Trọn vẹn thời khắc của ngày về chiến thắng

Khánh An |

Dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.2023, nhiều bạn trẻ đã tìm đến các khu di tích trưng bày tài liệu, hiện vật để được sống trong thời khắc lịch sử cách đây 69 năm - khi hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân thắng trận trở về. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp đường phố, cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng.

Rưng rưng nhớ về những người đã hy sinh

Trương Ngọc Khánh (25 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đứng lặng lẽ ngắm từng vết chỉ sờn, nếp nhăn trên lá cờ làm từ chăn do tù nhân chính trị Nhà tù Hoả Lò tự làm để tổ chức chào cờ trong các dịp lễ, Tết.

Đây đã là lần thứ 3 Ngọc Khánh đến Nhà tù Hoả Lò. Song, lần này lại đặc biệt hơn cả, bởi em chọn đến đây đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô - để được ngắm nhìn lại những hình ảnh lịch sử cách đây 69 năm, thông qua triển lãm “Sông Hồng cuộn sóng”. Từ đây, em cảm nhận được tinh thần bền bỉ, gan góc chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập, tự do của quân và dân Hà Nội.

Trong khi đó, Nguyễn Bích Ngọc (21 tuổi, quê Phú Thọ) và bạn lại dừng chân lâu hơn tại khu tái hiện hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội) tham gia diễu hành, rước cờ đề cao tinh thần chống ngoại xâm trong buổi lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại đền thờ Hai Bà, năm 1953.

Ngọc nói, đã xuống Hà Nội học tập được 3 năm, song chưa có nhiều cơ hội tìm hiểu về các dấu mốc lịch sử của Thủ đô. Vậy nên, em đã quyết định cùng bạn thân đến triển lãm vào thời điểm cận kề ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô.

“Những ngày này, đường phố Hà Nội rợp cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu khiến em rất muốn được tìm hiểu thêm và ôn lại những kiến thức về mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc” - Ngọc nói.

Có mặt tại triển lãm, ông Nguyễn Tiến Hà - cựu tù nhân chính trị nhà tù Hỏa Lò, nguyên cán bộ Mặt trận Quân sự Hà Nội, người tham dự lễ chào cờ lịch sử chiều 10.10.1954, hồi tưởng: "Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang trên đỉnh Cột cờ Hà Nội, tôi lặng đi vì xúc động. Tôi rưng rưng nước mắt nhớ về những đồng đội, đồng chí, đồng bào đã hy sinh. Tôi vô cùng biết ơn những liệt sĩ đã giúp tôi thực hiện lời thề ẩn giấu trong tên mình "Nguyễn Tiến Hà" mà tôi đã chọn là nguyện tiến về Hà Nội giải phóng Thủ đô".

Đúng 15h ngày 10.10.1954, còi Nhà hát lớn Hà Nội nổi lên. Toàn thành phố hướng về cột cờ thành Hoàng Diệu (nay là Hoàng thành Thăng Long) để làm lễ chào cờ lịch sử. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ khi ấy đã trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Lời kêu gọi, chúc mừng giản dị, gần gũi thân thương của Bác cũng chính là nỗi niềm mong ước, niềm vui hòa cùng khúc hoan ca rộn ràng trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân Hà Thành.

Khu trưng bày tại triển lãm “Sông Hồng cuộn sóng“. Ảnh: Khánh An
Khu trưng bày tại triển lãm “Sông Hồng cuộn sóng“. Ảnh: Khánh An

Không quên lời thề

Đêm 19.12.1946, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng vào các vị trí đóng quân của thực dân Pháp trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của quân và dân ta trên phạm vi cả nước. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng Thủ đô Hà Nội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến khu XI và được sự chi viện, tiếp tế của quân và dân ngoại thành, lực lượng vũ trang Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đứng ý định của thực dân Pháp đánh chiếm và làm chủ Thành phố trong vòng 24 giờ, bước đầu đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.

Đêm 17.2.1947, Trung đoàn Thủ đô đã tổ chức cuộc rút lui an toàn qua sông Hồng, sông Đuống trước sự bao vây gắt gao của địch, bảo toàn lực lượng để tiếp tục chiến đấu lâu dài. Trong trái tim mỗi chiến sĩ ra đi ngày ấy luôn sục sôi quyết tâm “Ra đi hẹn một ngày về” như những câu thơ “vệ út” Nguyễn Ngọc Sơn đã viết:

Hồng Hà nước chảy lững lờ
Vết chân chiến sĩ trên bờ còn in
Ra đi ghi nhớ trong tim
Thủ đô giải phóng không quên lời thề!

Khi Hà Nội trở thành vùng tạm chiếm, chính quyền thực dân thực thi ngay chế độ quân quản, đàn áp, kìm kẹp người dân. Chiếm được Hà Nội, nhưng thực dân Pháp không chiếm được lòng người. Cờ đỏ sao vàng luôn bất ngờ xuất hiện trong thành phố; người Hà Nội vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, góp tiền, góp sức ủng hộ kháng chiến; Biệt động nội thành tổ chức tập kích sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai; học sinh, sinh viên tổ chức bãi khóa, văn nghệ ủng hộ kháng chiến; trong Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh, tổ chức vượt ngục... khiến cho Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối và tìm mọi cách đàn áp.

Cuối tháng 4.1954, giữa lúc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp đang bị vây hãm nguy ngập, lực lượng trông, giữ kho quân nhu của địch được giác ngộ cách mạng ở trong thành phố đã bí mật phá kho dù - một phương tiện duy nhất để tiếp tế bằng máy bay cho quân địch ở Điện Biên Phủ...

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Genève và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Lợi dụng thời gian này, trước khi rút khỏi Thủ đô, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, trì hoãn việc trao trả tù binh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, các tầng lớp nhân dân Hà Nội kiên cường, bền bỉ chống lại mọi âm mưu phá hoại, bảo vệ thành phố nguyên vẹn trước khi đoàn quân chiến thắng tiến về.

Đầu tháng 10.1954, đội hành chính và đội trật tự đã tiến hành bàn giao các cơ quan công sở, công trình công cộng. Ngày 8.10.1954, Tiểu đoàn Bình Ca (đơn vị đầu tiên được lệnh rút ra khỏi Thủ đô hồi đầu toàn quốc kháng chiến) đã quay trở về tiếp quản các vị trí trọng yếu từ tay quân đội Pháp. 16h ngày 9.10.1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Lực lượng tiếp quản đã đảm bảo tính mạng, giữ vững cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng. Các chị, các mẹ thức thâu đêm để cắt, may, khâu những lá cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu. Thanh niên nam, nữ hăng hái dựng cổng chào, giăng đèn kết hoa trên các đường phố. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày về chiến thắng.

Sáng ngày 10.10.1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Hướng đến kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2023), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng" từ ngày 4.10. Trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng" được tổ chức nhằm nhắc nhớ những gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô để có được ngày về chiến thắng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử.

Khánh An
TIN LIÊN QUAN

Những địa danh lịch sử gắn liền với Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Sân cột cờ Hoàng Thành Thăng Long, Bắc Bộ phủ, Nhà hát lớn Hà Nội, chợ Đồng Xuân, ga Hà Nội,… là những địa danh lịch sử gắn liền với Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10.10).

Khánh thành, khởi công nhiều dự án trọng điểm dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội - Chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2022), Hà Nội vừa tổ chức lễ khánh thành, khởi công nhiều dự án trọng điểm của thành phố.

Tin văn hoá tuần: Hàng loạt hoạt động văn hóa nhân ngày giải phóng Thủ đô

Thanh Hương |

Tin văn hoá trong tuần gây chú ý với nhiều hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật nổi bật nhằm chào mừng 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2022).

Interactive: Giải phóng thủ đô 10.10.1954 - Mốc son lịch sử

VŨ LINH |

Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường đấu tranh, bền bỉ lao động, sáng tạo, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10.10.1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Nếu vận dụng yếu tố đặc thù, TPHCM chưa phải sáp nhập 6 quận

MINH QUÂN |

TPHCM - Nếu căn cứ vào diện tích và dân số thì TPHCM phải sáp nhập 6 quận và 142 phường, xã trong giai đoạn 2023 - 2025. Tuy nhiên, TPHCM sẽ vận dụng yếu tố đặc thù để chưa phải sáp nhập các quận mà chỉ sáp nhập 71 phường, xã.

Tập trung nguồn lực chăm lo, đại diện, bảo vệ người lao động

Quế Chi |

Bắc Ninh - Thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Bắc Ninh cần tập trung nguồn lực làm tốt công tác chăm lo và vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt của tổ chức Công đoàn; mỗi cấp công đoàn cần làm tốt hơn ở địa bàn mình, ngành mình, đơn vị mình.

Mưa lớn, nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh xả tràn

TRẦN TUẤN |

Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải điều tiết xả tràn để đón lũ.

Chính thức xét xử vụ đưa, nhận hối lộ tại Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh

Đoàn Hưng |

Sáng ngày 10.10, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Ninh.

Những địa danh lịch sử gắn liền với Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Sân cột cờ Hoàng Thành Thăng Long, Bắc Bộ phủ, Nhà hát lớn Hà Nội, chợ Đồng Xuân, ga Hà Nội,… là những địa danh lịch sử gắn liền với Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10.10).

Khánh thành, khởi công nhiều dự án trọng điểm dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội - Chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2022), Hà Nội vừa tổ chức lễ khánh thành, khởi công nhiều dự án trọng điểm của thành phố.

Tin văn hoá tuần: Hàng loạt hoạt động văn hóa nhân ngày giải phóng Thủ đô

Thanh Hương |

Tin văn hoá trong tuần gây chú ý với nhiều hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật nổi bật nhằm chào mừng 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2022).