Thỏa thuận cho có - hậu quả khó lường!

Lê An Nhiên |

Để mọi việc êm xuôi, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) chấp nhận thỏa thuận, đáp ứng các yêu cầu, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến khi thực hiện lại cố tình làm sai hoặc làm ngược lại với thỏa thuận. Điều này đã làm cho tranh chấp giữa chủ DN và người lao động (NLĐ) càng căng thẳng.

Nhận lại làm việc nhưng cho đi nhổ cỏ

“Tại tòa án, người đại diện cho DN chấp nhận bồi thường vì đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với tôi, nhận tôi trở lại làm việc. Tuy nhiên, thay vì trả lại cho tôi công việc cũ, công ty cho tôi đi nhổ cỏ” – chị Thu S, làm việc tại Cty S.B (Hóc Môn, TPHCM) bức xúc.
Chị Thu S được Cty S.B tuyển dụng vào làm việc bằng HĐLĐ xác định thời hạn 3 năm với vị trí công nhân (CN) trực tiếp sản xuất. Đầu năm 2016, chồng chị bị tai nạn giao thông, nằm viện hơn 1 tuần nên chị xin nghỉ phép để chăm sóc chồng, đến khi chồng xuất viện, vì nhà đơn chiếc nên chị làm đơn xin không tăng ca để về nhà sớm lo cơm nước cho chồng. Thế nhưng công ty không chấp thuận và cho rằng, chị nghỉ nhiều ngày ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nên công ty chấm dứt HĐLĐ với chị S. Chị Thu S bức xúc: “Lúc đó chồng bị bệnh, không làm ra tiền, tôi vừa chăm chồng, đưa đón con đi học, lại là trụ cột của gia đình vì lúc đó nguồn thu của gia đình chỉ trông chờ vào tôi. Phải nghỉ phép, nghỉ không lương tôi cũng tiếc lắm nhưng tôi vẫn cố gắng, chồng khỏe là tôi đi làm lại bình thường ngay. Cty không những không thông cảm mà còn chấm dứt HĐLĐ với tôi”.
Quá ấm ức, chị Thu S kiện công ty ra tòa. Tại tòa, trước những lý lẽ và bằng chứng mà NLĐ đưa ra, đại diện công ty đã nhận sai, chấp nhận bồi thường. Theo quy định của Luật Lao động, vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật với chị Thu S nên công ty buộc phải nhận chị S trở lại làm việc. Thế nhưng, trái ngang xảy ra, thay vì cho chị làm CN sản xuất, công ty lại bố trí cho chị đi nhổ cỏ ở các khu tiểu cảnh trong công ty. Không chấp nhận, chị Thu S gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi đòi lại công việc như đã giao kết trong HĐLĐ.
Tương tự, mới đây chị Nguyễn Kiều Tiên (Bình Dương) đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng, đề nghị hỗ trợ để buộc công ty phải thực hiện thỏa thuận như đã cam kết tại tòa án. Chị Tiên, nguyên làm giám đốc nhân sự tại một công ty chuyên về sơn ở Bình Dương, vì phát hiện ra một giám đốc xưởng không trung thực trong bằng cấp nên chị bị trù dập, hậu quả là bị chấm dứt HĐLĐ. Chị Tiên khởi kiện ra tòa, tòa tuyên chị thắng kiện và buộc công ty nhận chị trở lại làm việc với vị trí công việc và mức lương như cũ. Tại tòa, công ty đồng ý thế nhưng khi thực hiện, công ty thông báo, hiện tại, vị trí giám đốc nhân sự đã có người phụ trách, công ty đang khuyết vị trí lễ tân, chị Tiên đồng ý thì làm, còn không thì ngồi đợi, chờ giám đốc nhân sự mới nghỉ việc rồi làm.
“Tôi không chấp nhận được cách hành xử của công ty. Nếu vị trí giám đốc nhân sự đã có người, công ty không muốn nhận tôi trở lại làm việc thì ngay tại tòa nên nói rõ và thỏa thuận bồi thường. Đằng này hành xử không giống ai, tôi sẽ khiếu nại để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình” – chị Tiên bức xúc.

Tăng ca là tự nguyện, nhưng muốn nghỉ phải làm đơn!

Pháp luật quy định, tăng ca là tự nguyện, NLĐ có quyền được từ chối tăng ca nếu sức khỏe, điều kiện không cho phép, giữa DN và NLĐ phải thỏa thuận với nhau. Thế nhưng, thực tế hiện nay, hiếm có DN nào cho NLĐ được quyền tự quyết có được tăng ca hay không.
Mới đây, một cuộc ngừng việc tập thể kéo dài 4 ngày liên tiếp của CN làm việc Cty P.C (TPHCM) để phản đối tăng ca. “Pháp luật quy định, một năm làm thêm không quá 200 giờ nhưng ở Cty này toàn tăng ca 1.000 giờ. Pháp luật quy định tăng ca là tự nguyện nhưng tất cả CN ở đây đều bị ép tăng ca” – chị Ngọc, làm việc 2 năm ở Cty, bức xúc. Theo đó, đỉnh điểm của sự việc, khiến CN ngừng việc phản đối tăng ca là do một nữ công nhân ở chuyền may ngất xỉu, xin về sớm nhưng chuyền trưởng không cho và yêu cầu nữ CN phải lên phòng nhân sự xin giấy xác nhận không tăng ca mới được rời khỏi xưởng.
“Vì quá mệt, em ấy phải nhờ bạn dìu lên phòng nhân sự nhưng phòng nhân sự vẫn không cho về, yêu cầu xuống phòng y tế nghỉ ngơi. Lý do đưa ra là người này xin về được thì người khác cũng xin về cho nên không ai được về hết vì công ty đang tăng ca. Trước lý lẽ của phòng nhân sự, anh chị em CN đã quá bức xúc nên ngừng việc phản đối” – chị Ngọc cho hay.
Vụ việc của nữ CN ngất xỉu không được cho về chỉ là giọt nước tràn ly. Thời gian qua, CN đã nhiều lần phản ảnh ban giám đốc yêu cầu CN tăng ca quá nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe CN, đề nghị giảm bớt thế nhưng kiến nghị của CN không được giải quyết. Chị Bích, làm việc 3 năm tại Cty bức xúc: “CN không chỉ bị làm khó khi xin nghỉ tăng ca mà ngay cả xin nghỉ phép cũng không được. Bị ốm đột xuất, xin nghỉ đột xuất, gửi giấy nghỉ ốm hưởng BHXH, Cty cũng không đồng ý mà buộc CN chấp nhận nghỉ không lương, trừ luôn tiền chuyên cần. Có cô bé kia, muốn xin nghỉ phép về quê ra mắt bạn trai ở Vĩnh Long 2 ngày mà phòng nhân sự nhất quyết không cho, lý do đưa ra là đơn hàng gấp. Có một chị ở Cà Mau còn bi kịch hơn, bố chồng mất, xin phép về quê chịu tang, phòng nhân sự duyệt cho 1 ngày. Nếu tối nay đi, tối mai lên xe về liền thì có thể kịp nhưng làm vậy coi sao được. Nản quá, chị ấy xin nghỉ việc luôn”.
“Những việc, những quy định rõ ràng như ban ngày, pháp luật ghi rõ từng câu, từng chữ mà DN vẫn không chịu thực hiện hoặc thỏa thuận cho có như vậy thì chúng tôi cũng bó tay. Sau ngừng việc đó, CN nghỉ khá nhiều. CN cần tiền, cần công việc nên đi làm, nhưng CN cũng là con người, ai cũng cần sức khỏe, những mối quan hệ gia đình, xã hội, vậy thì phải tôn trọng nhau chứ” – chị Ngọc chia sẻ. 

Thỏa thuận phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng nhau

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ TPHCM, cho biết: Một nguyên tắc cơ bản nhất của pháp luật về lao động là việc giao kết HĐLĐ và thực hiện quan hệ lao động phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng giữa NSDLĐ và NLĐ. Về quan hệ lao động được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 7, Bộ Luật Lao Động 2012, có hiệu lực từ 1.5.2013 như sau: “Quan hệ lao động giữa NLĐ hoặc tập thể lao động với NSDLĐ được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau”. Có nghĩa là, khi tiến hành giao kết HĐLĐ hai bên được quyền tự do thương lượng, đưa ra những yêu cầu đối với bên kia về công việc phải làm, địa điểm làm việc, thời giờ làm việc, tiền lương, tiền thưởng... miễn là những điều kiện này không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Khi hai bên đã thống nhất được với nhau thì sẽ ghi những điều này trong HĐLĐ và tiến hành thực hiện. Pháp luật cũng quy định rõ tại khoản 1, Điều 35 Bộ luật Lao động 2012: Trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung”. Nếu hai bên thỏa thuận được thì sẽ tiến hành làm HĐLĐ mới hoặc phụ lục HĐLĐ ghi cụ thể những thỏa thuận mới trong phụ lục để làm căn cứ thực hiện và xử lý tranh chấp nếu có.

 

Lê An Nhiên
TIN LIÊN QUAN

Ngăn tranh chấp lao động từ gốc!

LÊ AN NHIÊN |

“Tại sao các anh chị thích đình công quá vậy! Hễ ra là đình công” – Vị giám đốc quát tháo ầm ĩ trước hàng trăm công nhân (CN) đang nhốn nháo bỗng dưng im lặng. Một cánh tay, rồi hai, ba cánh tay đưa lên xin phát biểu, đa phần là phản bác ý kiến của giám đốc: “Vì sếp không chịu đối thoại, không lắng nghe chúng tôi”.

Ùn ứ trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28 Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Ngày 28 Tết, hơn 130.000 khách qua sân bay Tân Sơn Nhất, cao nhất trong đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2023. Khách tăng cao khiến các sảnh làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt người, đường Trường Sơn trước cổng sân bay liên tục bị ùn ứ phương tiện.

Bộ Tài chính nói gì về gói lãi suất 2% chậm giải ngân

Trà My |

Việc giải ngân gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kì vọng. Bộ Tài chính nói gì về đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội?

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Dường như mối tình đầu luôn là mối tình đẹp nhất, để lại nhiều dư vị ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Nhưng mối tình đầu cũng luôn buồn nhất và nhiều chia ly nhất. Chắc hẳn, đó sẽ là mối tình không bao giờ quên được vì nó chính là những rung động đầu tiên đối với mỗi người. Và sẽ chẳng có ai tin rằng, có những người chia tay mối tình đầu sau vài chục năm xa cách, lại có thể quay trở về chung sống với nhau thật hạnh phúc.

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Người trẻ mang mùa xuân đến với người vô gia cư

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Đêm muộn cuối năm, trong cái lạnh tê tái của mùa đông khi đa số mọi người đang trở về quê ăn tết, sum vầy với gia đình thì các đoàn thiện nguyện cũng bắt đầu hành trình mang tết đến cho những cụ ông cụ bà vô gia cư.

Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm 3 Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với các ông: Hồ Phước Thành; Đỗ Tiến Đông; KPă Thuyên.

Chuyển hồ sơ sai phạm ở dự án của Mường Thanh Hà Nam cho Bộ Công an xử lý

Quang Việt |

Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an xem xét và xử lý dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Mường Thanh tại tỉnh Hà Nam do phát hiện có nhiều sai phạm liên quan chỉ định đầu tư, cho thuê đất, chuyển nhượng căn hộ...

Ngăn tranh chấp lao động từ gốc!

LÊ AN NHIÊN |

“Tại sao các anh chị thích đình công quá vậy! Hễ ra là đình công” – Vị giám đốc quát tháo ầm ĩ trước hàng trăm công nhân (CN) đang nhốn nháo bỗng dưng im lặng. Một cánh tay, rồi hai, ba cánh tay đưa lên xin phát biểu, đa phần là phản bác ý kiến của giám đốc: “Vì sếp không chịu đối thoại, không lắng nghe chúng tôi”.