Thợ may ký hợp đồng trị giá 360 tỉ đồng
Chiều 22.7, phiên xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" chuyển sang phần thẩm vấn.
Trước khi xét hỏi, Chủ tọa Vũ Quang Huy cho cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết; Trịnh Thị Minh Huế - cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết).
Trong số những người tòa hỏi, Nguyễn Thị Hồng Dung - vợ của Nguyễn Quang Trung, họ hàng với Trịnh Văn Quyết, bị cáo buộc hai tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán".
Cáo trạng thể hiện, Nguyễn Thị Hồng Dung không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Huế nhờ ký một hợp đồng nhận ủy thác đầu tư; giấy nhận tiền vay Công ty Faros số tiền 360 tỉ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp khống từ 1,5 tỉ đồng lên 225 tỉ đồng; ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng khống vốn trước đó.
Trước tòa, bị cáo Dung khai có ký hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay với Công ty Faros trị giá 360 tỉ đồng. Việc này theo Dung do bị cáo Huế đề nghị và bản thân không được hưởng lợi gì.
Bị cáo Dung khai cho Huế mượn chứng minh để mở các tài khoản chứng khoán. Các tài khoản này sau đó do bị cáo Huế sử dụng, bà Dung không quản lý, không biết sử dụng như thế nào.
"Nghề nghiệp chính của bị cáo là thợ may tại nhà, bị cáo không phải là cổ đông của Công ty Faros, không góp vốn vào công ty này", bà Dung khai. Bị cáo cũng phủ nhận việc được trả lương 5 triệu đồng/tháng.
Em gái ruột song chỉ làm công, ăn lương
Người thân thứ hai của ông Quyết là bị cáo Trịnh Thúy Nga - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS khi làm việc với cơ quan điều tra, xác nhận 6 chữ ký của mình đã ký vào hợp đồng uỷ thác, trị giá 360 tỉ đồng. Song bà Nga không nhớ ký vào thời điểm nào.
Bị cáo cho hay, lúc ký Huế không nói để làm gì. Theo đề nghị của em gái, bà Nga mượn chứng minh thư, thông tin cá nhân của 2 nhân viên trong công ty để Huế mở tài khoản chứng khoán. Sau đó, Huế dùng thông tin cá nhân của các nhân viên để lập hợp đồng uỷ thác đầu tư. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết các hợp đồng này để góp vốn, nâng khống vốn cho Faros.
Trong quá trình thực hiện các công việc tại Công ty Chứng khoán BOS, bị cáo Nga có cấp sức mua khống cho các tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý. Tuy nhiên, bị cáo Nga không nhớ được tổng số bao nhiêu tài khoản.
Song bà Nga cho hay, dù là anh chị em ruột song cũng chỉ là người làm công, ăn lương và không được hưởng lợi gì.
Người phụ nữ thứ ba là bị cáo Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC khai, cá nhân không góp vốn vào Công ty Faros. Trước năm 2017, bà Dung đại diện pháp luật cho 3 công ty, nhận chuyển nhượng cổ phần từ Công ty Faros.
Do không phụ trách về mảng tài chính nên bị cáo Dung không nắm được việc chuyển tiền, chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty Faros với 3 công ty mà bà đại diện pháp luật.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Dung mới biết trên thực tế, 3 công ty mà mình đại diện pháp luật không chuyển tiền cho Công ty Faros.
Song bà Dung đại diện cho 3 công ty mà mình đại diện pháp luật để nhận chuyển nhượng từ những cá nhân khác trong Tập đoàn FLC để trở thành cổ đông của Công ty Faros.
Bị cáo Dung ký 5 hợp đồng, tổng số tiền là 420 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thanh toán hợp đồng như thế nào bị cáo không biết.
Bà Dung thừa nhận không có trình độ chuyên môn hay hiểu biết về thị trường chứng khoán. "Lúc đó, anh Quyết thuyết phục bị cáo làm, vì thực sự bị cáo mà không làm thì chỉ có cách nghỉ việc tại FLC", bị cáo nói.
Ngày mai tòa tiếp tục làm việc.