Trẻ xưa trẻ nay và nhu cầu Tết

Mỹ An |

“A, Tết này được nấu bánh chưng”. Những đứa trẻ đã reo lên khi nhóm gia đình chúng tôi bàn nhau sẽ về trang trại nhỏ ven Hà Nội tổ chức gói và đun bánh chưng đón Tết. Niềm vui của những đứa trẻ khiến người lớn vui lây. Thế là Tết năm ấy, những đứa trẻ thành phố được vui với niềm vui “lần đầu tiên trong đời”. Và chúng mong muốn Tết năm sau, năm sau nữa sẽ lại gói và nấu bánh chưng Tết như thế.

Tết nghỉ, Tết chơi

Tôi đoán chắc rằng: Không có quá nhiều sự khác biệt giữa các thế hệ trẻ con về nhu cầu Tết. Và trẻ con luôn đón Tết từ rất sớm. Chỉ cần xuất hiện bất kỳ một dấu hiệu là chúng đã kháo nhau: Còn bấy nhiêu ngày là Tết. Đó là khi bà và mẹ nhặt hành để muối dưa, ông và bố cắt tỉa, sửa sang những cây đào, gốc mai để lựa chọn cây nào sẽ được đưa vào nhà, vào sân rồi đến lễ cúng ông Công - ông Táo. Chúng mong ngóng từng ngày để được... nghỉ học đón Tết.

Vào một ngày, lũ trẻ con biết chắc chắn rằng hôm nay là buổi học cuối rồi được nghỉ Tết. Sẽ rất hiếm có đứa trẻ con nào tập trung được vào bài học ngày hôm ấy. Chúng sẽ dành nguyên cả buổi học chỉ để chờ đợi cái khoảnh khắc được ùa ra khỏi lớp, chạy ra ngoài đường cùng chúng bạn để chào đón Tết đã ban tặng cho chúng món quà “được nghỉ học” và trịnh trọng thông báo với ông, bà, bố, mẹ như thế.

Sau khi được “giải phóng tâm trí” khỏi sách vở, bài tập, những đứa trẻ cho chúng tôi biết rằng: Chúng đã sẵn sàng cho sự kiện “lần đầu tiên trong đời” đó là tham gia gói và đun bánh chưng đón Tết. Những người lớn chúng tôi cảm nhận rõ ràng sự phấn khích của chúng. Những đứa trẻ như thể lớn bổng lên. Chúng sắp thêm một tuổi!

Rồi ngày trọng đại cũng đến. Chúng tôi tổ chức một không gian gói và nấu bánh chưng gần giống với ngày xưa. Đó cũng vẫn là những công việc như ngâm vo gạo, đỗ, rửa lau lá dong, thái và ướp thịt, gói và đun bánh chưng bằng bếp củi. Những đứa trẻ tích cực tham gia vào tất cả các công đoạn. Nhưng tất nhiên, nhu cầu làm của chúng thì ít và nhu cầu chơi thì nhiều.

Bởi vì những tâm hồn trẻ thơ ấy vẫn cần rong ruổi để tìm thêm những dấu hiệu mùa xuân. Chúng cần phải được chạy ra đường xem mọi người chuẩn bị Tết rộn ràng ra sao. Chúng cũng cần nhìn lên bầu trời để xem đâu là cánh én đầu tiên bay về. Thậm chí chúng sẽ thi xem đứa nào nhìn thấy những bông hoa đào, hoa mai đầu tiên bung nở. Rồi chúng cũng túm tụm với nhau để chia sẻ kế hoạch Tết này của mình dự kiến sẽ diễn ra như thế nào?

Tiện nghi hơn xưa, nhóm chúng tôi căng một chiếc lều bên cạnh khu nấu bánh chưng. Những đứa trẻ lúc rúc với nhau với đủ thứ chuyện. Nào là đứa này sẽ về thăm ông bà và ăn Tết làng quê, cũng có đứa khoe Tết này cùng gia đình đi du lịch đến một miền không gian khác và cũng rất nhiều những đứa trẻ đơn giản là Tết một cách vô định. Dù ngóng Tết từ lâu, nhưng đến lúc này thì chúng lại cảm thấy rằng: "Chao ôi, sao Tết về nhanh thế". Thậm chí có đứa trẻ lại mong ước Tết hãy về... chậm thôi để chúng còn được nghỉ và được chơi nhiều nữa.

Quanh bếp lửa nấu bánh chưng bập bùng, nhóm gia đình người lớn, trẻ con râm ran với hoài niệm về những cái Tết ấu thơ. Tôi nhận ra - những đứa trẻ trước đây và chính là người lớn bây giờ hầu như chẳng nhớ gì nhiều về những “miếng ăn ngày Tết”. Thay vào đó, chúng tôi nhớ về cái bánh chưng con được bà, được mẹ gói riêng cho rồi xâu vào đòn gánh đi chơi, người lại nhớ về “cái đuôi lợn” sau khi luộc xong vớt ra và cũng trở thành món đồ chơi... chơi mãi rồi mới ăn. Hay như một trò vui trong những ngày trẻ con ngóng Tết đó là cái bong bóng lợn được bơm căng để lũ trẻ con cùng chơi đá bóng.

Và ngay tại đây, xung quanh bếp lửa này, đám trẻ con vui nước ngô khoai chủ yếu là để nghịch chứ không phải để ăn. Cũng có đứa trong đêm khuya đã đứng hẳn ra ngoài trời ngửa mặt lên để đón nhận những hạt mưa sương mát lẹm đậu vào khuôn mặt. Chơi chán, đùa chán thì chúng lăn ra ngủ. Để rồi sáng sớm hôm sau, chúng cũng bắt chước những đứa trẻ con ngày xưa nhận về phần mình chiếc bánh chưng con. Khi đó, những người lớn nhận ra rằng: Trẻ con có vui thì chúng tôi cũng mới vui như thế.

“Tất cả mọi người lớn đều đã từng là trẻ con” - nhà văn Antoine de Saint - Exupéry đã viết như vậy trong cuốn truyện nổi tiếng “Hoàng tử bé”. Và trong dịp tổ chức gói và nấu bánh chưng Tết ấy, chúng tôi - những người lớn vốn là những em bé trước kia tìm thấy hình bóng của mình qua những đứa trẻ. Tết ùa về trong tâm tưởng.

Tết vui, Tết đọc

Nhiều cái Tết qua đi, nếu chúng ta chiêm nghiệm thì sẽ thấy: Trẻ con không chỉ đón Tết sớm hơn mà còn chia tay Tết muộn hơn. Ngay cả khi hết Tết và đi học trở lại, chuyện chúng vui Tết như thế nào còn râm ran mãi. Đặc biệt hơn, với chúng, Tết là không gian của niềm vui tâm hồn.

Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng: Trước những cái Tết, trẻ con đã được người lớn lo chu toàn. Song cũng có thể thấy: Trẻ con không cần nhiều vật chất và cũng không cần quá nhiều lo toan về cái Tết đến thế. Bởi đơn giản với chúng, Tết chính không gian văn hóa cần cho tâm hồn - chúng cần vui Tết, chơi Tết hơn là... ăn Tết.

Đã có một quãng thời gian, “nhịp sống công nghiệp” khiến không ít gia đình cho rằng chỉ cần một cái Tết đủ đầy, tươm tất là xong. Điều đó cũng đồng nghĩa với cứ có tiền “mua Tết” về là được. Thế nhưng trẻ con cần nhiều ý nghĩa và giá trị từ Tết. Bản sắc Tết cổ truyền của người Việt Nam là Tết sum vầy. Cùng với giá trị thiêng liêng ấy thì phong vị Tết mới thực sự là sợi dây kết nối thế hệ và làm nên bản sắc văn hóa.

Hơn ai hết, trẻ con chính là “điểm nối tiếp theo” trong sợi dây thế hệ để vừa đào thải sự cổ hủ, lạc hậu, đồng thời bồi đắp yếu tố truyền thống tốt đẹp và tinh thần văn minh. Vì thế ngoài những món ăn ngày Tết mà trẻ con thường ăn rất ít thì nhu cầu của chúng là được sống và trải nghiệm trong không gian văn hóa Tết.

Do vậy trong những năm gần đây, không chỉ ở làng quê, mà ngay cả những “người quê” ở phố cũng thường cùng nhau gói và nấu bánh chưng khi Tết đến. Người lớn làm điều này cho trẻ con và cho chính mình. Và bản chất của hoạt động này cùng với nhiều sinh hoạt truyền thống là để người lớn cùng trẻ con được đoàn viên, tương tác và sống trong không gian văn hóa Tết.

Sau nhu cầu nghỉ, chơi và vui, 5 năm gần đây tôi đã chứng kiến sự trở lại của một nét văn hóa đáng trân trọng làm cho Tết thêm nhiều ý nghĩa, đó là những tập sách Tết, trong đó có sách Tết dành cho trẻ con. Theo giới chuyên gia thì từ hơn 60 năm trước, vào năm 1959, Nhà xuất bản Kim Đồng có ra mắt sách Tết "Mừng Tết Mới - Xuân Kỷ Hợi", sau đó là sự đứt quãng. Phải đợi đến 60 năm sau tức năm 2019, Công ty Đông A mới có sách Tết, trong đó có những trang văn, thơ, nhạc, họa dành cho thiếu nhi.

Tiếp đó từ năm 2020 đến nay, cùng với Đông A thì Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra sách Tết dành cho trẻ con. Sự xuất hiện trở lại của sách Tết dành cho trẻ con với nội dung hay, hình thức đẹp đã cho thấy nhu cầu tâm hồn trong không gian văn hóa Tết của trẻ con là chính đáng và quý báu biết chừng nào.

Vì thế khi người lớn tổ chức Tết, hãy đừng quên Tết của trẻ con còn có nhu cầu quan trọng hơn là Tết của tâm hồn!

Mỹ An
TIN LIÊN QUAN

Bánh chưng đen của người Dao trong mâm cỗ ngày Tết

Vân Hoa |

Cứ dịp Tết đến, đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Suối Lìn, Sơn La lại làm bánh chưng đen để bày trên mâm cỗ cúng, bày tỏ sự hiếu thuận với ông bà tổ tiên. Bánh chưng màu đen thể hiện mùa màng bội thu, đời sống no ấm, được tạo màu bằng tro rơm.

Vắng dần những nồi bánh chưng ngày Tết

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Tết cổ truyền dân tộc với hình ảnh quây quần bên nồi bánh chưng là dịp để mọi thành viên gia đình đoàn tụ, tâm tình thắt chặt tình thân nhưng những năm gần đây đã vắng dần những nồi bánh chưng do người dân chuyển sang đi mua sẵn.

Bánh chưng Hùng Lô

song hùng |

Xã Hùng Lô (TP.Việt Trì - Phú Thọ) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng gắn liền với truyền thuyết từ thủa các Hùng Vương gây dựng cơ đồ đất Việt.

Hà Nội mở lại tàu du lịch trên hồ Tây, chuyên gia môi trường nói gì?

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, tàu du lịch ở hồ Tây, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép các loại hình kinh doanh này mở lại. Theo TS.Hoàng Dương Tùng, thành phố nghiên cứu cho mở lại cần phải dựa trên các tiêu chí bảo vệ cảnh quan, môi trường và chất lượng nước hồ Tây sau cùng mới tính đến tiêu chí lợi nhuận thu được.

Xe đỗ thành 3 hàng chiếm nửa lòng đường, cảnh sát xử phạt không xuể

Tô Thế |

Hà Nội - Đoạn đường trước Khu chung cư CT12 Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) luôn có hàng loạt xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, xếp thành 3-4 hàng, chiếm nửa lòng đường. Mặc dù biết là vi phạm nhưng nhiều chủ xe đành chịu bị xử phạt vì "làm gì có chỗ khác mà đỗ".

Nghi nước sinh hoạt tại Hoàng Mai bẩn: Sẽ lấy mẫu nước để xét nghiệm

Minh Hạnh |

Theo phản ánh của người dân tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi thau rửa bể nước sinh hoạt đã phát hiện có rất nhiều cặn bẩn, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, đại diện Công ty Nước sạch Hoàng Mai cho rằng, muốn biết rõ nguyên nhân phải xét nghiệm nước.

Tranh cãi về việc đối chiếu máy đo nồng độ cồn

Quý An |

Tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu với kết quả đo của cơ quan chức năng đang là vấn đề gây tranh cãi.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Bánh chưng đen của người Dao trong mâm cỗ ngày Tết

Vân Hoa |

Cứ dịp Tết đến, đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Suối Lìn, Sơn La lại làm bánh chưng đen để bày trên mâm cỗ cúng, bày tỏ sự hiếu thuận với ông bà tổ tiên. Bánh chưng màu đen thể hiện mùa màng bội thu, đời sống no ấm, được tạo màu bằng tro rơm.

Vắng dần những nồi bánh chưng ngày Tết

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Tết cổ truyền dân tộc với hình ảnh quây quần bên nồi bánh chưng là dịp để mọi thành viên gia đình đoàn tụ, tâm tình thắt chặt tình thân nhưng những năm gần đây đã vắng dần những nồi bánh chưng do người dân chuyển sang đi mua sẵn.

Bánh chưng Hùng Lô

song hùng |

Xã Hùng Lô (TP.Việt Trì - Phú Thọ) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng gắn liền với truyền thuyết từ thủa các Hùng Vương gây dựng cơ đồ đất Việt.