37 năm thờ chồng, nuôi con và bài thơ “Giá đừng có chiến tranh”

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN HUY MINH |

Chị Trần Thị Nga lên viếng mộ chồng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) và chia sẻ với bạn bè của mình trên Facebook: “Anh à, hôm nay là 37 năm ngày anh hy sinh và mãi mãi nằm lại nơi biên giới, bỏ lại vợ con và những người thân yêu. Anh có biết 37 năm qua con thơ khóc gọi tên anh, không lúc nào em và con không muốn có anh trong những lúc khó khăn hay vui buồn của cuộc sống, đau xót lắm, anh ơi”.

“Hôm nay qua làn khói hương em nguyện cầu mong anh được siêu thoát, phù hộ cho đất nước mình quốc thái dân an, phù hộ cho gia đình, cho vợ con anh được bình an... Anh à, 37 năm trôi qua biết bao nhiêu chuyện buồn vui, nay con cũng đã trưởng thành dù thiếu bàn tay anh nhưng con mình cũng là thành đạt, mẹ con em chỉ dám mong có vậy và đành lòng với số phận mà ông trời ban cho... Qua làn khói hương em cũng nói với anh như vậy. Giờ đã là âm dương cách biệt anh yên lòng anh nhé”, người phụ nữ góa chồng từ khi còn rất trẻ này viết.

1. Chị Nga hiện sống tại khu phố 2, thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Chị lấy chồng là Hà Hải Long, con cả một gia đình quê Triệu Sơn, Thanh Hóa cuối năm 1977, khi ấy anh Long 21 tuổi còn chị mới 20. Bố chồng chị sinh năm 1930, đi ở cho địa chủ, khổ quá, đập tan chum nước rồi trốn theo bộ đội, là thương binh chống Pháp, mẹ chồng là dân công hỏa tuyến. Sau khi học xong phổ thông anh Long được đi Đức học ngành xây dựng 3 năm, năm 1976 anh về Việt Trì làm phiên dịch tại nhà máy Giấy Bãi Bằng. Chị kể, anh Long cao 1m72, sáng sủa, nhanh nhẹn lắm. Đám cưới chẳng có gì nhiều nhặn ngoài buồng cau non, một ít chè tươi và yến gạo nếp non gặt vội. Sau khi lập gia đình, anh chuyển về làm giáo viên trường Công nhân Xây dựng Vĩnh Phú. Có lần anh tâm sự với vợ: “Mình là giáo viên mà trẻ quá, trong khi học sinh toàn là Đảng viên, bộ đội xuất ngũ nên đứng lớp mà không dạy được”. Anh Long trốn vợ đi khám sức khỏe rồi nhập ngũ năm 1978, huấn luyện ở Đền Hùng. Chị Nga khi ấy đang có thai nên khóc ghê lắm, nhưng anh vẫn cứ đi, bố chồng thì chỉ bảo “không xanh cỏ thì cũng đỏ ngực”, còn chồng thì bảo “có con trai thì đặt trên là Trung Hiếu, giữ lấy quần áo của anh để lớn lên cho nó mặc”. Chị cùng đứa con trong bụng tiễn anh lên đường vào mùa hè năm 1978. Chị nhớ rằng ngày ấy anh ở đại đội 8, tiểu đoàn 5, trung đoàn 194, sư đoàn 411 thuộc Quân khu 2. Cũng trong năm 1978, chị sinh con trai đầu lòng và đặt tên con theo lời chồng dặn. Anh Long đi ôtô qua nhà, quẳng xuống cho mẹ chị một bọc quần và chào “con đi Campuchia đây”.

Bức thư duy nhất của chồng chị Nga nhận được đến nay đã nhòe mực và chị cũng đã thuộc lòng: “Phong Liên, ngày 28.3.1978. Mẹ kính mến! Nga nhớ thương! Dũng, Hiếu yêu nhớ. Hôm nay đã là ngày thứ 7 con xa nhà, anh xa các em, bố xa Trung Hiếu cũng là ngày chuẩn bị ngày mai đi chiến đấu cho nên anh mượn bút thay lời gửi thư về cho em biết, để em đừng mong nhiều. Đầu thư con kính chúc mẹ luôn luôn mạnh khoẻ, luôn giữ gìn con mừng. Nga em cố chăm con cho Hiếu chóng lớn khoẻ mạnh, Dũng học hành tốt. Kể từ hôm anh ra đi tới nay, hôm 23 anh về Tam Dương cùng Thuần lấy quân rất gấp nên không về được. Sáng 24.3.1978 anh đã phải ra tàu đi rồi cho nên nhiều phần cũng khá gấp rút. Hôm nay, tới đây anh và anh em được nghỉ 3 hôm, tới hôm nay nhận được lệnh đi chiến đấu anh tranh thủ biên thư về thăm gia đình để gia đình đừng mong anh nhiều lắm. Nga em! Còn về phần em, cố chăm con cho Hiếu chóng lớn, đó là điều anh mong muốn cuối cùng bởi vì đó là những giọt máu mà anh đã gửi gắm vào đó một niềm tin yêu cuối cùng. Chiến tranh biết được khi nào về mà hẹn. Nếu gia đình trong Thanh Hoá có hỏi em cứ nói vậy, thông cảm cho anh. Còn về phần em, nếu 3 năm em đợi chờ không thấy anh về, đó là điều tuỳ em chọn một con đường em đi cho đúng. Đó là quyết định của em. Thôi anh tạm dừng, cầu mong em mọi sự bình an, vạn sự như ý”.

2. Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 xảy ra, đơn vị của anh Long được điều lên phía Bắc. Anh hy sinh ngày 3.3.1979, chỉ 2 ngày trước khi Việt Nam ra lệnh Tổng động viên toàn quốc còn phía Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân. Lá thư trên mãi đến 19.3.1979 chị mới nhận được nên cứ nghi là anh bị bắt hoặc bị thương, thôi thì cụt chân cụt tay nhưng còn người thì vẫn được, nên đi tìm mãi mà ngày trao trả tù binh hai bên vẫn không thấy. Đến ngày 1.6.1979, gia đình nhận được thư của Chính ủy Trung đoàn 194 thông báo chồng chị đã hi sinh vẻ vang ngày 3.3.1979 tại mặt trận Km6 Phố Lu, Hoàng Liên Sơn.

Dạo ấy, đêm bế con thơ, ngày chị đi làm may, bật bông cho hợp tác xã, rồi học thêm để làm kế toán. Hết thời bao cấp, chị ở nhà chăm mẹ đẻ và con trai, sinh sống bằng nghề bán hoa quả tại chợ thị trấn. Bố chồng từ quê lặn lội ra thăm, ông xách theo cái điếu cày và đùm khoai lang phơi khô, chị nhìn thương quá nên dặn “thôi bố đừng ra nữa, để con nuôi cháu, khi nào trưởng thành con đưa cháu về thăm”.

 

Liệt sĩ Hà Hải Long và vợ - chị Trần Thị Nga, hồi mới cưới. Ảnh nhỏ: Anh Long về thăm con trai mới đẻ sau đợt luyện quân ở Đền Hùng. Sau bức ảnh này có dòng chữ của chị Nga: “Anh yêu ơi! Buồn đến bao giờ cho hết, bóng dáng anh đây mà người ở phương nào” đề ngày 6.2.1979, một tháng trước khi chồng hi sinh.

3. Tâm sự của một người bạn Lính Biển Việt Nam trên facebook gửi chị Nga ngày 2.3.2016 vừa qua, có nội dung: “Chị Nga ơi! Mai là tròn 37 năm ngày anh hy sinh. Biết tin sớm nay chị lên Lào Cai thăm mộ anh, chúng em chỉ biết tâm thành mong anh ngàn thu yên nghỉ. Chị giúp chúng em thắp nén tâm hương tưởng nhớ anh và các liệt sĩ chị nhé. Em linh cảm thấy rằng, bên mộ anh, lúc này đây, chị có một ước mơ cho mẹ con chị và cho mọi gia đình Việt Nam “GIÁ ĐỪNG CÓ CHIẾN TRANH”: “Giá đừng có chiến tranh / Anh còn đây nghe chị hát / Làn dân ca quan họ Bắc Ninh / Ngọt mát ân tình / Giá đừng có chiến tranh / Ngực anh không vỡ nát / Máu anh chẳng loang nhanh / Đỏ đất rừng biên giới/ Giá đừng có chiến tranh / Mắt chị đâu nhoè khói / Gối quỳ bên mộ anh / Trong quặn thắt lặng thinh / Giá đừng có chiến tranh / Nhà chẳng vắng tanh / Ngày giỗ anh / Chị lụi cụi một mình / Giá đừng có chiến tranh...”.

4. Trung Hiếu lớn dần lên, học giỏi, sau khi đỗ trường ĐH Dân lập Đông Đô, khoa tiếng Nhật, năm 1995, hai mẹ con đi tầu về quê thăm ông bà nội. Tầu chợ đông ngột ngạt, xuống ga đi bộ về bến xe liên tỉnh, hai mẹ con về đến Triệu Sơn lúc trời còn tờ mờ sáng. Ông bà nhìn một lúc mới nhận ra cháu nội, ôm lấy khóc. Ông nội Trung Hiếu mất 1 năm sau đó, bà nội mất năm 2009, bà ngoại mất năm 2010. Trung Hiếu học hành chăm chỉ, 2 mẹ con được về lăng Bác báo công năm 1999, tốt nghiệp đại học loại giỏi năm 2000, được đăng báo Tuổi trẻ Thủ đô. Chị Nga kể, Trung Hiếu cao kém bố một chút, không nhanh nhẹn như bố mà cứ buồn buồn, nhưng rất thương mẹ. Sau khi tốt nghiệp ít năm, cậu sang Nhật làm việc và gửi tiền về nuôi mẹ chứ không để mẹ bán hàng vất vả nữa. “Căn nhà này xây được cũng là do tiền của Trung Hiếu gửi về cho chị. Hàng xóm quanh đây cứ bảo bọn trẻ con phải học tập gương anh Hiếu” - chị Nga nói.

Hồi bố chồng còn sống, có lần ông nói với dâu trưởng, con đi bước nữa thì tùy, bố mẹ không có ngăn cản, “nhưng đời nào chị chịu” - chị Nga kể. Sau ngày ấy và đến tận bây giờ vẫn có người ngỏ lời với chị, nhưng thôi, chị không nghĩ về điều đó nữa. Ông trời muốn vậy rồi, sắp xếp cả rồi, anh nhà chị cũng vậy, cũng đâu có muốn bỏ vợ bỏ con để đi nằm lại nơi biên giới xa xôi. “Nhìn xung quanh thì nhiều người còn khổ hơn mình gấp vạn lần, những nhà bị chất độc da cam kia kìa. Mình có anh ấy là vẻ vang quá rồi, Trung Hiếu lại cũng giỏi giang, thương mẹ” - chị Nga nói. “Nỗi đau ngày ấy, giống như hai tay mình bưng một bát nước sôi vậy. Nhưng cái buồn, cái tủi rồi cũng theo thời gian mà nguội dần đi” - chị Nga kể với tôi, bất giác đưa tay lau đi giọt lệ như sương vừa mới rớm.

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN HUY MINH
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.