Lằn ranh sinh tử: Những người lao theo giấc mộng kỳ nam

Phố Nhơn |

Sau những tháng ngày rong ruổi theo giấc mộng kỳ nam, nhiều phu trầm ở thôn Phú Cang 2 (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) trở về với chiến lợi phẩm. Dù phải đối mặt với nhiều hiểm nguy và cả những câu chuyện dở khóc dở cười để có được số kỳ nam quý hiếm, nhưng không phải ai cũng được đổi đời, thậm chí còn mang nợ nần, bệnh tật…

“Đặt cọc” tiền khi chưa có hàng

Hầu hết những phu trầm đi tìm kỳ nam vào cuối năm 2012 ở thôn Phú Cang 2 đều có xuất thân là nông dân, quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, trình độ học vấn có hạn, người hết cấp 2, người hết cấp 1, có người không biết chữ. Ông Võ Văn Quang - trưởng thôn Phú Cang 2 - cho biết: “Vào thời điểm đó, chỉ trong vòng một ngày, gần 40 người đàn ông và thanh niên trai tráng ở đây kéo nhau đi tìm kỳ nam ở thung lũng Ô Kha tận huyện Khánh Sơn. Tôi nhìn họ nối đuôi nhau đi mà chóng mặt. Tôi hỏi thì họ bảo, chỉ cần may mắn tìm được 1 lạng kỳ nam là có được vài trăm triệu đồng, dại gì mà không đi”.

Ở thôn Phú Cang 2, nói đến ông Trần Văn Sơn (SN 1958), ai cũng biết, bởi nhờ trúng kỳ nam mà ông mở quán cà phê mưu sinh từ đó đến nay. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn cho biết: “Lúc đó, tôi còn rất nghèo. Bỗng nhiên, một người đàn ông tên Tài đến gặp và đưa tôi 1,5 triệu đồng với điều kiện nếu tìm được kỳ nam thì đem về bán cho ông ta. Ông ta hứa sẽ mua với giá cao nhất”.

Không chỉ ông Sơn, nhiều người dân ở thôn Phú Cang 2 cũng được người đàn ông tên Tài này chi tiền để đi tìm kỳ nam, điều kiện giống như ông Sơn. Cầm tiền trong tay, những người nông dân chất phác, thật thà hăng hái lên đường đi tìm kỳ nam với giấc mộng đổi đời.

Nhóm của ông Sơn lúc đó có tất cả 7 người, ông là trưởng nhóm. Sau một tháng trời ròng rã tìm kiếm ở “thung lũng tử thần” Ô Kha, rồi lên tận những khu vực thượng nguồn của tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông vẫn không kiếm được kỳ nam, lương thực mang theo cạn kiệt nên cả đoàn kéo nhau về. Được một thời gian, ông lại bàn với cả nhóm tiếp tục đi tìm. 7 gia đình nghèo khổ đã phải đi vay tiền để 7 người đàn ông trụ cột theo đuổi giấc mộng kỳ nam. Lần này, họ không đến “thung lũng tử thần” nữa mà lên những khu rừng ở tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông. Dù vậy, sau hơn nửa tháng lặn lội, họ vẫn về tay không. Một lần nữa, họ lại khăn gói lên Ô Kha và lần này trời không phụ lòng người. Họ tìm được một cây gió có mùi thơm ngào ngạt và khai thác được gần 2 ký kỳ nam.

Ông Sơn kể: “Sau khi tìm được kỳ nam, chúng tôi chia làm 2 nhóm đem 2 phần kỳ nam bằng nhau băng rừng về nhà. Làm như vậy là vì sự an toàn, lỡ nếu gặp cướp giật thì cũng còn một nhóm. Tối hôm đó, chúng tôi về đến nhà. Sáng hôm sau, đang loay hoay chưa biết giá cả thế nào và chưa tìm được ai mua thì người tên Tài xuất hiện”.

 

Ông Trần Văn Sơn kể chuyện bị thương lái lừa khi bán kỳ nam. 

Cuộc ngã giá... đau đời

Thấy Tài, ông Sơn nói, bây giờ thương lái nào trả giá cao thì bán chứ không bán cho Tài nếu mức giá đưa ra thấp. Ông Tài đồng ý. Ông Sơn kể: “Tài đưa ra giá 1 tỉ đồng/kg, chúng tôi nghe vậy cũng mừng nhưng vẫn cố giữ lại, chờ hết ngày hôm đó nếu không ai trả giá cao hơn 1 tỉ đồng thì bán. Nghe tôi nói vậy, Tài bắt đầu cò kè bảo chúng tôi làm khó dễ, rằng chúng tôi không nghĩ đến việc trước đây Tài đã đưa tiền cho chúng tôi đi tìm kỳ nam”.

Đang ngã giá qua lại thì bỗng xuất hiện một người đàn ông khác tự xưng tên Thành, nhân viên của Công ty Chế biến trầm Thái Bình Dương. “Người tên Thành này bảo sẽ thu mua số kỳ nam của chúng tôi với giá cao nhất. Mặc dù chẳng biết Công ty Chế biến trầm Thái Bình Dương ở đâu và thu mua kỳ nam để làm gì nhưng khi đặt vấn đề thì chúng tôi thấy tin tưởng hơn người tên Tài”, ông Sơn kể.

Sau đó, người tên Thành đưa cho ông Sơn xem một bảng giá thu mua các loại trầm hương, kỳ nam phân theo giá cả, trong đó có ghi chi chít những loại trầm mà nhóm ông Sơn chưa hề nghe qua. Khi đó, người tên Thành giải thích, đây là những loại trầm quý hiếm chỉ có ở nước ngoài chứ Việt Nam chưa từng xuất hiện. Đến đầu giờ chiều, không thấy ai đến trả giá ngoài 2 người nói trên nên nhóm ông Sơn đem kỳ nam ra cho họ xem. Ông Sơn kể: “Sau khi xem xong, người tên Thành đối chiếu vào bảng giá cầm trên tay và ra giá 1,2 tỉ đồng/kg. Người tên Tài trả 1,4 tỉ đồng/kg. Chúng tôi đòi 3 tỉ đồng nhưng hai người vẫn kỳ kèo đòi hạ xuống. Cuối cùng, khi chúng tôi quyết định bán gần 2 ký kỳ nam cho người tên Tài với giá gần 2,8 tỉ đồng thì Thành bỏ đi”.

Tưởng mình đã bán được giá, nào ngờ sau này nhóm ông Sơn mới biết mình đã bị lừa. Ông cho biết: “Hai thằng đó là một nhóm với nhau, tụi nó giả vờ như thế là để ép giá chúng tôi. Sau này, chúng tôi mới biết, loại kỳ nam chúng tôi bán thời điểm đó có giá gần 5 tỉ đồng/kg. Không ngờ mình đi tìm khổ cực, gặp nhiều nguy hiểm nhưng chỉ hưởng một phần nhỏ, còn bọn thương lái chỉ vài ba đường múa mép đã lừa chúng tôi kiếm hơn 7 tỉ đồng”.

Đến giờ, ông Nguyễn Văn Quyết vẫn còn ám ảnh bởi những “kỳ tích” đi tìm kỳ nam. 

Lằn ranh sinh - tử

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cơn sốt kỳ nam vào cuối năm 2012 ở Ô Kha, nhiều phu trầm ở thôn Phú Cang 2 còn xuất ngoại để tìm bằng được kỳ nam. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quyết (SN 1962) cho biết: “Nhóm của tôi gồm 6 người, ngày đêm lục tung cả cánh rừng lớn ở huyện Khánh Sơn mà không thấy gì. Một buổi sáng, tôi bị rắn cắn, bao nhiêu thuốc trị thương, chữa độc đem theo uống vào cũng không tác dụng. Cả bàn chân tôi bầm tím và sưng vù, tưởng không qua nổi, may trong nhóm có người biết về đông y nên đã dùng cây rừng chữa trị cho tôi. Sau đó, cả nhóm kéo nhau về”.

Trên đường trở về, nhóm ông Quyết tiếp tục gặp nạn. “Ra tới mép rừng, chúng tôi gặp cướp, bị bọn chúng lấy hết đồ. Lúc đó, vì quá hoảng nên tôi vấp ngã, trẹo cả cột sống. Bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời là sống lưng tôi đau âm ỉ”, ông Quyết chua chát.

Sau những thăng trầm ở “rừng nhà” nhưng không thu được kết quả gì, ông Quyết cùng cả nhóm quyết định đi tìm kỳ nam ở “rừng ngoại”. Theo ông Quyết, việc đi tìm kỳ nam ở xứ người cũng có chủ thầu dắt lối. Người có tiền thì tự làm hộ chiếu, khai thác bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Người nào chưa có tiền sẽ được chủ thầu ứng tiền mua thức ăn, dụng cụ sinh hoạt rồi… tính sau. Ông Quyết là phu trầm nằm trong diện phải tính sau với chủ thầu.

Ngồi trò chuyện, ông Quyết thường xuyên lặp lại câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Theo ông, phu trầm nào cũng nói câu này chứ không phải riêng ông. Ông kể: “Đợt đó, chúng tôi băng rừng sang Campuchia để săn lùng kỳ nam. Ở bên đó, mọi thứ khó khăn, vất vả gấp trăm lần ở ta. Nơi rừng thiêng nước độc, chúng tôi bị những cơn sốt rét rừng hoành hành. Sức khỏe yếu, không chịu được thời tiết lạ, không ăn uống gì được nên chỉ trong vòng một tuần, người tôi còn lại bộ xương khô. Quá sợ hãi, cả nhóm quyết định trở về”.

Sau những thăng trầm lao theo giấc mộng kỳ nam, ông Quyết vay vốn xây chuồng nuôi lợn tại nhà. “Trở về, tôi bàn với vợ vay tiền nuôi lợn, làm lại từ đầu. Một năm sau, tôi trả được số nợ vay của chủ thầu lúc đi sang Campuchia tìm kỳ nam, đồng thời trả luôn các khoản nợ khác. Cuộc sống bây giờ đã ổn định nhưng mỗi lần nhắc lại việc đi tìm kỳ nam, tôi vẫn còn bị ám ảnh. Bây giờ, ai cho vàng bảo đi, tôi cũng xin thua”, ông Quyết cho biết.

Những ngôi nhà khang trang ở thôn Phú Cang 2 mọc lên sau khi một số người dân trúng kỳ nam.

“Thôi, bấy nhiêu đó cũng đủ lắm rồi...”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số những phu trầm ở thôn Phú Cang 2 đều là trụ cột gia đình. Chỉ vì mong muốn được đổi đời trong thoáng chốc mà họ bỏ bê công việc đồng áng, bỏ lại vợ con và gia đình để lặn lội vào nơi rừng thiêng nước độc tìm kỳ nam. Tuy nhiên, rất ít người trong số họ trúng được kỳ nam và đổi đời, đa số đều trở về tay không hoặc bất hạnh hơn là trở thành người mang thương tật vĩnh viễn.

Bà Dương Thị Kim Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Phú, cho biết: “Những năm gần đây, ở thôn Phú Cang 2 có một số người trúng kỳ nam, sau đó xây nhà cao cửa rộng, kinh doanh buôn bán cái này cái nọ nhưng nhiều người làm ăn thua lỗ nên lại nghèo như trước. Nhiều người trúng kỳ nam ở địa phương, sau khi giàu có thì sinh ra thói hư tật xấu, cờ bạc, rượu chè làm mất an ninh trật tự địa phương”.

Rời thôn Phú Cang 2 trong buổi chiều tắt nắng, chúng tôi vẫn còn khắc khoải câu nói của một già làng nơi đây: “Thôi, bấy nhiêu đó cũng đủ lắm rồi. Mong rằng từ nay người dân nơi đây đừng sốt với kỳ nam kỳ niếc nữa. Hãy để cuộc sống nơi đây yên bình, giống như tự nhiên của chính nó, hãy để trẻ thơ được học hành, được cơm ăn áo mặc như bao đứa trẻ trên cuộc đời này. Đừng để kỳ nam làm xáo trộn, tan hoang cuộc sống nơi này!”.

Ông Võ Văn Quang cho biết: “Phần lớn phu trầm là những người đàn ông trụ cột trong gia đình và là thành phần lao động chính nên khi họ lao theo giấc mộng kỳ nam, địa phương sẽ thiếu hụt nguồn lao động. Thậm chí, nhiều em nhỏ bỏ ngang việc học, theo gót những bậc cha chú đi vào những cánh rừng thiêng nước độc để tìm kiếm kỳ nam. Tuy hiện tại người dân không còn rầm rộ đi tìm kỳ nam như xưa nữa nhưng mỗi khi có tin đồn có người trúng kỳ nam tiền tỉ, nhiều người vẫn nuôi mộng đến một ngày sẽ trở thành tỉ phú nhờ loại gỗ quý hiếm này”.

 

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".