Văn chương

Võng dưới tàn cây

Truyện ngắn của Lê Bảo Chi |

Khó ngăn được nghẹn lòng khi đọc truyê%3ḅn này của Lê Bảo Chi viết về cặp vợ chồng già miê%3ḅt vườn Nam Bô%3ḅ. Ông về cõi, bà ở lại lẻ bóng. Con cháu xin bà về ở cùng, nhưng bà không muốn bước qua bâ%3ḅu cửa nhà mình, để ngày ngày hương khói, chuyê%3ḅn trò cùng di ảnh ông…

Người viết đã chợp được tình huống truyện vốn không lạ trong văn chương Việt. Song, cách dùng phương ngữ Nam Bộ ngọt ngào trong dẫn chuyện, và biểu đạt tâm trạng nhân vật bà cụ lẻ bóng, đã khiến cho không khí truyện thấm đấm hương vị một tình tự Nam Bộ, từng chảy thành dòng văn xuôi của những nhà văn Nam Bộ nổi tiếng.

Đặc sắc và duyên dáng nhất là những chi tiết văn xuôi đậm màu Nam Bộ, được người viết chạm khắc tinh tế suốt chiều dài truyện, đã đem đến cảm giác vừa lạ lại vừa quen cho người đọc. Và thấy nhẹ lòng, khi vỡ ra điều giản dị: Tuổi già cũng giống như lá đã vàng hanh, không có nơi di trú nào an toàn hơn bóng mát dưới tàn cây nhà mình… Nguyễn Thị Minh Thái

 Ông mất. Lễ lạt xong người ta khiêng chiếc giường ông nằm lúc cuối đời phơi tơ hơ ngoài gốc bòng. Nắng đầu tháng năm xéo xắt trên lớp vẹc-ni màu nâu bò xốn mắt. Buổi trưa im lìm như một bức tranh vừa được lên màu, cục cựa cũng không dám vì sợ loang mất nét. Khung cửa sổ mệt nhoài và trống rỗng. Một góc nhà trống hoanh, chẳng ai biết lấy gì để lấp vào. Nhiều thứ còn ngổn ngang rễnh rãng, nhưng những lúc như thế này, không ai biết phải sắp xếp sao, phải suy nghĩ như thế nào cho gọn ghẽ. Thì thôi, mặc kệ đi! Lúc tang gia bối rối, ai trách gì nhau đâu.

Tới bữa cơm tối, bà bưng thố cơm ra đầu hè gọi con Mực thì phát hiện nó biến mất. Kêu miết! Ô ô tróc tróc mà chẳng nghe ư hử gì. Bà đòi đi kiếm. Mấy đứa nhỏ la bà tối rồi đừng đi nữa rồi mệt nằm ra đó. Đứa cháu ngoại nói an ủi, chắc nhà đông quá nó sợ trốn đi đâu qua nhà người ta thôi ngoại ơi...

Cái tụi, lạ kỳ! Con Mực chớ phải đứa con nít ham chơi đâu mà thích đi đâu thì đi. Cái nòi chó, ngoại trừ hồi nó theo đực theo cái, còn tụi nó đi đâu, ham mồi cỡ nào cũng phải về nhà. Bà biết là con Mực phải đi đâu đó quan trọng hơn cái nhà này. Nhưng mấy đứa nhỏ không cho bà đi kiếm nữa. Bà cũng thôi. Không có ông, mấy chuyện nhỏ nhỏ vầy nghĩ thôi cũng thấy mệt quá. Hồi nào mà ông còn, nói gì nói ông cũng lặng lặng đội cái nón cời, vác theo cái rựa là đi. Chặp hồi ông về, xách theo buồng chuối sứ hườm hườm hay mấy trái bắp lơ hơ râu. Con Mực quấn quýt quẫy đuôi đi theo. Nghĩ tới ông, lúc này, là bao nhiêu thứ nó cứ xấp xới trong lòng, rịn thành nước mắt như không. Vậy đó!

Rồi con Mực cũng về bữa cúng mở cửa mả cho ông. Thấy nó bà mừng quýnh, mà con Mực có vẻ mệt lả đi vì đói. Bà lật đật đi múc cháo, pha sữa ông thọ cho nó uống. Có người nói thấy nó quanh quẩn trên mộ ông mấy bữa nay, mà vì nhiều thứ tin tưởng linh thiêng, người ta không dám kêu nó về dùm cho bà. Mấy đứa nhỏ lên đốt củi cho ông chiều chiều cũng không để ý gì chuyện bốn bên ngôi mả mới có vết chân chó.

***

Sau đám ông ba ngày, con cháu lần lượt đón xe, đón máy bay đi xa hết trơn. Buổi chiều hôm đó sụp xuống, ụm lấy căn nhà như một cái họng hạm đói meo nhiều ngày. Bà lụm cụm đi bật đèn thờ, đèn phòng lầu, đèn bếp, đèn rọi hè... Những cái bóng ne-on nhâm nhấp sáng từng ngóc nhà, trưng lên đến tận cùng những khoảng trống mênh mông không người. Bà để đèn sáng mãi mà lên giường, nằm nhìn miết lên mấy cây đòn dông nhà, đếm ngói đến hết đêm. Rồi bà cũng không nhớ mái nhà có bao nhiêu viên ngói, vì bà cứ lẫn lộn hàng này qua hàng kia. Thỉnh thoảng bà nhớ mấy chỗ ngói mới được ông thay nên lại chợt ngưng và càm ràm với ông. Không có tiếng ho húng hắng la bà đi ngủ hay hứa với bà sẽ kêu thợ cưa cây bạch đàn trên mé gành xuống ngâm làm cây đòn tay mới. Nhưng buổi đêm đó rồi cũng qua. Nó qua nhẹ bẫng và khô khan tới mức, sáng bà nhấc mình lên như một cái lá rệu rã.

Đứa cháu ngoại ở gần nhất về thăm, đứng to hó nhìn bà lủi hủi nói chuyện với di ảnh của ông một chặp rồi ào vô khóc thôi là khóc. Nó năn nỉ bà lo tuần tự 49 ngày ông xong rồi về ở với nó, hoặc với mẹ nó, tức con gái bà. Bà cũng thương con thương cháu lắm. Mà bà cứ cười cười thôi chớ, làm sao bà bỏ ông mà đi được.

- Quại còn bầy gà. Sao đi đâu được con ơi!

- Gà qué gì! Quại đem về nhà con hết đi. Quại muốn nuôi riêng con làm chuồng cho quại nuôi riêng.

- Chô... Chớ riêng tư gì đâu hé bay! Thôi đem lên đem xuống mất công. Để quại bán hết lứa này quại đi... Đi xuống dưới quách cho rồi...

Bà nói vậy, cũng là thật lòng vì đã có lúc, đầu gối bà rệu rạo run lên từng hồi mỏi mệt. Nhiều khi nhức mỏi trong người, không con không cháu, không có ông dắt đứng lên, bà cũng đã nản lòng và buồn nhiều lắm. Mỗi hồi trở trời, mấy cái khớp khô khan nhức tê người, bà cứ nằm rờ rẫm bóp từng nhát một khóc hờ ông. Mấy hồi, chỉ cần nghe tiếng bà than thở là ông lại đứng thinh ngoài cửa, hỏi trỏng vô cộc lốc:

- Chứ rồi đau sao?

Ông nghe bà rên đã đời rồi sẽ lụm cụm dắt chiếc xe đạp ra chạy u đi, không nói đi đâu, làm chi, chừng nào về. Một chặp nghe tiếng líp xe re re đầu ngõ, ngó ra thấy ông treo lỉnh kỉnh túi đồ ăn, túi thuốc tỉnh bơ đi vô. Ông để nguyên đám lên bàn, kêu bà ăn rồi uống thuốc, xong đi lên rẫy mất biệt tới tối về. Chừng đó, bà không còn gì để than kể đau đớn hay đòi hỏi hờn trách. Nó chỉ còn nguyên xi cảm giác được thương, được dỗ, mà cả đời không biết sao ông luôn làm được cho bà, bất kể thứ bịnh tật nào trong người làm bà khổ sở sao cũng vậy. Ông cứ im lặng xách xe đi mua thuốc, mua đồ bổ đem về. Là nguôi hết. Dẫu đó chỉ là thứ thuốc y sĩ tiệm thuốc tây bốc theo kinh nghiệm bán buôn, chủ yếu để giảm đau chứ chẳng đặc trị được giống bịnh nào.

Bởi, ta nói có những cơn đau được chữa lành bằng mấy liều thuốc ngọt lịm của sự nuông chiều. Miết tới khi ông không còn nữa, bỏ bà đi cả năm trời, cảm giác đó còn y nguyên, làm mỗi bước bà đi ra đi vô căn nhà trống trải, là cả một sự chênh chao.

May mà ông còn kịp nuôi con Mực.

***

Con Mực nó không có lông màu mực, cũng chẳng có vết tích liên quan gì. Chẳng qua hồi xin nó về nuôi, bà lên cơn ghiền ăn mắm mực, bữa nào cũng làm một chén mắm sống để chấm thơm bằm. Ớn rồi bà lại rim sả cay xé lưỡi ăn với một cơm nóng là xong bữa luôn. Ngày nào bà dọn cơm lên ông cũng chau mày một cái, kêu lại mực nữa ne? Bà cười xuê xoa là ông lại hết giận, ngồi lì lì ăn hai chén cơm một chén canh rồi bỏ đũa đứng dậy. Bà áy náy hỏi ông cơm hông ngon hay sao ăn ít. Ông súc miệng cái sọc nói già rồi, ăn cho qua bữa thôi, bà khó ăn khó ngủ, muốn sao thì chiều vậy. Bà cười sướng rân, nghẹn miếng cơm ngay cổ phải vừa thở vừa vuốt ngực, tự hứa từ mai bà ráng hết thèm mực, nấu cho ông một bữa ăn tươi ngon đàng hoàng.

Tự nhiên chiều đó bà mệt mệt, rồi đứa con gái về chơi, lục hết cái nhà, soi cái nồi trong bếp vẫn đang còn nguyên mớ mắm mực kho thì la ầm lên. Mà tính bà, càng la bà càng thấy mệt. Vậy là nó gần như ép bà lên xe để nó chở đi bệnh viện. Rồi mỗi ngày bác sĩ lại chích, lại rút một vài thứ linh tinh lang tang trong người bà. Hồ sơ bệnh án cứ dày lên lần lần. Người ta khám trong người bà hết bị bịnh này tới bịnh kia. Như một cái lu cổ đã qua nhiều lần vá víu tạm bợ, giờ người ta cứ gỡ ra từng lớp, lớp nào cũng bạc bã, hư hao.

Một tháng ròng bà về, ông cười lơ mơ lúc nhớ lúc quên ra đón. Con Mực te te chạy theo quẫy đuôi mừng rúm ró, dù trước đó bà chưa gặp nó bao giờ. Bà cười che nước mắt, hỏi ông nhớ bà không? Ông gật gật, cười cười, vuốt từng sợi tóc rối xoăn của bà đem soi nắng, và cười. Giây phút đó, bà mới thật sự có cảm giác bà về đúng ngôi nhà của mình, ở ngay chỗ của mình, không có thứ gì mảy may xích xê. Dù bà biết ông không còn như trước nữa, mà không hiểu vì sao. Bà nói gì ông cũng chỉ cười mà không nói đúng y như bà muốn. Bà hỏi ông về con chó. Ông kêu nó "Mực! Mực!!". Con chó quẫy đuôi chạy mừng. Bà rớt nước mắt, nắm tay ông chằm chặp:

- Trời ơi, ông ơi! Từ nay tui không đi đâu nữa. Từ nay ông ở đâu tui ở đó.

***

Con Mực ở với ông bà được hai năm, nó lớn phổng như một đứa nhỏ đang thời kỳ trổ mã. Bộ lông màu huyết dụ bóng lưỡng, đắp tròn trên bốn cái u chân vổng lên như đôi vai lực sĩ. Ông chăm nó còn hơn chăm bà, tới mức có hồi bà quạu:

- Rồi tới lúc chó còn hơn người luôn trời quơi.

- Bậy bạ không! Không có bà... còn con Mực...

Bà chưa bao giờ nghĩ đó là cuộc chuẩn bị đi xa của ông. Bởi người khác mà linh tính được chuyện lớn của mình, người ta lo dữ lắm, sao cho nó trọn vẹn đủ đường. Ai đâu đi nuôi một con chó, thương cho nó thiệt khôn rồi lẳng lặng từ biệt. Ở tuổi của bà, chuyện ly tan không còn là đớn đau khôn tận nữa. Cả ông hay bà đều biết hết rồi, nhưng không nỡ nói ai trước ai sau, bởi mấy chục năm bên nhau là thứ tình cảm không lấy gì tả được. Giờ, ở cái đoạn êm nhất của cuộc đời, cũng là lúc phải tính tới chuyện sang dòng một đoạn khác. Bà không thấy lòng buồn. Chỉ nhớ ông, lòng dạ lõng bõng trống tênh. Những câu chuyện rủ rỉ thuộc lòng mỗi ngày đã mất đi và tan biến theo tiếng thở của người bạn đời. Buồn chớ! Nghe rứt ruột như tới bữa mà chưa có cơm, cái bụng trống không nên ngay cả hít thở ra vô cũng thấy mệt. Tại gió lọt lòng.

Bữa nay đã là tuần mãn tang ông. Mấy đứa cháu lại xúm hùa nhau nói bà dọn về với tụi nó. Nghĩ bà cũng có phước chớ, tới tuổi này, con cháu đuề huề mà đứa nào cũng nghĩ cho bà, cũng đòi phụng dưỡng, chăm lo. Nhưng làm sao bà nhà bỏ cửa mà đi. Làm sao bỏ ông lạnh quanh trong ngôi nhà này mà đi?

Đứa con gái đầu xù tóc rối khóc khan, gào lớn:

- Ba ổng mất rồi má! Má ở đây càng khổ con thêm thôi, má có biết không?

- Trời, má làm gì đâu khổ, tụi bay? Cơm tới bữa má nấu được, tối tắt đèn đi ngủ. Chừng nào ông trời ổng kêu thì dạ.

- Thôi ngoại, nói vậy chớ ngoại về với má con đi. Ngoại ở một mình, lỡ có chuyện gì mang tiếng má con cả đời - đứa cháu ngọt nhạt.

- À... Nhưng mà đi bỏ ông ngoại con... Tội lắm! Cho ngoại ở đây đi... Chừng nào ngoại không lo nổi cho ngoại nữa thì ngoại về, nhan!

Mấy đứa nhỏ nhao lên than trời than đất nên bà lại thấy mệt, thẽ thọt kêu thôi ngoại đi nằm. Bà vô tới giường, đặt lưng xuống thì tiếng lao xao bên ngoài cũng tản. Bà thiếp đi, trong giấc mơ thấy con Mực cứ đứng bơ vơ ngoài đường, rồi một chiếc xe băng qua cuốn nó đi mất, tan biến không còn vết tích gì. Bà choàng dậy, thấy đứa con gái đang lui hui quét nhà. Mới có gần 60 mà người nó cứ gầy rút lại, vai mỏng tang như một bức tượng giấy. Bà cựa mình. Hai mẹ con nhìn nhau lừng khừng, nửa muốn nói năm ba chữ cho bớt nặng nề, phần tủi tủi như còn hờn lẫy! Dẫu sao, mỗi người cũng có ý nghĩ nặng lòng của mình. Trong đơn chiếc, khi không gom được chung mối lo về gọn ghẽ, con người ta dễ cạu nhạu, tủi cực trong lòng lắm.

- Thôi coi về nhà heo quéo dưới đi. Để đó chút má dọn. Tao còn sức cục cựa chớ đã hơi hám gì đâu mà tụi bay lo...

Con gái bà im lặng, nước mắt rớt trên từng nhát chổi, y chang như mỗi lần bà la nó hồi nhỏ. Nhưng khác là giờ, nó chẳng còn nhỏ chíu để bà bẹo má, vò đầu dỗ nín. Bà ngồi dậy vấn tóc, gói từng chữ, từng chữ rành rọt thành lọn quấn, lọn quấn.

- Má biết tụi bay lo cho má. Nhưng má già rồi, như cái cây yên gốc. Thà cứ để đó cho người ta yên một chỗ, bám tới chừng nào bám rồi về với đất chớ tụi bay bứng đi chỗ khác, sức đâu nữa để người ta bén rễ quen hơi. Héo nhanh lắm!

Bà nói xong và vẫn còn ngồi toòng teng trên giường. Nắng dưới tàn cây nhấp nhánh trên nét da chân đồi mồi của bà như đang vẽ những vệt loang không màu. Bà ngắm nghía vệt chàm tuổi tác và thời gian trộn lẫn, tự nhủ với lòng mình rằng, tuổi già cũng giống như lá đã vàng hanh, không có nơi di trú nào an toàn hơn bóng mát dưới tàn cây. Cái khớp nối đã long lay sẽ rời cành theo một cách tự nhiên và hiền lành nhất. Những sự sinh dưỡng khác, nhiều khi chỉ làm nặng thêm gồng gánh cho kiếp người.

Nắng lảng dần ra cửa, chỗ con gái bà vẫn còn đang đứng miết đó khươi bụi hất qua bậu cửa. Mỗi nhát chổi nó nấm nảy lên là mỗi tiếng nấc khan dằn trên đòn xương quai xanh mỏng lét. Nghĩ thương con nhỏ, cái số khổ thiệt khổ, cả đời lam lũ nuôi đàn con 5 đứa, giờ ở tuổi ngả chiều còn phải lo cho quãng ngày xế bóng của bà. Nên bà hiểu sự tấm tức của nó khi đối diện với sự chống đối của bà. Nhưng tự thâm tâm, bà hiểu rằng, sự khổ hạnh của người già, không nên vì bất cứ lý do gì để trở thành gánh nặng truyền kiếp cho con cháu hết.

Cũng như nhiều người từng mong ngóng cậy nhờ con cái, bà đã trải qua tuổi trẻ bươn bả với ông và nuôi mong ước đằng đẵng rằng chịu khổ nuôi con, mai mốt được nhờ đỡ. Nhưng không biết vì sao, khi trải hết những tháng ngày xanh đẹp nhất bên ông, rồi nắm cánh tay đã buông sợi dây đời của ông để lau rửa lần cuối, bà chợt nhận ra mình không cần phải gắng gượng bám víu vào thứ chằng níu nào khác. Người đời bên ngoài nhìn dói vào căn nhà của một người già vắng con vắng cháu sẽ chỉ thấy sự cô quạnh. Nhưng qua cái bậu cửa trở vô là bụi bặm cả cuộc đời của người ta, lỡ thò tay phủi mất một hột đã thấy lòng đau đáu.

Bà ra bàn thờ thắp hương cho ông, lui cui khơi lại ngọn đèn, vặn nhỏ bớt cái máy tụng kinh. Vừa làm bà vừa hỏi ông tự nhiên không biết sao bà nói với con mình như vậy. Rồi chắc nó hiểu chớ nó không buồn gì ông với tui đâu hen. Ông cứ cứ cười cười hiền khô như hồi xưa với bà chớ cũng không nói năng gì. Gió lắt xắt đẩy hương trầm bay lảng bảng. Bà cười ứa, thấy ấm lòng như ông vẫn còn ngồi im trên mé phản, nghe bà nói năng càm ràm rồi cười.

- Tui nói bậy bạ vậy chớ mà đúng hết đó nha. Cỡ ông với tui là sống bằng thói quen, ở chỗ quen. Đừng có bứt người ta ra...

Đừng có bứt người ta ra...

Truyện ngắn của Lê Bảo Chi
TIN LIÊN QUAN

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Dấu ấn nổi bật của đối ngoại đa phương Việt Nam năm 2022

Khánh Minh |

Công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thiết thực vào sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước.