Tháng 5, trên những con sóng Trường Sa

Mai Hương |

Đến thời điểm này, KN 390 được coi là con tàu hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Được bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2016, con tàu đã và đang thực hiện sứ mệnh đưa các đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Màu nắng Trường Sa trong veo

Những ngày tháng 5 lịch sử, trên con tàu KN 390, đoàn công tác số 18 bao gồm Quân chủng Hải Quân, đoàn đại biểu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hải trình đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Những chiến sĩ trên con tàu KN 390 dù độ tuổi khác nhau nhưng bản lĩnh và ý chí của các anh thì không có sự khác biệt. Những gương mặt sạm đen vì nắng gió và muối biển nhưng đôi mắt vẫn sắc lẹm trong suốt hải trình.

Tôi đã nhiều lần quan sát các anh trên buồng lái. Trước mũi tàu, các anh luôn phải tập trung cao độ, tỉ mỉ và cẩn trọng, không để xảy ra bất kỳ một sai số nào. Bởi mỗi chỉ số trên màn hình đều liên quan đến các thông tin của hải trình như hướng gió, khoảng cách với các con tàu khác trên vùng biển, mức sóng, hướng đi qua luồng...

Sau khi kết thúc một hải trình an toàn, ngồi trò chuyện tôi mới hiểu thêm về công việc cũng như nỗi vất vả, gian nan mà các anh đang trải qua. Bằng kinh nghiệm gần 30 năm lái tàu, đã có nhiều đoàn đại biểu được Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng (Chi đội Kiểm Ngư số 3) đưa ra thăm quần đảo Trường Sa và các Nhà giàn.

Dù đã nhiều lần thực hiện sứ mệnh cao cả đó nhưng lần nào cảm xúc của anh cũng giống như lần đầu. Đặc biệt vào tháng 5, tháng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước càng khiến Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng thêm yêu Tổ quốc, tự hào về quê hương mình.

Trên gương mặt thấp thoáng nhiều nếp nhăn của người đàn ông trung tuổi là nụ cười tươi luôn thường trực, Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng nói rằng: “Cứ mỗi độ tháng 5 về, bầu trời như xanh hơn, màu nắng ở Trường Sa cũng trong veo hơn. Tháng 5 năm nay, hướng đến kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi - những chiến sĩ trên con tàu KN 390 chở các đại biểu ra thăm Trường Sa đong đầy những tình cảm thiêng liêng từ đất liền.

Khác những dịp khác trong năm, có lẽ tháng 5 là khoảng thời gian cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Khoảnh khắc kết thúc hải trình, từ đảo vang lên tiếng hát của các chiến sĩ "Người chỉ vui khi nào toàn dân hết đau thương. Người tranh đấu đem tương lai về cho dân" khiến cả đoàn công tác xúc động, nghẹn ngào”...

Trong những câu chuyện của mình, đã có lúc Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng không giấu được sự xúc động. Gần 30 năm, mỗi hải trình qua đi là một dấu ấn không quên với người đàn ông này. Bên cạnh niềm hạnh phúc, sự tự hào nhất đối với Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng, có lẽ là sự an toàn và tình cảm của các đại biểu dành cho các chiến sĩ trên tàu.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng trầm ngâm đọc câu thơ mà một đại biểu dành tặng cho các thủy thủ:

"Xin chào anh! Những người con đẹp nhất
Của biển khơi, của trời đất Việt Nam
Sắt ý chí như ánh sao quân hàm
Đẹp tâm hồn tựa màu lam của biển".

Hiên ngang cắt những cơn sóng dữ

Kết thúc chuyến hải trình đến thăm quần đảo Trường Sa, câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ thuộc tổ xuồng tàu KN 390 đã để lại trong mỗi đại biểu những cảm xúc khác nhau. Các anh giống như một chiếc cầu nối đưa các đại biểu lên thăm đảo. Khi hiệu lệnh di chuyển lực lượng đến các điểm đảo thì các anh đảm bảo an toàn vào vị trí theo quy định. Nhanh chóng, chuyên nghiệp, trong giây lát, các anh đã có mặt đúng vị trí, thực hiện nghiêm theo khẩu lệnh của người chỉ huy.

Những chiếc xuồng được hạ xuống, sẵn sàng đưa đại biểu và hàng quà lên đảo. Mỗi người một nhiệm vụ, một vị trí, người ném dây, người bắt dây, người lái xuồng. Tất cả phối hợp nhịp nhàng, lần lượt đón từng món quà, từng vị khách. Trước sức mạnh của từng đợt sóng va vào thành tàu, các anh như tấm khiên chắn, che chở từng món quà, trân quý chút tình cảm từ đất liền.

Sâu thẳm mỗi người trong đoàn công tác số 18, ai cũng hiểu, không dễ dàng gì mà những món quà đó có thể ra đến nơi hải đảo xa xôi. Những món quà đó là những tấm áo của người vợ thủy chung, son sắc gửi cho chồng đang ngày đêm canh giữ biển đảo, là bức thư của đứa con nhớ cha da diết, mong ngày cha sớm trở về và cả cánh hạc giấy của các bạn học sinh nơi đất liền gửi tới những chiến sĩ nhí trên đảo Trường Sa.

Không dừng lại ở đó, các anh còn tận tình hướng dẫn, đặt trách nhiệm cao nhất đón đại biểu xuống xuồng. Với các anh, đây là nhiệm vụ quan trọng, không được phép xảy ra bất kỳ sơ suất nào, dù là nhỏ nhất. Nhờ thế, mỗi đại biểu lại có thêm một kỹ năng đó là đếm nhịp sóng, chớp thời cơ, lên xuống xuồng an toàn.

Anh Trần Minh Hạnh - Tổ điều hành tàu KN 390 cho biết, sóng biển có lúc dữ dội nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm của những thủy thủ đã hiên ngang cắt những cơn sóng tưởng chừng như nhấn chìm mũi xuồng nhưng rồi vẫn vút lên lướt đi trên sóng, tiến dần về phía đảo.

Các anh như là những người con của biển, bởi hơn ai hết, các anh hiểu rõ từng con nước, từng đợt sóng từng dòng chảy để vững tay lái đưa các đại biểu đến và rời đảo an toàn. Trong chuyến hải trình lần này, có những đại biểu lần đầu được di chuyển từ chiếc tàu lớn xuống xuồng lên đảo với điều kiện sóng biển lớn. Ban đầu, họ còn có những lo lắng, bỡ ngỡ. Xong với sự hướng dẫn của các thủy thủ, họ đã phần nào vơi bớt nỗi sợ.

Tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ trên tàu KN 390, chị Ngọc Bích - Phóng viên Báo Nhân Dân chia sẻ: "Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho gần 300 con người, các anh đều cảnh giác cao độ. Những bữa cơm ăn vội, những giấc ngủ ngắn rồi lại tập trung công việc.

Buổi tối, khi đến giờ ăn, các anh đứng trực ở mạn tàu để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đại biểu, không một phút lơ là. Trong mỗi hải trình, tính ra mỗi ngày anh chỉ ngủ được 4 - 5 tiếng, thậm chí là ít hơn, vì buổi tối phải chia ca trực".

Xuồng cập đảo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người bắt dây trên đảo cũng không kém phần vất vả. Những vạt áo ướt sẫm mồ hôi xen lẫn với sóng biển càng làm đẹp hơn các chiến sĩ trên đảo, để rồi khi rời đi, hình ảnh những cánh tay vẫy chào lưu mãi trong tâm trí mỗi đại biểu.

Tập trung theo dõi và chờ đợi đón những đoàn trở về sau khi thăm các điểm đảo, Trung úy Nguyễn Tiến Phước (Chi đội Kiểm Ngư số 3) không giấu được vẻ căng thẳng. Kết thúc mỗi hải trình, anh đều thở phào nhẹ nhõm khi thấy các đại biểu cập bến an toàn.

Dù chỉ mới 28 tuổi nhưng Trung úy Nguyễn Tiến Phước đã thể hiện bản lĩnh, rắn rỏi của một chiến sĩ. Lắng nghe chàng trai trẻ mang trong mình tình yêu biển cả giãi bày, khiến tôi càng thêm khâm phục ý chí của em. Phước nhìn xa xăm về phía biển và nói: "Xa gia đình, thường xuyên làm nhiệm vụ trên biển, nhiều lúc em nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng với em, tình yêu với Trường Sa, với biển cả là động lực giúp em chiến thắng tất cả".

Nhìn nụ cười hiền lành của Phước, tôi chợt nghĩ rằng, sóng gió biển cả đã nuôi dưỡng tâm hồn em, bằng tình yêu bất diệt với Trường Sa, Phước vững vàng hơn qua năm tháng. Dù khó khăn, gian khổ như thế nào, em cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những tiếng hò vang, chỉ huy, những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, những cánh tay rắn rỏi căng đầy sức sống... sẽ khiến tôi và nhiều đại biểu khác trong đoàn không bao giờ quên khi hải trình kết thúc về sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trên tàu KN 390.

Mai Hương
TIN LIÊN QUAN

Vượt sóng, tàu kiểm ngư 390 mang yêu thương đến với Trường Sa

Mai Hương |

Được bàn giao đưa vào sử dụng năm 2016, tàu kiểm ngư số hiệu KN 390 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn.

Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Nhà giàn DK-1 dịp 30.4

Ngọc Vân |

Gần 70 đại biểu kiều bào từ 22 quốc gia đã thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I từ ngày 24 - 30.4.2024.

Lan tỏa tinh thần “tất cả vì Trường Sa thân yêu” đến cán bộ CĐ, đoàn viên

Cát Tường |

Chuyến công tác 7 ngày (từ ngày 6-12.4) đến thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1/11 giúp các đại biểu, cán bộ công đoàn hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; sự cống hiến thầm lặng của quân, dân tại Trường Sa.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Tập đoàn Dabaco đã bị tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính

Trần Tuấn |

Bắc Ninh - Đưa công trình là tòa nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm vào sử dụng khi chưa nghiệm thu, Tập đoàn Dabaco đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Lo ngại về chất lượng nhiều gói thầu dịch vụ công ích tại Cao Bằng

Tân Văn |

Liên tiếp từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Nga Hải đã trở thành nhà thầu trúng nhiều dự án xây lắp, dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, chất lượng của các dự án này lại đang là dấu hỏi.

Nhiều người dân ở TPHCM lại xếp hàng dài từ sáng sớm chờ mua vàng miếng SJC

NGỌC LÊ |

Sáng 10.6, hàng trăm người dân lại tiếp tục xếp hàng chờ đợi trước trụ sở Công ty TNHH MTV thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 (TPHCM) để chờ mua vàng miếng.

Nơi cứ đến Tết Đoan Ngọ, người dân đổ xô đi tắm biển giữa trưa

Thanh Trà |

Ngày Tết Đoan Ngọ (tức 5.5 Âm lịch), hàng nghìn người dân TP Quy Nhơn (Bình Định) và các vùng lân cận đổ xô đi tắm biển vào chính Ngọ.

Vượt sóng, tàu kiểm ngư 390 mang yêu thương đến với Trường Sa

Mai Hương |

Được bàn giao đưa vào sử dụng năm 2016, tàu kiểm ngư số hiệu KN 390 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn.

Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Nhà giàn DK-1 dịp 30.4

Ngọc Vân |

Gần 70 đại biểu kiều bào từ 22 quốc gia đã thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I từ ngày 24 - 30.4.2024.

Lan tỏa tinh thần “tất cả vì Trường Sa thân yêu” đến cán bộ CĐ, đoàn viên

Cát Tường |

Chuyến công tác 7 ngày (từ ngày 6-12.4) đến thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1/11 giúp các đại biểu, cán bộ công đoàn hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; sự cống hiến thầm lặng của quân, dân tại Trường Sa.