Việt Bắc trong tôi

Tùy bút của VI THUỲ LINH |

Việt Bắc, bất cứ khi nào nghe, thấy từ này, tôi đều nao lòng. Việt Bắc thiêng liêng và thân thiết vô cùng, bởi là bối cảnh nền cho hầu hết mọi diễn biến của đại gia đình tôi, ở thời kỳ đẹp nhất của các thành viên khi đông đủ. Thiên nhiên, ân tình Việt Bắc nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi, mãi xanh ngời ánh sáng đẹp nhất, linh diệu nhất.

1. Việt Bắc, hai tiếng thân thương ấy là máu chảy trong tôi. Việt Bắc trải vòng ôm bằng núi rừng sống suối, là huyết tộc Tày Nùng phả hệ, là tinh thần sống hào sảng chân tình, là nguyên quán trong mọi trang lý lịch, là hằng hãnh diện giới thiệu quê hương Trùng Khánh, Cao Bằng. Trùng Khánh, nơi có thác Bản Giốc kiều lệ tung lụa trắng giữa miền xanh, nơi có động Ngườm Ngao (Hổ) đá nhũ tự nhiên kỳ lạ nhất miền Bắc, bánh khảo giấy hồng nhuộm vân tay bột bánh dính môi thơm má ửng thung lũng bạt ngàn hoa mận đào như một khoảng thiên đường hạ cánh, nơi rừng hạt dẻ duy nhất Việt Nam vẫn ấp giấu muôn triệu ước mơ. Việt Bắc - quê hương cách mạng Việt Nam đã chở che lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí hoạt động đến ngày thắng lợi.

Mọi người về quê, còn tôi thì lên quê, vì quê tôi vùng cao núi đá.

Trùng Khánh quê tôi là quê hương của nhiều nghệ sĩ, Anh hùng. Phùng Văn Khầu, La Văn Cầu - những người trai đi đánh Pháp mang khí phách thượng võ Cao Bằng không đâu giống được. Quả cảm, xả thân, một mình quyết tử. Tinh thần thượng võ, tâm hồn nghệ sĩ hòa quyện để họa sĩ (HS) Vi Kiến Minh (1926 - 1981), trong cuộc đời ngắn ngủi 55 năm sống, đã ghi dấu nhiều đẹp đẽ lưu hương.

Ông dạy chữ Quốc ngữ cho các bạn các em, kể nhiều chuyện lịch sử dân tộc, nói về tình yêu nước với thanh niên Trùng Khánh khi ở đó nghèo, lạc hậu, thiếu thốn, không có sách mà cũng chưa đủ chữ để đọc và hiểu được sách. Có thanh niên ở đợ sau theo Việt Minh coi Ông tôi là Thầy, là Anh, người khai sáng. Vi Kiến Minh phận mồ côi gánh vác 3 em, gia nhập Thiếu sinh quân từ niên thiếu, lớn lên thành chàng trai tuấn tú. Mảnh khảnh mà dẻo dai, ông rèn luyện theo bài võ sư dạy: Ra ruộng bóp đất khô để luyện cơ tay. Đá bóng thì sút cừ khôi.

Được thần tượng và yêu mến nhất ở Trùng Khánh chính là Vi Kiến Minh. Khi chưa được học chính quy, thì ông tôi đã dẫn đầu Đoàn Thanh niên Trùng Khánh vẽ tranh cổ động, biểu ngữ... trong hoàn cảnh họa phẩm khó mua, đâu dư dả mà mua.

Tôi tiếc và hối hận mãi khi đã bị cuốn vào nhiều bận bịu liên miên mà lỡ hẹn mãi với các họa sĩ lão thành Phan Kế An, Nguyễn Thụ, Vũ Giáng Hương khi họ muốn kể cho tôi nhiều chuyện về người bạn, người anh đáng kính. Nay còn họa sĩ phim hoạt hình Mai Long, một trong các sinh viên cuối cùng của khóa Hội họa kháng chiến vẫn nhắc tôi sao không đến. Tôi sẽ đến thăm lão HS Mai Long nghe kể vào đầu Xuân mới, không thể chậm thêm khi ông sắp tròn cửu thập.

Em bé tưới cây - tranh của họa sĩ Vi Kiến Minh, năm 1967.
Em bé tưới cây - tranh của họa sĩ Vi Kiến Minh, năm 1967.

2. Họa sĩ Vi Kiến Minh không kịp trở thành ông già nhưng các con ông, học trò ông nay ở tuổi làm ông làm bà, vẫn nhớ Ông. Ông tốt bụng, chan hòa, đại lượng, hóm hỉnh. Đi đến đâu cũng đem tới tiếng cười, cũng có quà cho mọi người. Phút giải lao dạy thanh niên vài thế võ. Đưa học trò đi thực tập thì tặng tranh khắp bản làng. Yêu vùng cao, họa sĩ - thầy giáo Vi Kiến Minh dành cả đời cho Việt Bắc. Hễ có đợt sáng tác, thực tập nào là ông đưa đồng nghiệp đi khắp các nơi. Thân thuộc thì thuận lợi cho chuyến đi, ông còn muốn mở cho họ thế giới quan khác, một tiếp cận chân thực, sống động không định kiến, không áp đặt. Kí họa, trực họa, bột màu... tranh của Ông chủ yếu trên giấy, hiếm lụa và sơn dầu. Ông chắt bóp lương cùng vợ tảo tần nuôi 4 người con ăn học. Thầy Vi Kiến Minh dù đứt bữa dù ốm không bỏ dạy. Ông tôi là giảng viên sáng lập Khoa Mỹ thuật Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc năm 1965. Bốn mươi năm sau, Trường là Cao đẳng VHNT Việt Bắc thuộc Bộ Văn hóa. Hiệu trưởng của Trường là Ths, NGƯT Đỗ Quang Đại (con trai nhạc sĩ Đỗ Minh, tác giả của ca khúc “Vừng trời đông”), bạn học cùng Cấp 3 Lương Ngọc Quyến (Trường giỏi nhất TP.Thái Nguyên) với chú út tôi - HS Vi Kiến Thành. Ở thế hệ con cháu, lớp giảng viên đồng nghiệp hậu bối vẫn luôn trân trọng sự đóng góp của HS Vi Kiến Minh - cánh chim đầu đàn của Mỹ thuật Việt Bắc.

Yêu thiên nhiên con người Việt Bắc, HS Vi Kiến Minh phả truyền vào tranh. Này núi đá hùng vĩ Cao Bằng sông Quy Sơn Bằng Giang, này sương sớm trên cầu Pú Riềng in nhiều họa báo, đây cảnh rừng Thái Nguyên quê hương thứ hai, kia phiên chợ ngựa Bắc Hà ấn tượng, đó những phụ nữ mài sáp ong thêu thổ cẩm. Tranh vẽ không thỏa đam mê, vì ít toile (vải), miếng ăn còn đói. Cảnh sắc tạc vào trí nhớ thì sẽ truyền lưu mãi. Họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, cựu SV Trường VHNT Việt Bắc xúc động kể: "Khi tôi vào học khóa 1977-1981, cùng khóa Hoàng Cúc học Kịch nói, thì HS Vi Kiến Minh đã chuyển về Hà Nội 1 năm. Tôi vẫn thường nghe kể về Thầy. Giai thoại về chiếc xe đạp cũ lốp quấn săm cọc cạch". Tôi nghe kể về chiếc xe này, lần nào cũng khóc. Tôi đã đạp chiếc xe ấy khi nó qua tuổi 30. Xe đạp Phượng hoàng nữ xích hộp của Trung Quốc mua ở La Hiên. Đường miền núi đá đất gập ghềnh, nó tã cả lốp, mà lốp mua phân phối. Xe giữ đến thời Bố tôi chỉ còn khung, Bố thay phụ tùng và dùng đi làm, chở con. Chính xe này Bố dạy tôi tập và biết đi xe đạp.

Vòng quay của các loại bánh xe vẫn dẫn tôi lên vùng cao trong tâm tưởng. Thị trấn Bắc Sơn có di tích lịch sử quốc gia, bảo tàng về cuộc khởi nghĩa đánh Pháp, Nhật. Khi ông ngoại của Bố tôi mở hiệu ảnh Bằng Giang đầu tiên tại thị xã Cao Bằng, nơi Ông Bà nội tôi gặp nhau, Ông tôi đã vẽ cho Bố vợ phông phong cảnh để đồng bào chụp ảnh đầu thập kỷ 50 thế kỷ trước. Rồi hiệu ảnh Bằng Giang về thị trấn Bình Gia, Bắc Sơn, cũng là đầu tiên - Cụ Chu Văn Hiến được gọi tên Bằng Giang. Những người già nơi đây vẫn nhớ cụ Bằng Giang và HS Vi Kiến Minh vì họ đem ánh sáng đô thị cho miền cao "bớt xa" Hà Nội. Cảnh để chụp ảnh không phải cảnh Thủ đô, mà là thiên nhiên miền núi. Cầu Long Đống Bắc Sơn có mái do HS Vi Kiến Minh vẽ màu nước, nay là cầu bêtông không lan can, tiếc biết bao khi chỉ còn giữ trong tranh, trong kỷ niệm xa hơn nửa thế kỷ. Ông tôi đã đưa các đồng nghiệp, trong đó có người em khóa sau - HS Vũ Giáng Hương (1930 - 2011) - lên Bắc Sơn đi thực tế và sáng tác. Ông dẫn họ chiêm ngưỡng núi non, thung lũng, vườn quýt, vườn hoa đẹp nhất, và cả cầu Long Đống lợp mái có một không hai, một cây cầu cổ từ thời Lê năm 1763, đã được xếp hạng di tích. Bố tôi cầm máy từ lúc thiếu niên khi sống cùng Ông Bà ngoại, chụp ảnh lưu động giúp Ông khắp vùng Bình Gia Lạng Sơn suốt thời học cấp ba Bắc Sơn. Cảnh ngày ấy đẹp hơn bây giờ vì hoang sơ hơn, tự nhiên hơn, gió của mùi thảo quả, và nhất là yên tĩnh hơn. Đạo diễn phim tài liệu, NSƯT Vi Kiến Hòa nổi tiếng ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam là người làm phim về miền núi nhiều nhất. Trong một lần trở lại quê hương, phỏng vấn Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng khi ấy là Dương Mặc Thăng, ông Thăng có hỏi Bố tôi: "Họ Vi thì không hiếm trên này, nhưng văn nghệ sĩ họ Vi thì ít. Đạo diễn có quen ai là Vi Kiến Minh không?". Bố tôi không trả lời ngay mà hỏi: "Bí thư có chuyện gì mà tìm, Ông ấy đã mất hơn 20 năm rồi". Ông Thăng nói: "Chết rồi, làm sao báo đáp được ân nhân. Nhà tôi xưa kia nghèo khổ, lạc hậu không có tấm ảnh nào. Khi bố tôi chết, may nhờ bức chân dung HS Vi Kiến Minh vẽ cha tôi - Đội trưởng Xích Thắng (Dương Mặc Thạch) là chính trị viên - một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 22.12.1944 tại rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) - mà nhà tôi có ảnh thờ. Sao bao năm nay tôi lại không gặp được anh? Giờ làm sao đây?". Ông Thăng khóc nức nở. Bố tôi cũng khóc và không kìm được nữa: "Đấy là Bố em anh ạ, đoản thọ, khổ cả một đời, chưa một ngày sung sướng. Bố em thở oxy 3 tháng cuối đời. Có ngờ đâu bệnh viện hết vào hôm ấy. Em đi tìm được bình oxy về thì Bố đã không chờ được". Họ ôm lấy nhau và kết nghĩa anh em.

3. HS Nguyễn Thị Lan Hương sinh ra tại 18 Hàng Gà, Hà Nội (năm 1967) cùng gia đình đi sơ tán lên Phổ Yên (Thái Nguyên) và lớn lên ở đó. Cha mẹ lên đây mua đất trồng trà. Năm 1977, chị thi và theo học tại trường VHNT Việt Bắc. Tháng 10.2021, HS Lan Hương sang Québec - Canada - thăm gia đình con trai định cư tại đây, chị ở đây 1 - 2 năm đến khi nào Việt Nam ổn định dịch thì mới về. Tôi đã gặp HS tại nhà HS Bùi Mai Hiên (99 Nguyễn Thái Học). Bẵng đi mấy năm không gặp lại, nhờ HS Mai Hiên kết nối, ngay đêm 4.12, HS Lan Hương đã kết bạn Zalo với tôi. HS viết: "Tôi đưa học sinh đi thực tập 2013 - 2014 ở Hà Giang, tình cờ thấy tranh của HS Vi Kiến Minh được treo trân trọng trong nhà, gồm hai bức chân dung của bố mẹ gia chủ - bằng mực nho có điểm màu rất đẹp. Tôi xem chữ ký, biết được của ông, giai thoại về ông thì các thế hệ Việt Bắc đều được nghe các thầy kể lại, những người tử tế đều yêu mến... Sau khi xin phép chủ nhà cho hạ các bức tranh xuống xem kỹ, tôi ngỏ ý mua lại nó. Gia chủ nói: "Đây là kỷ vật của bố mẹ tôi để lại và dặn phải gìn giữ bằng mọi giá. Tranh do một thầy giáo họa sĩ đi cùng cán bộ văn hoá lên đây tuyển sinh năm 1967". Cố năn nỉ không mua được tranh, tôi trân trọng gia chủ và vẽ tiếp chân dung của họ để đánh dấu kỷ niệm này với gia đình. Năm 2006, tại Phú Lương (Thái Nguyên), tôi có gặp một bạn trẻ - cán bộ Đoàn có cho tôi xem mấy bức tranh có chữ ký của ông: “Xuân vùng cao” - vẽ cô gái H'Mông và anh bộ đội biên phòng cưỡi ngựa - bột màu trên giấy (khổ A3). Một bức mực nho - thiếu nữ trang phục Tày (Nùng) có chiếc nón và bông hoa chiến sĩ thi đua mực đỏ. Còn 1 - 2 bức nữa tôi không nhớ rõ (do lúc đó không có phương tiện ghi lại)...

Tôi đã mua lại vì rất quý cả tác phẩm lẫn Thầy. Biết có thể bán nó, song tôi trân trọng HS Vi Kiến Minh và đã trao lại tận tay cho HS Vi Kiến Thành tại Cục Mỹ thuật ở 38 Cao Bá Quát".

Bà Giáng Hương (con gái thi sĩ Vũ Ngọc Phan) sống thọ hơn Ông nội tôi 30 năm, cũng đã đi xa 10 năm. Cầu Long Đống giờ chỉ còn là cầu bêtông trơ trụi. Tôi mồ côi Ông nội 40 năm rồi. Ông vẫn ở bên tôi, sống trong tôi bởi tôi là đứa cháu đầu tiên, cháu duy nhất được ông bế và đặt tên.

Chuyến đi xa cuối cùng của Ông nội tôi là sang Ulan Bator 1 tháng. Thời tiết Mông Cổ xứ sở thảo nguyên cuối Xuân 1981 còn gió lạnh. Thể trạng yếu, làm việc cật lực, sức khỏe Ông suy giảm. Lịch dạy bồi dưỡng cho họa sĩ Việt Bắc 3 tháng ở Tuyên Quang Ông đã nhận từ trước. Ông cố đi. Ho, mệt, bệnh phổi làm Ông khó thở, đau đớn. Người thầy ấy vẫn vắt sinh lực còn lại, dốc hồng cầu trong từng bài giảng, từng nét bút tận tâm. HS Vi Kiến Minh dâng hiến sự tận tụy của người thầy, niềm đam mê truyền thụ cái Đẹp cho học trò lần nào cũng như lần cuối. Thâm tâm Ông biết mình đuối mệt, nhưng tình yêu hội họa, tình Việt Bắc thôi thúc Ông gắng. Ông cố hoàn thành khóa giảng rồi mới về Thủ đô. Cánh chim đại ngàn tận hiến liệng trời xanh Việt Bắc đến khi nằm xuống.

Việt Bắc đang hiện trong bức tranh mùa Xuân của các con tôi...

Tùy bút của VI THUỲ LINH
TIN LIÊN QUAN

Liên hoan tiếng hát nhà giáo Cao Bằng năm 2021

Phương Hà |

Cao Bằng - Công đoàn ngành Giáo dục Cao Bằng vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng tổ chức Liên hoan tiếng hát nhà giáo năm 2021. Tham dự Liên hoan có 50 tiết mục đến từ  39 đơn vị công đoàn cơ sở và 10 phòng giáo dục với  diễn viên, ca sĩ - là các thầy cô giáo, cán bộ, người lao động và học sinh trong toàn ngành.

Cao Bằng: Đoàn viên công đoàn huyện Hoà An chung tay xây dựng nông thôn mới

Huệ Phùng |

Cao Bằng - LĐLĐ huyện Hoà An (tỉnh Cao Bằng) đã phát động trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia đóng góp, ủng hộ phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới của huyện Hòa An”. Nội dung và địa điểm thực hiện “Hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo cho hộ nghèo tại xã Hồng Việt, huyện Hòa An”.

Đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh Cao Bằng tham gia “Ngày hội hiến máu tình nguyện"

Thuỳ Dương |

Trong 2 ngày, 9-10.10, Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện trong đoàn viên, CNVCLĐ, hưởng ứng Hành trình đỏ 2021 với tinh thần "Hiến máu an toàn - không ngại COVID-19".

Cán bộ y tế Cao Bằng "chia lửa" cùng TP. Hồ Chí Minh

An Trịnh |

32 tình nguyện viên là cán bộ ngành y tế của tỉnh Cao Bằng sẽ lên đường hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

Liên hoan tiếng hát nhà giáo Cao Bằng năm 2021

Phương Hà |

Cao Bằng - Công đoàn ngành Giáo dục Cao Bằng vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng tổ chức Liên hoan tiếng hát nhà giáo năm 2021. Tham dự Liên hoan có 50 tiết mục đến từ  39 đơn vị công đoàn cơ sở và 10 phòng giáo dục với  diễn viên, ca sĩ - là các thầy cô giáo, cán bộ, người lao động và học sinh trong toàn ngành.

Cao Bằng: Đoàn viên công đoàn huyện Hoà An chung tay xây dựng nông thôn mới

Huệ Phùng |

Cao Bằng - LĐLĐ huyện Hoà An (tỉnh Cao Bằng) đã phát động trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia đóng góp, ủng hộ phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới của huyện Hòa An”. Nội dung và địa điểm thực hiện “Hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo cho hộ nghèo tại xã Hồng Việt, huyện Hòa An”.

Đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh Cao Bằng tham gia “Ngày hội hiến máu tình nguyện"

Thuỳ Dương |

Trong 2 ngày, 9-10.10, Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện trong đoàn viên, CNVCLĐ, hưởng ứng Hành trình đỏ 2021 với tinh thần "Hiến máu an toàn - không ngại COVID-19".

Cán bộ y tế Cao Bằng "chia lửa" cùng TP. Hồ Chí Minh

An Trịnh |

32 tình nguyện viên là cán bộ ngành y tế của tỉnh Cao Bằng sẽ lên đường hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh.