Chiều ngày 23.7, sau khi VKSND TPHCM đọc xong cáo trạng vụ án, TAND TPHCM tiến hành xét hỏi đối với 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TPHCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Là bị cáo được xét hỏi đầu tiên, cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam - Trần Kỳ Hình thừa nhận cáo trạng truy tố tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là đúng. Bị cáo Hình xác nhận số tiền đã nhận hối lộ là 2,85 tỉ đồng và 12.000 USD.
Bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm) xác nhận cáo trạng truy tố là đúng nhưng không đồng ý với số tiền 40,2 tỉ đồng mà Viện kiểm sát cáo buộc. Bị cáo Hà khẳng định, không đề ra chủ trương nhận hối lộ và chỉ nhận 8,5 tỉ đồng từ các trung tâm đăng kiểm khối V và phòng VAR, không nhận từ khối tư nhân (khối D). Số tiền nhận hối lộ từ các trung tâm khối V và phòng VAR là 8,5 tỉ đồng.
Liên quan đến hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Văn Chung, bị cáo Hà thừa nhận đã đưa 100.000 USD để thu thập thông tin nhưng không nhận được gì. Gia đình bị cáo Hà đã nộp tổng cộng hơn 5,8 tỉ đồng trong quá trình điều tra và truy tố.
Bị cáo Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng VAR) thừa nhận, cáo trạng truy tố là đúng nhưng khẳng định không có chủ trương nhận hối lộ. Bị cáo Quân không đồng ý với cáo buộc phải chịu trách nhiệm hơn 60 tỉ đồng, nhưng xác nhận đã hưởng lợi 11,7 tỉ đồng và gia đình đã nộp lại toàn bộ số tiền này.
Bị cáo Nguyễn Vũ Hải (Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) thừa nhận duyệt cấp năng lực cho 51 cơ sở đóng tàu, trong đó 15 hồ sơ không đủ điều kiện. Các Phó Trưởng phòng VAR gồm Đặng Trần Khanh, Nguyễn Đức Toàn và Trịnh Bình Dương thừa nhận hành vi phạm tội nhưng phủ nhận việc tham gia bàn bạc, lập chủ trương ăn chia tiền nhận hối lộ.
Theo cáo trạng, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo các phòng, đến lãnh đạo nhiều trung tâm, chi cục đăng kiểm thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới, các nhân viên làm việc ở các trung tâm, chi cục nhận tiền từ các chủ xe, chủ tàu. Qua đó bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường... trong đăng kiểm, thẩm định hồ sơ thiết kế.
Tuy nhiên, Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (đều là cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, đưa ra chủ trương làm trái quy định và nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn. Điều này dẫn đến sai phạm, tiêu cực mang tính hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước.
Cáo trạng xác định, bị cáo Trần Kỳ Hình nhận hối lộ hơn 7,1 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
Bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự cho toàn bộ việc nhận hối lộ của cấp dưới là 40 tỉ đồng, trong đó cá nhân bị cáo Hà nhận riêng 8,5 tỉ đồng.