Lặng lẽ nghề lái xe cứu thương

Vũ Quỳnh |

Khi nhắc đến ngành y, một người bạn làm trong bệnh viện của tôi đã thao thao bất tuyệt chuyện về những bác sĩ, điều dưỡng, y tá, hộ lý. Còn ai không? Anh suy nghĩ một lúc, rồi: “À, còn mấy bác tài”. Nghe vậy, tự nhiên tôi muốn viết về “những bác tài” trong bệnh viện –người hay bị lãng quên.

“Ông già biểu đừng có làm nghề này”

Là một người đi viết, tôi đã từng lo lắng khi trò chuyện với những nhân vật trong ghi chép này. Họ không biết nói câu nào hoa mỹ, văn vẻ cho công việc của mình, hỏi gì trả lời nấy, gọn lỏn, chân thật và không kém phần nghiêm túc. Thế nhưng, khi ngồi cùng họ trên chiếc xe cứu thương, những câu chuyện về nghề cứ tự nhiên tuôn trào, đầy cảm xúc.

Anh Nguyễn Duy Thanh, Đội trưởng đội Công xa, bệnh viện Chợ Rẫy đã gắn bó 23 năm với nghề lái xe cứu thương chia sẻ: “Cuộc sống, những người thân, đường sá, xe cộ mấy chục năm qua…cái gì cũng thay đổi. Trừ nơi làm việc của tui”. Anh không biết vì sao mình chọn công việc này và động lực nào để gắn bó với nó lâu đến vậy: “Hồi đó chưa có việc gì làm, xin được công việc lái xe mừng muốn chết. Lúc mới làm cũng chưa có yêu nghề. Mãi năm chín mấy tui mới yêu nghề lận”  - anh chân thật.
Không ai ngăn cản, nhưng người duy nhất không thích anh làm công việc này là cha: “Ông già biểu tui đừng có làm nghề này, phúc họa khó lường lắm. Chỉ một tích tắc thôi cũng có thể xảy ra chuyện liên quan đến tài sản, con người. Thương con, cha nói thì nói vậy chứ luôn động viên tôi – đã chọn rồi thì ráng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. 23 năm, ngẫm lại, anh thấm thía những lời cha nói về nghề của mình.
Một lần đưa đoàn bác sĩ, y tá đi công tác ở Tây Nguyên vào ổ dịch sốt rét khám chữa bệnh. Hơn chục năm trước, giao thông rất xấu. Đường đèo quanh co và đầy ổ gà, ổ vịt. Sau nhiều ngày trèo đèo, lội suốt đến các thôn bản xa, chiếc xe cứu thương bỗng “dở chứng” chết máy khi đang lao nhanh xuống đèo Bảo Lộc giữa đêm khuya. Bác sĩ, y tá trên xe một phen hú vía. Họ chuẩn bị sẵn tâm lý phải qua đêm ở nơi hoang vắng đến lạnh người. Nhìn đoàn ai cũng mệt mỏi và nôn nóng trở về thành phố, về với gia đình, anh Thanh cầm đèn pin, lôi đồ nghề ra và lặng lẽ sửa xe. Thấy anh mồ hôi nhễ nhại, các bác sĩ, y tá xắn tay áo lên phụ anh đẩy xe, lấy đà cho xe nổ máy. Xổ đến nửa con đèo, chiếc xe mới chịu nổ máy: “Nghe tiếng xe nổ, cả đoàn mừng rỡ. Nhưng người mừng nhất chắc là tui. Không ai trách nhưng tui cứ áy náy về chuyện chiếc xe bị hư khiến đoàn có thể phải ở lại giữa đèo. Giống như xe hư là lỗi ở mình vậy”.

“Thèm” có bệnh nhân quay lại tìm mình

Anh Đỗ Thế Vinh dùng hình ảnh “như con nước” để so sánh về công việc lái xe cứu thương suốt 10 năm qua của mình: “Tưởng chừng công việc này nhàm chán, khô khan. Nhưng gắn bó 10 năm qua, tui thấy đây là một công việc đầy tình người”.

Anh lấy một ví dụ dễ hiểu về hai chữ “tình người”. Một lần, sau khi đưa xác bệnh nhân về nhà ở Đồng Nai, anh gặp một tai nạn. Bệnh nhân  bị xe tông, máu me bê bết, nằm bên lề đường. Đám đông người đang đùn đẩy nhau gọi xe cứu thương. Thấy vậy, anh không ngần ngại dừng xe lại, đưa bệnh nhân lên xe của mình, chở thẳng họ về bệnh viện. “Hình như tui có duyên với người tai nạn, cứ trên đường quay về bệnh viện thì lại gặp tai nạn và lại có cơ hội giúp họ. Những lần như vậy, tui tự nhủ - họ xui vì gặp tai nạn nhưng hên vì gặp ngay người chạy xe cứu thương ”.
Sau khi đưa họ về bệnh viện cấp cứu, anh rời đi ngay. Người nhà khóc lên khóc xuống lo cho bệnh nhân, chẳng để ý bác tài là ai. Anh Vinh bảo: “Mình không bao giờ trách họ. Nhưng suốt 10 năm qua, chở biết bao nhiêu người tai nạn, điều mình mong muốn nhất là có người quay lại tìm. Không phải để nói lời cám ơn, mình chỉ mong họ tìm lại để biết rằng họ đã qua cơn nguy kịch sau tai nạn đó và sống khỏe mạnh cho đến giờ. Như vậy, mình càng vui hơn vì đã cứu sống ai đó”.
Anh Vinh cười hiền lành, kết luận: “Điều mình thích nhất trong công việc này là được giúp người. Chiếc xe cứu thương đa phần phải chở những người bất hạnh, gặp nạn. Họ đã như vậy thì càng cần những sự giúp đỡ, mình không có điều kiện để giúp bằng vật chất thì giúp bằng sức lực”.
Trước khi lái xe cứu thương cho Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Vinh làm tài xế chạy xe thuê. Anh cười hiền lành: “Lái xe cứu thương khó hơn lái xe chở hàng nhiều chứ. Mình chở sự sống, chở tính mạng người ta mà”. Những ca cấp cứu ngoại viện, thể hiện rõ nhất điều đó: “Cứ nghĩ đến chuyện người ta đang nguy kịch, mình càng phải cố gắng chở bác sĩ đến với họ một cách nhanh nhất và cẩn thận nhất”. Thời gian gần đây, quan điểm đó trở thành áp lực đối với những bác tài khi mà tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng: “Có lúc trời mưa, tan tầm, đường kẹt cứng, xe không nhúc nhích được. Mình bật còi hú mà vẫn không ăn thua, nhiều người đi đường còn quay lại mắng” – anh Vinh chia sẻ.
 Lái xe cứu thương thường đối mặt với tình trạng kẹt xe.
Ám ảnh những lần tiễn đưa
Làm nghề lái xe cứu thương, cứ gọi là đi, bất cứ nửa đêm hay sáng sớm, bất cứ chuyến đi xa hay gần, đến cung đường nào. Thế nhưng, không chỉ là áp lực “chở sự sống”, các bác tài khó ai có thể quên được nỗi ám ảnh của những lần tiễn đưa – những lần chở bệnh nhân về nhà khi họ không qua khỏi. “Một năm có 365 ngày thì tui phải chở 370-380 người về nhà vì không qua khỏi. Có ngày đưa bệnh 2-3 ca là bình thường” - anh Nguyễn Tấn Hồng gắn bó 20 năm ở đội Công xa, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Lâu ngày, anh Hồng cũng quen với việc tiễn bệnh. Thế nhưng, cảm giác những ngày đầu vẫn còn ám ảnh anh: “Xót xa nhất là đưa xác những em bé về nhà. Nghe tiếng khóc nấc của người thân, nhìn những người cha, người mẹ ngất lên ngất xuống, đàn ông mạnh mẽ khô khan như tui còn phải rơi nước mắt. Trên đường về cứ nghĩ mãi về họ, về cuộc sống mong manh như sợi tóc”. Bản thân anh hay bất kì bác tài lái xe cứu thương nào cũng ít nhất một lần xắn tay ôm xác những người không quen biết: “Những ngày đầu, không thể nói là mình không sợ khi phải ôm xác một người xa lạ. Nhưng thấy người nhà toàn phụ nữ và trẻ em, tôi phải xốc vác, đưa thi thể vào nhà một cách chu đáo. Nghĩ rằng, việc làm của mình coi như an ủi phần nào nỗi đau của gia đình họ, tôi không còn sợ hãi nữa mà thấy vui hơn”.
Kỷ niệm trong nghề khiến anh Hồng nhớ mãi là lần tiễn bệnh về một bản xa ở Tây Nguyên. Đường về nhà bệnh nhân như một mê cung khi phải vượt qua hàng chục kilomet rừng cao su. Lúc đi, có người nhà bệnh nhân chỉ đường, cứ quẹo trái rồi quẹo phải liên tục. Đưa được bệnh nhân về tới làng thì trời đã tối mịt. Một mình quay xe ra khỏi làng, anh bị lạc. Chạy lòng vòng trong “mê cung” một hồi lâu không ra được, anh phải đậu xe ngủ lại giữa rừng. Cảm giác ngủ giữa rừng, giữa một bản làng xa lạ với anh không thể quên.
Từng “tiễn đưa” không biết bao nhiêu bệnh nhân về nhà, anh Nguyễn Duy Thanh ám ảnh mãi một bệnh nhân vô gia cư. Chẳng ai biết quê quán người này ở đâu. Chỉ biết, ông cụ làm nghề chạy xe xích lô ở Quận 6, TPHCM. Ông bị bệnh và được đưa đến Bệnh viện quá trễ nên không qua khỏi. Lúc chở xác ông về Quận 6, anh Thanh mới biết ông không có nhà cửa, vợ con gì cả nên phải đưa về phường để lo an táng, hậu sự cho ông. Người ta kể, cuộc sống của ông cụ thu gọn trong chiếc xích lô cũ kỹ. Ông mưu sinh bằng chiếc xích lô này, ai thuê gì chở nấy. Đêm về, ông ăn trên xích lô, ngủ cũng trên chiếc xích lô: “Nghe về hoàn cảnh ông cụ, tôi không cầm được nước mắt. Chưa có bệnh nhân nào khiến tôi bận tâm như vậy. Từ hoàn cảnh ấy, tôi nghĩ về việc phải sống chậm lại, yêu thương những người thiếu may mắn hơn mình”.  
Vũ Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.