Thời xưa chống gian lận thi cử bằng cách nào?

lê tiên long |

Thời xưa coi trọng thi cử, vì đây là con đường tiến thân duy nhất của tầng lớp sĩ nhân. Do đó, việc thi cử được tiến hành nghiêm minh, ngăn chặn được nhiều âm mưu gian lận.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, từ thời nhà Lý khai khoa đến khi nhà Nguyễn bãi Khoa cử (1919) nước ta đã tổ chức 185 lần thi, chọn ra được 188 vị Ðại khoa và 2.990 vị Tiến sĩ. Sử sách ghi lại nhiều chi tiết cho biết triều đình phòng ngừa gian lận thi cử thế nào, và phát hiện các vụ gian lận ra sao.

Quản lý thí sinh

Thi cử là con đường tiến thân vào ngạch quan chức, nên từ khi là thí sinh, các sĩ tử đã phải chịu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền. Trước khi dự thi, thí sinh phải khai báo đầy đủ lý lịch ba đời của gia đình, quê quán, chức nghiệp bản thân vào quyển thi, có chứng nhận của Lý trưởng từng làng, gửi cho học quan địa phương. Thời nhà Lê, có khi Lý trưởng phải đến tận trường thi để nhận mặt thí sinh, tránh chuyện người này thi thay người khác.

Chủ nghĩa lý lịch đã tồn tại từ xưa, khi triều đình từng cấm con nhà hát xướng, thợ nhuộm, trộm cắp... không được đi thi. Thậm chí thời Nguyễn, binh lính cũng không được phép dự thi.

Danh sách thí sinh của mỗi địa phương được các quan phụ trách học tập của địa phương đó (Giáo thụ, Huấn đạo) phê duyệt rất cẩn thận. Ở kỳ thi Hội, danh sách được Đốc học ở tỉnh chuyển sang quan đầu tỉnh cấp hộ chiếu, để sĩ nhân đến kinh đô trình lên cho bộ Lễ - bộ phụ trách việc học tập, thi cử. Các Cử nhân cũng phải nộp văn bằng lên quan tỉnh để gửi vào trong bộ. Với cách kiểm soát này, rất khó để giả mạo lý lịch hay thi hộ.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, sĩ nhân vào trường thi chỉ được mặc hai áo đơn nhưng cấm mặc áo kép, để tránh việc giấu bài làm sẵn trong áo.

Thí sinh khi vào trường thi đều bị khám người và toàn bộ đồ đạc đem theo, ai đem sách vở theo lập tức bị bắt, phạt trượng và xử án vĩnh viễn không bao giờ được thi nữa.

Tổ chức trường thi

Theo Khoa mục chí trong Lịch triều hiến chương loại chí, trường thi thời Lê Trung hưng đặt ở địa thế rộng rãi, sai quân lính các vệ, các sở làm bốn vi ở giữa, rào hai lần phên kín ngăn cách trong ngoài, một lần phên thưa, đắp tường, xẻ hào, cài chông xung quanh cốt cho kín vững. Ở giữa và bốn mặt đều rào phên thưa, làm chòi canh và làm các nhà công vụ, các nhà này cũng phải rào hai lần phên kín, ngăn cách trong ngoài. Trong lúc thi, thí sinh phải ngồi trong lều của mình, không được sang lều sang hỏi bài. Ai bị phát giác mượn người khác làm bài hộ hoặc làm bài hộ người khác đều bị tội đồ.

Danh sách thí sinh cũng được xem xét để chia vị trí đặt lều làm bài, người cùng một nhà không được ở cùng một ô.

Trong suốt những ngày tổ chức thi, các quan viên, lại mục, binh lính đều không được phép ra ngoài. Việc ăn uống, các nhu cầu khác đều được binh lính phục dịch tại chỗ.

Quy định thời Nguyễn chia trường thi làm Nội trường, dành cho các ông Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo làm việc và Ngoại trường tiếp giáp với khu Thí sinh là chỗ ở và làm việc của các ông Chánh, Phó Chủ khảo và Phân khảo.

Đời vua Minh Mạng, năm 1840 quy định trong trường thi thì một người chuyên xét ở Nội trường, một người chuyên xét ở Ngoại trường, đều không được tự tiện ra vào, không được cùng sĩ tử gặp nhau, không được cùng ngồi với quan Ngoại trường ở nhà Thập đạo, tự tiện xem quyển văn của sĩ tử, sổ biên tên học trò của viên Ðề điệu không được dự biết.

Làm bài thi

Việc làm bài thi thời xưa được tổ chức để triệt để tránh gian lận trong thi cử. Quyển thi của thí sinh đều đóng bằng loại giấy cùng một quy cách, trang đầu ghi lý lịch thí sinh, các trang sau để trắng, được quan trường đóng dấu tên trường thi và giáp lai từ trước. Đến khi thi, mỗi ngày thi, thí sinh đều phải đem quyển lên để giám khảo đóng dấu “nhật trung” vào, đề phòng đổi quyển khác.

Chỉ thí sinh mới được mang mực đen vào trường thi, các quan lại trong trường thi đều phải dùng mực son, mực xanh để tránh việc sửa bài hộ thí sinh. Do đó mới có chuyện Cao Bá Quát muốn sửa những chữ kỵ húy cho thí sinh tại trường thi Thừa Thiên năm 1841, phải lấy muội đèn làm mực.

Để tránh việc nhận ra nét chữ của thí sinh, lệ xưa sau khi thu quyển, sẽ có những người Đằng lục (còn gọi là “ông Nghè bút thiếp”) chép lại bài của thí sinh bằng son để giám khảo chấm. Chép xong, đọc đối chiếu với bản mực đen rồi tất cả những người sao chép cùng ký tên, ghi chức tước vào trang đầu cả bản chính lẫn bản sao trước khi giao trả quan Ðề điệu.

Để đảm bảo bài sao của thí sinh được chính xác tuyệt đối, trường thi lại có hai người Ðối độc, một người đọc, một người soát lại xem quyển của Ðằng lục sao chép có đúng với quyển văn của thí sinh hay không.

Bài gốc của thí sinh được rọc phách ở trang đầu ghi lý lịch thí sinh, cất đi, chỉ sau khi chấm có kết quả mới ráp phách để tìm ra những người trúng cách. Việc rọc phách dùng hai người Đề tuyển ít chữ, để không thể sửa bài hộ, vì hai ông này là những người độc nhất biết tên người viết bài thi, khi ráp phách.

Chấm thi

Ngay từ thời Lê Nhân Tông, năm 1448, Đề điệu Quốc Tử Giám là Lê Khắc Phục, muốn ngăn ngừa những chuyện hối lộ, đã xin bắt các Khảo quan phải uống máu ăn thề. Lệ khảo quan phải thề bắt đầu từ đấy.

Để tránh hiện tượng nâng đỡ thí sinh là người nhà, từ triều Lê, đã có quy định khảo quan cho phải "Thân tị", tức nếu có con em đi thi cùng trường phải xin tránh để khỏi bị ngờ vực tư túi.

Quy chế thi cử triều Nguyễn chia làm Nội trường, gồm các chức Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo, và Ngoại trường, gồm các chức Đề điệu (Chủ khảo), Giám thí (Phó Chủ khảo), Phân khảo.

Từ Phân khảo trở lên chọn các quan Kinh (làm việc tại triều) thường là những người đỗ đạt. Các ông Sơ khảo, Phúc khảo các kỳ thi Hương kén người địa phương, nhưng người ở tỉnh này phải đổi đi chấm thi ở tỉnh khác. Nếu có con em đi thi cùng tỉnh thì phải làm giấy "hồi tị ", tức là xin cáo không đi chấm trường đó, nếu không sẽ bị nghiêm trừng.

Các chức Lại phòng (thư ký), Thể sát (khám xét) thì chọn những người không đỗ đạt nhưng thanh liêm, đạo đức tốt.

Khi chấm thi, quyển (bài thi) đã được sao lục, rọc phách được đưa vào nội trường. Trong vụ án Tham tụng Lê Hy nhờ cậy Phó Chủ khảo trường thi Thanh Hóa Ngô Sách Tuân nâng đỡ cho con mình kỳ thi năm 1696, Lê Hy phải mô tả cho Ngô Sách Tuân hình dáng quyển thi của con ông, và chắc rằng vị Phó Chủ khảo đã phải yêu cầu từ Đằng lục đến Đề tuyển theo dấu hiệu đó để đánh dấu bài thi. Đến triều Nguyễn, năm 1831 ra quy định rằng quyển thi không được có vết tích để tránh làm dấu hiệu thông đồng với khảo quan.

Bắt đầu chấm thi, Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (màu gạch), xong đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại lần nữa bằng màu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ tên họ, chức tước, điểm rồi ký tên lên mặt quyển.

Nội trường chấm xong, đưa cho Đề tuyển chuyển ra ngoại trường. Các ông Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại những bài đỗ. Phân khảo đọc lại những bài bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên Chủ khảo, ngoại trường chấm bằng mực son tàu màu đỏ tươi.

Khi chấm xong, xếp đặt theo thứ tự điểm từ cao đến thấp rồi gởi ra cho Đề tuyển ráp phách, lập danh sách những người trúng cử, niêm yết.

Sau mỗi kỳ thi, Chủ khảo và cả Giám sát mỗi người phải làm một bảng phúc trình đệ về Kinh. Tất cả các quyển đỗ hay hỏng, kể cả ngoại hàm cũng đều phải được gửi về Kinh để Bộ Lễ hoặc nhà vua duyệt lại.

Giám sát

Các kỳ thi lại chịu sự giám sát của quan đứng đầu địa phương hoặc các quan được vua ủy quyền. Như trong vụ án Lê Hy nhờ nâng đỡ con, tuy Chủ khảo bao che cho Phó Chủ khảo Ngô Sách Tuân, nhưng lại bị quan Tham chính là Phan Tự Cường phát giác và tâu lên chúa Trịnh. Khi đưa ra triều đình cho các quan văn võ họp bàn, Ngô Sách Tuân vào tội giảo (phải thắt cổ mà chết), Chủ khảo Ngô Hải bị bãi chức, các quan Giám khảo và Phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Hay như vụ án trường thi năm 1841 tại trường thi Thừa Thiên, khi Nguyễn Văn Siêu làm Phân khảo ở ngoại trường, đã lấy đỗ Trương Đăng Trinh, cháu Đại thần Trương Đăng Quế, người bị đánh hỏng kỳ hai ở nội trường. Việc bị tố cáo, Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, sau đổi xuống còn bãi chức.

Nhiều vụ gian lận thi cử khác được phát hiện từ dư luận. Như khoa thi đời vua Lê Dụ Tông năm 1726, trong kỳ thi Hương, có nhiều thí sinh học kém nhưng là con nhà quyền thế, nhờ người "gà" văn nên được đỗ Hương cống. Dân chúng bàn tán xôn xao, Chúa An Đô Vương Trịnh Cương bắt phải thi lại. Kết quả là có 28 công tử nhà giàu bị trượt, và bị giao xuống cho đình thần xét hỏi và trị tội nặng.

Việc Bộ Lễ xét duyệt lại toàn bộ danh sách thi đỗ và bài thi của các thí sinh cũng phát hiện được những sai phạm. “Đại Nam thực lục” chép vụ việc nâng đỡ thí sinh năm 1834, ở trường thi trường Nghệ An, có thí sinh Nguyễn Văn Giao làm bài thi bị xếp hạng liệt, và Nguyễn Thái Đễ chỉ đỗ hạng Tú tài nhưng có tiếng là danh sĩ. Chủ khảo Nguyễn Tú lấy thêm hai người này vào hàng Cử nhân, đổi mặt quyển, phê lại nhưng bị Bộ Lễ phát hiện tâu lên. Vua Minh Mạng liền truyền chỉ cách chức, bắt Tú xiềng lại giải về kinh, rồi bị xử “trảm giam hậu” (giam lại đợi ngày hành quyết). Giám khảo Nguyễn Duy Hựu, Giám sát Trương Tăng Diễn phải tội đồ, những người khác bị giáng chức, Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Thái Đễ vì nghe quan trường viết lại quyển, bị phải 100 trượng, cho về làm dân, suốt đời không được thi nữa.

Vụ Lê Quý Đôn ép học trò là Đinh Thì Trung đổi quyển thi cho con là Lê Quý Kiệt để Kiệt đậu thủ khoa kỳ thi Hội năm 1775 lại bị phát giác do chúa Trịnh Sâm bắt duyệt lại văn bài vì cho rằng Thì Trung nổi tiếng học giỏi, sao thành tích lại kém. Điều tra ra thấy chữ viết của người này lại ở trong quyển thi của người kia. Kết quả là Đinh Thì Trung bị kết phải tội lưu đi Yên Quảng (nay thuộc Quảng Ninh), Quý Kiệt bị giam cấm ở ngục Cửa Đông rồi bắt phải trở về làm dân.

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Tuyển Việt Nam đi thi Olympic Hoá học Quốc tế thắng đậm: Tất cả đều đoạt huy chương

HUYÊN NGUYỄN |

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hoá học Quốc tế năm 2018 đoạt 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng.

Gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La: Lộ “lỗ hổng” trong công tác thanh tra

Đặng Chung - Anh Phú |

Nhiều chuyên gia cho rằng, để vá lỗ hổng, phòng chống gian lận thi cử, trong các kỳ thi sau cần tăng cường cán bộ của các trường đại học, lực lượng thanh tra của Bộ GDĐT về giám sát tại địa phương ở tất cả các khâu.

Tin tức giáo dục 24h: Suýt trượt tốt nghiệp vì tô đáp án mờ; tìm cách “chặn” gian lận thi cử

Thế Anh |

Cục Đào tạo - Bộ Công an lên tiếng về "điểm chuẩn dự kiến vào các trường công an nhân dân" trên mạng xã hội; Tìm cách “chặn đứng” gian lận kỳ thi THPT quốc gia...  là những tin tức giáo dục đáng chú ý 24h qua.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Tuyển Việt Nam đi thi Olympic Hoá học Quốc tế thắng đậm: Tất cả đều đoạt huy chương

HUYÊN NGUYỄN |

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hoá học Quốc tế năm 2018 đoạt 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng.

Gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La: Lộ “lỗ hổng” trong công tác thanh tra

Đặng Chung - Anh Phú |

Nhiều chuyên gia cho rằng, để vá lỗ hổng, phòng chống gian lận thi cử, trong các kỳ thi sau cần tăng cường cán bộ của các trường đại học, lực lượng thanh tra của Bộ GDĐT về giám sát tại địa phương ở tất cả các khâu.

Tin tức giáo dục 24h: Suýt trượt tốt nghiệp vì tô đáp án mờ; tìm cách “chặn” gian lận thi cử

Thế Anh |

Cục Đào tạo - Bộ Công an lên tiếng về "điểm chuẩn dự kiến vào các trường công an nhân dân" trên mạng xã hội; Tìm cách “chặn đứng” gian lận kỳ thi THPT quốc gia...  là những tin tức giáo dục đáng chú ý 24h qua.