Cây nạng im lìm...

Lãng Quân |

Anh Hà Văn Đồng, SN 1958, một con người tàn tật, sinh hoạt cá nhân phải dựa vào ông bố ngoài 90 tuổi, vậy mà cây nạng sắt chống chọi với sự thiệt thòi thân phận của anh ít khi chịu nằm yên.

26 năm qua, anh vẫn chằn chuội ngồi dậy, khi trên giường dạy học, khi loay hoay treo mình trên đôi “chân sắt”, trăn trở dạy ngoại ngữ miễn phí cho bao thế hệ trẻ nhỏ tại xóm Pò Háng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hàng chục học sinh của thầy Đồng đã thi đỗ đại học, trở thành tiến sĩ, và giúp đời...

Thế rồi, tháng 6 năm 2017, từ miền biên viễn phía Bắc, huyền thoại về sự tử tế đã quỵ ngã, máu ộc ra đằng miệng. Cây nạng sắt im lìm và tiếng trẻ bi bô học bài cũng tắt ngấm trong căn nhà nhỏ đó. Thầy Đồng còn một dúm thịt xương tàn phế, phải thuê xe cấp cứu về thẳng Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, với hy vọng mong manh là có thể sống sót.

1. Cách đây 7 năm, tôi viết phóng sự “Trồng người trên cây nạng gỗ” (đã in trên Lao Động). Khi ấy, nhà thầy Đồng đã nghèo lắm, bây giờ còn nghèo hơn. Giữa cái nghèo kiệt cùng đó, thầy vẫn lết tấm thân tàn tật, chở con thuyền chữ nghĩa không công, thế mới là huyền thoại.

Bố già mẹ già ngoài 90 tuổi, đều là những lão thành cách mạng, phải nai lưng phục vụ mình và phục vụ hai người con tàn phế. Thầy Đồng bị liệt, bao năm nằm mòn vẹt một tấm phản, nửa thân mất cảm giác, đôi chân oặt ẹo giống như vô tri vô giác. Em trai thầy thì vướng vào mìn sót lại từ hồi chiến tranh biên giới, cũng tàn phế không kém. Hai chiếc lá vàng phục vụ một cặp lá xanh.

7 năm trôi qua, giờ quay lại, mẹ của thầy Đồng đã về với tổ tiên, ông bố già sắp bách niên bách tuế vẫn kiên cường ngồi nhìn đôi nạng sắt bóng loáng nằm bất động xó nhà và thở dài: Bao giờ thằng Đồng mới sống sót mà trở về nhà được đây. Xe cấp cứu đi 400 cây số về Hà Nội, vừa đi nó vừa thổ huyết đỏ lòm, tốn bao nhiêu là tiền, giờ không còn xu nào chữa bệnh. Nếu nó trở về mà có mệnh hệ nào, thì lũ trẻ biết học ngoại ngữ ở đâu, thì đôi nạng này chắc phải chôn theo nó thôi?

Ngoài kia, núi rừng biên tái xao xác gió. Căn phòng cũ ố im phăng phắc. Trên tường, Huy chương “Tuổi trẻ dũng cảm” dành cho chiến sĩ biên phòng Hà Văn Đồng vẫn được treo trang trọng.

Trước, sau khi học hết 10/10, gia nhập lực lượng biên phòng bảo vệ chính biên giới quê hương Cao Bằng của mình, anh lính trẻ Hà Văn Đồng được đưa về Hà Nội đào tạo công phu, nhiều năm học tiếng Trung làm phiên dịch cho đồn, đào tạo võ thuật đâu ra đấy. Nay, ở tuổi 59, anh Đồng đã có 39 năm tuổi Đảng.

Từ một chiến sĩ biên phòng oai dũng, bỗng dưng cơn gió độc ào đến. Liệt nửa người, đau thần kinh tọa, chân bên trái teo tóp oặt ẹo. Bán thân bất toại. Những kẻ mê lú thì bảo thầy bị ma làm, người ta tổ chức cúng kiếng, chữa trị đủ kiểu mà Hà Văn Đồng vẫn chỉ còn da bọc xương, không tự mình thực hiện các sinh hoạt cá nhân được. Anh hồi hương trong đau đớn. Vì nhiệm vụ bảo vệ biên thùy đang cấp bách, đồng đội xót xa lắm, chỉ biết ngậm ngùi treo ba lô của Hà Văn Đồng vào hông ngựa, thả anh lên yên cương, buộc lại. “Thầy trò” anh lính tàn phế thấp thểnh trở về quê nhà. Người gầy úa tuyệt vọng, ngựa đói câm lặng trệu trạo đi trên dốc dác đá răm.

Ông bố ngoài 90 tuổi luôn giúp người con trai tàn tật dạy học miễn phí cho trẻ nhỏ (ảnh trái). Ảnh: P.V

2. Nhìn bố mẹ già òa khóc trước sân, lại thấy cô gái bản từng thề non hẹn biển với mình lên xe hoa với người khác, Hà Văn Đồng từng nghĩ đến lối ra vĩnh quyết cho đời mình. Tự tử để kết thúc mọi đau khổ, giải tỏa tròng ách quá nặng trên vai bố mẹ già, để hai cụ dồn sức nuôi người em trai Hà Văn Tranh bị bom mìn sót lại từ hồi chiến tranh “tiện” cụt cả chân. Nằm đến bóng loáng, mòn lõm mấy tấm phản, ngẫm kỹ, mình buông tay ra để chết thì quá dễ, nhưng nếu làm thế thì nỗi đau của bố mẹ già còn lớn gấp nghìn lần sự cơm bưng nước rót phục vụ hai người con trai tàn phế hôm nay.

Trong tận cùng đau khổ, Hà Văn Đồng đã nghĩ ra một cách để lòng tốt và niềm vui lan tỏa. Cảm giác mình là phế nhân tự dưng biến mất. Dạy học. Niềm vui và sự thành đạt của con trẻ đã khiến anh như chuyển sang một kiếp sống khác.

Đó là buổi chiều của 26 mùa xuân cũ, năm 1991. Tần ngần lần giở kho sách tiếng Trung của mình, nhớ lại bao năm tu nghiệp để rồi làm phiên dịch, làm nhiệm vụ bảo vệ cương thổ quốc gia, anh Đồng thấy tiếc nuối. Các bồ chữ này, kho kiến thức này để làm gì? Sao không đem dạy cho các cháu nhỏ? Mình tàn phế thân xác, chứ trí não vẫn ngày càng “gừng già gừng lụi gừng cay” lắm. Xóm của mình cách cửa khẩu có một thôi đường, quan hệ Việt - Trung lúc này, hơn bao giờ hết, rất cần khả năng sử dụng tiếng Trung của các cháu. Lớp học miễn phí đầu tiên được mở ở đầu non chênh vênh xa ngái.

Lũ trẻ đến học ngày càng đông. Trao đổi với người Trung Quốc ở bên kia biên giới để tham khảo thêm tư liệu, nhờ người về tận Hà Nội mua sách và giáo trình dạy và học tiếng Trung, tự mày mò phương pháp sư phạm riêng cho mình, vốn là người sắc sảo ham đọc ham khám phá, anh giáo Hà Văn Đồng đã có được một lối dạy học lôi cuốn và hiệu quả nhất. Nhiều học sinh từ tỉnh khác, vượt mấy trăm cây số lên Sóc Hà “tầm sư học đạo”. Nhiều giáo viên trong khu vực đã tình nguyện tham gia với thầy Đồng, họ cũng gửi con em đến học. Hàng trăm học sinh đỗ vào các trường đại học danh tiếng, có em làm tiến sĩ chuyên ngành tiếng Trung và giữ nhiều cương vị “đích đáng” khiến thầy không khỏi tự hào.

Trong bao năm thầy Đồng treo mình trên hai cọc sắt để dạy học, chúng tôi từng vận động thầy đi chạy chữa nhưng thầy một mực từ chối. Vì “ngại làm phiền người khác”. Học trò cũ đã thành đạt về biếu chai dầu gió và mấy cành hoa thì thầy nhận, cứ bố mẹ các cháu mang tiền, trứng gà hay cá mú đến “lễ thầy” thì thầy bao giờ cũng nói “cảm ơn” rồi quầy quậy bắt mang về. Và, bây giờ, thầy Đồng quỵ ngã lần nữa...
Không có kinh phí cho ca phẫu thuật, người thầy huyền thoại chỉ còn biết trông chờ vào những tấm lòng tử tế.
3. Bệnh viện địa phương bó tay, xe cấp cứu chở thẳng về Hà Nội. Cơ thể thầy rã rục, “nấu cháo phổi” miễn phí bao năm, giờ bệnh nấm phổi hoành hành. Nằm co quắt trong đống chăn đệm và dây truyền kim tiêm loằng ngoằng ở Bạch Mai, thầy gầy hom hem, da bọc xương, hơi thở thều thào.

Vậy mà ông giáo huyền thoại vẫn mỉm cười tự tin: “Tôi gãy cánh đi nữa, thì bao nhiêu môn đệ của tôi đã vượt vũ môn hóa rồng rồi. Còn gì ân hận đâu, nhà báo nhỉ. Có đứa sang Thượng Hải của Trung Quốc công tác, có đứa làm cán bộ huyện cũng to tát lắm. Tôi làm người quân tử thì thắng không kiêu, bại không nản. Chỉ mong các cháu giữ được đạo quân tử “uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di”. Uy vũ hay đói nghèo hay giàu sang không làm mình tha hóa!”. Thầy tiếp: “Dạo này đang nghỉ hè, bọn trẻ đến học đông, 32 đứa nhỏ đang chờ tôi trở về, chứ có ít đâu!”. Thầy Đồng kiên cường và kiêu hãnh nằm chờ... phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến (Khoa Phổi, BV Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho thầy Đồng) cho biết: Bệnh nhân thổ huyết nhiều lần, bệnh nấm phổi quá nặng này phải mổ sớm. Chỉ một cơn ho tắc nghẽn, nhiều người đã tử vong.

Hà Văn Lương, đứa cháu ruột đang chăm thầy Đồng, mếu máo, “Bác tôi cả vùng ai cũng kính trọng, bác không thể chết dễ dàng thế. Dọc đường xe cấp cứu về Hà Nội, tôi chỉ sợ bác không qua khỏi vì ho ra quá nhiều máu. Tôi và bố mẹ đang đi vay lãi thêm để có tiền phẫu thuật. Vay khắp nơi được 20 triệu, tiền nhập viện và chi phí xe cấp cứu các thứ đã mất 13 triệu rồi. Ca đại phẫu này chưa biết tính làm sao, Bệnh viện cũng đã thông báo rõ: ngoài bảo hiểm thì vẫn phải tốn ít nhất vài chục triệu đồng nữa...”.

Nói xong, Lương ngồi khóc “chiều nay cháu về Cao Bằng, đi làm mấy hôm kiếm ít tiền rồi lại xuống”. Cậu bé làm nghề bốc vác thuê ở cửa khẩu...
Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Nở rộ nạn quảng cáo bán máy hỗ trợ đánh bạc dịp Tết Nguyên đán

An Trịnh |

Nhiều đối tượng đang lợi dụng mạng xã hội đua nhau quảng cáo, bán những thiết bị máy móc hỗ trợ đánh bạc kéo nhiều con bạc sập bẫy.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.