc thực sự, để tạo nên sự thay đổi một cách bình tĩnh và chấp nhận sự chuyển biến từ tốn theo chiều hướng tích cực. Một phương thuốc dù hay đến đâu, đối với một con bệnh nặng thì sự chuyển biến sức khoẻ vẫn phải có quá trình. Như cổ nhân từng nói: thuốc đắng giã tật, cái đắng đó dù không muốn uống, thì cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều phải cộng tác với nhau trong tinh thần làm khoẻ lên cơ thể của cả dân tộc. Chắc hẳn, đây là động thái cần đến không chỉ trí tuệ, mà còn là sự hy sinh cho đại nghĩa. Đó là cái giá phải trả thật không dễ dàng chút nào trong lúc này.

Tôi quan sát và có một phát hiện thú vị là lối hành xử “tàn ác hoang dã” đã có mặt ở khắp nơi từ địa đầu Móng Cái cho đến cuối mũi Cà Mau, nhưng ở Huế, hình như chúng mới chỉ mon men?

Đúng vậy! Tôi vẫn thường có những nhận xét trong nhiều khảo luận về văn hoá rằng: Huế là nơi giã từ muộn màng nhất, những gì mà xã hội phong kiến đã tạo nên về mặt ứng xử và hành xử trong mọi mối quan hệ xã hội. Cho nên, với xứ Huế và con người Huế, việc đón nhận cũng như giã từ những ảnh hưởng hay thói quen tốt lẫn xấu từ nơi khác đến, đều khó khăn và chậm rãi hơn. 

Quan niệm ảnh hưởng phong kiến cũng như tinh thần Phật Giáo đã từ lâu ăn sâu trong từng ngỏ ngách của tâm hồn Huế, chúng lại được tiếp sức bởi vị thế là thủ đô của triều đại Nguyễn, nơi mà sự cách ly với trật tự Nho giáo muộn màng nhất so với hai đầu đất nước. “Cái cũ” ở đây có được điều kiện nuôi dưỡng dài hơi, sâu hơn, mạnh hơn, cũng đồng nghĩa “cái mới” sẽ lan toả khó khăn hơn, chậm hơn. Tôi không bàn đến việc đúng sai, hay dở ở đây, nhưng, muốn nói rằng điều ấy không phải là những gì bẩm sinh của người Huế, xã hội Huế, văn hoá Huế, mà là hệ quả từ những điều kiện lịch sử cụ thể. Vì thế, Huế luôn ẩn mình và chất chứa nhiều điều cần bàn về vấn đề bảo tồn và phát triển mọi mặt ở đây.

Và liệu Huế là một gợi ý?

Trước tiên là chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp trị trên nền tảng của một xã hội chưa có bề dày truyền thống. Mỗi người VN với tư cách là những công dân, chưa có điều kiện ý thức đúng mực, để trở thành tập quán, thói quen, trong ứng xử và hành xử đúng với chính mình và với người khác thông qua hiến pháp và pháp luật. Một đất nước mà ở đâu cũng hiện diện những câu biểu ngữ: “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” (chẳng khác gì sống và làm việc phải cần không khí để thở) đã tự nói lên điều ấy. 

Mặt khác, luật pháp trong lúc này chưa đủ độ chín để thay thế lệ làng, hương ước, với những điều khoản đã đi đến từng ngõ ngách cuộc sống người dân Việt. Có những tình huống cụ thể và tế nhị để duy trì hoà khí, và sự công bằng trong đời sống làng xã hiện nay, pháp luật đã không thể với tới, hoặc khó can thiệp một cách hiệu quả.

Một xã hội pháp trị hoàn chỉnh không phải bỗng dưng mà có ngay khi hiến pháp ra đời, mà họ phải trải qua hàng thế kỷ để hoàn thiện và đưa công dân vào nề nếp. Cho nên, muốn trở thành thói quen, sự tự giác, hay có được ý thức tôn trọng luật pháp ở công dân trong xã hội đang tập sống trong không khí dân chủ pháp trị, thì không chỉ, và không thể, bắt đầu với việc duy trì lâu dài việc khuyến khích, thuyết phục, giáo dục… 

Song hành với nó phải là sự cưỡng chế bằng nhiều hình phạt cụ thể, cương quyết, và bền bỉ, bởi những người thực thi pháp luật công minh và công tâm. Mỗi người bắt đầu bằng sợ, lo tổn thương đến tài chính và nhân cách, sẽ tiến đến hiện tượng phản xạ có điều kiện, sau đó là thói quen, mở đầu cho sự tự giác. Lâu nay, chúng ta cứ làm theo kiểu phong trào (tuần lễ giao thông, tuần lễ an toàn thực phẩm, tuần lễ trật tự lòng lề đường…) để rồi sau đó mọi chuyện lại trở về như cũ. Đó là chưa nói đến biện pháp, lý, tình lẫn lộn, hay tình trạng hối lộ, tham nhũng, cậy thế… vạch cho người dân thấy sự bất minh và rệu rã của luật pháp, thì cớ gì mà rèn được ý thức tôn trọng pháp luật?

Tôi vẫn muốn trở lại với một dạng trật tự xã hội Việt mà con người phải bắt đầu với sự chịu ràng buộc của nhiều vòng cương toả: Gia đình, tộc họ, làng xã và pháp luật nhà nước. Nói vậy không có nghĩa tôi đang cổ xuý cho việc quay trở lại cảnh cũ. Nhưng chúng ta cũng phải tìm ra cái lý, mà người xưa đã phải dùng đến, như một cách kế thừa có chọn lọc, để cái mới có điều kiện phát huy. Tất nhiên, tái lập điều này khi đã bị xói mòn vì rẻ rúng nó trong quá khứ, là cả một chiến lược quốc gia mà chúng ta phải quan tâm coi trọng.

Xin cám ơn ông!

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Những sự kiện thể thao trong nước và quốc tế nổi bật trong năm 2023

TAM NGUYÊN |

Thể thao Việt Nam và thế giới sẽ tiếp tục có một năm sôi động với nhiều sự kiện đáng chú ý…