4 ngày trên tàu kiểm ngư HP 926 “chạm trán” với tàu Trung Quốc: Không sợ hy sinh, chỉ lo dân tốn tiền

Đặng Trung Kiên |

Tôi không thể quên cái miệng méo xệch, đôi mắt căm phẫn của anh máy trưởng tàu kiểm ngư HP 926 khi ngồi trước be mạn trái con tàu vừa sập xuống. Anh đã sốc khi thấy con tàu bao năm gắn bó, bao lần cùng anh vào sinh ra tử bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm thủng. Bốn ngày đêm có mặt trên tàu, tôi được thấy các kiểm ngư viên bất chấp hiểm nguy, quyết tâm bảo vệ chủ quyền bằng những hành động vô cùng dũng cảm. Nhưng tôi chỉ ứa nước mắt khi nghe các anh nói đã sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc, chỉ sợ căng thẳng kéo dài làm tốn tiền thuế của nhân dân vốn đang còn nghèo.
"Ức quá mà không biết làm gì"

19h ngày 21.5, từ tàu CSB 2016, tôi xuống xuồng caosu chuyển sang tàu kiểm ngư HP 926 giữa sóng biển ầm ào. Chào hỏi xong trên cabin, các anh chỉ huy Biên đội tàu kiểm ngư 4 và chỉ huy tàu HP 296 đã giục tôi đi tắm rửa, nghỉ ngơi. Nhưng chỉ 5 phút sau, những chiếc loa trên tàu phát thông báo: "Alô, mời hai vị khách lên cabin tác nghiệp". Tôi và anh Công Khanh - PV Báo Tiền Phong - lập tức cầm máy ảnh lao lên cabin. 

Tiếng thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy ra lệnh cho tàu sang phải, sang trái, tiếng còi báo động nghe sốt cả ruột gan. Một chiếc đèn pha thẳng vào cabin tàu làm chúng tôi quáng mắt. Tôi nghe rõ tiếng máy gầm rú, tiếng sóng đập mạnh vào thân tàu, dưới chân nghiêng ngả, lắc lư khi con tàu tăng tốc. Sau 15 phút đeo bám, có lúc chỉ còn cách chúng tôi chừng 10m, bóng đen đồ sộ sau chiếc đèn pha dừng lại, chuyển hướng. 

"Không có gì, thấy người mới nên chúng đến dọa thôi" - thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy thở phào. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao lúc từ tàu CSB 2016 chuyển qua tàu HP 926, 3 tàu Trung Quốc cứ nhằm tôi và anh bạn đồng nghiệp pha đèn.

Những ngày sau đó, chúng tôi chứng kiến nhiều cuộc rượt đuổi nghẹt thở trên biển. Có lúc quay phim tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc đuổi tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của ta, có khi chính tàu HP 926 của tôi bị đâm sập mạn trái. Sau mỗi pha rượt đuổi căng thẳng, tôi lại nghe những câu quen thuộc, đến nỗi có người sắp nói là tôi biết trước: "Tàu Trung Quốc ngang ngược quá", "Ức quá mà không làm gì được", "Tôi mà được phép đáp trả thì ông vỡ mặt"... Song có những gương mặt đầy cảm xúc, những ánh mắt còn làm tôi thấm thía hơn tâm trạng của anh em kiểm ngư trên tàu. 

Trưa 23.5, sau khi bị tàu lai dắt, đẩy ủi Hữu Liên 9 (You Lian 9) của Trung Quốc đâm sập mạn trái, không khí trên tàu trầm xuống. Vầng trán căng thẳng với những nếp nhăn, đôi mày nhíu lại, miệng xệch xuống, một chàng kiểm ngư nhét giẻ vào chỗ thủng rồi lấy cọc gỗ đóng. Anh cứ cầm búa đóng mãi, mặc cho ai đó nhắc đến mấy lần: "Được rồi, thôi được rồi". Trở lên cabin, tôi lại nghe những câu uất ức quen thuộc. Anh Đinh Kim Thảo - cán bộ phụ trách công tác tư tưởng của tàu - phải chốt hạ: "Thôi không nói nữa, đây là việc ngoài ý muốn. Tất cả về vị trí, tiếp tục làm nhiệm vụ". 

Buổi chiều, anh Kha nói nhỏ với thuyền trưởng: "Có nhiều người bị sốc. Anh em đã gắn bó lâu năm với tàu, nhìn mạn tàu bị xé toạc, làm sao không xót được". Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy nói với mọi người: "Hôm nay thế là may, anh em mình phải xác định nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào. Mình phải đổ máu một tí thì bà con, làng xóm mình mới sống yên được chứ". Chiến tranh chưa xảy ra, song tôi hiểu các anh đã "sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền tổ quốc, không một chút do dự" như ông Phan Đình Cát - phụ trách lực lượng kiểm ngư vùng - nói lúc tôi mới lên tàu.

Trước giờ xuất phát, nhiều anh em sắp làm nhà, cưới vợ, có người vợ sắp sinh, bố mẹ hấp hối trên giường bệnh... Nhiều người được chỉ huy đơn vị cho phép lựa chọn, ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ hoặc xin phép về nhà, song tất cả đều gác lại niềm riêng vì tổ quốc. Ngay trên tàu HP 926 này là anh Phạm Duy Hiếu, anh Vũ Văn Khởi, anh Nguyễn Văn Tuấn...

 Bữa trưa đơn sơ, vội vàng của các kiểm ngư viên trên tàu HP 926.
"Nhà báo đã cổ vũ chúng tôi"

Đêm Hoàng Sa thật đẹp, như một thành phố trong đất liền nhìn từ biển. Chúng tôi nằm phía trước cabin tận hưởng gió mát, nghe sóng vỗ, dõi mắt đếm sao trời. Bác cán bộ dân vận lớn tuổi, đến từ Hải Phòng bảo: "Các nhà báo sướng nhé, có tiền tỉ cũng không thuê được tàu ra Hoàng Sa du lịch thế này đâu". Nhưng nếu không thi vị hóa, thật khó tự động viên rằng mình đang có một chuyến du lịch mà các tỉ phú nằm mơ không thấy. Bởi không ai trong chúng ta muốn cái "thành phố" - phần lớn là ánh đèn của tàu Trung Quốc - xuất hiện ở Hoàng Sa. 

Và chỉ sau vài phút bình yên, máu trong người chúng tôi lại như sôi lên, khi tàu Trung Quốc áp sát. Bên trái một tàu, bên phải hai tàu, phía sau hai tàu... Đêm nào cũng thế, bọn hải tuần quét đèn pha loang loáng rồi chĩa loa thẳng vào cabin dò la, khiêu khích. Lúc khác lại những con quái dị, ánh đèn xanh xao, nhợt nhạt như những bóng ma lượn lờ quanh chúng tôi. 

Cũng trong những phút nghỉ ngơi, phản ứng của các chàng kiểm ngư khiến tôi vừa buồn cười, vừa thấy nghèn nghẹn trong cổ họng. Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài bình luận hóm hỉnh như truyện ngụ ngôn, đại ý là: "Trung Quốc chẳng biết mình đang sống trong thế giới văn minh nên cậy thế ăn hiếp, lấy thịt đè người. Suốt ngày sang hàng xóm ăn trộm, ăn cướp mà không biết ở nhà, vợ mình đang thậm thụt với người khác". Cả nhóm phá lên cười. 

Buổi trưa, anh Khởi - máy trưởng tàu HP 926 - nhân lúc kiểm tra bộ loa đã hét vào micro: "Chúng tôi thử loa: Alô, tàu Trung Quốc chú ý, tàu Trung Quốc chú ý...". Trò đùa của anh Khởi làm mọi người sung sướng thực sự, vì ai cũng "ức quá mà không biết làm gì".

Hôm tàu HP 926 bị tàu Trung Quốc đâm thủng be chắn sóng mạn trái, tôi hoàn thành xong bài viết và đọc cho ông Phan Đình Cát và mọi người cùng nghe trước khi gửi về. Nghe xong mọi người vỗ tay tán thưởng. Ông Cát nhận xét: "Hay lắm, bài của chú thể hiện được tư thế hiên ngang, vững vàng của anh em trước hiểm nguy". Liền đó phóng viên Công Khanh bước lên cabin, lập tức bị nhiều người đòi xem bài, bởi ai cũng muốn biết báo viết gì về tàu mình. 

Tối đó, nhân lúc một anh kiểm ngư bảo chúng tôi may mắn, ra Hoàng Sa đúng lúc có diễn biến căng thẳng, anh Đinh Kim Thảo nói: "Có phóng viên trên tàu, anh em phấn khởi lắm. Các nhà báo là cầu nối để đồng bào cả nước thấy được hành động ngang ngược của Trung Quốc và sự dũng cảm, mưu trí của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Nhờ đó giúp đồng bào yên tâm, tin tưởng chúng tôi hơn. Anh em còn bảo những câu chuyện nhà báo kể làm họ ấm lòng, thấy gần đất liền hơn, nhất là khi đêm xuống giữa muôn trùng biển cả".

Sáng 25.5, khi tàu HP 926 được lệnh về đất liền, chỉ huy biên đội và chỉ huy tàu rất lo cho tôi và Công Khanh. Bởi tính đến hôm đó, chúng tôi mới tác nghiệp tại Hoàng Sa được 4 ngày đêm, không tính thời gian từ đất liền ra. Ông Phan Đình Cát động viên tôi: "Anh rất muốn gửi chú sang tàu khác, nhưng lệnh của cấp trên không có nội dung này. Tình hình còn căng thẳng lắm, chú cứ về rồi xin đi tiếp". 

Còn thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy tỏ ý tiếc nuối ra được mấy hôm đã phải về. Cả buổi sáng hôm đó, chốc chốc lại hỏi có xin chuyển tàu được không. Có anh bảo cách giải quyết của thủ trưởng Cát quan liêu lắm, cho nhà báo ở lại đâu phải chuyện tày đình. Cuối cùng phải theo tàu HP 926 về đất liền, song tôi đang thấy nhà báo quan trọng với các anh như thế nào.

Sau 2 vụ "chạm trán" với tàu Trung Quốc, tàu kiểm ngư HP 926 mình đầy thương tích. "Tàu sẽ nhanh chóng phục hồi, chúng tôi rất nóng lòng trở lại Hoàng Sa, chỉ sợ căng thẳng kéo dài làm tốn tiền thuế của nhân dân mình thôi" - thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy nói.


Đặng Trung Kiên
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".