38 năm, một địa chỉ rắn

Hoàng Văn Minh - Hữu Danh |

Nhân mấy hôm nay trên các loại mạng kể chuyện rắn lục đuôi đỏ hoành hành ở miền Trung là do… Trung Quốc thả qua và nhiều toà soạn báo liên tục “được” bạn đọc báo tin giả về việc rắn lục vừa cắn người ở đâu đó, chợt nhớ bình luận của một chuyên gia về rắn hàng đầu Việt Nam, trung tá - bác sĩ Vũ Ngọc Lương (ảnh) - Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang. Ông bảo “một trong những nguyên nhân khiến rắn lục đuôi đỏ (người miền Nam gọi là rắn lục đầu vồ) thành chuyện thời sự là do báo điện tử và mạng xã hội”.

 

Ông Lương nói: “Trước đây khi báo mạng chưa tràn lan và dễ dãi trong cách đưa tin, thông tin rắn cắn không được cập nhật từng phút như bây giờ nên mọi người ít biết và không quan tâm. Tôi thấy báo mạng còn đưa tin rắn lục đuôi đỏ không chỉ đang cắn người ở miền Trung mà còn cả miền Nam, miền Tây với số ca tăng đột biến. Thực tế thì có, nhưng số liệu tại Trại rắn Đồng Tâm - nơi cấp cứu và chữa trị rắn cắn chuyên sâu duy nhất của cả nước - thì đến thời điểm này vẫn không có gì biến động so với những năm trước, tức vẫn khoảng 1.200 ca. Tất nhiên, việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn người bất thường như báo chí thông tin còn có nhiều nguyên nhân khác, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chuyên môn để kết luận”. Và thế là chuyện của chúng tôi lại lan man về các loài rắn, về huyết thanh kháng nọc và những chuyện ít người biết về hành trình 38 năm của bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam, cũng là địa chỉ tham quan, nghiên cứu về rắn của nhiều khách du lịch, sinh viên trong và ngoài nước.

Đút cho… rắn ăn

Chuyện thời sự ở Trại rắn Đồng Tâm những ngày này là một con hổ mang chúa nặng hơn 6kg, dài 3,1m, bị thương rất nặng, đang được các bác sĩ của trại ngày đêm tận tình cứu chữa. Và nguyên nhân con rắn hổ mang chúa này bị thương cũng khá buồn cười: Một người tên Tâm đến nhà bố vợ ở ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) để vác phân ra đồng. Vừa vác bao phân lên vai thì ông Tâm phát hiện dưới sàn nhà có con rắn đen, to bằng bắp tay đang quấn tròn. Sau phút hốt hoảng, ông Tâm cùng mấy người hàng xóm bao vây tấn công rắn bằng cây gỗ, chĩa, chích điện... Hổ mang chúa không phản ứng lại mà tìm cách chạy trốn, cố chui chiếc đầu to như nắm tay xuống hang chuột chỉ bằng miệng ly và… ngất xỉu. Sau đó hổ chúa bị người dân dùng 2 đoạn dây chì xỏ miệng khoá lại và mấy ngày sau thì được lực lượng kiểm lâm “di lý” lên Trại rắn Đồng Tâm để dưỡng thương trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ông Vũ Ngọc Lương kể: “Các vết thương nặng khiến hổ chúa rất yếu, không thể di chuyển được và chúng tôi phải áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt. Hằng ngày, hổ chúa được lau rửa vết thương, bôi thuốc sát trùng, tiêm kháng viêm và được… đút cho ăn, bởi dây thép xuyên qua miệng khiến nó bị nhiễm trùng nặng, không thể tự ăn uống được. Sau gần 2 tháng chăm sóc, hổ chúa đã cơ bản phục hồi, nhưng vẫn được đút ăn do vết thương chưa lành”.

Chứng kiến các nhân viên Trại rắn Đồng Tâm cứu chữa con hổ chúa, mới thấy chăm một con rắn bị thương còn khổ hơn cả chăm người ốm. Ông Vũ Ngọc Lương cho biết, công việc khó nhất ở Trại rắn Đồng Tâm là chăm rắn hổ bị người dân bắt đưa vào trại như thế này. Bởi ngay cả khi không bị thương, thời gian đầu chúng vẫn không chịu ăn và nhân viên trại nuôi phải đút cho rắn ăn từng con chuột, cóc… Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên về chuyện đút cho rắn ăn thì một nhân viên trại rắn đến kéo tay ông Lương qua một chuồng nhốt rắn hổ chúa khác, nói “bác qua xem thử, hình như con này đang viêm phế quản”. Tới nơi, ông Lương ra dấu im lặng rồi ngồi xuống, vểnh tai nghe những âm nặng “xì xì” phát ra từ miệng rắn. “Nó đang ho đấy”, ông Lương nói. Một lúc ông kết luận: “Đúng là viêm phế quản rồi” và chỉ đạo cho uống thuốc thế này, thế này. Ông Lương nói: “Cũng như người, rắn cũng bị các chứng bệnh phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản, bị ký sinh trùng, rối loạn tiêu hoá... và mỗi loại bệnh đều có một đặc điểm nhận biết, ví dụ viêm phổi thì nghe tiếng ho, rối loạn tiêu hoá thì nhìn và ngửi phân”.

Hiện Trại rắn Đồng Tâm có hơn 100 loài rắn độc, chủ yếu là hổ mang chúa và hổ mang đất. Việc nuôi dưỡng rất kỳ công, từ chăm sóc cho tới thức ăn, bởi rắn hổ chúa chỉ ăn rắn tạp (thường là các loại rắn lục, trong đó có rắn lục đuôi đỏ được nuôi sẵn trong trại). Thường một con rắn hổ chúa ăn 1,5kg rắn tạp/lần và mỗi tuần phải cho ăn hai lần. Trong khi rắn hổ mang đất lại không ăn rắn tạp mà ăn cóc, chuột. Tuy nhiên, cóc và chuột chỉ có nhiều vào mùa mưa nên trại rắn phải trữ lạnh để dành. Rồi rắn chỉ quen ăn đồ tươi, do đó nhân viên nuôi rắn phải tập cho rắn ăn những loại thức ăn rã đông.

Mỗi năm cứu khoảng 1.200 người bị rắn cắn

Ngày chúng tôi đến, Trại rắn Đồng Tâm vừa cho xuất viện một bệnh nhân quê ở Gia Lai, sống ở tỉnh Savannakhet (Lào). “Họ gọi cho tôi từ Lào qua đường dây nóng để nhờ tư vấn. Sau khi hỏi đặc điểm vết thương, hình thù con rắn, tôi khẳng định ngay đó là rắn chàm quạp cắn và hướng dẫn họ sơ cứu. Sau đó bệnh nhân được đưa về Gia Lai, rồi đi bằng máy bay từ Gia Lai đến Trại rắn Đồng Tâm trong tình trạng nguy kịch: Rối loạn đông máu, xuất huyết nội tạng, xuất huyết da… Bệnh nhân được điều trị bởi chính huyết thanh của rắn chàm quạp trong 8 ngày và đã qua khỏi” - ông Lương kể.

Gần đây, trung bình mỗi năm Trại rắn Đồng Tâm đón từ 1.000 - 1.200 ca cấp cứu do rắn cắn (trước đây trung bình mỗi năm khoảng 700 ca), chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương lân cận như Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh… “Bị rắn cắn, đưa vào đây mà còn sống thì chỉ có đi về, chưa có ai phải khiêng về” - ông Lương ví von về hiệu quả điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm, rồi giải thích số ca bị rắn cắn bây giờ tăng là do “ngày xưa ít người biết đến Trại rắn Đồng Tâm nên mỗi khi bị rắn cắn thường đưa đến thầy lang chứ không phải rắn bây giờ nhiều hơn như một số người lý giải”. Cũng theo ông Lương thì việc xác định chính xác rắn gì cắn rất quan trọng, bởi rắn nào cắn thì phải điều trị bởi chính huyết thanh lấy từ nọc độc của loài đó thì mới khỏi được. Ở Trại rắn Đồng Tâm, mỗi lần lấy nọc rắn chỉ thu được 1-2 giọt 
nọc/con và một năm mỗi con rắn chỉ cho khoảng mười mấy giọt. Ông Lương cho biết, chỉ cần 10gr nọc rắn có thể điều chế một lượng huyết thanh đủ phục vụ nhu cầu của cả nước trong một năm. Tuy nhiên, chỉ cần 1gr nọc rắn có thể giết chết 165 người với trọng lượng trung bình mỗi người 60kg.

“Nhưng cũng có trường hợp chúng tôi cứu sống người đã tắt thở sau khi bị rắn cắn” - ông Lương nói. Đó là ông Nguyễn Hữu Tài (58 tuổi), ngụ khu phố 2, phường Phú Tân, Bến Tre. Sau khi bị rắn hổ đất cắn, ông Tài được đưa đi cấp cứu, nhưng khi còn cách trại rắn khoảng 3km thì ông tắt thở. Hơn 10 phút sau ông mới được đưa đến Trại rắn Đồng Tâm và được cứu sống, xuất viện sau hơn ba tháng điều trị. “Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 14 âm lịch, ông Tài làm vài mâm cơm cúng ông bà và mời chúng tôi đến, nói cảm ơn chúng tôi đã sinh ra ông lần thứ hai” - ông Lương kể. Chúng tôi hỏi, điều trị cho người dân bị rắn cắn thì đã là chuyện thường ngày suốt gần 40 năm nay rồi, nhưng còn người nhà thì sao? “Làm sao tránh được tai nạn nghề nghiệp hả anh” - ông Nguyễn Hữu Viên - nhân viên nuôi rắn của trại - trả lời rồi rùng mình nhớ lại: “Cách đây 13 năm, khi đút thức ăn cho rắn, bất ngờ tôi bị trượt tay và răng con rắn hổ cắm phập vào ngón tay cái. Tôi thấy hoa mắt khi nghe tiếng răng nanh của rắn cạ vào xương tay của mình. Sau đó, tôi được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc, nhưng vẫn bị sốc thuốc mấy ngày liền và vết cắn để lại sẹo đến bây giờ”. Rồi một nhân viên trại rắn tên Hải khi lấy nọc rắn hổ bị sượt nanh rắn vào ngón tay, mặc dù có huyết thanh tại chỗ nhưng cũng bị hoại tử và mất hết nửa đốt ngón tay…

Trại rắn Đồng Tâm được thành lập từ năm 1977 với mục đích nuôi rắn lấy huyết thanh kháng nọc cứu người. Sau gần 40 năm, Trại rắn Đồng Tâm phát triển lớn mạnh và có tên chính thức là “Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9” với nhiều chức năng: Nuôi rắn sinh trưởng, sinh sản; sản xuất huyết thanh; cấp cứu và điều trị rắn cắn… Năm 2005, Bảo tàng rắn của Trại rắn Đồng Tâm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên và là nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam. Trại rắn Đồng Tâm còn là một địa chỉ du lịch lý thú, mỗi năm đón khoảng 150.000 lượt khách trong, ngoài nước…

Cần tư vấn khi bị rắn cắn, hãy gọi 0918652742

Đó là số đường dây nóng của trung tá - bác sĩ Vũ Ngọc Lương - Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm. “Qua số điện thoại này, nhiều năm nay, tôi đã tư vấn và chữa khỏi cho rất nhiều người bị rắn cắn ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến bệnh viện trên khắp mọi miền đất nước” - ông Lương nói.

Hoàng Văn Minh - Hữu Danh
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.