“Hiệp sĩ” không biết báo cáo thành tích

HOÀNG VĂN MINH |

Đang lang thang ngoài Huế, nhận tin ông Nguyễn Nhiên - nguyên Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế UBND TP.Huế (tiền thân là Ban Đối ngoại, Phòng Đối ngoại thành phố) - được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương “Cành cọ Hàn lâm” cấp độ Hiệp sĩ. Nhắn tin hỏi “phải báo cáo thành tích dày mấy trang, nặng mấy ký?”. Ông cười, “mình có làm bao giờ mô mà biết nặng với dày…”.

“Khai canh” ngoại giao nhân dân

Nhớ dạo cách đây hơn 15 năm, chiều mưa tầm tã, một người đàn ông trung niên nom phúc hậu đến gõ cửa Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại Huế. Ông tự giới thiệu mình là Nguyễn Nhiên - Trưởng ban Đối ngoại UBND thành phố Huế, bảo “tui có đề tài về những sinh viên tình nguyện của Pháp cứ đến hè là sang Huế giúp người nghèo xây nhà, cho vay vốn làm ăn… theo kiểu ngoại giao nhân dân hay lắm, bạn nên tìm hiểu để viết”. Rồi ông kể say sưa, hay và lớp lang, đầy đủ đến mức sau đó đi gặp nhân vật, chụp thêm mấy bức ảnh là tôi có luôn phóng sự “Những người Pháp không chỉ nhìn Việt Nam” đăng trên Lao Động.

Rồi chuyện cũng bẵng đi cho tới ngày hay tin ông Nguyễn Nhiên (nay đã nghỉ hưu) được Chính phủ Pháp tặng Huân chương “Cành cọ Hàn lâm” cao quý. Huế trước ông có “Mệ” Bửu Ý vì những đóng góp trong lĩnh vực ngôn ngữ, dịch thuật và văn hóa; riêng ông Nguyễn Văn Mễ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế - được trao tặng Huân chương Quốc công vì những đóng góp trong việc xây dựng mối quan hệ bang giao giữa Huế - Pháp, và người thứ ba là ông Nguyễn Nhiên vì những đóng góp trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường các quan hệ mọi mặt giữa Huế và các đối tác Pháp, bắt đầu là chuyện những mùa hè thiện nguyện của sinh viên Pháp.

“Công đầu và bắt đầu là từ gợi ý của ông Lê Huy Cận - Chủ tịch Hội Người yêu Huế tại Pháp” - ông Nguyễn Nhiên nhớ lại - “Tui nhớ khoảng năm 1996, lúc đó tui đang làm Chánh Văn phòng UBND thành phố Huế. Có lần ông Cận về thăm Huế và nói với tui có một số đông thanh niên và sinh viên Pháp họ muốn tình nguyện đi qua các nước Đông Dương để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là vùng Đông Dương và nhờ tôi kết nối”. Ông bảo thời điểm đó, để cho một “ông tây” xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng là cả một vấn đề. “Ngay cả tui, lúc đó là Chánh Văn phòng UBND thành phố, mà muốn tiếp xúc với Việt kiều như ông Cận thôi thì đã có 2 chú công an ngồi kèm để theo dõi mình nói chi. Chưa hết, sau đó tui còn phải về báo cáo lại với sếp chi tiết cuộc gặp”. 

Tuy nhiên, do nghe ông Cận bàn, thấy hợp lý và cần thiết nên ông về bàn với ông Nguyễn Văn Mễ, lúc đó là chủ tịch thành phố và ông Mễ ủng hộ. “Nhóm đầu tiên qua Huế tôi nhớ khoảng 20 người. Họ tự góp tiền rồi mang sang giúp dân mình về xây trường, xây nhà, làm nhà vệ sinh… và chỉ nhờ mình kết nối, lo cho họ chỗ ăn ở cho họ giá rẻ. Sau này chuyển qua xây trường, cấp học bổng cho học sinh, cho người nghèo vay vốn quay vòng… Thời gian đầu chỉ là sinh viên của Trường Đại học Thương mại và Đại học Y khoa Paris, sau này mới mở rộng ra các thành phố khác”.

“Không dám mơ qua Pháp”

Mà nào đâu chỉ có người Pháp qua Huế. Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Nhiên đã kết nối, xin học bổng du học dài hạn cho hàng chục bác sĩ, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực môi trường đô thị của thành phố. Rất nhiều người Huế, nhiều người trong số đó có nằm mơ cũng không nghĩ ra rằng một ngày đẹp trời họ sẽ đặt chân lên đất Pháp, vậy mà họ đã biết đến nước Pháp, theo nghĩa đã đến, đã trải nghiệm… nhờ ông Nguyễn Nhiên kết nối và tạo cơ chế.

“Cơ chế do mình tạo ra” - ông nói vậy và đã vận dụng tài tình cái “cơ chế” đó ngay từ những ngày đầu ra đời của Ban Đối ngoại thành phố Huế mà ông “khai canh”. Họ đủ mọi thành phần, từ cô nhân viên khách sạn, cậu sinh viên đại học, ông nghệ sĩ đánh đàn trong dàn nhạc Phật giáo, ông già chơi diều, ông họa sĩ, ông giáo về hưu, ông doanh nghiệp... Rất nhiều người trong đó một chữ tiếng Pháp chẻ đôi không biết, và họ trở về với một tình yêu những giá trị Pháp bao la và sự hàm ơn đối với ông Nguyễn Nhiên là vô bờ bến. Còn nhớ rất lâu sau chuyến đi Pháp đầu tiên trở về, ông Nguyễn Văn Bê - nghệ nhân diều Huế - gặp người viết bài này và chuyện thời sự nói mãi không dứt vẫn là “có nằm mơ tui vẫn không dám mơ một ngày tui được qua Pháp, rứa mà anh Nhiên đã biến chuyện không dám mơ của tui thành sự thật…”.

Dân đi được thì lãnh đạo cũng đi được. Đi để khám phá, học hỏi và để hiểu bạn, hiểu thêm về công tác đối ngoại, để cuối cùng là chia sẻ và phối hợp trong công việc. “Thời đó, ngoài chính quyền là đương nhiên, tui còn mời lãnh đạo bên Đảng, công an, quân đội… đi theo để họ mở mang kiến thức, tầm nhìn, để họ hiểu nước ngoài người ta đang sinh sống, sinh hoạt, ứng xử, văn minh đô thị của họ… như thế nào? Bây giờ thì dễ rồi, nhưng hồi đó, những đối tượng đó được đi nước ngoài theo lời mời là cả một sự kiện lớn. Cho đến những năm 2000, đi nước ngoài cũng là chuyện rất khó khăn”. Ông Nguyễn Nhiên bảo “đưa người Việt sang Pháp giao lưu, học tập là cả một nghệ thuật, bởi mình phải đi xin người ta từ vé máy bay, ăn ở… Thường mỗi đoàn vài người, cá biệt mười mấy hai chục người, đi cả tháng, riêng vé máy bay thôi cũng đã mất 2.000 USD cho mỗi người đi về và phía Pháp họ lo hết”.

Chưa bao giờ báo cáo thành tích

Ông Nguyễn Sinh Viện - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế thành phố Huế - nhận xét rằng “không phải ngẫu nhiên trên bản đồ gắn kết các giá trị Pháp và Pháp ngữ ở Việt Nam, Huế nghiễm nhiên được chấm một chấm trang trọng đàng hoàng. Và bóng dáng ông Nguyễn Nhiên đóng góp vào đó không ít, dù không ồn ào, bắt đầu từ những năm tháng chúng tôi khó khăn đến mức phải chở tây đi xe đạp, ăn uống phải bỏ tiền túi ra mời họ… Nhưng ai cũng thấy vui, thấy hạnh phúc”. 

Xác minh từ ông Nhiên, ông thề “đúng là chúng tôi làm không có đồng nào (ngoài việc làm dịch vụ như dịch thuật). Còn lại đúng nghĩa ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thắc mắc bởi làm việc mà “không có đồng nào” thì cuối cùng làm vì cái gì? Ông cười: “Vì mục đích cho đất nước mình, địa phương mình, dân mình phát triển, thoát nghèo nên cứ lăn ra làm, không suy tính thiệt hơn”.

Lại băn khoăn ngược về, rằng “lúc đó muốn quê hương thoát nghèo, sao không chọn việc gì đó dễ hơn chuyện ngoại giao nhân dân với đủ thứ khó khăn, phiền hà?”, ông lại cười: “Thật tình tui không giải thích được. Thời điểm đó tui thấy cần phải giao lưu, cần phải mở cửa, thấy không nên thù địch nhau nữa… và quan điểm của tôi được lãnh đạo ủng hộ. Thời điểm đó chúng tôi phải mày mò, chẳng có kỹ năng, cũng chẳng có “đường lối” chi cả, sau này có kinh nghiệm rồi sáng tạo, rồi đi mãi thành đường như bây giờ…”. Nghe giật mình, nhưng rồi lại thấy cũng không ngạc nhiên lắm khi biết ông Nguyễn Nhiên từng tham gia phong trào sinh viên tranh đấu, lớn lên trong gia đình Phật tử, tham gia hướng đạo sinh và các hoạt động xã hội thời sinh viên… Bởi sống sự dấn thân, sự cho đi không vụ lợi là lý tưởng sống của cả một thế hệ người Huế nay đã thành của hiếm…

Chỉ thấy lạ là làm thì thế, nhưng ông bảo nếu bắt kê khai thành tích để có được vinh danh “Cành cọ Hàn lâm” thì “cả đời tui cũng không làm”. Ông kể “người Pháp họ tự làm hết, sau đó mình chỉ có việc trả lời có hoặc không chứ không phải làm báo cáo thành tích như Việt Nam mình”.

“Cành cọ Hàn lâm” được lập dưới tên Napoleon 1 năm 1808, là một danh hiệu danh dự, để tôn vinh các thành viên của đại học (sau đó bao gồm các trường trung học). Các quy định trao tặng danh hiệu này đã được mở rộng vào năm 1866 cho người không phải giáo viên đã hoàn thành công tác giảng dạy, danh hiệu này vì vậy trở thành hình thức trang trí. Nghị định ngày 4.10.1955, có chữ ký của Tổng thống René Coty, lập “Cành cọ Hàn lâm” học thuật, với các cấp bậc Hiệp sĩ, Huân chương Quốc công và Commander. “Cành cọ Hàn lâm” có thể được cấp cho người nước ngoài và người Pháp ở nước ngoài đóng góp tích cực vào sự phát triển nền văn hóa Pháp trên thế giới. Người được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ phải có tuổi đời tối thiểu là ba mươi lăm tuổi.

 

HOÀNG VĂN MINH
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.