Thanh Minh dưới triều nhà Nguyễn

Bảo Đàn |

Cách đây 87 năm, vào ngày 20.4.1935, dưới thời vua Bảo Đại, Tân Văn tuần báo số 36 in một tin vắn của Cung - Giũ - Nguyên về Lễ Thanh Minh, một ghi chép khá hiếm hoi vào thời điểm này, khi Chính phủ bảo hộ theo ý của Nam triều cho nghỉ lễ Thanh Minh.

Cung - Giũ - Nguyên đánh giá rằng, đây là việc làm tuy nhỏ, nhưng phù hợp với phong tục của đại đa số nhân dân và rất đáng hoan nghênh, bởi lễ Thanh Minh có ý nghĩa hay, đó là ngày người ta đi viếng người đã khuất. Vào ngày này trên khu vực Đồng Mồ ở xung quanh núi Ngự Bình, phía tây Kinh Thành Huế trở nên rất nhộn nhịp, những gia đình bình dân thường mang hương nhang, giấy tiền vàng bạc, hoa quả, bánh trái... cùng nhau đi tảo mộ tổ tiên, tưởng nhớ đến người đã khuất.

Tết Thanh Minh trong văn hoá Việt

Tiết Thanh Minh có nguồn gốc từ một giai thoại dưới thời Xuân Thu chiến quốc. Sau khi giành được ngôi vua nước Tấn, Tấn Văn Công đã tri ân vị công thần Giới Tử Thôi từng xả thân cứu mình lúc nguy khốn bằng cách cho lập miếu thờ và lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội để tưởng niệm. Về sau, ngày 3.3 âm lịch hàng năm được xem là ngày tết Hàn Thực, với ý nghĩa tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của người đã khuất. Tết Hàn Thực diễn ra đúng vào thời gian của tiết Thanh Minh, nên dần về sau, người ta gọi chung Tết Hàn Thực với những hoạt động trong tiết Thanh Minh thành lễ Tiết Thanh Minh.

“Thanh Minh trong tiết tháng Ba / Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”, hai câu thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du luôn nhắc nhớ đến những lễ tục song hành. Các tỉnh Bắc bộ Việt Nam và cộng đồng Hoa kiều thường ăn Tết này theo tiết khí Thanh Minh như Trung Quốc. Các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào Trung bộ ăn tết Thanh Minh vào ngày 3.3 âm lịch. Ở Nam bộ, địa bàn có đông người Hoa sinh sống thường sẽ lấy ngày 4.4 âm lịch làm ngày chính để cúng Thanh Minh.

Sách Gia Định thành thông chí, tập Hạ, mục Phong tục chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: “Ở Gia Định tháng cuối năm thường lo tỉnh tảo bồi đắp phần mộ tổ tiên, việc ấy là vâng theo quốc điển, bởi vì gần tiết Nguyên đán, nhà của mọi người còn ưng chỉnh sức cho đàng hoàng, huống chi lễ con cháu thờ người chết cũng như thờ người sống, đâu có lẽ ngồi coi cây cỏ rậm rợp, mả mồ khuyết lở mà không đắp sửa giẫy dọn. Tuy đời xưa không có lễ tế mộ, nhưng lễ là do nghĩa đặt ra, xem ở Trung Hoa có lễ Thanh Minh tế tảo, thì nước ta làm lễ tảo mộ trong tháng chạp cũng rất phải nghĩa”.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong công trình Khảo luận về Tết cho là bởi quá trình chung sống cùng với cộng đồng người Hoa ở Nam bộ, nên dần dần người Việt miền Nam tiếp thu lễ tiết Thanh Minh của người Hoa.

Vào dịp Tết Thanh Minh, công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới nơi yên nghỉ của tổ tiên. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.

Trong ngày Thanh Minh, những khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.

Lễ tiết Thanh Minh dưới triều Nguyễn

Xây dựng quốc gia thống nhất vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã lựa chọn mẫu hình Khổng Nho để xây dựng vương triều quân chủ theo kiểu phong kiến tập quyền. Dưới triều Nguyễn, nhiều điển tích Nho giáo Trung Hoa được chọn lựa sử dụng và hệ thống các lễ tiết cũng được lựa chọn tiếp thu. Tết Thanh Minh dưới triều Nguyễn được xem là dịp để các vị vua tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên, nhiều nghi lễ quan trọng được đích thân vua, hoàng tử, hoặc phân phó cho các quan lại trong triều thực hiện.

Sách Đại Nam thực lục, bộ chính sử triều Nguyễn chéo rằng năm Quý Hợi (Gia Long năm thứ 2 - 1803), định lễ tế xuân thu ở miếu cũ tại Gia Định. Vua dụ cho lưu trấn thần rằng: “Thấp đừng vin cao, hèn đừng thờ quý, đó là lễ vậy. Nay Thái Miếu ở Kinh đã làm xong, việc thờ cũng đã có chỗ. Còn miếu cũ ở Gia Định thì những ngày tết Nguyên Đán, Thanh Minh, Đoan Dương thì sắm lễ dâng cúng, các tiết khác thì thôi, không nên bày ra phiền”. Tháng 3, năm 1803 vào dịp tết Thanh Minh, vua Gia Long đích thân đến Thái Miếu làm lễ.

Đến đời vua Minh Mạng, nhà vua cũng cho định lệ tiết Thanh Minh và sai Bộ Lễ bàn về lễ yết lăng “Đinh Hợi, năm Minh Mạng thứ 8 - 1827, ngày Ất dậu, tiết Thanh Minh. Vua rước Hoàng thái hậu đi yết lăng Thiên Thọ. Sai Đô thống chế Phan Văn Thuý hộ giữ Kinh thành. Lúc lễ xong, vua đi xem khắp hoa cỏ cây cối chỗ cấm địa, thấy xanh tốt thì vui lắm, sắc cho bộ Lễ làm cỗ thiếu lao tế thần núi. Các quan giữ lăng đều thưởng 1 thứ kỷ lục. Lính hai vệ Hộ lăng cùng đội Thuận cần đều thưởng lương 1 tháng”.

Ngoài việc tổ chức tổ chức cúng tế các tôn lăng, các tiên đế, tiên hậu ở tại Kinh đô, triều đình nhà Nguyễn cũng rất chú trọng tới lăng mộ các của các tiên hậu ở các địa phương. “Quý Tỵ, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua đã sai thự Thống chế Thần sách Hữu dinh là Tôn Thất Bằng đi Quảng Nam, thự Vệ úy vệ Loan giá là Tôn Thất Tường đi Thanh Hoa. Đến ngày tết Thanh Minh, Bằng đến 2 lăng Vĩnh Diễn (lăng vợ chúa Nguyễn Phước Tần [Hiếu văn] ở xã Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và Vĩnh Diên (lăng vợ chúa Nguyễn Phước Chu [Hiếu chiêu]), cùng địa điểm trên, Tường đến 2 lăng Trường Nguyên và Vĩnh Nguyên, khâm mạng làm lễ”.

Sang đời vua Thiệu Trị, nhà vua còn đặt ra lễ “rải đất” trong dịp tiết Thanh Minh. Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2 - 1842, gặp tiết Thanh Minh, sai Lưu Kinh hoàng tử Hồng Bảo đến Hiếu lăng, hoàng tử thứ ba Hồng Phó đến lăng Hiếu Đông, các hoàng thân chia nhau đến các tôn lăng để hành lễ. Vua dụ rằng: “Lễ rải đất ở Hiếu lăng, từ ta đặt ra trước, nhưng nhân có việc bang giao, phải ở lâu ngày tại ngoài này, đương lúc cuối xuân nhiều sương, sắp đến tiết Thanh Minh chưa thể về thân yết lăng mộ, trong lòng tưởng mộ, thương nhớ khôn ngăn! Các người nên kính cẩn thay ta, cần làm cho hợp ý nghĩa ngày lễ. Ta chỉ chắp tay trông lên không, ngậm thương, cúi lạy, hoạ may nhờ đức Hoàng khảo linh thiêng tại trên trời thương xét tới tấm lòng đau xót của ta, kẻ tiểu tử này”. Lại sai Lưu Kinh đại thần Tôn Thất Bạch, hộ ấn Trương Quốc Dụng cùng theo Hồng Bảo, giúp việc bưng sọt làm lễ rải đất (lên mộ); Tuần hộ Hồ Văn Lưu theo Hồng Phó, giúp làm việc lễ nghi; lưu Kinh đại thần Tạ Quang Cự và Hà Duy Phiên thân tay kiểm kỹ các thứ chè, quả phẩm vật kính cẩn dâng tiến; các hoàng tử, hoàng thân tại Kinh mà tuổi đã trưởng thành, trừ ra phải chia phái đi việc khác, còn đến hôm lễ đều phải tới lạy cho hợp với lễ nghi.

Đến đời vua Tự Đức, nhà vua tiếp tục duy trì lễ rải đất được đặt ra dưới thời vua Thiệu Trị. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép vào năm Tự Đức thứ 2 (1849), nhà vua theo nghị chuẩn: “Hàng năm đến tiết Thanh Minh, nhà vua kính đến lăng Xương lăng làm lễ đắp đất”. Lại theo nghị chuẩn cho: “Hằng năm đến tiết Thanh Minh ở điện Biểu đức, nhà vua thân đến thăm yết; 2 lễ ngày sinh nhật, ngày kỵ, mỗi lễ chọn phái 1 hoàng thân công khâm mạng làm lễ, còn các tiết lễ cả năm đều do chức quan Tôn thất coi giữ làm lễ”...

Chính bởi quan niệm tết Thanh Minh là ngày lễ quan trọng để nhớ ơn tổ tiên nên các vị vua triều Nguyễn rất nghiêm cẩn trong công việc chuẩn bị tế lễ. Trong đời sống người dân vùng Huế và khu vực, tiết Thanh Minh trở thành một ngày tết để sum vầy, để con cháu thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà và người đã khuất.

***

Tiếp nhận và biến dưỡng từ văn hoá Trung Hoa, với người Việt, Thanh Minh không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với trách nhiệm của con người Việt Nam - trách nhiệm của lớp con cháu luôn tưởng nhớ công lao của tiên tổ, của những người đi trước như một biểu hiện của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Bảo Đàn
TIN LIÊN QUAN

Tiết Thanh minh, không ăn uống trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu – Ngày 2.4, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết đã có thông báo đến thân nhân liệt sĩ đến nghĩa trang cúng Thanh minh không tổ chức ăn uống trong khuôn viên nghĩa trang.

Người Hà Nội tấp nập đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh

Tùng Giang - Hà Phương |

Những ngày này, nhiều người Hà Nội tấp nập đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh để tưởng nhớ về ông bà tổ tiên.

Hà Nội mở lại tàu du lịch trên hồ Tây, chuyên gia môi trường nói gì?

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, tàu du lịch ở hồ Tây, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép các loại hình kinh doanh này mở lại. Theo TS.Hoàng Dương Tùng, thành phố nghiên cứu cho mở lại cần phải dựa trên các tiêu chí bảo vệ cảnh quan, môi trường và chất lượng nước hồ Tây sau cùng mới tính đến tiêu chí lợi nhuận thu được.

Xe đỗ thành 3 hàng chiếm nửa lòng đường, cảnh sát xử phạt không xuể

Tô Thế |

Hà Nội - Đoạn đường trước Khu chung cư CT12 Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) luôn có hàng loạt xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, xếp thành 3-4 hàng, chiếm nửa lòng đường. Mặc dù biết là vi phạm nhưng nhiều chủ xe đành chịu bị xử phạt vì "làm gì có chỗ khác mà đỗ".

Nghi nước sinh hoạt tại Hoàng Mai bẩn: Sẽ lấy mẫu nước để xét nghiệm

Minh Hạnh |

Theo phản ánh của người dân tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi thau rửa bể nước sinh hoạt đã phát hiện có rất nhiều cặn bẩn, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, đại diện Công ty Nước sạch Hoàng Mai cho rằng, muốn biết rõ nguyên nhân phải xét nghiệm nước.

Tranh cãi về việc đối chiếu máy đo nồng độ cồn

Quý An |

Tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu với kết quả đo của cơ quan chức năng đang là vấn đề gây tranh cãi.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Bắt 4 đối tượng phát bóng bay cho học sinh ở Đắk Lắk chơi rồi... nhập viện

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk -  Liên quan đến vụ hơn 30 em học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng bị ngộ độc sau khi chơi bóng bay của người lạ, cơ quan chức năng đã bắt được 4 đối tượng có liên quan.

Tiết Thanh minh, không ăn uống trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu – Ngày 2.4, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết đã có thông báo đến thân nhân liệt sĩ đến nghĩa trang cúng Thanh minh không tổ chức ăn uống trong khuôn viên nghĩa trang.

Người Hà Nội tấp nập đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh

Tùng Giang - Hà Phương |

Những ngày này, nhiều người Hà Nội tấp nập đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh để tưởng nhớ về ông bà tổ tiên.