Công nhân lao động là đối tượng tiên phong để thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường

Nhóm PV |

Với mục tiêu lấy người lao động là trung tâm, tôn vinh các sáng kiến của người lao động trong công tác bảo vệ môi trường, báo Lao Động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên laodong.vn.

17h10: Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Đức Thành cảm ơn đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các doanh nghiệp, đông đảo người lao động đã tham dự diễn đàn. Ông Thành nhấn mạnh, mỗi người lao động là nhân tố quan trọng trong việc biến rác thành vàng, để đạt được các mục tiêu trong bảo vệ môi trường thì công nhân, người lao động là yếu tố then chốt.

17h06: Một đại diện của Công đoàn Dệt may đặt câu hỏi: "Theo chia sẻ của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), về kết quả các hoạt động dịch vụ an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường lao động, các đơn vị thuộc viện đã thực hiện quan trắc môi trường tính đến năm 2022 cho 7.577 đơn vị, ước tính đến hết năm 2023 quan trắc môi trường cho khoảng 8.805 đơn vị. Kết quả quan trắc cho thấy có khoảng 32% số đơn vị được quan trắc có ít nhất 1 yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động. Vậy làm thế nào để giảm bớt được các yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động?".

TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - trả lời phần hỏi đáp trong diễn đàn.
TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - trả lời phần hỏi đáp trong diễn đàn.

TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - cho biết, hiện nay, theo quy định của pháp luật, tất cả các doanh nghiệp sử dụng lao động, hàng năm đều phải quan trắc môi trường, nhất là các yếu tố về hóa chất, tốc độ gió, biến đổi khí hậu, ánh sáng… Khi kinh tế ngày càng phát triển, chúng ta có nhiều nền kinh tế mới, hàng triệu hóa chất mới, thiết bị mới đi vào sản xuất, nhưng kèm theo đó là cũng gây áp lực đến môi trường.

Do đó, kết quả quan trắc môi trường đã góp phần tư vấn, giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện lao động, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các yếu tố có hại giúp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình quan trắc cũng phát hiện ra một số yếu tố mới xuất hiện trong môi trường lao động mà Việt Nam chưa quy định ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp, đây là căn cứ để đề xuất bổ sung, cập nhật vào danh sách ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp đối với các yếu tố có hại mới này.

“Một con số rất khiêm tốn thôi là gần 10.000 doanh nghiệp thực hiện quan trắc là quá ít so với đất nước đang có vài chục nghìn doanh nghiệp sản xuất trên tổng số hơn 900.000 doanh nghiệp trên cả nước. Chúng ta đang ngồi đây cũng có rất nhiều yếu tố môi trường cần đánh giá, tuy nhiên, có thể nói có một vài yếu tố không đạt yêu cầu, vượt ngưỡng, tùy vào từng loại, cho nên chúng ta cần khắc phục.

Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là yếu tố liên quan đến hóa chất, kim loại nặng, chúng ta chưa có đủ thiết bị để đánh giá, thiếu hệ thống phân tích để tìm xem trong môi trường có những gì, điều này không dễ dàng chút nào. Với các nước phát triển như Hàn Quốc, Đức, Mỹ, việc tìm còn khó, thì với Việt Nam chúng ta chỉ làm được một phần nhỏ. Trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, các cơ quan nghiên cứu cần nói lên tiếng nói của mình để góp phần nâng cao năng lực của các đơn vị. Tăng cường các thiết bị chuyên dụng để quan trắc môi trường; thay đổi các quản trị an toàn trong bối cảnh mới.

17h04: Chị Linh Thị Loan (công nhân Urenco) thắc mắc: "Trong quá trình làm việc có nhiều người không quan tâm đến việc đổ rác, không biết giờ đổ rác, khi tuyên truyền với tổ dân phố thôi còn lại nhiều người không quan tâm. Các chế tài còn khá ít và các chương trình phân loại rác hầu như công nhân môi trường tự loay hoay làm. Mong các chuyên gia tư vấn phương án để công nhân đỡ vất vả hơn?".

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - phát biểu kết thúc diễn đàn. Ảnh: Tô Thế
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - phát biểu kết thúc diễn đàn. Ảnh: Tô Thế

PGS Nguyễn Đình Thọ giải đáp: "Diễn đàn hôm nay cũng là một buổi truyền cảm hứng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Viện chiến lược đã có rất nhiều chương trình để đưa việc phân loại rác thải nguồn xuống trường học, từng hộ. Chúng tôi cũng yêu cầu có 2 phương án để người dân thực hiện tốt, một mặt chúng ta tuyên truyền vận động, mặt khác cũng có những chế tài như nếu phát thải chúng ta phải trả tiền cho việc đó.

Trong thời gian tới, trước mắt thực hiện chế tài liên quan đến phân loại rác từ 500 nghìn đồng tới 1 triệu đồng. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân đổ rác đúng giờ, đúng chỗ. Ngoài ra, cũng có những hình thức tuyên truyền tại các trường đại học, các trường phổ thông để các bạn quay về tuyên truyền cho gia đình.

Tôi cũng mong công nhân môi trường, các cơ quan chức năng khi thấy người dân không đổ rác đúng giờ, đúng chỗ sẽ nhắc nhở từng người dân. Hy vọng chúng ta sẽ thực hiện tốt để sau này khi vất rác ngoài đường sẽ cảm thấy vướng tay và tiếp đến là thấy rác sẽ nhặt và vất đúng chỗ. Hy vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này".

16h50: Tại diễn đàn, chị Nguyễn Thị Hồng - công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) chi nhánh Hoàn Kiếm - đặt câu hỏi, "Việt Nam cam kết đến năm 2050 giảm phát thải ròng về 0, vậy, những công nhân như chúng tôi phải làm như thế nào, cần làm những gì để đạt được mục tiêu đó?".

Chị Nguyễn Thị Hồng - công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) chi nhánh Hoàn Kiếm - chia sẻ các thắc mắc trong diễn đàn. Ảnh: Tô Thế
Chị Nguyễn Thị Hồng - công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) chi nhánh Hoàn Kiếm - chia sẻ thắc mắc trong diễn đàn. Ảnh: Tô Thế

Trả lời nữ công nhân, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - cho biết, từ trước đến nay, chúng ta sử dụng nước, đất đai, không khí đều là miễn phí. Tuy nhiên, đến bây giờ và trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải trả tiền khi sử dụng những tài nguyên này.

“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải trả tiền cho tín chỉ carbon, phải trả tiền khi xả thải rác, gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của chúng ta là tăng hấp thụ carbon, từ rừng, từ biển cũng hấp thụ carbon. Chất lượng tín chỉ carbon phụ thuộc rất lớn vào các đơn vị bảo vệ rừng, bảo đảm các điều kiện an toàn về chất lượng sống của công nhân, người lao động. Đây là mục tiêu kép. Tín chỉ carbon sẽ bán được giá cao, trung bình từ 100 - 150USD/1 tín chỉ, thậm chí cao hơn nếu cộng đồng, cải thiện được chất lượng cuộc sống, doanh nghiệp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động…”, PGS Nguyễn Đình Thọ cho hay.

Theo PGS Thọ, người lao động có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra tín chỉ carbon chất lượng, người lao động nỗ lực, cùng cộng đồng chung tay giảm phát thải khí nhà kính, CO2, từ đó, tạo ra được tín chỉ carbon chất lượng. Đó là cách để người lao động làm trong trong lộ trình giảm phát thải về 0 vào năm 2050.

16h44: Công nhân thuộc Công đoàn dệt may Việt Nam đặt câu hỏi: "Sau 5 năm Thủ tướng phát động phong trào chống rác thải nhựa, công nhân lao động chúng tôi cũng đã có những thay đổi trong sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi thấy một số vấn đề về các sản phẩm thay thế nhựa 1 lần còn chưa phổ biến. Xin hỏi đại diện phía Bộ Tài nguyên và môi trường chúng ta có những giải pháp như thế nào?".

Đại diện của Công đoàn Dệt may đặt câu hỏi trong diễn đàn. Ảnh: Tô Thế
Đại diện của Công đoàn Dệt may đặt câu hỏi trong diễn đàn. Ảnh: Tô Thế

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ giải đáp, công nhân dệt may cũng là một trong những đối tượng được yêu cầu thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm rác thải trong thời gian tới. Yêu cầu liên quan tới chuyển đổi xanh sang một nền kinh tế sạch không chỉ là yêu cầu của ngành dệt may mà của toàn bộ nền kinh tế.

"Việc giảm rác thải nhựa là vấn đề rất lớn. Trong thời gian tới, khi đối mặt với việc giảm rác thải, giảm ô nhiễm và tăng đa dạng sinh học cũng là thách thức với doanh nghiệp. Thế giới sẽ theo dõi chúng ta nhập khẩu và tái chế bao nhiêu nhựa. Nếu chúng ta nhập khẩu sản xuất nhựa nhưng không thu gom, tái chế thì cũng không xuất khẩu được.

Việc theo dấu chân nhựa trong thời gian tới là giải pháp nhưng cũng là thách thức của cả người dân và chính phủ chúng ta trong cam kết giảm thiểu rác thải nhựa", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

16h37: Công nhân, người lao động, tham gia diễn đàn thắc mắc cần tháo gỡ.

Chị Nguyễn Thị Nụ - công nhân môi trường của công ty môi trường Hà Nội - đặt câu hỏi: "Cuối năm nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu các địa phương phải có kế hoạch phân loại rác như hiện nay các địa phương đang thực hiện như thế nào, có phương án gì để công nhân chúng tôi khi thu gom đỡ vất vả?".

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - trả lời các câu hỏi. Ảnh: Tô Thế
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - trả lời các câu hỏi. Ảnh: Tô Thế

Trước câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chia sẻ, Luật bảo vệ môi trường đã có từ năm 2020 và đã đưa ra lộ trình rất rõ để các địa phương thực hiện. Một trong những yêu cầu là nâng cao kiến thức của người thu gom, phân loại. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam khi trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu.

"Ở Việt Nam việc chúng ta thực hiện trong thời gian tới rất khó khăn. Có một số chung cư đã bắt đầu thực hiện để 2 thùng rác nhưng để các hộ phân loại rác trước khi bỏ cũng là một thách thức lớn. Bên cạnh rác thải hữu cơ, chúng ta còn các loại rác khác như rác thải điện tử và các rác thải cồng kềnh khác... và chúng ta chưa đủ quy mô để tái chế sử dụng ở mức công nghiệp. Đây chắc chắn là thách thức rất lớn đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM", ông Thọ nói.

Đồng thời, bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - cũng cho biết thêm, từ năm 2015 Việt Nam và Nhật Bản đã có chương trình phân loại rác tại nguồn, Urenco đã thí điểm tại phường Phan Chu Trinh. Tuy nhiên, sau một thời gian chương trình chưa thực sự hiệu quả vì ý thức của người dân thật sự chưa cao.

"Hiện Urenco đang kết hợp với 18 phường quận Hoàn Kiếm để tuyên truyền tới từng hộ dân. Đối với chương trình này chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm và sẽ có những báo cáo cụ thể. Hiện nay, chúng tôi đang rất cần cơ quan chức năng cùng với công ty Uren và người dân để cùng kết hợp phân loại rác tại nguồn. Có thể chúng ta không thể làm một sớm một chiều nhưng dần dần người dân sẽ có ý thức để người đi thu gom tái chế sẽ bớt khó khăn, vất vả hơn", bà Hạnh nói.

Bên cạnh đó, khó khăn nữa là một số loại rác chưa được thu mua tái chế ví dụ như nilon chủ yếu là chôn lấp. "Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, các chuyên gia có những hiến kế để cùng chính phủ, người dân để bảo vệ môi trường được tốt hơn", đại diện Urenco đề nghị.

16h20: Thay vì kết thúc số phận trong thùng rác hay lang thang ngoài môi trường, những chiếc vỏ gói mì tôm sẽ được sống một cuộc sống mới.

Là người tâm huyết trong việc bảo vệ môi trường, với trăn trở không muốn những chiếc vỏ gói mì tôm kết thúc số phận trong thùng rác hay lang thang ngoài môi trường, cô Vũ Thị Thảo - giáo viên dạy thể chất tại trường THPT Vinschool (Hà Nội) - cùng với những học trò của mình đã tái chế ra những chiếc túi xách, hộp đựng bút từ vỏ mì tôm với dự án "mì tôm xanh".

Cô giáo Vũ Thị Thảo chia sẻ về các sản phẩm tái chế. Ảnh: Tô Thế
Cô giáo Vũ Thị Thảo chia sẻ về các sản phẩm tái chế. Ảnh: Tô Thế

Để tạo nên những sản phẩm từ vỏ mì tôm sẽ thực hiện 4 công đoạn: Thu gom vỏ gói mì từ cộng đồng - xử lý và làm sạch - tạo sợi đan bằng vỏ gói mì - thiết kế và đan theo công thức mây tre đan để thành sản phẩm.

Trong suốt 4 năm thực hiện dự án, câu lạc bộ hoạt động thường xuyên tại trường vào mỗi buổi chiều thứ 5 hàng tuần sau giờ học. Năm 2023 vừa qua, dự án đã dạy nghề thành công cho Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Hope tại Huế.

Tham dự diễn đàn "Công nhân lao động vì môi trường 2023", cô giáo Vũ Thị Thảo cho hay: "Điều tôi cố gắng đem lại chính là kiến thức, văn hoá và lối sống tuần hoàn. Không chỉ là kiến thức về bộ môn tôi giảng dạy, mà còn là kiến thức về cuộc sống về xã hội, về cách làm sao để các con đối mặt trước sự đổi thay của toàn cầu, đó chính là lối sống lành mạnh, cống hiến vì xã hội, vì những người kém may mắn hơn chúng ta. Đó là những gì mà một người lao động như tôi luôn khát khao có thể làm được cho học sinh của mình".

Theo cô giáo Vũ Thị Thảo, bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân ai mà là của tất cả mọi tầng lớp xã hội. Đặc biệt là những thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên thì việc nhận thức về trách nhiệm với môi trường với cộng đồng lại càng quan trọng.

Song song với sứ mệnh bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, Dự án Mì Tôm Xanh luôn hướng tới việc giáo dục các phẩm chất kỹ năng cho thế hệ trẻ hiện nay. Từ những hành động nhỏ chúng ta có thể tác động lớn tới cộng đồng, mang lại những giá trị vô cùng lớn lao về cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường.

Các sản phẩm tái chế thuộc Dự án Mì Tôm Xanh. Ảnh: Tô Thế
Các sản phẩm tái chế thuộc Dự án Mì Tôm Xanh. Ảnh: Tô Thế

16h07: Ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của các công đoàn cơ sở, doanh nghiệp và vận động NLĐ công tác bảo vệ môi trường trong toàn hệ thống.

Hàng năm, Công đoàn Dệt May Việt Nam ban hành kế hoạch, hướng dẫn các công đoàn cơ sở mít tinh hưởng ứng; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức cho đoàn viên và người lao động về chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức đoàn viên và người lao động về giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa; xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, sạch hơn; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Công đoàn Dệt May Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020 của người sử dụng lao động (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh) như việc thu gom, xử lý nước thải đáp ứng bảo vệ môi trường; Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải; Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng; Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định...

Đồng thời, phát động các phong trào thi đua để vận động công nhân lao động làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, giữ gìn cảnh quan doanh nghiệp, cơ quan, nhà máy; đẩy mạnh phong trào “nói không với túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần”; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; Phối hợp với doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh” giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”. Phát hiện, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có đóng góp thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa.

Việc tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát và nhiều hoạt động thiết thực khác đã có tác động tích cực đến nhận thức, quan điểm, hành vi của các chủ thể trong việc bảo vệ môi trường từ người sử dụng lao động đến toàn thể người lao động.

Thông qua tuyên tuyền, vận động và các giải pháp thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường được triển khai tại các công đoàn cơ sở, quan điểm, nhận thức của NLĐ đã được thay đổi, tạo nên những hành vi tích cực của NLĐ trong công tác bảo vệ môi trường. Những quy định của doanh nghiệp về phân loại rác thải, chất thải tại nguồn đã hình thành thói quen tốt cho NLĐ không chỉ tại nơi sản xuất mà còn được NLĐ áp dụng tại nơi cư trú, trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Hầu hết NLĐ đã biết nhận diện loại rác thải nguy hại trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như giẻ lau dầu máy, bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, mực in thải, bao bì dính và có chứa các thành phần nguy hại, chất thải từ quá trình hồ vải có dung môi hữu cơ... để phân loại, thu gom và xử lý theo quy định. Nhiều NLĐ đã có ý thức giảm đồ nhựa dùng một lần (nước đóng chai) bằng cách sử dụng bình nước cá nhân khi làm việc, thay thế các vật dụng thân thiện môi trường trong sinh hoạt (sử dụng hộp giấy thay túi nilon), tham gia các chương trình gom pin, đổi pin đã qua sử dụng do các tổ chức tại địa phương, nơi cư trú phát động...

Bên cạnh đó, NLĐ nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình của Đoàn thanh niên doanh nghiệp và địa phương trồng cây xanh tại nơi sản xuất, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, thu gom rác thải nhựa ven biển (tại các địa phương có kênh mương, có biển...). Nhiều NLĐ thực hiện và vận động đồng nghiệp, gia đình hưởng ứng chương trình “Giờ Trái đất”, thực hành tiết kiệm điện trong việc thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc và nơi sinh hoạt của gia đình.

Trong 10 năm qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã khen thưởng gần 130 lượt tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xanh, sạch đẹp, An toàn vệ sinh lao động”. Nhiều giải pháp, sáng kiến của các tập thể, cá nhân trong sản xuất kinh doanh, gắn với bảo vệ môi trường được vinh danh, khen thưởng, nhân rộng và lan tỏa trong toàn hệ thống.

16h05: Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam) - cho biết, từ 12. 2021 - 14.3.2024, hệ thống xe đạp công cộng của doanh nghiệp này đã đạp được 6.896.456km, tương đương 7.973km/ngày; giảm 879.988 kg CO2 ra môi trường, tương đương 42.307 cây xanh.

Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty vận tải số Trí Nam. Ảnh: Tô Thế
Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty vận tải số Trí Nam. Ảnh: Tô Thế

Về hiệu quả kết nối giao thông công cộng, theo ông Quân, xe đạp công nghệ số của Trí Nam sẽ tiếp cận các trạm, tuyến xe bus, BRT, Metro, trong đó số trạm là 113/295 trạm kết nối bus, BRT, Metro, với số chuyến là 460.841/1.400.731 chuyến kết nối bus, BRT, Metro, chiếm tỉ trọng 32,9% tổng số chuyến đi.

Nói về giải pháp phổ biến, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường tới cán bộ công nhân viên, đoàn viên công đoàn, ông Quân cho hay, Công đoàn phối hợp cùng các đơn vị quản lý của Tập đoàn đã phổ biến, giáo dục ý thức nội bộ Trí Nam với các giải pháp sau: Sử dụng nền tảng TNGo cung cấp thông tin hàng ngày về môi trường, giảm thải carbon: tạo thói quen đạp xe thay các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô. Tổ chức trang trí nơi làm việc với các tấm áp phích, slogan về bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thiết thực: tiết kiệm điện, nước, tái chế giấy.

Cung cấp gói đạp xe công cộng TNGo miễn phí dành cho cán bộ công nhân viên Trí Nam. Thành lập câu lạc bộ di chuyển không carbon: CLB đạp xe, CLB chạy bộ. Tổ chức hưởng ứng tất các ngày vì môi trường: Giờ Trái đất, Ngày vì môi trường, Ngày đạp xe thế giới…

Xây dựng quy trình làm việc trên nền tảng ứng dụng - website tự xây dựng nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng giấy (tài nguyên thiên nhiên). Xây dựng văn phòng theo xu hướng xanh, thân thiện môi với các cây xanh được bố trí tại bàn làm việc, hành lang; quy định về phân loại - tái chế rác thải.

Công đoàn phối hợp cùng các đơn vị như LiveLearn, Thế hệ Xanh, Thành đoàn các tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi về môi trường: 20.000km xanh cho thành phố an toàn tại Hà Nội, Check-in Xanh với xe buýt, xe đạp, metro, đi bộ trên nền tảng TNGo.

Sử dụng fanpage nội bộ, app TNGo, website nội bộ truyền tải hàng ngày tới cán bộ công nhân viên thông tin về giảm thiểu carbon, bảo vệ môi trường…

“Hàng tháng, hàng quý, hàng năm Công đoàn và công ty tổ chức vinh danh các cá nhân, đơn vị trong tập đoàn có các giải pháp, sáng kiến mới nâng cao năng suất lao động theo hướng thông minh - công nghệ. Xây dựng bộ quy định về khuyến khích phát triển sáng kiến áp dụng cho cá nhân và tập thể trong các nội dung: sáng kiến về sản phẩm, dịch vụ; sáng kiến về công cụ/phương tiện làm việc;...được đánh giá trực tiếp bởi Ban lãnh đạo tập đoàn, tổ chức công đoàn, và các đơn vị liên quan”, ông Quân nói.

15h48: PGS.TS Nguyễn Đình Thọ trình bày tham luận "Định hướng bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang được thực hiện ra sao?".

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Tô Thế
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Tô Thế

Biến đổi khí hậu (BĐKH), suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề lớn, mang tính toàn cầu, đã và đang làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) có ý nghĩa sống còn, quyết định đến sự phát triển bền vững (PTBV) của mỗi quốc gia, dân tộc.

Chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là xu thế của thời đại, là định hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu.

Ở trong nước, thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP21, đã và đang thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng, phục hồi các hệ sinh thái... Đảng ta kiên định với chủ trương phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu là nước có thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045; đồng thời cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi xanh còn chưa có sự thống nhất, chưa đầy đủ; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn thiếu hụt, chồng chéo; nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế...

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu sang các quốc gia có quy định về hàng hóa carbon thấp, sản phẩm xanh cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp có xu hướng đầu tư theo hướng xanh. Ngoài ra, một số mô hình khu công nghiệp sinh thái như KCN Nam Cầu Kiền ở thành phố Hải Phòng; mô hình sản xuất phát thải thấp (ví dụ: canh tác lúa phát thải thấp; mô hình sản xuất vật liệu xây dựng ít phát thải…) đã được triển khai ở Việt Nam.

Có nhiều lý do để doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh. Trong đó, theo tôi, lý do quan trọng là yêu cầu thị trường hay người tiêu dùng bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp và bền vững hơn. Ví dụ, ngành dệt may của Việt Nam trong thời gian qua phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp của Bangladesh - lý do không phải năng suất, kỹ năng của người lao động mà do ngành dệt may của họ đã có sử chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh hay nói cách khác họ đã chuyển sang mô hình sản xuất xanh hơn (ít nhất là ở khí cảnh sử dụng năng lượng) và đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như EU….

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng tiêu chí phân loại dự án xanh để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây được xem là một trong những cơ chế thiết thực giúp các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư theo hướng xanh có thể tiếp cận được các nguồn lực ưu đãi như trái phiếu xanh, tín dụng xanh.

Trong đó, cần xác định vai trò trung tâm của doanh nghiệp và người dân, để có thể chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả thì Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội với yêu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, thích ứng với BĐKH. Cần khẳng định thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để PTBV, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội, được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập.

Thông qua tham luận này, tôi mong muốn LĐLĐVN, cùng Báo Lao Động, cùng các anh chị em lao động có mặt tại diễn đàn hiểu được vai trò của việc giảm thiểu rác thải, thực hiện cam kết giảm thải carbon, phát triển kinh tế xanh.

15h43: Phóng sự "Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050".

15h25: TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, thời gian qua, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện lao động đang trở thành một trong những hàng rào kỹ thuật trong thương mại do các chuẩn mực về lao động như an toàn, vệ sinh lao động được quốc tế hóa ở cấp độ cao hơn.

Theo kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giai đoạn 2013 - 2023, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã và đang thực hiện 167 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp.

Nhiều năm qua, Viện đã có những đóng góp tích cực, khẳng định vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc ở nước ta.

TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế
TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế

Các đề tài nghiên cứu thực hiện trong các giai đoạn 2013 - 2023 đều bám sát phương hướng và nhiệm vụ được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động trong định hướng hoạt động giai đoạn 2010 - 2015, 2016 - 2020, 2021 - 2030.

Hầu hết các đề tài nghiên cứu đều cho kết quả có tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tìm cách áp dụng. Các sản phẩm của những công trình nghiên cứu giai đoạn 2013 - 2023 đáp ứng được nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.

Theo TS Thơ, kết quả hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ về vệ sinh an toàn lao động và bảo vệ môi trường của Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động được đánh giá cao với khoảng 50 sản phẩm nổi bật.

Về kết quả các hoạt động dịch vụ an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường lao động, các đơn vị thuộc viện đã thực hiện quan trắc môi trường tính đến năm 2022 cho 7.577 đơn vị, ước tính đến hết năm 2023 quan trắc môi trường cho khoảng 8.805 đơn vị. Kết quả quan trắc cho thấy có khoảng 32% số đơn vị được quan trắc có ít nhất 1 yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.

Kết quả quan trắc môi trường đã góp phần tư vấn, giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện lao động, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các yếu tố có hại giúp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp.

Trong quá trình quan trắc cũng phát hiện ra một số yếu tố mới xuất hiện trong môi trường lao động mà Việt Nam chưa quy định ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp, đây là căn cứ để đề xuất bổ sung, cập nhật vào danh sách ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp đối với các yếu tố có hại mới này.

Về kết quả tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường: Thực hiện huấn luyện sức khoẻ nghề nghiệp, huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động tại các doanh nghiệp: Tính đến hết năm 2022, tập huấn cho khoảng 200 đơn vị và hết năm 2023, tập huấn cho khoảng 230 đơn vị.

Thực hiện tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho tính đến hết năm 2022 cho 151.363 lượt người với 1.577 lớp. Ước tính đến hết năm 2023 tập huấn được 160.619 lượt người với 1.647 lớp.

Về kết quả khám sức khoẻ định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho các bộ, công nhân, viên chức, lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: Mỗi năm trung bình khám sức khoẻ định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho khoảng từ 50.000 - 90.000 lượt người.

Tính đến hết năm 2022, tổng số lượt khám là 547.284 lượt người. Trung bình mỗi năm khám cho 150 - 200 doanh nghiệp. Ước tính đến hết năm 2023, tổng số lượt khám sức khoẻ là 652.319 lượt người với khoảng 1.700 doanh nghiệp.

Về định hướng nghiên cứu về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường lao động, theo TS Nguyễn Anh Thơ thời gian qua, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động có các nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, mô hình văn hóa an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, trong hoạt động an toàn vệ sinh lao động và thu nhận xử lý dữ liệu an toàn vệ sinh lao động, môi trường lao động trên môi trường số

Nghiên cứu các biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp và xây dựng danh mục bệnh nghề nghiệp. Đồng thời hỗ trợ hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ an toàn, vệ sinh lao động.

15h13: Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - trình bày tham luận "Ứng dụng chuyển đổi nổi bật của Luật bảo vệ môi trường 2020 trong phát triển kinh tế tuần hoàn, chống rác thải nhựa".

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.

Nguyễn Thuỳ Linh Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đề xuất có những giải thưởng để tôn vinh sáng kiến bảo vệ môi trường dành cho người lao động. Ảnh: Tô Thế
Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - đề xuất có những giải thưởng để tôn vinh sáng kiến bảo vệ môi trường dành cho người lao động. Ảnh: Tô Thế

Sự phát triển của khoa học công nghệ đang góp một phần lớn trong việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần đạt được tất cả các mục tiêu của quản lý chất lượng như phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

Thực tiễn số hóa có thể áp dụng, góp phần đạt được tất cả các mục tiêu của quản lý chất lượng như phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

Ở cấp độ mô hình sản xuất, kinh doanh đơn lẻ, các doanh nghiệp có thể áp dụng số hóa để thúc đẩy sản xuất sạch hơn, thiết kế và quản lý sản phẩm theo tiêu chí sinh thái; hình thành kênh mua sắm xanh từ khu vực tiêu dùng; phát triển hệ thống tái chế, tái sử dụng sản phẩm, hình thành các nhà máy xử lý chất thải vận hành hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại và số hóa.

Ở cấp độ khu vực, việc thúc đẩy áp dụng công nghệ số để QLCT, phát triển các mô hình khu công nghiệp cộng sinh, khu công nghiệp sinh thái, mở cửa thị trường và thuận lợi hóa thương mại cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ liên quan đến KTTH.

Ở cấp độ quản lý nhà nước, thông qua việc số hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các hoạt động như quan trắc tự động, thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu, kiểm soát nguồn thải, sử dụng dữ liệu hiệu quả, hỗ trợ dự báo, cảnh báo, ứng phó sự cố kịp thời.

Kinh tế tuần hoàn không chỉ được đề cập trong chủ trương, mà còn được cũng được nghiên cứu và thể chế hóa thành quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hệ thống văn bản hướng dẫn.

Công nhân lao động là đối tượng tiên phong để thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường. Đã có nhiều ý tưởng sáng kiến đến từ cơ sở, những người lao động. Đề xuất có những giải thưởng tôn vinh những ý tưởng, cá nhân những người lao động có nhiều cống hiến bảo vệ môi trường.

Đề xuất Báo Lao Động mở thêm những chuyên mục giới thiệu những sáng kiến bảo vệ môi trường từ công nhân lao động. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đề nghị các chủ doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện nhà máy xanh, góp phần bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ người lao động

15h00: Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện, tránh tác động xấu đến môi trường

Tại diễn đàn, ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, với định hướng trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, "sản xuất an toàn và xanh, sạch", thời gian qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Công đoàn Điện lực Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế
Ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Công đoàn Điện lực Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế

Trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất, truyền tải điện năng, để giảm sự tác động xấu đến môi trường sinh thái, đòi hỏi các nhà đầu tư, nhà quản lý, cán bộ công nhân viên trong ngành phải có ý thức bảo vệ môi trường. Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn đồng hành cùng cán bộ công nhân viên trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo ông Minh, EVN đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý môi trường xuyên suốt từ giai đoạn đầu tư, xây dựng dự án tới khi các nhà máy đi vào vận hành; đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý nước tuần hoàn, khí thải, tro xỉ. Theo đó, tất cả các nhà máy nhiệt điện của EVN đều được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thu gom và xử lý nước thải đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT đối với nước thải công nghiệp và Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT đối với nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường. Nước thải sau khi xử lý đáp ứng quy chuẩn được nghiên cứu và tái sử dụng một phần, quay ngược lại quy trình sản xuất.

Trong những năm qua, ông Minh cho rằng, EVN rất tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Đây một trong những sự kiện thường niên toàn cầu về bảo vệ môi trường, với sự hưởng ứng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Chiến dịch Giờ Trái đất đã tạo sự chuyển biến rất lớn về nhận thức cũng như trong hành động của người dân trên thế giới trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Công nhân lao động tại diễn đàn. Ảnh: Tô Thế
Công nhân lao động tại diễn đàn. Ảnh: Tô Thế

Sự kiện Giờ Trái đất năm 2024 tại Việt Nam diễn ra với thông điệp "tiết kiệm điện - thành thói quen” được gửi đến cộng đồng với lời kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Qua số liệu về mức tiêu thụ điện toàn quốc, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết: Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 23.3.2024), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).

Việc chuyển dịch cơ cấu nguồn điện: đưa các nhà máy điện gió, điện mặt trời vào hệ thống, hạn chế phát triển nguồn nhiệt điện than, thủy điện sẽ làm giảm phần nào tác động xấu đến môi trường, đó là cố gắng rất lớn của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam.

14h37: Bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - trình bày tham luận "Thách thức khi thu gom rác thải nhựa và vấn đề nâng cao kiến thức cho công nhân thu gom trong khâu phân loại rác".

Bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế
Bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế

Rác thải nhựa hiện là vấn đề toàn cầu, trong đó có cả của Việt Nam. Chỉ riêng tại thủ đô Hà Nội, mỗi ngày có 7.000 - 7.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, trong đó có 8 - 12% rác thải nhựa, giấy.

Những khó khăn còn tồn tại trong công tác thu gom rác như: nước rác thải chảy ra đường, công tác thu gom gây ùn tắc giao thông và thiếu thùng rác công cộng.

Hiện nay, việc phân loại rác vẫn chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và đồng bộ với hoạt động thu gom và xử lý. Công tác này mới được thực hiện thí điểm tại một số đô thị lớn. Phần lớn rác thải chưa được phân loại trước khi thu gom. Tỉ lệ tái chế còn thấp (trung bình 5%). Hoạt động tái chế còn gây ô nhiễm môi trường

Hiện nay, công việc của công nhân môi trường khá vất vả, tập trung vào việc làm sạch các tuyến đường, tuyến phố, mật độ dân cư đông, lượng rác phát sinh hằng ngày lớn. Khối lượng công việc nhiều khiến công tác thu gom phân loại rác thải gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là rác thải nhựa. Trong đó, công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa còn rất nhiều khó khăn.

Hoặc nếu có phân loại, vẫn có tình trạng người thu rác tái chế tự do bới, nhặt lại rác tái chế tại các thùng rác, thường xuyên gây nên tình trạng bừa bãi xung quanh khu vực vừa nhặt rác tái chế, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị.

Theo bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), việc nâng cao kiến thức của công nhân thu gom rác là cần thiết để nâng cao hiệu quả thu gom, bảo vệ môi trường.

Hiện Urenco thực hiện chương trình thu gom rác tái chế đối với công nhân. Chương trình đang thí điểm tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. Kết quả bước đầu đã hình thành ngành tái chế thành 1 ngành trọng điểm.

Theo bà Hạnh, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân; cần phải có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững. Ví dụ: Giảm chi phí nếu rác được phân loại; cần phải có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế. Ví dụ: chính sách giảm thuế VAT cho doanh nghiệp.

Bà Hạnh cũng đưa ra một vài giải pháp như phân biệt các loại nhựa phổ thông bằng cách: xem ký hiệu tại đáy hoặc thân; phân biệt dựa trên màu sắc tự nhiên, độ trong suốt của mẫu; so sánh tính chất nhiệt (đơn giản là đốt): nếu châm bật lửa đốt, không có mùi khét thì đấy là PE, HDPE hay PP, nhựa PET, ABS cháy với ngọn lửa có khói đen và có mùi khét, còn nhựa PVC không cháy thành ngọn lửa; kiểm tra độ cứng của nhựa.

Đại diện phía Urenco cũng nhấn mạnh, việc nâng cao kiến thức cho công nhân thu gom trong khâu phân loại rác là rất cần thiết. Bởi, quản lý và tái sử dụng hợp lý sẽ mang lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm nguyên liệu hóa thạch, đồng thời góp phần vào việc phát triển bền vững.

14h25: Nâng cao nhận thức cho công nhân lao động trong việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa

Theo ông Đỗ Việt Đức - Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với chức năng tham gia xây dựng chính sách pháp luật, trong đó có những quy định về bảo vệ môi trường, Tổng Liên đoàn Việt Nam đã tham gia xây dựng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường như nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường tính pháp chế và hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ông Đỗ Việt Đức - Ban Quan hệ Lao Động Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.
Ông Đỗ Việt Đức - Ban Quan hệ Lao Động Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đã ban hành Kế hoạch và tổ chức tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, như tổ chức trồng cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong doanh nghiệp, đơn vị; cải tiến kỹ thuật, máy thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng và chất thải độc hại ra môi trường...

Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bảo vệ môi trường; phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giữ gìn cảnh quan doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, theo ông Đỗ Việt Đức, năm 2023, trong tháng hành động vì môi trường hưởng ứng ngày môi trường thế giới, công đoàn các cấp tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về tháng hành động vì môi trường hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới” với chủ để chống rác thải nhựa.

Công nhân chăm chú nghe tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Tô Thế
Công nhân chăm chú nghe tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Tô Thế

Nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế của mình đã sáng tạo, đổi mới lựa chọn các hình thức thực hiện phù hợp như treo pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến các nội dung về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí tại các khu vực trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Nhiều thông điệp tuyên truyền, cụ thể hóa chủ đề hưởng ứng “Phục hồi hệ sinh thái” và “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, đoàn viên và người lao động về công tác bảo vệ môi trường, thói quen sinh hoạt, lối sống thân thiện với môi trường;

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên và được nhắc nhở thường xuyên như: “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và nilon”; “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; "Biến rác thải nhựa thành tiền"; "Đổi rác thải lấy cây xanh"; “Hãy tham gia với chúng tôi để chống lại ô nhiễm không khí”...

Năm 2023, các cấp Công đoàn đã tổ chức được 6 cuộc thi; in và phát hành 602.393 tờ gấp, khẩu hiệu, áp phích về công tác bảo vệ môi trường; có 11.583 buổi phát thanh truyền hình, chương trình tọa đàm, tập huấn, phổ biến kiến thức; có 3.279 bản tin, bài, phóng sự, lượt qua loa tại doanh nghiệp về bảo vệ môi trường để tuyên truyền đến 424.779 đoàn viên và người lao động.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TNMT (ở giữa) điều hành diễn đàn. Ảnh: Tô Thế
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TNMT (ở giữa) điều hành diễn đàn. Ảnh: Tô Thế

Tổ chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, cơ quan, nơi làm việc, khu vực công cộng, vệ sinh đường phố khu dân cư, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh được 1.794.121 km, đường giao thông, tại các điểm về môi trường được 899.032 km làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, môi trường sạch, đẹp hơn;

Trong những năm qua, Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ và các nhiệm vụ phục vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, như triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở phương pháp xác định bụi PM10 và PM2.5 trong không khí môi trường xung quanh bằng phương pháp trọng lượng.

Hoạt động giám sát về bảo vệ môi trường từng bước hoàn thiện ở các Liên đoàn Lao động địa phương và Công đoàn ngành đều đã thành lập các đầu mối quản lý môi trường nhằm góp phần nâng cao năng lực giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên và người lao động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

Huy động và tăng cường nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thu nhập và việc làm bền vững cho người lao động.

14h07: Ông Dương Trung Thành - Chủ tịch công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường - trình bày tham luận "Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường đang được triển khai trong công nhân, người lao động như thế nào?".

Ông Dương Trung Thành - Chủ tịch công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường - trình bày tham luận.
Ông Dương Trung Thành - Chủ tịch công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường - trình bày tham luận tại diễn đàn.

Về phòng chống rác thải nhựa, nếu thế kỷ 20 là kỷ nguyên cách mạng của ngành nhựa khi sản xuất quá nhiều sản phẩm từ nhựa, thì thế kỷ 21 là lúc phải đối mặt với những hậu quả của nó.

Quản lý không đúng cách, thiếu thông tin về tác động tiêu cực của nó và việc sử dụng vô trách nhiệm cũng như việc xả rác các sản phẩm nhựa đã biến hành tinh này thành “hành tinh nhựa”. Nó không chỉ làm ô nhiễm hệ sinh thái trên cạn mà còn làm ô nhiễm đại dương của chúng ta. Với tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội thì vấn đề ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi.

Sớm nhận ra được những tác hại và tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời thể hiện vài trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm quản lý rác thải nhựa, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ Chính phủ giao.

Các cán bộ, công đoàn viên Bộ Tài nguyên và Môi trường rất ý thức và hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa và đã có hành vi hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần (không dùng túi nilon tại siêu thị, chợ dân sinh; không dùng khay/cốc/bát/đũa/thìa nhựa khi ăn uống và sử dụng dịch vụ tiêu dùng tại cơ quan và các cơ sở dịch vụ; phân loại nhựa tại gia đình và chuyển cho các cơ sở/cá nhân thu gom để không hoà lẫn vào rác thải hộ gia đình…).

Về ứng phó biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu Net Zero, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu (BĐKH), thể hiện qua việc các hình thái thời tiết, thiên tai thời gian qua có nhiều diễn biến bất thường hơn và mức độ thiệt hại ngày càng khốc liệt hơn.

Mặc dù là quốc gia đang phát triển, còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Việt Nam luôn chủ động thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế, cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH.

Song song với các nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tôn giáo, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức tại các địa phương, các vùng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với các nội dung, phương thức truyền thông phong phú.

14h03: Phát phóng sự “Nhiều địa phương gồng mình trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa”.

14h00: “Nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường”

Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng biên tập Báo Lao Động - phát biểu tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động - phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Tô Thế

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết, tại Hội nghị COP 26, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.

Do vậy, diễn đàn được tổ chức với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường; đồng thời nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các Công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.

“Tại diễn đàn, chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến của các ban, bộ, các doanh nghiệp, ý kiến của công nhân, người lao động về công tác bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Đức Thành cho hay.

Toàn cảnh diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường năm 2023. Ảnh: Tô Thế
Toàn cảnh diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường năm 2023. Ảnh: Tô Thế

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng hơn. Ứng phó với BĐKH nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp, đặt mục tiêu tiến tới phát thải ròng bằng “0”.

Với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các doanh nghiệp trên toàn quốc, đồng thời nêu bật các sáng kiến của công nhân lao động trong công tác bảo vệ môi trường, Báo Lao Động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức “Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường” năm 2023.

Diễn đàn được tường thuật trực tuyến trên Báo Lao Động điện tử (www.laodong.vn).

Tiếp tục cập nhật...

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp, người lao động ở vị trí trung tâm

NGUYỄN HÀ |

Chị Vũ Thị Thảo cùng dự án Mì Tôm Xanh của mình có mặt tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023 do Báo Lao Động tổ chức vào chiều 29.3.2024 để minh chứng và khẳng định vòng đời rực rỡ của những thứ tưởng chừng phải bỏ đi, nếu biết tái chế, tận dụng sẽ trở thành những sản phẩm thiết thực, ứng dụng cao. Diễn đàn cũng sẽ là nơi để công nhân, người lao động trong các lĩnh vực khác nhau nói lên tiếng nói của mình, cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Ngày mai diễn ra Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường

Nguyễn Hà |

Vào lúc 14h chiều mai (29.3.2024), Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023. Đây là cơ hội để các quản lý, các doanh nghiệp, đông đảo người lao động gặp gỡ để cùng bàn luận và đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường.

Ngày 29.3 diễn ra Diễn đàn công nhân lao động vì môi trường 2023

Nhóm PV |

Với mục đích tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, vào lúc 14h ngày 29.3 tại Hà Nội, Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường năm 2023".

Chelsea chia điểm trước đội xếp áp chót dù chơi hơn người

Vũ Anh |

Chelsea chỉ có 1 điểm trước Burnley trên sân nhà Stamford Bridge.

Nữ sinh lớp 11 ngã từ tầng 5 trường THPT Chuyên Lào Cai

Đinh Đại |

Tối 30.3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai thông tin về trường hợp nữ sinh lớp 11 bị ngã từ tầng 5 của Trường THPT Chuyên Lào Cai xuống đất.

Chơi hơn người, Thể Công Viettel lội ngược dòng thắng Quảng Nam

HOÀNG HUÊ |

Dù được chơi hơn người nhưng phải đến phút bù giờ hiệp 2, Thể Công Viettel mới có thể giành chiến thắng 3-2 trước Quảng Nam ở vòng 14 Night Wolf V.League 2023-2024.

Bi kịch không đẻ được con trai (Phần 2)

Nhóm PV |

Trong câu chuyện hôm nay, có một người phụ nữ sinh được 2 bé gái và đã phải chịu sự hắt hủi từ gia đình chồng. Cô tiếp tục cố gắng mang thai và tìm mọi cách có được con trai để níu kéo lại tình cảm của người chồng. Giới tính của đứa bé thứ 3 sẽ là trai hay gái? Người phụ nữ liệu có được lại hạnh phúc? Xin mời các bạn cùng tiếp tục theo dõi.

Chương trình "Giờ thứ 9" do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Trường Quốc tế Mỹ kêu gọi phụ huynh đóng thêm tiền

Chân Phúc |

TPHCM - Chủ Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) kêu gọi phụ huynh đóng thêm tiền để có thể hoạt động đến hết năm học.

Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp, người lao động ở vị trí trung tâm

NGUYỄN HÀ |

Chị Vũ Thị Thảo cùng dự án Mì Tôm Xanh của mình có mặt tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023 do Báo Lao Động tổ chức vào chiều 29.3.2024 để minh chứng và khẳng định vòng đời rực rỡ của những thứ tưởng chừng phải bỏ đi, nếu biết tái chế, tận dụng sẽ trở thành những sản phẩm thiết thực, ứng dụng cao. Diễn đàn cũng sẽ là nơi để công nhân, người lao động trong các lĩnh vực khác nhau nói lên tiếng nói của mình, cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Ngày mai diễn ra Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường

Nguyễn Hà |

Vào lúc 14h chiều mai (29.3.2024), Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023. Đây là cơ hội để các quản lý, các doanh nghiệp, đông đảo người lao động gặp gỡ để cùng bàn luận và đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường.

Ngày 29.3 diễn ra Diễn đàn công nhân lao động vì môi trường 2023

Nhóm PV |

Với mục đích tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, vào lúc 14h ngày 29.3 tại Hà Nội, Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường năm 2023".