KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947 - 27.7.2016)

30 năm trở lại chiến trường tìm đồng đội

GHI CHÉP CỦA GIANG HẢI |

2.113 bộ hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy khắp “tam giác sắt” Củ Chi - Bến Cát - Trảng Bàng ác liệt năm xưa. Trong rất nhiều nấm mồ khai quật, những lọ penicilin được tìm thấy, bên trong nguyên vẹn mảnh giấy ghi chép thông tin liệt sĩ. Nhờ đó, hàng trăm liệt sĩ đã trở về với gia đình.
Những thống kê trên đây chỉ là từ nỗ lực tìm kiếm của một người: Bác sĩ Trần Văn Bản - người lính đã lăn lộn suốt 7 năm ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Ông là người đã nghĩ ra cách lưu thông tin bằng những chiếc lọ penicilin. Sau giải phóng, ông cất công trở lại chiến trường để tìm lại những chiếc lọ thủy tinh kia, như một cách để xóa đi nỗi ám ảnh về sự ngã xuống của đồng đội. 

 

Lời hứa trở về

Lần đầu tiên tôi gặp bác sĩ Trần Văn Bản là trong ngôi nhà nhỏ xanh rợp bóng cây của ông giữa vùng đất thép Củ Chi. Ông vừa trở về từ một chuyến đi tìm đồng đội. Chuyến đi dài 2 ngày, không có kết quả. Những lần phải trở về tay không như thế vẫn thường xảy ra. Ông Bản ôm một chồng dầy những cuốn sổ, kẻ vẽ chi tiết sơ đồ chuyến đi vừa thực hiện.

“Những cuốn sổ này là tài sản lớn nhất với tôi. Tôi chép lại những gì mắt thấy tai nghe, đánh dấu tỉ mỉ những manh mối từ những chuyến đi tìm liệt sĩ. Những cuốn sổ này liệt kê về những đồng đội cần tìm kiếm. Còn đây là những cuốn nhật ký mang đồng đội về với gia đình” - bác sĩ Bản giới thiệu.

Cuốn nhật ký đính rất nhiều những bức ảnh lưu lại về những cuộc trao nhận hài cốt liệt sĩ. Những bức ảnh có khi đã nhòe mờ nhưng còn hằn nguyên sự xúc động trên khuôn mặt những người được chụp. “Chính xác là tới ngày hôm nay, khi ngồi với anh ở đây, tôi và đồng đội đã mang được 314 liệt sĩ trở về nhà. Trong đó, trực tiếp tôi mang 114 người”. “Điều gì đọng lại trong ông sau mỗi chuyến đi?” - tôi hỏi. “Tôi cảm thấy thanh thản được một phần. Không gì có thể đong đếm được niềm vui đoàn viên thời hậu chiến. Và có cả phép màu nữa”.

Rồi ông kể mỗi chuyến đi, như tất cả đang bày ra trước mặt. Trong đó, đáng nhớ nhất là quãng năm 1995, khi mang hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Đông về Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Lê Thị Mảy, mẹ liệt sĩ Đông, khi đó đã nằm liệt giường 6 ngày đêm, bỗng ngồi dựng dậy ôm con vào lòng. Cụ Mảy ngồi trước bậu cửa, cứ như thế hai giờ đồng hồ, như một bức tượng. Rất nhiều những cuộc đoàn viên khác thì ngập trong nước mắt. Mọi người chỉ biết ôm nhau, và khóc…

Không dễ gì để có được những cuộc đoàn viên như thế. Ông Bản đã bỏ tiền túi ra để thực hiện hàng trăm chuyến đi về các miền quê, tìm tung tích thân nhân liệt sĩ. Có những chuyến đi dài vài năm trời. Điều gì đã thôi thúc ông làm công việc này? “Đó là từ một lời hứa trong chiến tranh”.

Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì một tiếng nấc, rồi ông tiếp: “Tôi lên đường nhập ngũ ngày 25.3.1968 với hai người bạn thân là Nguyễn Bá Hòa và Nguyễn Văn Kiên. Ba chúng tôi cùng đi B tháng 11 năm 1967, vào tới miền Nam tháng 4 năm 1968 cùng ở Trung đoàn 268, phân khu 1, Sài Gòn - Gia Định, lại cùng một tổ với nhau. Bom đạn những năm tháng đó ác liệt lắm. Ba chúng tôi nói với nhau rằng, nếu ai còn sống thì cố gắng mang những người nằm xuống trở về quê hương. Đó là một lời hứa. Tôi là người duy nhất sống sót. Và tôi không quên lời hứa với bạn tôi”.

Liệt sĩ Nguyễn Bá Hòa hy sinh năm 1969 tại Củ Chi. Ngày 14.6.1993, bác sĩ Bản đã tìm thấy chính xác nơi mà hơn 20 năm trước chôn cất bạn mình, sau 9 lần, trong 4 năm trở đi trở lại tìm kiếm. Liệt sĩ Nguyễn Văn Kiên hy sinh tháng 6.1969 tại Trảng Bàng, được chính ông Bản mai táng.

Năm 1995, hài cốt liệt sĩ Kiên đã được tìm thấy, sau 5 lần ông Bản tìm kiếm ở chiến trường. Cho đến bây giờ, nhắc tới sự trở về kỳ diệu đó, những giọt nước mắt vẫn chảy dài trên khuôn mặt người thân của hai liệt sĩ Nguyễn Bá Hòa và Nguyễn Văn Kiên.

Niềm vui trở về, đó còn là trải nghiệm của chính ông Bản. Tháng 6.1968, trong một trận giáp lá cà, ông được giao nhiệm vụ ôm bộc phá để đánh đồn Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Bộc phá nổ, ông bị hất văng xa hàng chục mét. Giấy báo tử đã được gửi về tận xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng 2 tháng sau đó. Và 8 năm sau, hòa bình lập lại, lần đầu tiên ông trở về quê hương. Sự trở về của một “liệt sĩ” đã khiến cho mọi cảm xúc vỡ òa. Đến nỗi, cụ Nguyễn Thị Lảng, mẹ ông Bản đã không dám tin điều này là sự thật.

Đêm hôm đó, cụ Lảng 3 lần chong đèn soi mặt con rồi lại cứ xì xụp thắp nhang cầu khấn tổ tiên. “Tôi thức dậy, đến bên bà cụ, bảo rằng: Mẹ ơi, con - Trần Văn Bản thật trở về với mẹ đây. Cứ thế hai mẹ con ôm nhau khóc. Rồi liên tiếp những ngày sau đó, rất nhiều bà mẹ đã nhận giấy báo tử con mình cứ ống thấp ống cao tới hỏi tôi rằng: “Con của mẹ đâu rồi?”. “Sự thao thức của những bà mẹ càng thôi thúc tôi phải trở lại chiến trường” - ông Bản kể.

Hành trình hơn 300.000 cây số

Bị ám ảnh bởi sự mong ngóng của những người mẹ, tháng 12.1978, ông Bản bắt đầu trở lại chiến trường bằng một chiếc xe đạp hiệu Chiến Thắng. Mất hơn 5 giờ đồng hồ, ông đã tìm lại được rừng Bưng Còng, trước là căn cứ quân y C1, tỉnh Sông Bé. Ngay trong lần đó, ông đã xác định được nấm mồ chôn tập thể, nơi mà chỉ 2 tháng sau, 32 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy. Những chuyến đi tiếp diễn, sau này phương tiện đã được nâng cấp lên xe máy. Cứ thứ bảy, chủ nhật, khi công việc ở phòng y tế huyện Tân Bình khép lại là ông Bản lên đường.

Ròng rã thế mà đã hơn 30 năm, hơn 2.100 bộ hài cốt được quy tập. Cùng với đó là những kỷ vật chiến tranh - những thứ được ông nâng niu, gìn giữ trong nhà như một cách để tưởng nhớ về đồng đội. Sau này, hơn 200 bộ kỷ vật đã được trao tặng cho các bảo tàng TP. Hải Phòng, Quân khu 4 và nhà truyền thống quân dân y khu Sài Gòn - Gia Định…

“Cứ tính trung bình 10 năm tôi phải di chuyển khoảng hơn 100.000 cây số. Tần suất đều đặn thế, cộng vào, bây giờ là hơn 300.000 cây số rồi. Nhưng sự xa xôi không phải là khó khăn lớn nhất. Khó khăn lớn nhất là bom mìn”, ông Bản khẳng định.

Cái mà ông Bản muốn nói tới, không phải là sự nguy hiểm, dù rằng không hiếm khi, đoàn tìm kiếm đã cuốc phải mìn. Mà đó là sự khốc liệt của chiến tranh - bom mìn đã san bằng tất cả. “Mọi thứ thay đổi, nghĩa là khả năng tìm thấy đồng đội, sẽ khó khăn hơn”, ông Bản nói.

Vậy làm sao mà ông vượt qua được sự khốc liệt của bom mìn? Đó là nhờ vào những tấm bản đồ ở trong trí nhớ. Năm 1968, ông Bản bị thương trong trận Phú Hòa Đông. Sau khi điều trị, ông chuyển sang y vụ của Ban Quân y Quân khu Sài Gòn - Gia Định rồi về đơn vị phục vụ chiến đấu ở Quân y C5. Ở vị trí của mình, hằng tháng ông đều phải đi tất cả các quân y để nắm quân số. Nhờ đó, ông nắm được chi tiết sơ đồ an táng và đã vẽ lại. Những tấm bản đồ được cất giữ trong một thùng đại liên, như một vật bất ly thân với ông Bản, sau này đã bị thất lạc trong trận An Phú. “Nhờ ý thức vẽ lại sơ đồ mà mình rất chú ý tới những dấu mốc, phương hướng xung quanh. Do đó, những lần trở lại chiến trường thì vị trí an táng dần hiện rõ lại. Đồng đội tôi đã được tìm lại như thế”.

Việc tìm nhân thân, để trao trả liệt sĩ về với gia đình sau đó không phải bằng phương pháp ngoại cảm. Mà là nhờ một cách thức ông đã nghĩ ra trong những ngày ngoài mặt trận. Đó là những chiếc lọ penicillin. Ông Bản còn nhớ nguyên vẹn điều này: “Ngay khi chuyển sang bộ phận quân y, chứng kiến bao nhiêu người nằm xuống, tôi cứ trăn trở mãi, rằng chiến tranh kết thúc rồi thì làm sao mà đưa họ trở về quê hương? Tôi tự vấn, mình làm được gì? Và tôi nghĩ tới những ngày ngồi học ở quê, tập vở mà bị vết dầu loang ra thì chữ nó không phai. Thế là tôi thử nghiệm, bằng cách phết mỡ bò lên giấy và phơi nắng, phơi sương. Đúng thật là chữ còn nguyên vẹn. Rồi sẵn trong quân y có lọ penicillin. Thế là tôi áp dụng liền, bỏ vào miệng liệt sĩ mỗi khi an táng”.

Đầu tiên, cũng có nhiều người phản đối cách làm của ông Bản. Nhưng nghe mong muốn đoàn viên của ông khi chiến tranh kết thúc, dù chưa ai tưởng tượng được là bao giờ, cách làm đã được nhân rộng ra khắp Ban Quân y Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Trở lại cuộc quy tập 32 bộ hài cốt liệt sĩ tại rừng Bưng Còng năm 1968, 22 lọ penicillin đã được tìm thấy. Trong những chiếc lọ thủy tinh nhỏ này, những mảnh giấy thông tin đều do ông Bản tự tay viết. Ông đã ôm chúng vào lòng mà khóc. “Các anh ơi, tôi đã trở lại để tìm thấy các anh đây rồi. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói lúc đó” - ông Bản kể.

Trăn trở với đồng đội

Ông Bản nay đã rời xa ngôi nhà giữa xanh ngợp vườn cây trên vùng đất thép. Bóng dáng tuổi tác cũng rõ ràng hơn trên khuôn mặt ông. Nhưng chưa bao giờ ông thôi những trăn trở về đồng đội trong câu chuyện của mình. Ngôi nhà nhỏ ở quận Tân Phú bây giờ, nguyên một tầng 4 được ông dành làm nơi thờ đồng đội. Đó là không gian riêng của những ký ức. Tập sổ ghi chép vẫn cứ dầy lên. Danh sách đồng đội còn nằm lại đâu đó ngoài chiến trường vẫn cứ dài thêm. Những chuyến đi của ông Bản dường như vẫn chưa dừng lại?

“Phải tiếp tục chứ. Còn sức khỏe là tôi vẫn sẽ đi. Đi một lần không được thì đi lần hai, lần ba. Tôi phải đi tới khi nào tìm thấy đồng đội. Các anh còn đang chờ tôi”. Ông Bản khẳng định chắc nịch thế. Nhưng tuổi tác đâu có chừa ai? Chưa kể ông lại đang phải đối mặt với bạo bệnh! Dường như ông đã có sự chuẩn bị cho điều này. Trong những ngày công tác tại Hội Chữ thập Đỏ quận Tân Bình, ông đã đưa những người trẻ trong đội thanh niên xung kích đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đã có rất nhiều những bài văn xúc động được viết ra sau những chuyến “học tập” lịch sử ngoài thực địa đó. Nhưng hơn hết là ý thức về trách nhiệm với những người đã ngã xuống. Ông Bản lúc nào cũng cứ day dứt một điều: “Không thể quên các anh”. Và ông tin, thế hệ trẻ sẽ không quên!

GHI CHÉP CỦA GIANG HẢI
TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.