TRÒN 1 NĂM SAU SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở MIỀN TRUNG:

Biển và ngư dân “đã vui trở lại”...

NHÓM PHÓNG VIÊN BẮC TRUNG BỘ |

Đúng 1 năm từ lúc xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra với những bến cá vắng thuyền, những gương mặt ngư dân khắc khổ buồn thiu..., PV Báo Lao Động lại dọc ngang qua vùng “biển chết” từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Hà Tĩnh, ghi nhận những đổi thay tươi sáng. Bây giờ, con mực, con cá, con tôm được đánh bắt ngay trên vùng biển này đã được người dân tin tưởng, sử dụng trở lại; ngư dân tấp nập đóng mới tàu thuyền, sắm ngư cụ để sẵn sàng cho vụ cá nam đã gần kề...

Tiếng trống “ra trận” vụ cá nam

Cuối tháng 3, vùng biển Quảng Trị nước xanh rờn, trời yên ả, lặng gió khiến tiếng trống ở lễ ra quân khai thác vụ cá nam năm 2017 vang xa, giòn giã. Cán bộ, ngư dân đứng chật cảng cá ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), hướng ánh mắt hy vọng ra khơi xa. Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - khuôn mặt vui tươi, thẳng cánh đánh hồi trống dài, khơi dậy không khí rạo rực, kỳ vọng vào một vụ mùa cá mới thắng lợi, đem lại no ấm cho muôn nhà.

Hỏi ngư dân Hồ Văn Thu (trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt) về vụ cá nam tới đây, ông tràn đầy tự tin: “Chắc chắn sẽ khấm khá hơn vụ vừa rồi. Bởi vì, dịp này các loại cá con, cá cơm xuất hiện ở ngư trường truyền thống khá dồi dào”. Theo ngư dân này, mới đây nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân Cửa Việt liên tiếp trúng các loại cá lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, ngư dân được mùa các vụ cá khoai, cá cơm. “Chứng tỏ biển sạch trở lại, cá mới sinh sôi như vậy. Đây là nguồn động viên, khích lệ để ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển. Riêng bản thân tôi quyết tâm vụ mùa này sẽ lấy lại cả lỗ và lãi” - ông Thu cười.

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - trao đổi, việc bà con ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, vùng biển trước kia bị ô nhiễm nay đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại nên ngư dân cần chuẩn bị tốt để bước vào vụ cá nam đánh bắt được hiệu quả. “Tôi mong rằng, bà con chúng ta sẽ đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau và chuẩn bị ngư lưới cụ, chuẩn bị tàu thuyền một cách tốt nhất để ra khơi đánh bắt hải sản vụ cá nam để giành được nhiều thắng lợi. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các hộ vay vốn để đóng mới tàu thuyền” - ông Nguyễn Đức Chính trang trọng hứa với bà con ngư dân.

Tấp nập tàu cá chuẩn bị cho vụ cá nam. Ảnh: H.THƠ

Làng nghề đang hồi sinh

Dù đang bận rộn với mẻ cá bắt được sau chuyến đi biển dài ngày, nhưng khi nhận được điện thoại của phóng viên, anh Nguyễn Văn Tý - ngư dân ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - vẫn hồ hởi khoe: “Cá đưa vào bờ bán đã được giá, không lo ế như mấy tháng trước nữa”. Theo anh Tý, sau sự cố môi trường biển, gia đình nhận được một số tiền bồi thường khá lớn. Nhận tiền về, anh Tý “đắp” hết vô con tàu, thay lại ngư lưới cụ để đi biển cho yên tâm. Mấy chuyến đi biển gần đây, dù sản lượng cá chưa được nhiều như trước, nhưng khi vào bờ trừ mọi chi phí vẫn còn vài đồng bỏ túi. “Biển lặng rồi, nhưng vẫn còn gian nan lắm và khó làm ăn hơn trước. Nhưng theo đà này thì sẽ êm thôi. Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó, cá sẽ về nhiều hơn, những khoang cá sẽ đầy ắp trong nay mai. Bây giờ ra khơi được lại là vui rồi” - anh Tý kỳ vọng.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, sự cố môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4.2016 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân đánh bắt trên biển, mà còn ảnh hưởng đến những hộ sản xuất nước mắm truyền thống. Làng nghề nước mắm xã Phú Thuận là nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Có hơn 100 hộ chuyên sản xuất nước mắm ở đây thời điểm đó ăn không ngon, ngủ không yên khi hay tin biển nhiễm độc. Sau đó, là một chuỗi ngày dài “ôm” nước mắm làm ra mà khóc, bởi bán ra thị trường rất khó khăn. Đầu vào khó, đầu ra còn khó nên hầu như nghề nước mắm bị ngừng trệ.

Nhưng đến nay, các hộ sản xuất nước mắm đã bước đầu bắt tay vào sản xuất, khôi phục lại làng nghề. Anh Trần Quốc Tín - người làm nghề nước mắm ở xã Phú Thuận - cho biết lúc biển mới bị sự cố, những người làm nghề nước mắm như anh hãi lắm. Dù làng nghề có truyền thống lâu năm, sản phẩm cũng được người tiêu dùng yêu thích nhưng vẫn bị ảnh hưởng nặng, bán không được. “Bây giờ, biển cũng đã bình yên hơn, những người làm nghề như tôi cũng đã nhận được tiền bồi thường, với số tiền này thì tôi sẽ đầu tư để mua thêm chum, vại...thay thế những cái chum, vại cũ để tiếp tục sản xuất. Rồi sẽ đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất” - anh Tín khẳng định. Và anh khoe những đơn hàng đặt mua nước mắm số lượng lớn, ở nhiều vùng miền. Đó là tín hiệu vui, cho thấy làng nghề gia truyền bắt đầu hồi sinh, bởi có cầu thì ắt có cung...

Những ngày này, có mặt tại “phố” nhà hàng nổi bán mực nháy Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), lượng khách đổ về đây dùng hải sản khá đông đúc. Dọc hành lang nhà hàng, xe cộ đậu kín đường, nhân viên đon đả chào mời, nhiệt tình hướng dẫn chỗ đậu xe ngay khi khách vừa tới. Bên dưới bè, khách quây kín ăn nhậu, cười nói rôm rả. Cách đây tầm 5 tháng, chúng tôi có dịp đến thị sát khu vực “mực nháy” nổi tiếng này, lúc đó hầu hết nhà hàng đã đóng cửa. Không khí hiu hắt, ảm đạm mà chủ bè chỉ biết ngao ngán lắc đầu nói rằng không biết mấy năm nữa mới kinh doanh ổn định trở lại được. Nay vào đúng nhà hàng nổi mực nháy Lý Hộ, nơi trước kia buồn hiu hắt, bắt gặp bà chủ đang tươi cười bày hàng cho khách. Gần một tháng nay, thời tiết nắng ấm lên, lượng khách về nhà hàng này tăng cao. “Đợt này tôi bán bình quân mỗi ngày 50kg mực, 40kg cá, khách đông lắm. Thậm chí như hôm cuối tuần vừa rồi, khách còn đông hơn cả năm 2015, khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển. Về giá thì như hiện nay là đã ổn định, bình thường rồi” - chị Lý nói.

Chị Nguyễn Thị Mây (trú TP.Hà Tĩnh) sau khi thưởng thức xong các món hải sản tại đây, còn mua thêm ít ghẹ, mực về nhà. “Tôi vừa mua một ít để đưa về cho gia đình ăn, mà ghẹ giá 400.000đ/kg, mực giá 300.000đ/kg. Thắc mắc sao đắt thế thì chủ bè nói là giá đã ổn định, bình thường như trước khi xảy ra sự cố môi trường biển rồi, chứ không có rẻ như ngay sau sự cố ô nhiễm nữa. Thậm chí, đối với ghẹ giá còn đắt hơn một năm trước nữa. Nhưng mà “đắt xắt ra miếng”, vì hải sản rất tươi ngon” - chị Mây chia sẻ.

Biển miền Trung đã đem lại ấm no cho ngư dân.

Du lịch “thức giấc”...

Nếu tiếng trống “ra trận” vụ cá nam khiến ngư dân Quảng Trị phấn chấn, ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế kỳ vọng sau khi nâng cấp tàu thuyền và niềm vui khi “mực nháy” tấp nập khách trở lại ở tỉnh Hà Tĩnh, thì tại Quảng Bình “nàng tiên” du lịch đã được đánh thức...

Tin vui từ Sở Du lịch Quảng Bình cho thấy, trong quý I/2017 số khách du lịch đến Quảng Bình ước tính đạt gần 609.000 lượt, đạt 96,88% so với cùng kỳ năm 2016 (thời điểm du lịch Quảng Bình chưa chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển) và đang trên đà tăng nhanh. Những ngày cận mùa cao điểm về du lịch 2017, trái với ánh mắt buồn bã, tâm trạng lo lắng cách đây vài tháng, những doanh nghiệp du lịch, các nhà hàng khách sạn đang tràn đầy hy vọng. Bởi trong dịp 30.4 và 1.5 sắp đến, các khách sạn từ 3 sao trở lên số lượng khách đặt phòng đã đạt 50-60% công suất, một số cơ sở đạt 80-90% công suất.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - chia sẻ, năm 2017 được xem là năm bản lề cho những nỗ lực chung tay vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển du lịch Quảng Bình. Trước những khó khăn do điều kiện khách quan gây ra, tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động và thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh với những hoạt động và ý tưởng độc đáo. “Quảng Bình cũng đã xã hội hóa công tác du lịch bằng việc phát huy hiệu quả kinh doanh và phát triển các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh du lịch, tất cả người dân cùng làm du lịch, như vậy mới mang tính bền vững và hiệu quả” - ông Hoài khẳng định. Chính vì vậy, sau những thiệt hại nặng nề về du lịch do hậu quả môi trưởng biển do Formosa gây ra, du lịch Quảng Bình đã có dấu hiệu “ấm” trở lại khi lượng khách du lịch đến Quảng Bình bắt đầu tăng cao.

Một sức sống mới từ biển miền Trung, đang trở lại, với niềm tin đem lại công việc, thu nhập và no ấm cho mọi nhà.

Theo Bộ NNPTNT, sự cố môi trường biển từ tháng 4.2016 tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm, 146 xã/phường/thị trấn, 22 huyện. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 4.680 tỉ đồng (Hà Tĩnh: 1.560 tỉ; Quảng Bình 1.860 tỉ; Quảng Trị: 660 tỉ; Thừa Thiên - Huế: 600 tỉ) hỗ trợ ngư dân, đã giải ngân được khoảng 3.800 tỉ đồng. Hải sản đông lạnh lưu kho tính đến ngày 25.1.2017 là 7.787 tấn; sẽ tiêu hủy đối với những hải sản không đạt chất lượng. Công tác khắc phục môi trường biển đã được triển khai quyết liệt. Bộ NNPTNT khẳng định: Biển đã an toàn, ngư dân có thể khai thác hải sản ở vùng ngoài 20 hải lý, đảm bảo đời sống, sản xuất hằng ngày.                   KHÁNH VŨ

 

 

 

 

NHÓM PHÓNG VIÊN BẮC TRUNG BỘ
TIN LIÊN QUAN

Cuộc sống người dân quanh khu vực Formosa Nhơn Trạch: Nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc

MINH CHÂU |

PC49 - Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt một công ty xả thải trái phép bên trong phân khu Formosa (KCN Nhơn Trạch 3, Đồng Nai), nhưng người dân xã Hiệp Phước - nơi công ty này đóng chân - còn bức xúc hơn nữa do nhiều năm nay, họ phải sống trong cảnh nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc.

Thợ lặn Formosa chạy thuốc từng ngày, chạy cơm từng bữa

Nguyễn Phước Tín |

Formosa đã thừa nhận là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Ngư dân được đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại, còn các thợ lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc KCN Formosa Vũng Áng - Hà Tĩnh) phải nghỉ việc hàng loạt vì mắc nhiều triệu chứng bất thường ngay tại thời điểm cá chết. Giờ đây, họ vừa chạy thuốc từng ngày vừa chạy cơm từng bữa bằng nhiều nghề khác nhau. Người hết thế xoay xở vì nghèo khó, chấp nhận cược mạng với bệnh tật, tiếp tục trở lại ngụp lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương để giải quyết cuộc sống. Vậy, ai sẽ trả lời cho câu hỏi: “Các thợ lặn bị bỏ rơi đến bao giờ?”.

Nỗi nghi hoặc về cái chết của thợ lặn formosa Lê Văn Ngày: “Anh tôi chết vì suy tim cấp ư?”

Nguyễn Tín |

Người thân và bạn lặn của thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày (thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ai nấy ngơ ngác, hụt hẫng khi nhìn vào bản thông báo kết quả mà Công an huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) gọi là giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố liên quan đến cái chết bất đắc kỳ tử của anh Ngày - thợ lặn Formosa...

Nước mắt, nỗi đau sau tai nạn lao động (kỳ 2): Xót xa... Formosa

ĐĂNG KHOA - QUANG ĐẠI |

Tròn 1 năm về trước, ngày 25.3.2015, tai nạn sập giàn giáo kinh hoàng tại đại công trường Formosa - khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh khiến 13 công nhân tử nạn, hàng chục công nhân bị thương vong khi bị vùi dưới đống sắt, thép khổng lồ hàng trăm tấn. Phóng viên Lao Động đã lặn lội về thăm gia đình những người công nhân xấu số và thật khó tin với những gì đã chứng kiến…

Những góc quán ngắm pháo hoa đón giao thừa sang chảnh ở Hà Nội

Quỳnh Nga |

Cùng tìm hiểu những địa điểm xem pháo hoa đẹp ở Hà Nội để lên lịch cùng người thân, bạn bè đến vui chơi, chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đón Tết Qúy Mão ấn tượng.

Muôn kiểu đón Tết của người trẻ

Thu Giang |

Bên cạnh những hoạt động truyền thống, với nhiều người trẻ Tết còn là dịp để nghỉ ngơi, gắn kết tình cảm gia đình, đi du lịch, khám phá những vùng đất mới...

Kỳ lạ ngôi làng cứ đến Tết là người dân đua nhau... ngâm mình dưới ao

Nguyễn Thúy |

Những ngày đầu năm mới, nông dân thôn Đức Long (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngâm mình dưới ao để thu hoạch rau cần, cung cấp thực phẩm ngày xuân. Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá.

Cuộc chiến phòng vé dịp Tết: Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng, ai sẽ lên ngôi?

ĐÔNG DU |

Khi tác phẩm "Siêu lừa gặp siêu lầy" đột ngột rút khỏi rạp chiếu, phim Tết Việt chỉ còn 2 tác phẩm đối đầu nhau là "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành và "Chị chị em em 2" của Ngọc Trinh.

Cuộc sống người dân quanh khu vực Formosa Nhơn Trạch: Nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc

MINH CHÂU |

PC49 - Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt một công ty xả thải trái phép bên trong phân khu Formosa (KCN Nhơn Trạch 3, Đồng Nai), nhưng người dân xã Hiệp Phước - nơi công ty này đóng chân - còn bức xúc hơn nữa do nhiều năm nay, họ phải sống trong cảnh nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc.

Thợ lặn Formosa chạy thuốc từng ngày, chạy cơm từng bữa

Nguyễn Phước Tín |

Formosa đã thừa nhận là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Ngư dân được đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại, còn các thợ lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc KCN Formosa Vũng Áng - Hà Tĩnh) phải nghỉ việc hàng loạt vì mắc nhiều triệu chứng bất thường ngay tại thời điểm cá chết. Giờ đây, họ vừa chạy thuốc từng ngày vừa chạy cơm từng bữa bằng nhiều nghề khác nhau. Người hết thế xoay xở vì nghèo khó, chấp nhận cược mạng với bệnh tật, tiếp tục trở lại ngụp lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương để giải quyết cuộc sống. Vậy, ai sẽ trả lời cho câu hỏi: “Các thợ lặn bị bỏ rơi đến bao giờ?”.

Nỗi nghi hoặc về cái chết của thợ lặn formosa Lê Văn Ngày: “Anh tôi chết vì suy tim cấp ư?”

Nguyễn Tín |

Người thân và bạn lặn của thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày (thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ai nấy ngơ ngác, hụt hẫng khi nhìn vào bản thông báo kết quả mà Công an huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) gọi là giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố liên quan đến cái chết bất đắc kỳ tử của anh Ngày - thợ lặn Formosa...

Nước mắt, nỗi đau sau tai nạn lao động (kỳ 2): Xót xa... Formosa

ĐĂNG KHOA - QUANG ĐẠI |

Tròn 1 năm về trước, ngày 25.3.2015, tai nạn sập giàn giáo kinh hoàng tại đại công trường Formosa - khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh khiến 13 công nhân tử nạn, hàng chục công nhân bị thương vong khi bị vùi dưới đống sắt, thép khổng lồ hàng trăm tấn. Phóng viên Lao Động đã lặn lội về thăm gia đình những người công nhân xấu số và thật khó tin với những gì đã chứng kiến…