60 năm làm “King Kong” ở Ca Liệng

LÃNG QUÂN |

Suốt 60 năm qua, từ lúc còn là cậu bé loắt choắt, đến giờ là ông già gồ ghề 71 tuổi, ông Lâm Văn Sạch, ở bản Ca Liệng, xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng bị “giời hành”, phải đi lại bằng cả tứ chi. Bà con trong bản bảo “giống con trâu đi đủng đỉnh ở rông núi”, nhóm bạn làm từ thiện của tôi gặp ông thì gạt nước mắt, ví “giống King Kong” trong phim “Đảo đầu lâu” (“Kong: Skull Island”).

Chỉ đi đường của trâu bò

Nghe đồn từ lâu về trường hợp bất hạnh của ông Lâm Văn Sạch, nhóm bạn tôi gồm Hoài Phương và Việt Anh liên tục qua lại mua đồ đạc, sửa sang nhà cửa cho ông; vào tháng 4.2017, rủ tôi đi cùng.

Ông tên là Sạch, nhưng đời bắt ông... không được sạch sẽ. Đã 60 năm, ông cứ úp mặt về phía nền đất, phía rều rác và mặt núi gồ ghề để mà đi. Hai chân hai tay lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Nguyên do, vào năm 11 tuổi, mải chơi ngoài gió lạnh, cậu bé Sạch ngã bệnh. Sống lưng bị liệt, sau 6 năm nằm điều trị. Từ đấy, Sạch không tài nào đi thẳng được nữa. Vì hai chân ông ngắn hơn hai tay, nên khi đi bằng tứ chi thì hai chân phải kiễng, đi bằng 10 đầu ngón chân. Hai tay sứt sẹo, bẩn thỉu, gai cào, đá đâm, đau không chịu nổi, ông phải đẽo hai cái miếng gỗ táu để kê, khi di chuyển.

Bố là người Mông, mẹ là người Nùng, từ nhỏ, bố mẹ đã tan đàn xẻ nghé. Cậu bé Sạch SN 1946, năm 14 tuổi, tức là năm 1960 thì bố đã đi lấy vợ hai, một năm sau thì ông qua đời. Bà mẹ nghèo ốm yếu đau đáu thương đứa con tàn phế, quyết tâm làm lụng để có tiền cho con đi học chữ. Sạch được ra ngoài xã học. Cả vùng, chỉ có một mình Sạch đi học bằng “bốn chân”. Cậu buộc cặp ở ngang bụng ngang lưng, như kiểu người ta chất đồ lên lưng lạc đà vậy. Cứ đủng đỉnh đi, lúc đầu bà con đổ xô ra xem, ai cũng bùi ngùi thương cảm, có người cười cợt gọi cậu là con khỉ con.

“Đường núi bấy giờ vô cùng hiểm trở. Đường đến trường xa, qua nhiều suối và vực, đường cho người đi thì có những gờ đá bằng bàn chân để người ta nhảy hoặc bám vào cây mà lách qua. Tôi đi bằng bốn chân, đi mặt đất còn khó nhọc, làm sao trèo nổi. Thế là mỗi lúc qua suối thì phải theo đường của trâu bò. Trâu bò không biết trèo thì lội bùn nước qua một lối khác theo hình hai cánh cung. Chúng ngoi lên bờ suối thì lại gặp đường của người châu vào. Lần nào đi học tôi cũng lội và ướt hết, sách thì nhờ người cầm hộ đi theo “đường của người”. Mưa lũ, vì đi bằng tứ chi, không thể đứng thẳng nổi, nên tôi cứ phải bò dưới sát đáy của suối, nước ngập toàn bộ cơ thể. Có lần trôi theo suối suýt chết.

Sau này, một ngày, tôi thấy vài người lớn đứng chỉ trỏ và xoa đầu khen tôi ngoan. Tuần sau, tôi đi vào đường của trâu thì thấy một cây cầu gỗ bắc qua, ván sàn rất đẹp. Họ bảo, làm đường tặng học sinh ngoan! Chuyện ấy làm tôi cảm động đến bây giờ”, ông Sạch nhớ lại. Chẳng bao lâu sau, mẹ Lâm Văn Sạch ngã bệnh và chết. Trước khi chết bà dặn Sạch lớn lên phải lấy vợ, để làm người với vui buồn con cái như người khác. Nhưng sau này, Sạch mới hiểu rằng mình đã mất luôn khả năng làm chồng, làm cha.

Đến tận bây giờ, dù bị nhiều bệnh tật hành hạ, dù ở tuổi 71, ông Sạch vẫn minh mẫn, hài hước và khá tháo vát. Ông chia sẻ về tâm trạng bi lụy khi ngẫm về cảnh tàn phế và sống cô đơn trong vách núi hoang vu. “Khi 20 tuổi, đêm nào tôi cũng nằm mơ mình đứng thẳng dậy được như người ta. Không phải bò lổm ngổm như con dê, con trâu, con khỉ nữa. Sau mỗi giấc mơ là tôi khóc, tôi muốn đi chết.

Từ bấy, đêm nào tôi cũng cầu trời cho mình đừng có nằm mơ. Nhà nghèo nằm trong vách núi, hàng ngày buộc các cái chai nhựa vào hông rồi bò xuống suối cõng nước lên. Các chai nước lăn, vướng vào đùi, vào chân, rồi tôi và mấy chai nước chổng vó, lăn xuống núi. Có gã ở ngoài huyện còn bảo, “tay Sạch” bẩn thỉu, đi đứng úp mặt xuống đất như con chó, tránh xa kẻo lây bệnh. Uất quá. Tôi quyết định “giải thoát” cho mình. Tôi mua thuốc chuột về để uống...”, ông Sạch kể, nước mắt lưng tròng.

Bàn tay to đùng, sứt sẹo, chai sần, đen đúa đưa lên vuốt nước mắt. Tay ấy đã biến thành “chân” sau đúng 60 năm ông phải bò trên mặt đất. “Tôi mua thuốc chuột, có người Nùng tốt bụng nhìn thấy, họ đi theo tôi lên núi. Tôi sắp uống, họ xông ra giằng lấy và bảo: “Cậu có tội gì? Cậu làm gì sai à? Sao mà phải chết?”. Tôi chợt tỉnh ngộ, người ta nói đúng quá, mình có tội gì đâu mà phải chết? Lúc tôi buồn nghĩ quẩn, thì lại có các cháu Hoài Phương và Việt Anh đây (nhóm từ thiện Discovery Cao Bằng) đem chăn ấm đến, đem gạo và bao nhiêu quà đến, thế là tôi lại bảo, “mình chết bây giờ thì các cháu sẽ buồn lắm” - ông Sạch kể.

Ông Sạch tâm sự với chúng tôi về cuộc đời cay đắng và hồn nhiên của người đi bằng tứ chi. Ảnh: P.V

“Sức mạnh King Kong”

Việt Anh bảo: em phục nhất là nghị lực của ông cụ, mỗi lần gặp cụ trao quà, em mới là người nhận lại được nhiều thứ! Ông Lâm Văn Sạch già nua, lơ ngơ ra đường cái quan, đi bằng tứ chi, cứ nhảy lóc chóc lóc chóc thế mà dám lên tận huyện kiến nghị chính sách. Gặp cán bộ, ông hỏi: tại sao chế độ dành cho người già cô đơn, tàn tật của tôi lại bị cắt? Ông làm đơn, trưởng thôn xác nhận, tiền trợ cấp của tôi quý trước có, sao quý này không...

Có người tốt bụng muốn khênh ông lên xe cho đi nhờ, nhưng cả đời ông chưa biết ngồi xe. Có tiền nhà nước nuôi rồi. Ông cụ đầu tư mua cả điện thoại để thăm hỏi những người mà vì họ ông không dám uống thuốc chuột tự tử nữa. Ông nuôi những đõ ong mật quanh nhà. Ông nuôi cả đàn gà đông đúc. Đặc biệt, ông nuôi con chó Vàng làm bạn. Ông hài hước gọi mình là Lão Hạc với con chó trung thành. Mấy năm nay, được các nhà hảo tâm giúp đỡ, ông đã hạ sơn xuống ở gần trung tâm bản Ca Liệng. Từ nhà văn hóa bản, ông đi bộ “nhảy nhót” có một chập là đến nhà mình. Cảnh bò lổm ngổm, buộc các chai nước nước sinh hoạt lủng lẳng ở hông... không còn nữa. Nước sạch về tận vòi. Ông Sạch ngày ngày chăm đàn ong, quay mật đem xuống tận chợ huyện bán. Gà ấp, nở, lớn lên và xuống núi, chúng đem tiền về cho ông chủ đi bằng “bốn chân” của mình.

Từ ngày tìm lại được niềm vui sống, ông Sạch khỏe hẳn. Ông đi trên bờ đập bê tông rêu xanh trơn trượt từ đường xe máy lên nhà mình, ông lao thoăn thoắt, ai trông thấy cũng bảo giống King Kong đi trong rừng già. Ông cười nói, gọi điện, chụp ảnh bằng điện thoại thông minh với khách, rất trẻ trung và hiện đại. Tiền trợ cấp hàng tháng của ông bây giờ cũng khá hơn. Ông bảo, năm ngoái, Hội Người cao tuổi Việt Nam còn có “bằng” mừng thọ. Ông treo lên tường, tự hào lắm.

Ông đi nấu cơm, ông nô đùa với con Vàng, ông đi cưng nựng đàn ong mật và lũ gà nhép, ông ra vườn hái những quả chanh chín ửng tặng tôi. Dáng ông thoắt ẩn thoắt hiện sau bìa núi, trước mương nước sâu, bên góc vườn trùm xòa cây cối, ông ngoái đầu qua vai mình, trong thế đứng bằng “bốn chân”, nhoẻn cười: “Con thấy ông đi giỏi không, đi giống con trâu rừng không?”. Nói vô phép, nếu đi rừng mà gặp ông “bay lượn” thế, thì chắc chắn tôi sẽ bỏ chạy vì hoảng sợ.

Bên cạnh những bùi ngùi thương cảm, như lời Việt Anh, “bố” Sạch, với “sức mạnh King Kong” của mình còn đem cho chúng tôi những bài học sống giản dị mà thấm thía.

Ông vẫn sử dụng điện thoại thông minh rất thoải mái.
Đã 60 năm, ông Sạch phải đi bằng cả tứ chi.
Đường đến nhà ông Sạch.
Căn nhà của ông Lâm Văn Sạch.
Ngôi nhà của ông Sạch sau khi hạ sơn, được cơ quan chức năng hỗ trợ.
Sống một mình, tàn phế, tự mưu sinh và tự phục vụ.

 

LÃNG QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.