Ứng phó biến đổi khí hậu từ cú hích của cam kết Net Zero

Nguyễn Hà - Cát Tường - Tuấn Anh |

Giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện kinh tế tuần hoàn là bước đi mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào 2050, chúng ta đã và đang triển khai nhiều hành động thiết thực.

LTS: Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, tác động mạnh mẽ đến môi trường, kinh tế và xã hội. Để ứng phó với vấn đề này, Chính phủ và các tổ chức liên quan đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, chủ động, tích cực hợp tác quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ và lâu dài.

Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một phần trong nỗ lực quốc gia nhằm giải quyết biến đổi khí hậu và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu Net Zero và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Việt Nam đang triển khai nhiều dự án và chương trình hành động cụ thể. Các dự án này bao gồm việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, và cải thiện quản lý chất thải.

Cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn không chỉ là mục tiêu môi trường mà còn là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế.

Để rõ hơn về vấn đề trên, mời bạn đọc đón đọc loạt bài: "NET ZERO: Cam kết lịch sử và bước đi tiên phong của Việt Nam với mục tiêu thiên niên kỷ".

Dấu mốc quan trọng từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), khi mực nước biển dâng lên 100cm, diện tích đất của Việt Nam bị mất đi sẽ lên tới 40.000km2, chiếm 12,1% tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả khiến khoảng 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống.

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, trong thời gian qua vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình Nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế hướng đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính từ khai thác và sử dụng vật liệu, tăng hiệu quả và năng suất tài nguyên, kéo dài tuổi thọ sản phẩm và tỉ lệ tái chế, tái tạo các hệ thống tự nhiên.

Song song với việc kịp thời thể chế hóa, ban hành một số luật, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương từ “tham gia” thành “chủ động, tích cực tham gia” hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam đã có không ít đề xuất, sáng kiến nhằm góp phần quan trọng giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Đáng chú ý, để giải bài toán biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã họp với Ngân hàng thế giới, cùng với các nhà tài trợ để nỗ lực huy động nguồn lực phục vụ cho việc đạt được mục tiêu Net Zero.

Theo TS Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển cácbon thấp – Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau khi thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào 2050, Việt Nam đã có những nỗ lực rất đáng ghi nhận nhằm biến cam kết thành hiện thực.

Việt Nam đã quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế chính sách – 1 trong những bước đầu tiên quan trọng nhất trong việc triển khai cam kết của mình. Chúng ta đã ban hành Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01 phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về những giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Ban hành chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Rà soát, cập nhật NDC 2022, trong đó có tính đến cam kết Net Zero của Việt Nam và một số các văn bản liên quan khác...

Sân chơi bình đẳng từ thuế carbon - Doanh nghiệp lên dây cót cho tương lai gần

Net Zero là mục tiêu mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra. Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá carbon. Theo đó, thuế carbon là một trong những công cụ định giá carbon phổ biến trên thế giới, cùng với cơ chế tín chỉ và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Thuế carbon được áp dụng nhằm khuyến khích thay đổi hành vi và mô hình tiêu dùng, tạo ra doanh thu hỗ trợ việc mở rộng, hiệu quả chi phí của các công nghệ carbon thấp giúp đạt được mục tiêu giảm phát thải và chỉ mang lại hiệu quả khi đáp ứng được 3 mục tiêu: Giảm sản xuất hàng hóa và dịch vụ sử dụng nhiều carbon, giảm lượng khí thải carbon và khuyến khích giảm cường độ carbon của năng lượng.

Lượng khí thải carbon ngày một tăng. Ảnh: AFP
Lượng khí thải carbon ngày một tăng khiến các quốc gia phải đặt các biện pháp mạnh mẽ. Ảnh: AFP

Từ ngày 1.10.2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thí điểm việc đánh thuế carbon với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM mà chưa phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh. Sau giai đoạn thí điểm, CBAM được thực hiện đầy đủ từ năm 2026, các doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo lượng khí thải carbon và nộp thuế.

EU cho hay, thời kỳ đầu CBAM sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Theo tính toán đây là những lĩnh vực chiếm tới khoảng 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các doanh nghiệp trong 4 nhóm ngành kể trên có giai đoạn chuyển tiếp đến tháng 12.2025 chỉ phải báo cáo.

Tại Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón Việt Nam không/chưa xuất khẩu phân bón sang châu Âu nên không có vướng mắc về thuế carbon, tuy nhiên doanh nghiệp phải chuẩn bị cho tương lai gần khi nếu có xuất khẩu phân bón sang EU và nhiều quốc gia khác cũng sẽ áp dụng cơ chế tương tự CBAM.

fd
Các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón Việt Nam cần chuẩn bị cho tương lai gần nếu xuất khẩu sang EU. Ảnh Lê Trúc

Ông Phùng Hà – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ngành phân bón là ngành cung cấp vật tư đầu vào quan trọng cho nền nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc tái chế các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông sản.

Các loại khí nhà kính phát thải chính trong nông nghiệp đóng góp khoảng 13,5% tổng lượng phát thải. Việc phát thải các khí nhà kính có thể xảy ra trực tiếp trong các hoạt động nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch) hoặc gián tiếp trong quá trình sản xuất, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm,... Phát thải N2O trong nông nghiệp, chủ yếu do sử dụng phân đạm dư thừa, phân chuồng chưa ủ, đất không được che phủ bởi thảm thực vật. Phân đạm trong điều kiện yếm khí có thể phát sinh khí NO, N2O, N2. Khí CH4 phát sinh từ hoạt động canh tác lúa và sử dụng đất, từ hệ tiêu hóa của động vật nhai lại (trâu, bò, cừu, dê) trong quá trình lên men ở ruột. Khí CO2 từ đốt nhiên liệu cho máy móc hoạt động trong quá trình làm đất, gieo trồng, thu hoạch, hoặc CO2 từ bón vôi và ure, đốt rơm,…

“Hiện nay nền nông nghiệp nước ta cần khoảng 10,5 đến 11 triệu tấn phân bón vô cơ, trong đó sản xuất được từ 6,5 đến 7 triệu tấn/năm, số còn lại phải nhập khẩu. Việc phát thải khí nhà kính có ở cả 2 khâu: sản xuất và sử dụng phân bón, ngoài việc cải tiến công nghệ, nâng cấp quy trình, công đoạn sản xuất, ngành phân bón cần hướng tới việc phát triển rộng rãi các dạng phân bón đặc biệt như phân bón phân giải/tan chậm, tan, phân giải có kiểm soát nhằm đạt được mục đích cuối cùng của bón phân đúng là để tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường” – ông Hà nói.

Còn đối với ngành xi măng, ông Lương Đức Long – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho hay, ngành sản xuất xi măng là ngành phát thải CO2 lớn trong nền sản xuất nói chung do đó giảm phát thải là việc phải làm. Nhà nước đang xây dựng cơ chế để hạn chế, bắt buộc các cơ sở phát thải nhiều phải có giải pháp, ngành xi măng không nằm ngoài xu thế đó. Ngành sản xuất xi măng đã bắt đầu các giải pháp để hạn chế phát thải trong quá trình sản xuất.

Theo ông Long, trên thực tế, lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam vào châu Âu chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Hơn nữa, Nhà nước không khuyến khích xuất khẩu xi măng mà chủ trương đầu tư xi măng dành cho tiêu thụ trong nước, phần xuất khẩu chỉ để cân đối cung - cầu khi nhu cầu trong nước sụt giảm.

gfg
Ông Lương Đức Long nêu ra những giải pháp giảm phát thải carbon trong ngành sản xuất xi măng. Đồ họa: Tuấn Anh

Theo ông Long, để thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon trong ngành sản xuất xi măng cần tiếp tục xây dựng cơ chế tính bù trừ mức phát thải carbon khi sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, đặc biệt là khi sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế nung clinker xi măng. Đây là giải pháp tốt, nhưng hiện nay việc tập hợp, xử lý sơ bộ rác thải thành nhiên liệu thay thế cho ngành xi măng ở Việt Nam còn rất khó khăn về nguồn và cách tổ chức sơ chế, cung cấp. Ngành cũng cần những giải pháp về hỗ trợ giá từ nhà nước và các đơn vị phát thải, góp phần hình thành thị trường carbon trong nước.

"Cuộc chơi" đã thay đổi

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, "cuộc chơi đã thay đổi", việc hạch toán, kiểm kê, kiểm toán, giảm phát thải carbon là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp trong thời gian tới có thể tham gia vào thương mại và đầu tư toàn cầu. Theo cơ chế điều chỉnh carbon của châu Âu, trong thời gian tới nếu chúng ta không thực hiện kiểm kê carbon, không thực hiện báo cáo, kiểm toán carbon thì hàng hoá của chúng ta không xuất khẩu được sang EU và các nước khác

Theo PGS. TS Thọ, chúng ta đã có quy định về chiến lược để giảm phát thải, luật bảo vệ môi trường cũng đã quy định các doanh nghiệp phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê và báo cáo nhưng bản thân các doanh nghiệp phải chủ động, nếu không kiểm kê, kiểm toán, báo cáo carbon thì sẽ không xuất khẩu được. Song song đó, cần có giải pháp tạo ra tín chỉ carbon nếu không giá sẽ bị đẩy lên.

Trong việc thực hiện về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu thì chúng ta còn rất nhiều thách thức trong lĩnh vực năng lượng, về quá trình công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải... Tất cả các lĩnh vực này của chúng ta đều là một thách thức rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Thế nên đây là một trong những ưu tiên quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong việc thực hiện kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn nhằm giảm phát thải ròng về 0.

fd
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ khẳng định việc giảm phát thải carbon là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đầu tư toàn cầu. Ảnh Tuấn Anh

Để thực hiện được những nhiệm vụ này, trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như trong các chiến lược, chính sách và quy hoạch của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành và địa phương trong thời gian vừa qua đã tập trung lồng ghép các yêu cầu về kinh tế tuần hóa, yêu cầu thực hiện Net Zero vào trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

Việc EU đánh thuế carbon là một cú hích mạnh hơn trong hành trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Việc xác định phát triển bền vững, thực hiện kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra rất lâu và đang trên hành trình hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 như cam kết của Thủ tướng tại COP 26. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách, hoạt động giám sát... để tạo ra hành lang pháp lý, môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho tăng trưởng, phát triển xanh.

Bài 2: “Chìa khóa vàng” giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu

Nguyễn Hà - Cát Tường - Tuấn Anh
TIN LIÊN QUAN

Biến đổi khí hậu, thiên tai có thể gây thiệt hại 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030

Quế Chi |

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Sử dụng nguồn nước hợp lý trước thách thức của biến đổi khí hậu

NHẬT HỒ |

Khô hạn, nắng nóng, kiệt nước… sẽ không dừng lại ở năm 2024. Nguồn nước cho ĐBSCL được dự báo sẽ khó khăn, nhất là vùng này chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nắng nóng gay gắt - sát thủ thầm lặng của biến đổi khí hậu

Thanh Hà |

Nắng nóng gay gắt, ít được chú ý như bão hoặc lũ lụt, đang cướp đi sinh mạng và sinh kế của nhiều người.

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Mưa điểm 10 môn Lịch sử

Vân Trang |

Dưới đây là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Bộ Tài chính đề xuất không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ

Minh Ánh |

Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ, đề xuất cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

EVN lý giải nguyên nhân lỗ 13.000 tỉ đồng nửa đầu năm 2024

Anh Tuấn |

Lãnh đạo EVN chỉ ra khó khăn khi tập đoàn vận hành theo cơ chế rất "đặc biệt" - đầu vào theo giá thị trường, nhưng giá đầu ra Nhà nước quản lý. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tập đoàn này chưa thể cân đối được tài chính trong nửa đầu năm 2024.

Những hạng mục đầu tiên tại trụ sở 200 tỉ đồng của cao nguyên trắng Bắc Hà

Đinh Đại |

Lào Cai - Trụ sở hành chính huyện Bắc Hà có tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng được người dân vùng cao nguyên trắng kỳ vọng đẹp nhất từ trước đến nay.

Khách quốc tế nói về quán phở TPHCM đạt sao Michelin

NHƯ QUỲNH - MỸ DUYÊN |

TPHCM - Sau khi được Michelin Guide trao giải Bib Gourmand - hạng mục tôn vinh những nhà hàng phục vụ món ăn ngon với giá cả phải chăng, nhiều chủ quán phở tại TPHCM cho biết lượng khách kéo đến đông hơn, đặc biệt là du khách quốc tế.

Biến đổi khí hậu, thiên tai có thể gây thiệt hại 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030

Quế Chi |

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Sử dụng nguồn nước hợp lý trước thách thức của biến đổi khí hậu

NHẬT HỒ |

Khô hạn, nắng nóng, kiệt nước… sẽ không dừng lại ở năm 2024. Nguồn nước cho ĐBSCL được dự báo sẽ khó khăn, nhất là vùng này chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nắng nóng gay gắt - sát thủ thầm lặng của biến đổi khí hậu

Thanh Hà |

Nắng nóng gay gắt, ít được chú ý như bão hoặc lũ lụt, đang cướp đi sinh mạng và sinh kế của nhiều người.